“Dư địa phát triển hợp tác khoa học với các đối tác Đức còn rất lớn”

Thứ năm - 27/04/2023 00:55
Đó là khẳng định của GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN tại phiên họp Tiểu ban “Research at Vietnamese Universities and the Potential Cooperation with Partners in Germany” trong khuôn khổ Chương trình “German Vietnamese Science Day” tổ chức tại Thành phố Đà Nẵng vào chiều ngày 26/4/2023.
Tiểu ban thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học và nhà quản lý
Đồng điệu với góc nhìn của đại diện các trường đại học và viện nghiên cứu đến từ cả hai nước Đức và Việt Nam về những vướng mắc trong chính sách phát triển khoa học, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực khoa học ở cả góc độ nhà nghiên cứu và nhà quản lý, ông thừa nhận còn sự khác biệt không nhỏ trong hoạch định và triển khai chính sách khoa học ở trường đại học.
Quang cảnh phiên khai mạc
Trong khi các nhà khoa học mong muốn tự do phát triển các hướng nghiên cứu riêng và giảm áp lực về tiến độ công bố sản phẩm, trường đại học thường kỳ vọng cán bộ đẩy nhanh hơn tiến độ công bố các sản phẩm khoa học. Thực tế trên không đơn thuần vì chỉ tiêu KPI của đơn vị mà còn từ chính yêu cầu phát triển của đội ngũ cán bộ do yêu cầu bắt buộc để nhà khoa học có thể ứng tuyển đề tài khoa học các cấp, chuẩn hóa học hàm, tham gia hội đồng khoa học, hướng dẫn sau đại học… Phần lớn các hoạt động trên đều yêu cầu các điều kiện liên quan đến chỉ tiêu công bố khoa học trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng Bộ GD &ĐT Nguyễn Văn Phúc trao đổi với Bà Katja Yang (đại diện Quỹ Alexander von Humboldt, CHLB Đức) bên lề phiên hội nghị chiều 26/4/2023
Trao đổi về yêu cầu đảm bảo nguồn tài lực trong nghiên cứu, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn khẳng định sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học của cán bộ và sinh viên theo tinh thần của Nghị định 99/2014/NĐ-CP Quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Thực hiện nghiêm túc Nghị định 99/2014/NĐ-CP sẽ căn bản giải được bài toán đầu tư tối thiểu cho nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, việc thu hút các nguồn kinh phí từ các quỹ khoa học trong nước và quốc tế, từ các nhà tài trợ, từ các nguồn đặt hàng của doanh nghiệp… đóng vai trò quan trọng và phải trở thành “thói quen” đối với các tổ chức và cá nhân nhà khoa học. “Cơ hội tiếp cận các quỹ tài trợ trong nước và quốc tế ngày càng rộng mở, gần như không có giới hạn; vấn đề là đơn vị và các nhà khoa học cần nhìn nhận việc nộp hồ sơ xin tài trợ là một phần “rất tự nhiên trong đời sống học thuật mang tính hội nhập hiện nay, lần này chưa được thì lần sau vẫn có nguyên cơ hội, nhà khoa học không nên “tự ái” nếu hồ sơ của mình bị Quỹ từ chối” - GS.TS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Quang cảnh phiên tọa đàm giới thiệu tiềm năng khai thác các hướng tài trợ của Quỹ Alexander von Humboldt năm 2023 do Trường ĐH KHTN và Trường ĐH KHXH&NV phối hợp tổ chức ngày 21/4/2023

Về thực trạng và tiềm năng hợp tác với các đối tác khoa học đến từ CHLB Đức, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn chia sẻ kết quả và kinh nghiệm của Nhà trường trong hơn hai thập niên qua, khẳng định các trường đại học Đức nói chung, các nhà khoa học Đức nói riêng đã có đóng góp lớn trong việc khẳng định vị thế học thuật của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện nay với tư cách là một trường đại học nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam và trong khu vực trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn, nghệ thuật.
Trong những năm gần đây, số lượng đề tài và dự án Nhà trường triển khai trong khuôn khổ tài trợ của các quỹ khoa học CHLB Đức (DAAD, KAS, FES, Hans Seidel, Gerda Henkel, Humboldt…) tăng trưởng đều. Đặc biệt, các kết quả hợp tác ngày càng thực tiễn hơn, hướng nhiều đến các ấn phẩm khoa học quốc tế chính thức và các tư vấn chuyên môn thiết thực nhằm phát triển kinh tế - xã hội đất nước - bên cạnh các hệ sản phẩm mang tính truyền thống như tọa đàm, kỷ yếu khoa học…
CHLB Đức là quốc gia hàng đầu ở châu Âu trong hoạt động khoa học và đào tạo với đông đảo các trường đại học, viện nghiên cứu đông đảo, và đặc biệt là các quỹ tài trợ. Dư địa để gia tăng trội vượt, có tính đột phá là rất lớn. Vấn đề là các trường đại học Việt Nam cần có chiến lược hợp tác hợp lý để có thể khai thác được tốt nhất không chỉ các nguồn lực tài chính mà quan trọng hơn là các nguồn nhân lực khoa học chất lượng luôn sẵn sàng hợp tác với các đại học Việt Nam.
 
GS.TS Hoàng Anh Tuấn từng là học giả và giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Frankfurt am Main trong các năm 2012-2013 dưới sự tài trợ của Quỹ Alexander von Humboldt (CHLB Đức).
Năm 2017, Quỹ Humboldt bổ nhiệm GS.TS Hoàng Anh Tuấn làm Đại sứ Khoa học (Ambassador Scientist) của Quỹ nhiệm kỳ 2017 -  2020 sau đó tiếp tục gia hạn sang nhiệm kỳ 2020 - 2023.

Tin bài liên quan:
Giảng viên USSH có nhiều cơ hội nhận học bổng NCS từ Quỹ Alexander von Humboldt (CHLB Đức)
 

Tác giả: USSH Media tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây