Ngôn ngữ
Tham dự Hội nghị có TS. Tạ Quang Minh (Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ), PGS.TS Phạm Quang Minh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) cùng nhiều nhà khoa học đến từ các trường ĐH trên.
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Phạm Quang Minh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) đã đề cập đến tầm quan trọng của hoạt động SHTT như là một trong các nội dung cơ bản của các chương trình hợp tác kinh tế đa phương và song phương, trong đó có các thiết chế kinh tế mà Việt Nam đang tham gia. Việc tăng cường bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam nhằm đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế thực sự đã trở thành đòi hỏi cấp thiết. Trong khi Việt Nam đã và đang đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc xây dựng pháp luật về SHTT thì việc thực thi các qui định đó trên thực tế mới chỉ được triển khai bước đầu và chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
PGS.TS Phạm Quang Minh nhấn mạnh, để đưa hệ thống bảo hộ quyền SHTT của Việt Nam thực sự trở thành một hệ thống có hiệu quả đòi hỏi phải có những biện pháp mang tính đồng bộ và tổng hợp trên nhiều phương diện. Trong đó, việc phát triển nguồn nhân lực SHTT và nâng cao hiểu biết cộng đồng về SHTT thông qua các chương trình đào tạo, giáo dục về SHTT tại các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Với ý nghĩa đó, Hội nghị Khoa học sinh viên về SHTT với sự tham gia của nhiều trường ĐH trên địa bàn Hà Nội là diễn đàn thường niên, hướng tới việc kết nối các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn và các giảng viên, sinh viên quan tâm tới SHTT để cùng hướng tới thúc đẩy hiệu quả thực thi SHTT ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
PGS.TS Phạm Quang Minh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) (hàng trên, thứ ba từ trái sang) và TS. Tạ Quang Minh (Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ) (hàng trên, thứ tư từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu và sinh viên tham dự Hội nghị Khoa học Sinh viên về SHTT
Hội nghị đã nhận được 23 báo cáo nghiên cứu khoa học sinh viên tới từ năm trường đại học. Các báo cáo đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau trong lĩnh vực SHTT, từ việc phản ánh thực trạng vi phạm SHTT tại nhiều ngành nghề lĩnh vực, những bất cập trong các quy định hiện hành về SHTT tại Việt Nam… cho đến việc nhận diện những khó khăn của SHTT Việt Nam khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các diễn đàn quốc tế. Nhiều báo cáo đề cập đến vấn đề SHTT thông qua những sự kiện thời sự nổi bật hiện nay như: vấn đề vi phạm bản quyền của Flappy Bird, vi phạm bản quyền sách, vấn đề bảo hộ bí mật kinh doanh, bảo hộ nhãn hiệu tập thể…
Kết thúc Hội nghị, Ban Tổ chức đã trao các giải thưởng:
- 01 Giải Nhất: Đào Thị Mai Quyên (ĐH Ngoại thương) với đề tài “Đàm phán về Sở hữu trí tuệ trong Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)”.
- 02 Giải Nhì: Đào Thị Giang (Trường ĐHKHXH&NV) với đề tài “Thách thức và giải pháp cho sự phát triển của ngành dược Việt Nam trong bối cảnh tham gia hiệp định TRIPS”; Phạm Thị Thùy (ĐH Kinh tế quốc dân) với đề tài “Xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận nước mắm Cái Rồng tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh”.
- 02 Giải Ba: Nguyễn Tiến Đạt, Nguyễn Minh Trang (ĐH Thương Mại) với đề tài “Thực trạng tranh chấp nhãn hiệu hàng hóa và đề xuất một số giải pháp bảo vệ cho doanh nghiệp tại Việt Nam”; Thái Hoàng Long (ĐH Luật Hà Nội) với đề tài “Thực trạng định giá tài sản trí tuệ Việt Nam hiện nay”.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn