Ngôn ngữ
Bài thuyết trình của GS. Vincent J.H. Houben đề cập đến lịch sử của quá trình di cư lao động từ đảo Java, Indonesia tới những khu vực khác nằm ngoài Indonesia, nơi vốn là thuộc địa của Hà Lan trong giai đoạn thực dân. Qua việc mô tả rõ thực trạng của quá trình tuyển dụng lao động, luật pháp lao động và điều kiện lao động người Java ở nhiều nơi khác nhau, ông khái quát lại những đặc trưng của quá trình di cư này và tầm quan trọng của việc nghiên cứu lịch sử quá trình ấy.
Theo GS. Vincent J.H. Houben, lịch sử lao động di cư ở Java thời kỳ thuộc địa chứa đựng nhiều vấn đề thú vị, có những yếu tố chung của di cư và nô lệ trên thế giới nói chung và đặc điểm riêng của từng khu vực nói riêng. Cụ thể, lao động di cư ở Java cũng mang hình thức của lao động làm thuê ở các đồn điền thực dân. GS. Vincent J.H. Houben hình thức lao động này nằm giữa nô lệ và lao động tự do, tức là không mang địa vị nô lệ nhưng chịu sự kiểm soát của hợp đồng và cơ quan thuê lao động.
Giáo sư Vincent J.H. Houben (Ảnh: Thành Long)
Tuy nhiên, ở mỗi khu vực mà lao động Java di cư tới, họ lại trải qua những điều kiện làm việc khác nhau. Nếu ở New Caladonia, thuộc địa trước đây của Pháp, lao động Java được đối xử bình đẳng với người Pháp, được làm người giúp việc trong nhà của họ, học tiếng Pháp, thậm chí chuyển đạo từ Hồi giáo sang Thiên chúa giáo; thì ở Bắc Borneo, thuộc địa nước Anh, họ gặp phải tình trạng lao động xấu và tiêu cực, bị bỏ đói và lạm dụng lao động, lương không trả thường xuyên, và bị coi là tầng lớp thấp trong xã hội. Tỉ lệ lao động di cư thiệt mạng ở New Caladonia cũng thấp hơn nhiều so với ở Bắc Borneo. Ngoài ra, còn có những nơi mà lao động di cư được đối xử tốt và công bằng, nhưng tỉ lệ lao động chết lại rất cao, ví dụ như ở Malaya. Tất cả tạo thành bức tranh đa dạng về những luồng di cư ở nhiều nơi khác nhau, đòi hỏi người nghiên cứu phải nắm rõ số liệu điều tra về người lao động và so sánh, đối chiếu giữa các khu vực.
Qua việc phân tích lịch sử lao động di cư ở Java, GS. Vincent J.H. Houben cho rằng ta có thể sử dụng lịch sử này để so sánh và đối chiếu với lịch sử lao động di cư ở những nước khác như Việt Nam, Lào, Maledonia. Từ đó ta thấy rằng lịch sử lao động di cư người Java là một phần của lịch sử xuyên quốc gia về lao động và di cư nói chung, dù ở mỗi nơi lịch sử ấy lại mang những nét khác biệt và đặc thù. Chính vì vậy ta cần kết hợp giữa lịch sử quốc gia, với công cụ nghiên cứu là khu vực học, và lịch sử xuyên quốc gia, toàn cầu để xây dựng bức tranh toàn cảnh của bất cứ vấn đề lịch sử nào.
Cuối buổi thuyết trình, nhiều giảng viên và sinh viên đã đặt câu hỏi cho GS. Vincent J.H. Houben về những vấn đề liên quan.
Tác giả: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn