Ngày 20/3/2013, Trường ĐHKXH&NV đã tổ chức Hội nghị góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992 có đại diện Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị, các giáo sư, phó giáo sư, các chi bộ; Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Cựu chiến binh Trường.
Phát biểu khai mạc PGS.TS Phạm Xuân Hằng (Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách Nhà trường, nguyên Hiệu trưởng Nhà trường) nhấn mạnh: Trường ĐHKHXH&NV là đơn vị đi đầu trong đào tạo khoa học xã hội và nhân văn do vậy đóng góp cho Dự thảo Hiến Pháp cần phải thể hiện vai trò tiên phong của các nhà khoa học xã hội, góp phần xây dựng một Hiến pháp hoàn thiện hơn và phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam.
Nhiều ý kiến đã góp ý về “Lời nói đầu” Dự thảo viết dài, chưa cô đọng và nên viết lại. Theo PGS.TS Lê Mẫu Hãn thì: “Lời nói đầu” phải khẳng định vị trí của người lập hiến. Viết “Lời nói đầu” nên tham khảo trở lại Hiến pháp 1946, nên tiếp tục học tập theo tư tưởng và phương pháp Hồ Chí Minh để xây dựng Hiến pháp.
Một số ý kiến khác thì góp ý về cấu trúc câu, chữ trong Dự thảo Hiến Pháp ở một vài điều chưa được rõ nghĩa, vẫn còn mơ hồ. Đặc biệt PGS.TS Vũ Quang Hiển đã đưa ra góp ý: tất cả các chữ “lãnh thổ” ở Dự thảo Hiến pháp phải thay bằng “lãnh vực” vì nếu chỉ để là lãnh thổ thì sẽ không bao gồm vùng biển.
Bên cạnh đó, có ý kiến lại cho rằng có những điều viết khá chung, không rõ ràng: điều 42, điều 65. Ngược lại, có nhiều điều quá chi tiết và có nhiều điểm trùng lặp không cần thiết: điều 3, điều 4, điều 16. Các ý kiến đã đề xuất nên viết lại ngắn gọn, tường minh.
Đặc biệt liên quan đến vấn đề giáo dục có ý kiến toàn bộ Hiến pháp chỉ có 11 lần đề cập đến từ giáo dục và chỉ là những từ đi kèm, không có chỗ nào đề cập đến “trường học, giáo viên, giảng viên”. Hay Điều 42 của Dự thảo Hiến pháp “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”, có kiến nghị chỉ ra cần bổ sung: phổ cập giáo dục phải ghi rõ cấp nào…
Hơn 20 ý kiến phát biểu đã đưa ra những góp ý toàn diện và cụ thể chi tiết từng câu, chữ về những điều trong Dự thảo vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Các ý kiến đóng góp cũng đã đưa những đề xuất chỉnh sửa, bổ sung Dự thảo cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Cùng với đó, rất nhiều cán bộ viên chức Nhà trường đã trực tiếp góp ý về Dự thảo Hiến pháp bằng các văn bản đầy đủ và cụ thể.
Thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục ghi nhận, tổng hợp các ý kiến góp ý của cán bộ viên chức để gửi báo cáo đến Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.