Tin tức

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: ĐHQGHN truyền cảm hứng cùng khát vọng xây dựng đất nước hùng cường

Thứ sáu - 14/04/2023 10:22
Ngày 14/4/2023, tại Hoà Lạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm, làm việc với ĐHQGHN và trao tặng 5.000 cây xanh cho sinh viên ĐHQGHN.
Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội; đại diện các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nghe lãnh đạo ĐHQGHN báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động nói chung, trong đó có công tác đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như tình hình đào tạo và nghiên cứu khoa học lĩnh vực vi mạch tích hợp bán dẫn của ĐHQGHN.

ĐHQGHN - mô hình giáo dục đại học mang sứ mệnh dẫn dắt, tiên phong
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, ĐHQGHN hiện đã cơ bản hoàn thiện mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ với 9 trường đại học, 5 viện nghiên cứu thành viên và 22 đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ trực thuộc. Tổng số viên chức và người lao động là 4.667, bao gồm 2.634 cán bộ khoa học cơ hữu. Trong số 2.251 giảng viên cơ hữu của ĐHQGHN có 62 GS và 414 PGS, chiếm tỉ lệ 20%; tỉ lệ cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học trên tổng số giảng viên cơ hữu của là 66%. Công bố quốc tế đã trở thành văn hóa học thuật của ĐHQGHN, với số bài báo quốc tế trong hệ thống ISI/SCOPUS không ngừng gia tăng theo các năm, từ 400 bài năm 2012 lên khoảng 1.600 bài năm 2022.
 

Trong thời gian vừa qua, ĐHQGHN đã tập trung triển khai kết luận chỉ đạo của Thủ tướng với trọng tâm là các hoạt động tại Khu đô thị đại học Hòa Lạc. Tháng 5/2022, ĐHQGHN đã chính thức chuyển trụ sở làm việc tới Hòa Lạc, đánh dấu sự chuyển mình của hệ thống hướng tới một không gian phát triển mới cả về cơ sở vật chất, đời sống học thuật và quản trị đại học. Hạ tầng cảnh quan khu đô thị đại học không ngừng được hoàn thiện. Không gian lõi 163,8ha đã được hình thành và đang từng bước mở rộng lên 595ha. Cơ sở vật chất đủ điều kiện và trang thiết bị đáp ứng quy mô đào tạo 6.000 sinh viên hiện nay và đang được nâng cấp hướng tới phục vụ 25.000 sinh viên vào năm 2025. Năm học 2022-2023, ĐHQGHN tổ chức Lễ Khai giảng đầu tiên đón sinh viên chính quy tới học tập, sinh hoạt tập trung tại Hòa Lạc với kết quả tuyển sinh rất tốt. Tới nay đã có 24/36 đơn vị trong ĐHQGHN chuyển trụ sở làm việc và hiện diện tại Hòa Lạc.
Giám đốc Lê Quân cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng khu đô thị ĐHQGHN theo hướng mô hình “5 trong 1”, ĐHQGHN đã xây dựng Khung hành động với các cấu trúc thành phần bao gồm: Khung cảnh quan đô thị; Khung hoạt động đô thị - kinh tế tri thức - giáo dục đại học và Khung hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) nhằm hướng tới mục tiêu: Tổ chức lại không gian tổng thể để thu hút đầu tư theo kinh tế thị trường; Kết nối không gian phát triển tổng thể với các hoạt động trong đô thị để kiểm soát quá trình hình thành và vận hành hoạt động của đô thị - không gian kinh tế tri thức - đại học - khu công cộng và nhà ở cho sinh viên và giảng viên, kết nối với các phân khu đô thị, công nghiệp cận kề, kết nối nhanh với Khu đô thị Hòa Lạc của thành phố Hà Nội...).
Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh, đầu tư cho con người, cho đội ngũ nhà khoa học cũng đặc biệt được chú trọng trong Chiến lược phát triển ĐHQGHN. Nhiều chính sách đã được ban hành nhằm phát huy nội lực và ươm mầm nhà khoa học trẻ, hỗ trợ giảng viên, cán bộ và người học với nhiều điểm ưu việt và hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng tạo động lực để giảng viên, nhà khoa học hăng say đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, góp phần thu hút, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao.

Công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghiệp thiết kế vi mạch tích hợp bán dẫn
Về tình hình đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghiệp thiết kế vi mạch tích hợp bán dẫn, đây là một lĩnh vực liên ngành của nhiều ngành khoa học cơ bản, công nghệ, kỹ thuật khác nhau. Nhân lực thiết kế vi mạch đòi hỏi tư duy thiết kế, tư duy giải quyết vấn đề thay vì chỉ hiểu và nắm bắt nguyên lý hoạt động của hệ thống. Do tính chất liên ngành và yêu cầu cao về chất lượng, ĐHQGHN là một trong các đơn vị tiên phong của Việt Nam có năng lực tham gia và dẫn dắt hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phát triển ứng dụng liên quan bao gồm cả công nghệ thiết kế và công nghệ chế tạo vi mạch.
Hàng năm, ĐHQGHN cung cấp khoảng 1.200 sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan trực tiếp đến thiết kế vi mạch và các ngành gần. Tổng số sinh viên đã tốt nghiệp các ngành này tại ĐHQGHN vào khoảng trên 12.000. Nhiều sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của ĐHQGHN tốt nghiệp các chương trình này hiện đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch ở các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

ĐHQGHN hiện có 09 nhóm nghiên cứu mạnh, 06 phòng thí nghiệm được đầu tư trong lĩnh vực này. Định hướng phát triển công nghệ thiết kế vi mạch tại ĐHQGHN tập trung vào triển khai các mô hình hệ thống trên chip IoT kết hợp trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong đô thị thông minh và xã hội số, chuyển đổi số, nông nghiệp số. Bên cạnh đó, các nhóm nghiên cứu cũng quan tâm đến việc thiết kế các chip bảo mật ứng dụng trong an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia thông qua các hợp tác nghiên cứu với Ban Cơ yếu Chính phủ, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự.
Bên cạnh công nghệ thiết kế, với truyền thống và thế mạnh về vật lý, hóa học, lĩnh vực chế tạo bán dẫn cũng được các nhà khoa học ĐHQGHN quan tâm trong hàng chục năm qua với một số sản phẩm công nghệ vật liệu màng mỏng, công nghệ cảm biến hồng ngoại, công nghệ cảm biến từ trường…
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân kiến nghị Chính phủ hỗ trợ ĐHQGHN thành lập Trung tâm Hỗ trợ Thiết kế và đo kiểm vi mạch quốc gia (IC Design House) đặt tại Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc và là nguồn lực dùng chung cho nền công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Với thế mạnh về khoa học cơ bản, khoa học vật liệu, không gian mới tại Khu đô thị Hòa Lạc, ĐHQGHN có cơ hội và tiềm năng phát triển lĩnh vực công nghiệp thiết kế vi mạch tích hợp bán dẫn nói riêng và các lĩnh vực công nghệ cao nói chung, xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo và nghiên cứu về vi mạch tích hợp bán dẫn trong chương trình đào tạo tài năng và xuất sắc về công nghệ 4.0 của Bộ GD&ĐT.

Nơi hội tụ các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và thế giới
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao và chúc mừng ĐHQGHN về những thành tích đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển và sự nghiệp giáo dục đào tạo của cả nước, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng nhấn mạnh, ĐHQGHN luôn gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các lớp cha anh đi trước đã làm nên thương hiệu ĐHQGHN như ngày nay. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng và mong muốn ĐHQGHN phát huy truyền thống lịch sử này; quyết tâm giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp và trồng thêm nhiều cây xanh.

Thủ tướng ấn tượng về các sinh viên khỏe mạnh, vui tươi, học hành nghiêm túc, nghiên cứu khoa học, hoạt động thể chất, thể thao, văn hoá sôi nổi, thể hiện sự trẻ trung, tri thức, nguồn lực dồi dào về nhân lực của đất nước ta. Thủ tướng cũng ấn tượng khi thăm khu trưng bày nghiên cứu chip bán dẫn và các ngành liên quan của ĐHQGHN, nhưng từ giai đoạn nghiên cứu này ra được giai đoạn sản xuất thương mại còn nhiều khó khăn, cần phải tháo gỡ.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Qua sự biến động của thế giới vừa qua thì điều này càng được thể hiện rõ.
“Muốn vậy phải có kiến thức, tri thức, giao lưu học hỏi phù hợp hoàn cảnh, điều kiện đất nước. Giáo dục đào tạo kế thừa truyền thống hiếu học của dân tộc, nhưng cũng phải tiếp cận những thành quả của nhân loại trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chúng ta không thể đứng một mình. Về vấn đề nghiên cứu chip là thấy rõ, chúng ta phải nghiên cứu, phải hợp tác, đặt hàng… Điều đó đặt ra phải liên kết trong đào tạo, bồi dưỡng, học hỏi những mô hình hay, tiên tiến của thế giới” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chỉ rõ, vấn đề đặt ra là phải đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu cơ bản, nhân lực liên quan đến quản lý, thực hành, ứng dụng để bảo đảm toàn diện, bao trùm, tổng thể nhưng phải cân bằng điều kiện phát triển đất nước; đẩy mạnh đào tạo các kỹ sư nghiên cứu ứng dụng về chip, vi mạch. Theo Thủ tướng, việc đào tạo cần tập trung vào các ngành đang có xu thế trên thế giới, phát triển bền vững, phải đi đúng hướng, phù hợp hoàn cảnh, con người Việt Nam. Xuyên suốt quá trình này vẫn là con người; phải có giáo dục, học tập, phát huy được hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, do đó phải đi thẳng vào những lĩnh vực mũi nhọn và xu thế mà thế giới đang tập trung phát triển; đó là chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường.

Thủ tướng mong ĐHQGHN bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hoá để thực hiện; chúng ta cần cùng nhau suy nghĩ để làm tốt việc này. Con người phải có giáo dục, học hành, nuôi dưỡng, bồi dưỡng nhân tài để phân bổ nguồn lực, phát huy mọi khả năng để khai thác mọi tiềm năng, cơ hội để phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng vui mừng về truyền thống lịch sử của ĐHQGHN, các thế hệ lãnh đạo luôn kế thừa và phát huy, đạt được kết quả như hôm nay, trong quá trình này luôn có nhiều bước phát triển đáng ghi nhận, là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài. Khu đô thị đại học từng bước hoàn thiện xanh, sạch, đẹp, phù hợp xu thế chung của thế giới.
“Đây phải là mô hình điển hình cho các đại học cả nước. Chính phủ, các bộ, ngành sẽ cùng với ĐHQGHN để tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, bảo đảm có đủ trang thiết bị để gắn học tập với thực hành” - Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng mong ĐHQGHN ổn định cơ sở vật chất, đào tạo kiến thức, thể chất toàn diện, gắn nghiên cứu khoa học với giáo dục đào tạo và nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đất nước. Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu để triển khai đầu tư xây dựng kết nối giao thông đa dạng, thuận tiện từ trung tâm thành phố tới đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Phát triển ĐHQGHN tầm cỡ, hiện đại, uy tín hàng đầu trong khu vực và quốc tế
Về phát triển thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, thế giới đang biến đổi nhanh, hàm lượng tri thức cao, việc ứng phó những thách thức an ninh phi truyền thống cũng phải nhanh, kịp thời, hiệu quả. Dự báo tình hình sắp tới khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Do đó phải thích ứng với những điều này, muốn vậy phải có tri thức, phải có đào tạo, nghiên cứu; tập trung vào kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu.

Thủ tướng đề nghị ĐHQGHN tập trung làm tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, phát huy bề dày lịch sử, coi đây là tài sản vô giá, phải nâng cao hiệu quả hơn nữa những bài học hay, kinh nghiệm quý, cách làm hiệu quả; tiếp tục xây dựng và củng cố tập thể đoàn kết, vững mạnh, không ngừng đổi mới sáng tạo phù hợp tình hình, hoàn cảnh mới để xây dựng ĐHQGHN thành một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học theo mô hình hiện đại, có tầm cỡ, uy tín trong khu vực và quốc tế; có khát vọng vươn lên, đột phá; phát triển toàn diện cả bề rộng và chiều sâu, tập trung vào một số lĩnh vực khoa học cơ bản, đào tạo chuyên ngành, mũi nhọn, chất lượng cao, có thế mạnh của Việt Nam, phù hợp với xu thế của thế giới, nhất là đào tạo chuyên sâu các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Thứ hai, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển đồng thời cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn, khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là góp phần phát triển, hoàn thiện nền tảng tư tưởng, cung cấp luận cứ khoa học, tin cậy cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định chiến lược, xây dựng chủ trương, đường lối, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị.
Thứ ba, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, tập trung giải quyết những vấn đề lớn, điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc cả về lý luận và thực tiễn ở cấp quốc tế, quốc gia cũng như cấp địa phương. Tình hình thay đổi thì tư duy cũng phải thay đổi phù hợp, có vậy mới tranh thủ sức mạnh của nhân dân. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thương mại hóa các kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học trên cơ sở tăng cường hợp tác công tư; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào những ngành mới nổi, những ngành mũi nhọn.

Thứ tư, phải thể hiện khát vọng vươn lên, tập trung phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên chất lượng cao, đẳng cấp khu vực, quốc tế. Trong quá trình này phải chú ý đặc thù của đất nước. Đây là những nền tảng quan trọng của ĐHQGHN, do đó phải có khát vọng lớn hơn đi cùng khát vọng của đất nước, có như vậy mới tạo sức lan toả, truyền cảm hứng cho việc đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học theo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, xu thế của thời đại.
Tiếp tục phát huy, nhân rộng các hình thức tuyển sinh phù hợp, hiệu quả, trong đó có hình thức Đánh giá năng lực học sinh THPT; từ thực tiễn, ĐHQGHN cần đề xuất các cơ chế, chính sách để phát triển; có cơ chế khuyến khích sinh viên vào học các ngành khoa học cơ bản, ngành đặc thù, ngành hiếm để vừa phục vụ bảo tồn, phát huy bản sắc, giá trị riêng có của quốc gia, dân tộc, vừa phục vụ sự phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Đặc biệt quan tâm, tăng cường đầu tư cho lĩnh vực phát triển nhân lực nghiên cứu về công nghệ vi mạch tích hợp bán dẫn ở Việt Nam; chú trọng đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa trong lĩnh vực này; thu hút đầu tư; thích ứng hoàn cảnh đất nước, thực hiện khát vọng của đất nước, vừa có tính chất bao trùm, xuyên suốt, tổng thể, toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực ở khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, đặc biệt là vùng miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Thứ năm, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, sớm hoàn thành dứt điểm nhiệm vụ xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc, hình thành một khu đô thị đại học xanh, hiện đại, thông minh, ngang tầm khu vực theo mô hình 5 trong 1; tăng cường hợp tác công tư trong đào tạo và mạnh dạn làm thí điểm.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành có liên quan và UBND thành phố Hà Nội tích cực phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để sớm giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc của ĐHQGHN.
Thủ tướng nhắn nhủ tới các thế hệ sinh viên ĐHQGHN cần tự hào với môi trường học tập có bề dày lịch sử, mỗi sinh viên cần nuôi dưỡng đam mê, ấp ủ hoài bão, thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết để cùng bạn bè, đồng nghiệp phấn đấu vươn lên, làm chủ cuộc sống và có nhiều đóng góp tích cực cho bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội.
Về những kiến nghị, đề xuất của ĐHQGHN, Thủ tướng giao ĐHQGHN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm Hỗ trợ thiết kế đo kiểm vi mạch quốc gia và Phòng thí nghiệm chế tạo vi mạch đặt tại Hòa Lạc do ĐHQGHN chủ trì vận hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
ĐHQGHN là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn, có uy tín hàng đầu của Việt Nam, nhất là đào tạo về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thiết kế vi mạch. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT xem xét, giao ĐHQGHN là đơn vị đầu mối xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo, nghiên cứu về vi mạch tích hợp thuộc Đề án “Phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0”.
Thủ tướng đề nghị, ĐHQGHN phối hợp với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm công nghệ, kết hợp cải tạo giao thông để Hòa Lạc sớm trở thành đô thị vệ tinh lớn nhất của thành phố Hà Nội theo quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

ĐHQGHN luôn duy trì vị trí top 801-1.000 trong bảng xếp hạng ĐH thế giới của QS Rankings và không ngừng gia tăng thứ hạng tương quan với các cơ sở giáo dục đại học khác trong những năm gần đây. Theo Webometrics tháng 1/2023, ĐHQGHN tăng 97 bậc so với kết quả công bố hồi tháng 8/2022, từ 758 lên 661 thế giới, duy trì vị trí số 1 Việt Nam. ĐHQGHN đang được xếp vào vị trí top 101-150 Bảng xếp hạng QS các đại học trẻ của thế giới (có thời gian thành lập dưới 50 năm) với 5 lĩnh vực nằm trong top 500 thế giới. (Toán học thuộc top 351-400, các lĩnh vực Cơ kỹ thuật, hàng không và chế tạo, lĩnh vực Vật lý và thiên văn học, lĩnh vực Kinh doanh và Nghiên cứu quản lý, lĩnh vực Kỹ thuật điện và điện tử thuộc top 451-500 và lĩnh vực Khoa học máy tính và hệ thống thông tin thuộc top 501-550). Trong năm 2022, ĐHQGHN đã giành được giải thưởng Công nhận về sự cải tiến chất lượng (Recognition of Improvement) của tổ chức xếp hạng QS, là đại học đầu tiên của Việt Nam đạt được sự ghi nhận này.
ĐHQGHN tiếp tục thể hiện tốt vai trò và uy tín học thuật trong việc thực hiện các nhiệm vụ quốc gia. Hàng chục công trình nghiên cứu cung cấp cơ sở và luận cứ khoa học phát triển đất nước trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong thời gian qua, một số nhiệm vụ khoa học có quy mô lớn tầm cỡ quốc gia, quốc tế được ĐHQGHN triển khai như: Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm phát triển bền vững vùng Tây Bắc; Nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam”; Nhiệm vụ đặc biệt cấp Quốc gia “Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông”...
Hoạt động đào tạo của ĐHQGHN có nhiều đột phá quan trọng, với việc lần đầu tiên xây dựng và ban hành cùng lúc quy chế đào tạo các bậc học của ĐHQGHN, mở mới các chương trình đào tạo bậc đại học theo hướng liên ngành, xuyên ngành trên cơ sở tăng tỷ trọng đào tạo các ngành kỹ thuật - công nghệ, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này, đáp ứng nhu cầu xã hội. Với trên 500 chương trình đào tạo ở các bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, đến nay, ĐHQGHN đã đạt cơ cấu ngành nghề đào tạo như sau: khoa học tự nhiên, y dược 25%; khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế, ngoại ngữ, luật, giáo dục 40%; công nghệ - kỹ thuật 20%; liên ngành và thí điểm 15%. ĐHQGHN đã tích cực chuyển đổi cơ cấu ngành nghề từ khoa học cơ bản sang gắn với kỹ thuật, công nghệ và thực tiễn. Nhờ vậy, ngành nghề đào tạo của ĐHQGHN nhanh chóng tiếp cận hội nhập với thế giới, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp và doanh nghiệp, cũng như tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngày càng cao.
Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng được nâng tầm với việc ban hành Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. ĐHQGHN tập trung nguồn lực để triển khai các chương trình/đề tài KH&CN trọng điểm quốc gia với 35 nhóm nghiên cứu mạnh, 01 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 09 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQGHN, 38 phòng thí nghiệm mục tiêu, 140 trung tâm nghiên cứu/phòng thí nghiệm chuyên đề, 22 trung tâm nghiên cứu/phòng thí nghiệm thực hành cơ sở. Các nhà khoa học của ĐHQGHN đóng góp hơn 1.500 bài báo khoa học trên các tạp chí ISI và SCOPUS mỗi năm, gần 100 sáng chế, giải pháp hữu ích, 15 sản phẩm chuyển giao và khởi nghiệp. Đây là nền tảng giúp gia tăng uy tín của ĐHQGHN trong tư vấn chính sách cho các cơ quan Trung ương, hợp tác với các đối tác triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp.

ĐHQGHN đang triển khai 5 chương trình đào tạo sau đại học trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bao gồm: Thạc sĩ Kỹ thuật điện tử (Trường ĐH Công nghệ); Thạc sĩ Khoa học và Kỹ thuật máy tính (Viện Công nghệ Thông tin); Thạc sĩ Vật lý, chuyên ngành Công nghệ bán dẫn (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, CTĐT liên kết với Đài Loan); Tiến sĩ Kỹ thuật điện tử (Trường ĐH Công nghệ); Tiến sĩ Khoa học và Kỹ thuật máy tính (Viện Công nghệ Thông tin).
Bên cạnh những đóng góp trực tiếp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, xuất bản hàng trăm bài báo khoa học và đăng ký nhiều bản quyền sở hữu trí tuệ, các nhóm nghiên cứu đã phát triển được một số sản phẩm nổi bật liên quan tới công nghệ bán dẫn có tính thương mại hóa cao như: Vi mạch mã hóa tín hiệu video theo chuẩn tiên tiến H.264/AVC (VENGME), Vi mạch thu phát IoT băng tần kép ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (IoTA), Vi mạch bảo mật hạng nhẹ cho IoT (SNACk), Vi mạch bảo mật cho thẻ RFID, Vi mạch và thiết bị IoT an toàn dùng trong đô thị thông minh (Secu-IoT), Hệ thống nhúng cảnh báo cháy, Giải pháp thiết kế cấp nguồn thông minh, Linh kiện cảm biến đo từ trường, Thiết bị La bàn điện tử; Chip cảm biến ảnh hồng ngoại nhiệt, Camera ảnh hồng ngoại nhiệt…
Để tiếp cận với lĩnh vực có tính đa ngành cao, công nghệ hiện đại, các đơn vị đào tạo, nghiên cứu của ĐHQGHN đã chủ động tăng cường hoạt động hợp tác nghiên cứu với các đối tác uy tín trong nước và quốc tế: Hoa Kỳ (University of California, Davis; University of Illinois Urbana-Champaign, University of South Florida, hãng sản xuất chip Global Foundry, hãng sản xuất chip Avnet/AMD…); Hà Lan (Delft University of Technology, University of Twente); Pháp (CEA-Leti/Minatec, University Paris-Saclay, University Grenoble Alpes…); Đức (Trường Đại học RWTH Aachen, Siemens/Mentor Graphics...); Tây Ban Nha (Viện Công nghệ Micro/Nano – Trung tâm Quốc gia về Vi điện tử); Nhật Bản (AIST, JAIST, IMRA, Osaka University, Wasada University, UEC, University of Tokyo…); Hàn Quốc (KAIST, Daegu Gyeongbuk Institute of Science and Technology (DGIST),…); Đài Loan, Trung Quốc (National Chung Cheng University, Trường Đại học Quốc gia Thanh Hoa, National Chiao Tung University, National Chiao Tung University, hãng sản xuất chip TSMC…)

Báo chí đưa tin về sự kiện:

Người Lao động: Đại học Quốc gia Hà Nội giữ vai trò đầu tàu trong hệ thống giáo dục ĐH
Báo Nhân dân: Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học FPT
Báo Giáo dục và thời đại: Xây dựng ĐHQGHN thành cơ sở đào tạo uy tín khu vực và quốc tế
Báo Hà Nội mới: Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giáo dục, đào tạo phải gắn với nhiệm vụ phát triển đất nước

Tác giả: Song Minh - VNU Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây