Đó là một ý kiến phát biểu quan trọng của PGS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng) trong buổi gặp gỡ báo chí để trao đổi các thông tin về tuyển sinh đại học năm 2013 diễn ra vào ngày 12/3 vừa qua.
Để giúp các phóng viên có cái nhìn tổng quan rõ nét về Trường ĐHKHXH&NV, PGS.TS Nguyễn Văn Kim đã khái quát tình hình phát triển của Nhà trường thời gian qua, trong đó đề cập đến 4 mục tiêu quan trọng mà Trường hướng tới là: không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu; quốc tế hoá các chương trình đào tạo theo kịp sự phát triển của các đại học hàng đầu khu vực và thế giới; tiên phong trong việc triển khai những ngành/chuyên ngành đào tạo mới. Trên cơ sở ấy, các chương trình đào tạo của Trường luôn có sự gắn kết chặt chẽ giữa tính học thuật và đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhờ đó, Nhà trường được xã hội đánh giá rất cao về chất lượng đào tạo cũng như tính nghiêm túc trong mục tiêu đào tạo.
Nhiều điểm mới trong tuyển sinh
Việc mở rộng khối thi vào các ngành KHXH&NV từ 2 khối truyền thống là C,D sang khối A (năm 2010) và khối B (năm 2011) là một quyết định gây chú ý đối với người học. Lí giải cho quyết định này, PGS.TS Nguyễn Văn Kim cho rằng sự phân lập các khối thi hiện nay chỉ mang ý nghĩa tương đối. Bởi triết lí phát triển khoa học đỉnh cao là đề cao năng lực tư duy. Do đó, để phù hợp với triết lí và định hướng phát triển ở trình độ cao, Trường ĐHKHXH&NV luôn muốn tiếp nhận những thí sinh có năng lực tư duy tốt, dù ở bất cứ khối thi nào.
ThS. Đinh Việt Hải (Phó Phòng Đào tạo) cho biết thêm, việc tuyển sinh khối A, B cho các ngành KHXH&NV không phải là mới, mà đã được thực hiện tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây: “Bản thân việc tuyển sinh theo các khối chỉ là một cách thức lựa chọn năng lực của người học. Thí sinh mỗi khối đều có điểm mạnh riêng phù hợp với các chương trình đào tạo của Trường” – ThS. Đinh Việt Hải nói – “do đó, việc mở rộng khối thi thể hiện rõ nét quan điểm của Trường: thí sinh dù ở khối nào cũng có quyền bình đẳng như nhau trong việc lựa chọn và tiếp cận các ngành học KHXH&NV”. Thực tế cho thấy hồ sơ đăng kí dự thi khối A từ 2010 đến nay liên tục tăng. Và quan trọng hơn, số thí sinh khối A trúng tuyển vào Trường đã thể hiện sự thích nghi tốt đối với môi trường học.
Với ý nghĩa đó, ngoài 10 ngành đã tuyển sinh khối A thì năm nay có thêm 02 ngành mới lần đầu tiên tuyển sinh khối thi này là Quan hệ công chúng và ngành Công tác xã hội.
Năm nay, một tin vui đối với sinh viên các ngành khoa học cơ bản của Trường (Chính trị học, Nhân học, Triết học, Lịch sử, Hán Nôm, Văn học) sẽ được hỗ trợ ưu đãi học bổng cho các cá nhân và hỗ trợ các khoá học phát triển kĩ năng, nghề nghiệp ngay từ năm đầu tiên, gồm kĩ năng ngoại ngữ và các kĩ năng phát triển bản thân.
Về sự kiện ngành Quan hệ công chúng (QHCC) lần đầu tiên được tuyển sinh ở Trường ĐHKHXH&NV, TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phó Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông) khẳng định: đây là một quyết định phù hợp với xu thế phát triển chung của khoa học thế giới và đáp ứng nhu cầu xã hội. QHCC là ngành học đầy triển vọng với nhu cầu tuyển dụng nhân lực luôn thuộc hàng “top” hiện nay. TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền nêu ví dụ: “Mỗi một cơ quan Nhà nước, tổ chức phi chính phủ ở Viện Nam hiện nay nếu chỉ tuyển một nhân viên QHCC thì nhu cầu của thị trường lao động đã lên đến hàng trăm nghìn cử nhân QHCC”. Mức lương trung bình cho vị trí làm việc ngành QHCC cũng thuộc dạng khá so với nhiều ngành nghề khác.
Để chuẩn bị cho việc triển khai đào tạo ngành này, nhiều năm qua, Khoa Báo chí và Truyền thông đã cử cán bộ đi đào tạo trình độ ở những nước phát triển, từng bước đưa môn QHCC trở thành môn học giảng dạy chính thức và bắt buộc tại Khoa, qua đó gợi mở các hướng nghề nghiệp liên quan đến ngành nghề này cho sinh viên trong và ngoài khoa. Phó Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông cũng chia sẻ rằng, mục tiêu đào tạo của Khoa là sinh viên tốt nghiệp ngành QHCC phải có nhận thức, kĩ năng nghề nghiệp ở mức độ chuyên nghiệp nhất, đáp ứng những yêu cầu đa dạng và khắt khe của thị trường lao động cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức mà nghề nghiệp đòi hỏi.
Đối mới để đáp ứng nhu cầu xã hội
Chất lượng đầu vào của Trường ĐHKHXH&NV nhiều năm qua cũng như vấn đề đổi mới hoạt động đào tạo của Trường đáp ứng nhu cầu xã hội đối với nhân lực ngành KHXH&NV này là hai trong số các nội dung được báo chí quan tâm nhất trong buổi trao đổi thông tin lần này.
Khi phân tích và đánh giá về tình hình tuyển sinh và việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên các ngành khoa học cơ bản của KHXH&NV, ThS. Đinh Việt Hải có nhận xét: số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học các ngành này ổn định trong 10 năm trở lại đây. Sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học cơ bản có lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp rất rộng, đa dạng. Lấy ví dụ tiêu biểu ở ngành Văn học, khảo sát nghề nghiệp cho thấy sinh viên Khoa Văn học của Trường ngoài làm công việc giảng dạy, nghiên cứu thì hiện tham gia rất mạnh và có thành tựu ở địa hạt biên kịch, truyền hình, báo chí, xuất bản…, thậm chí cả ở lĩnh vực quảng cáo, quan hệ công chúng và nhiều ngành nghề hẹp khác có liên quan. Điều này cho thấy, đào tạo khoa học cơ bản ngành Văn học ở Trường đã cung cấp nền tảng kiến thức và năng lực vững chắc để sinh viên có khả năng thích ứng ở những lĩnh vực hoạt động khác nhau.
ThS. Đinh Việt Hải rút ra nhận định: “Những quan sát trên từ thực tiễn nghề nghiệp của sinh viên sau tốt nghiệp cho thấy bản thân sự phát triển của KHCB nhiều năm qua đã có rất nhiều thay đổi, KHCB đã thực sự tham gia đời sống xã hội một cách sâu rộng chứ không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu tại các trường, viện viện nghiên cứu. Chính nhu cầu xã hội đã thúc đẩy những đổi mới trong việc đào tạo các ngành KHCB”. Hiện nay, theo xu hướng trên, Khoa Văn học Trường ĐHKHXH&NV đã triển khai đào tạo thêm về biên kịch, lí luận phê bình văn học và nghệ thuật điện ảnh. Đây là hướng phát triển mới của nhiều ngành khoa học cơ bản trong Nhà trường, nhằm cung cấp nhân lực phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp đa dạng hiện nay.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về chất lượng đầu vào của Trường nhiều năm qua, PGS.TS Nguyễn Văn Kim khẳng định: điểm chuẩn đầu vào của Trường luôn thuộc “top” cao nhất so với các đại học cùng đào tạo KHXH&NV khác trong cả nước, cho thấy chất lượng đầu vào khá tốt. Bên cạnh đó, tính mục tiêu của các chương trình đào tạo của Trường đã thay đổi, từ việc đào tạo xuất phát từ nhu cầu tự nhân cho đến hướng đến đào tạo phục vụ nhu cầu người học và của xã hội. Để làm điều đó, Trường đã có chiến lược mạnh mẽ đưa đào tạo tín chỉ vào chiều sâu, có bước chuyển mình lớn trong điều chỉnh các chương trình đào tạo đại học, sau đại học theo chuẩn đầu ra, trên cơ sở tham khảo ý kiến của sinh viên, cựu sinh viên, chuyên gia trong và ngoài trường, các nhà tuyển dụng lao động. Trường cũng có cơ chế kiểm tra đánh giá thường xuyên để có điều chỉnh chủ trương, chính sách đào tạo phù hợp với thực tiễn.
Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp ngày càng thực chất
Năm nay, trong công tác tuyển sinh, hoạt động tư vấn hướng nghiệp được đẩy lên một bước. Để tìm kiếm các thí sinh giỏi, Trường ĐHKHXH&NV hướng đến việc thực hiện quảng bá hình ảnh và tư vấn trực tiếp tại các trường THPT chuyên nổi tiếng trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh. Trường tổ chức tư vấn trực tuyến theo từng nhóm ngành trên website. Bên cạnh việc tham gia các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cấp Bộ, ĐHQGHN, cấp Trường, bản thân từng ngành đào tạo của Trường cũng chủ động quảng bá hình ảnh của mình, giúp thí sinh hiểu rõ về từng ngành học để đưa ra quyết định chính xác.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm về tư vấn tuyển sinh, TS. Nguyễn Quang Liệu (Trưởng phòng CT&CTSV) cho rằng hiện nay, học sinh vẫn có xu hướng chọn nghề theo cảm tính và theo lời khuyên của bản bè hơn là tìm đến các thầy cô và chuyên gia tư vấn. Nhận thấy thực tế đó, Trường ĐHKHXH&NV đã tăng cường thông tin tư vấn đến các em thí sinh dưới nhiều kênh khác nhau. Bên cạnh đó, Trường xác định 3 căn cứ để tư vấn tuyển sinh cho các em: dựa trên điều tra khảo sát tình hình việc làm trong 5 năm gần đây của sinh viên tốt nghiệp; dựa vào nhu cầu tuyển dụng hàng năm của các địa phương và tổ chức đối với sinh viên trường; căn cứ vào số thí sinh các tỉnh đỗ vào Trường để có thể dự đoán được số sinh viên sau khi ra trường có khả năng về làm việc tại các địa phương.
Theo TS. Liệu, để tư vấn có hiệu quả, hoạt động tư vấn nên được triển khai sớm hơn, lộ trình tư vấn nên bắt đầu từ chọn khối thi, ngành thi, chọn trường thi cho đến tư vấn phương pháp học và thi hiệu quả. “Làm tốt ngay từ khâu này sẽ giúp tăng cường đáng kể chất lượng đầu ra của Trường” - TS. Liệu nói.
Để kết lại những thông tin trao đổi cùng báo chí, PGS.TS Nguyễn Văn Kim nhấn mạnh một quan điểm của Trường ĐHKHXH&NV: “Trong công tác tuyển sinh, không bao giờ được nói quá lên những thứ mình làm được, mà cần phải nói đúng. Điều cốt lõi và quan trọng trong công tác tuyển sinh, đào tạo, trong việc xây dựng mối quan hệ với người học và xã hội là ở sự chân thành và tinh thần trách nhiệm của cơ sở đào tạo đối với xã hội. Phải lấy chất lượng làm yếu tố căn bản để thu hút người học và tạo dựng niềm tin đối với xã hội.”