Ngôn ngữ
(Ảnh: Thành Long/USSH)
GS.TS Daniel WEISSBERG
Từng giữ cương vị là Giám đốc Cơ quan Đại học Pháp ngữ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (AUF) tại Hà Nội, rồi là Phó Giám đốc phụ trách quan hệ Quốc tế của ĐH Toulouse Le Mirail, GS.TS. Daniel WEISSBERG đã có nhiều đóng góp cho nền giáo dục và khoa học của Việt Nam và cả khu vực.
GS.TS Daniel WEISSBERG đã góp phần xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo các lớp song ngữ từ lớp 1 đến lớp 12 tại khu vực. Dưới sự lãnh đạo của GS.TS. Daniel WEISSBERG, Văn phòng AUF châu Á - Thái Bình Dương đã tạo dựng một hệ thống hơn 60 chuyên ngành mới bằng tiếng Pháp, trong đó tại Việt Nam được triển khai hơn 50 chuyên ngành. Riêng ở ĐHQGHN, các chuyên ngành Tâm lí học lâm sàng (Trường ĐHKHXH&NV), Luật hợp tác quốc tế (Khoa Luật), Vật lí hạt nhân, Hóa học (Trường ĐHKHTN)… đã cung cấp những kiến thức hiện đại và phương pháp đào tạo tiên tiến cho người học.
Riêng ở Trường ĐHKHXH&NV, ngoài chuyên ngành song ngữ Pháp-Việt ở bậc Cử nhân về Tâm lý học lâm sàng, Nhà trường còn tổ chức đào tạo 3 chương trình thạc sĩ về Quản lý Khách sạn, Tâm lí học Phát triển trẻ em và Thanh thiếu niên và Quản lí chính sách công và doanh nghiệp (MAPE) dưới sự hỗ trợ của ĐH Toulouse Le Mirail và AUF. Đây là những chương trình đào tạo hợp tác đạt hiệu quả cao về chất lượng và tính bền vững tại Việt Nam.
Với tư cách là Giám đốc AUF tại châu Á-Thái Bình Dương, GS.TS Daniel WEISSBERG đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế giữa ĐHQGHN nói chung, Trường ĐHKHXH&NV nói riêng với hàng chục trường đại học có sử dụng tiếng Pháp trên thế giới. Nhờ đó, Trường ĐHKHXH&NV đã và đang tham gia tích cực và hiệu quả vào Diễn đàn hiệu trưởng các trường đại học có sử dụng tiếng Pháp tại châu Á-Thái Bình Dương. Nhiều chương trình hợp tác quốc tế đã được kí kết và triển khai thực hiện hiệu quả, trong đó có nhiều hội thảo khoa học quốc tế, tiêu biểu như: Điện Biên Phủ - 50 năm nhìn lại (2004); 100 năm đào tạo và nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn (2005); Tạo dựng hoạt động kinh tế - xã hội phục vụ phát triển bền vững địa phương – Trường hợp vùng Tây Bắc và Sơn La (2010)… Thông qua chương trình hợp tác nghiên cứu liên vùng giữa Midi – Pyrénées (CH Pháp) và tỉnh Sơn La của Việt Nam, GS.TS Daniel Weissberg đã thúc đẩy việc tìm kiếm nhiều học bổng nghiên cứu thực địa cho học viên Việt Nam với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng.
GS.TS Daniel WEISSBERG đã và đang trực tiếp hướng dẫn đào tạo 08 tiến sĩ cho Việt Nam nói chung và cho ĐHQGHN nói riêng. Tất cả các luận án này đều hướng vào việc phát hiện, giữ gìn và phát huy giá trị di sản, bản sắc và cảnh quan của Việt Nam.
Trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển về Việt Nam, GS.TS Daniel Weissberg cũng để lại nhiều dấu ấn khi giữ vai trò chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu xây dựng thành phố cỡ vừa ở thành phố Hồ Chí Minh (1997 – 2000) và Chương trình nghiên cứu về sản xuất cà phê và phát triển nông thôn ở Tây Nguyên. Hiện nay, GS,TS. Daniel WEISSBERG là thành viên chủ chốt trong nhóm nghiên cứu phát triển cộng đồng tại Sơn La với chủ đề “Nhà văn hoá du lịch cộng đồng”.
GS. Odette LESCARRET
GS.TS. Odette LESCARRET - nguyên Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Đại học Nîmes, nguyên Thành viên Hội đồng các chuyên gia tâm lý học của Đại học Toulouse Le Mirail, Đại học Montpellier III và Đại học Nimes - là người tham gia thành lập và chủ trì Chương trình Thạc sĩ Tâm lý học Phát triển Trẻ em và Thanh thiếu niên của Đại học Toulouse le Mirail. Bà đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển đào tạo, nghiên cứu và thực hành tâm lý học lâm sàng tại Việt Nam. Có thể nói rằng, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu về Tâm lý học lâm sàng mang tính chất “học phái” đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là nhờ sự đóng góp quan trọng của GS.TS. Odette LESCARRET.
Với tư cách là chủ tịch Hiệp hội vì sự Phát triển Giáo dục và Tâm lý học tại Đông Nam Á (ADEPASE), GS. Odette Lescarret đã góp phần hình thành một nền tâm lý học trẻ em đặc trưng cho nền văn hóa Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng thực hành tâm lý học tại các trường học tại Hà Nội, tham gia giúp đỡ Học viện Quản lý giáo dục Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện Chương trình Thạc sĩ về Can thiệp những đối tượng cần sự giáo dục đặc biệt, với sự hỗ trợ kinh phí của Đại sứ quán Pháp.
Năm 1995, với tư cách là người phụ trách chương trình Thạc sĩ thực hành về Tâm lý học Trẻ em và Thanh thiếu niên tại Đại học Toulouse le Mirail, Chủ tịch Hiệp hội Quốc gia Tổ chức các nhà tâm lý học Pháp (ANOP), GS.TS Odette Lescarret đã sang Việt Nam theo đề xuất của BS tâm thần nhi Nguyễn Khắc Viện để thực hiện các hoạt động hợp tác trong thực hành nghề chăm sóc và giáo dục con người với Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục Quốc gia, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN), Trường Đại học sư phạm…
Năm 1997, Giáo sư đã quyết định chọn Khoa Tâm lý học thuộc Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) để thúc đẩy ký kết văn bản hợp tác đầu tiên. Từ đây, một mạng lưới các trường đại học Pháp ngữ tại nhiều nước trên thế giới đã được thiết lập và tích cực tham gia vào công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Tâm lý học lâm sàng.
Từ năm 1997, với sự hỗ trợ của AUF, Đại sứ quán Pháp, GS.TS Odette LESCARRET đã cùng các cán bộ, giảng viên của Khoa Tâm lý học, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong khoa học và đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của trường và Việt Nam, với nhiều hội thảo quốc tế có tiếng vang như: Trẻ em, Văn hóa, Giáo dục” (2000); “Trẻ em, Thanh thiếu niên và sự trợ giúp” (2003) và “Nông thôn trong quá trình chuyển đổi” (2006). Bên cạnh đó, GS Odette LESCARRET còn tích cực đề xuất ý tưởng và từng bước xây dựng thực hiện thành công năm 2 chương trình đào tạo Tâm lí học lâm sàng Pháp ngữ ở bâc đại học (vào năm 2001) và Chương trình Thạc sĩ Thực hành về Tâm lý học Phát triển Trẻ em và Thanh thiếu niên được triển khai từ năm 2007 đến nay.
Là chuyên gia lớn trong lĩnh vực Tâm lý học phát triển và Tâm lý học xã hội, GS.TS. Odette Lescarret đã và đang trực tiếp hướng dẫn đào tạo nhiều thạc sĩ và tiến sĩ Tâm lý học cho Việt Nam nói chung và ĐHQGHN nói riêng. Số tiến sĩ Tâm lý học do GS hướng dẫn luận án chiếm gần một ½ tổng số tiến sĩ Tâm lý học được đào tạo tại Pháp hiện đang làm việc trong các cơ quan của Việt Nam.
GS.TS Odette Lescarret (bên trái) và GS.TS Daniel Weissberg (Ảnh:Thành Long/USSH)
GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV): "Có thể nói, những đóng góp của GS.TS Daniel WEISSBERG và GS.TS Odette LESCARRET cho Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) và Việt Nam là hết sức to lớn. Nhưng lớn hơn, cao hơn và bao trùm lên tất cả là những tình cảm gắn bó, yêu quí, là lý tưởng và chủ nghĩa nhân văn mà hai Giáo sư đã dành cho đất nước, con người, cho các đồng nghiệp và sinh viên Việt Nam trong suốt hành trình hàng chục năm hoạt động khoa học và đào tạo của mình.Với tư cách là Hiệu trưởng của một trường đại học được hợp tác và thụ hưởng những đóng góp của họ, thay mặt các giảng viên và sinh viên của Trường, tôi xin được bày tỏ những tình cảm quí trọng và lòng biết ơn sâu sắc đến GS.TS. Daniel Weissberg và GS.TS. Odette LESCARRET". |
Tác giả: ussh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn