Ngày 25/7, lễ chúc mừng GS.NGND Phan Huy Lê được Viện Hàn lâm Văn khắc và Mĩ văn Pháp bầu là Viện sĩ thông tấn nước ngoài đã được tổ chức trang trọng tại số 19 Lê Thánh Tông. Lễ chúc mừng, gặp gỡ thân mật do Trường ĐHKHXH&NV, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức.
Tham dự buổi lễ chúc mừng có đại diện lãnh đạo ĐHQGHN, Trường ĐHKHXH&NV, các nhà sử học lão thành, đồng nghiệp thân thiết và các thế hệ học trò của GS Phan Huy Lê.
Thay mặt lãnh đạo Nhà trường cùng toàn thể cán bộ, viên chức, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh toàn trường, GS.TS Nguyễn Văn Khánh – Hiệu trưởng - phát biểu chúc mừng GS. Phan Huy Lê. Giáo sư Hiệu trưởng khẳng định công lao đóng góp to lớn của GS Phan Huy Lê đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Nhà trường trong hơn nửa thế kỉ qua: Có mặt từ những ngày đầu thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1956, cùng với các giáo sư Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng và nhiều thầy cCô giáo khác cùng thời, được sự dìu dắt của những nhà khoa học tài danh lỗi lạc như các giáo sư Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, GS Phan Huy Lê đã trở thành thế hệ đầu tiên, xây nền đắp móng cho nền Sử học Mác-xít và một số ngành khoa học xã hội - nhân văn khác của Việt Nam.
Thành tựu nghiên cứu của Giáo sư đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền Sử học Việt Nam hiện đại, trở thành niềm tự hào với huyền thoại “tứ trụ triều đình” của Khoa Lịch sử, và đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với nhiều thế hệ cán bộ, sinh viên của Nhà trường và xã hội.
Đối với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) hiện nay, mà tiền thân trực tiếp là Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, bên cạnh Bộ môn Lịch sử cổ trung đại Việt Nam mà Giáo sư đã trực tiếp lãnh đạo trong suốt 30 năm, Giáo sư còn là người có công sáng lập và phát triển một số ngành học mới như Việt Nam học và Đông Phương học, nhờ đó, đã góp phần tăng cường mối quan hệ giao lưu, hội nhập và nâng cao uy tín khoa học của Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện nay, GS Phan Huy Lê là Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Hơn nửa thế kỉ liên tục gắn bó với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, GS Phan Huy Lê đã trực tiếp và góp phần đào tạo được hàng ngàn cử nhân, hàng trăm thạc sĩ và gần hai mươi tiến sĩ. Trong số đó, có những người nay đã trở thành các nhà khoa học có uy tín, có những người là các nhà quản lí và lãnh đạo hiện đang giữ những trọng trách trong các cơ quan giáo dục và nghiên cứu khoa học, quản lí của đất nước.
Tại buổi gặp gỡ chúc mừng, GS Đinh Xuân Lâm, GS Nguyễn Quang Ngọc, GS.TS Mai Trọng Nhuận – Giám đốc ĐHQG, các GS.TS của ĐHQGHN, Trường ĐHKHXH&NV, Khoa Lịch sử, Viện Việt Nam học, Hội Khoa học Lịch sử... đã phát biểu chúc mừng và bày tỏ niềm vinh dự và tự hào trước sự kiện GS Phan Huy Lê được bầu làm Viện sĩ thông tấn nước ngoài.
GS.NGND Phan Huy Lê được bầu làm Viện sĩ thông tấn nước ngoài Viện Hàn lâm Văn khắc và Mĩ văn nước Cộng hoà Pháp là một sự kiện khoa học lớn, là niềm vui chung không chỉ đối với ngành Sử học mà còn đối với tất cả các ngành Khoa học xã hội và Nhân văn Việt Nam. GS Phan Huy Lê là nhà sử học đầu tiên của Việt Nam được vinh dự trở thành Viện sĩ thông tấn nước ngoài của một trong những viện Hàn lâm danh giá bậc nhất châu Âu và thế giới.
Viện Hàn lâm Văn khắc và Mĩ văn (Académie des Inscriptions et Belles-Letres), được thành lập từ năm 1663, là một trong 5 viện hàn lâm khoa học trực thuộc Học viện Pháp quốc (Institut de France) của Cộng hoà Pháp. Đây cũng là một trong những viện hàn lâm lâu đời và danh tiếng của Học viện Pháp quốc.
Viện Hàn lâm Văn khắc và Mĩ văn là một Viện Hàn lâm về khoa học nhân văn, nghiên cứu các lĩnh vực khảo cổ học, lịch sử và ngữ văn thời cổ đại, trung đại cho đến thời cổ điển trên không gian lịch sử rộng lớn từ Tây Âu đến Viễn Đông.