Tin tức

Hội thảo “Kafka ở Việt Nam và châu Á”

Thứ hai - 16/04/2018 17:37
Hội thảo “Kafka ở Việt Nam và châu Á” diễn ra ngày 14/4, do Trường ĐHKHXH&NV phối hợp với Đại sứ quán nhiều nước tổ chức, tiếp nối chuỗi các hoạt động của Festival Kafka ở Hà Nội (từ 5/3 – 14/4).

Tham dự hội thảo có ngài Lukas Musil (Phó Đại sứ quán Cộng hòa Séc), bà Yvonne Zaugg (Tham tán phụ trách văn hóa, ĐSQ Liên bang Thụy Sĩ), GS.TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường) cùng các nhà nghiên cứu văn học đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước.

Trong phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Kim nhấn mạnh: sứ mệnh đào tạo và nghiên cứu về những ngành khoa học xã hội của nhà trường đòi hỏi các giảng viên am hiểu về những ảnh hưởng của nhà văn Kafka đối với nền văn học trên thế giới. Các tác phẩm của Kafka được cho là mang tính dự báo cao về các sự kiện của nhân loại, cũng như đưa ra những quy luật phổ quát của thế giới chính trị và xã hội, những điểm đại đồng xuất hiện ở mọi quốc gia.

Kafka vô tình trở thành nhà văn hiện sinh chủ nghĩa, về phương diện nghệ thuật và thi pháp văn xuôi nói riêng, ông đã tự tìm đến với chủ nghĩa biểu hiện. Chính lối nghĩ, cách nhìn, cách thể hiện của chủ nghĩa biểu hiện đã giúp người đọc qua gần thế kỷ qua nhận ra những sự thật phi lý của cuộc sống: sự biến mất và bỏ rơi con người, nỗi lo âu định mệnh, những vụ án giết người không xét xử, những lâu đài quyền lực xa xôi, không thể tiếp cận đang đè nặng mọi kiếp người… “Chính vì vậy, buổi hội thảo ngày hôm nay sẽ góp phần làm rõ hơn thân thế, sự nghiệp, tư tưởng cũng như những ảnh hưởng của nhà văn Kafka đối với nền văn học châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng” - GS.TS Nguyễn Văn Kim chia sẻ.

GS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong báo cáo đề dẫn ở phiên toàn thể, PGS.TS Phạm Xuân Thạch (Trưởng khoa Văn học) gợi mở những vấn đề chính được bàn luận trong hội thảo. Theo đó, từ những năm 1980, người Việt Nam đã được tiếp xúc với một số truyện ngắn của F.Kafka qua bản dịch của Đoàn Tử Hiến và Dương Tất Từ từ tiếng Czech và tiếng Nga. Trong giai đoạn từ 1954 đến 1975, Kafka đã được dịch ở miền Nam Việt Nam và bằng những con đường vô cùng đặc biệt, những bản dịch đó tiếp tục được lưu hành một cách không chính thức trên toàn nước Việt Nam sau năm 1975. Ở Việt Nam, người đọc Kafka hầu như chỉ giới hạn trong giới đại học và giới nhà văn. Trong giới nghiên cứu, để phục vụ cho giới đại học, sự tiếp nhận Kafka được thực hiện trên hai lĩnh vực: Trong dịch thuật và trong nghiên cứu. Nghệ thuật độc đáo của Kafka làm cho người ta rất khó xếp cho ông vào một chủ nghĩa nào. Nếu gọi Kafka là nhà văn hiện thực chủ nghĩa thì, với cuộc đời dấn thân vào công cuộc nhận thức các phi lý của Kafka, với thủ pháp “hài hước cay đắng” của ông, ta có thể gọi chủ nghĩa hiện thực của ông là một “chủ nghĩa hiện thực nghiệt ngã”.

Trong bài phát biểu của mình tại hội thảo, ngài Lukas Musil (Phó Đại sứ quán Cộng hòa Séc) bày tỏ sự ngạc nhiên của mình khi có đến 30 tác phẩm của Kafka được dịch sang tiếng Việt: “Điều này chứng tỏ Kafka không còn xa lạ gì với công chúng Việt Nam và việc nghiên cứu về ảnh hưởng của văn học Kafka đối với Việt Nam càng trở nên cần thiết”.

“Kafka đã được dịch như thế nào? Giới tinh hoa và người đọc đã đón nhận tiểu thuyết của ông ra sao? Ông đã để lại những dấu ấn gì trong sáng tác của những nhà văn hết sức quan trọng của văn chương Việt Nam đương đại? Chúng tôi muốn câu chuyện về cuộc phiêu lưu ở Việt Nam của nhà tiên tri bằng văn chương của thời đại chúng ta, người khởi đầu cho văn chương về tính phi lí và qua đó, soi sáng những phần còn ẩn khuất trong cuộc tiếp xúc văn giữa văn chương Việt Nam và văn chương thế giới trong giai đoạn khởi đầu của văn học Việt Nam đương đại” – PGS.TS Phạm Xuân Thạch phát biểu.

Bà Yvonne Zaugg (Tham tán phụ trách văn hóa ĐSQ Liên bang Thụy Sĩ) bày tỏ niềm vui khi có mặt tại Hội thảo để cùng các nhà nghiên cứu thảo luận về các thành tựu của nhà văn Kafka – nhà văn được cho là có tầm ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX

Nhận định về tầm ảnh hưởng của Kafka đối với công chúng trong thế kỷ XX, GS.TS Lê Huy Bắc (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) bình luận: “Kafka hiện diện như phần tất yếu trong đời sống tinh thần nhân loại. Ông xuất hiện ở những nơi và trong những tình huống ít ngờ nhất. Những gì ông viết, tuy không hoành tráng và đầy ắp luân li, nhưng nó vẫn hấp dẫn người đọc ở cái khía cạnh làm nên căn tính và thiên tài Kafka là nỗi buồn phi lí rất người. Vì lẽ đó, càng ngày, nhân loại càng nhận ra cái chất Kafka đã ken đặc trong đời sống. Con người hít thở bầu không khí Kafka đến mức dường như quên đi mất rằng đó là sản phẩm của Kafka. Với tư cách là một thiên tài, Kafka đã thực sự thay đổi được cách đọc và cách nhìn nhận, thậm chí là cách sống của con người”.

PGS.TS Phạm Xuân Thạch (Trưởng khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV) báo cáo đề dẫn cho phiên toàn thể

Hội thảo đã chia làm 4 tiểu ban:

  • Tiểu ban 1 - “Kafka ở châu Á”: làm rõ vị trí và tầm ảnh hưởng của văn học Kafka đối với nền văn học của các nước: Thái Lan, Singapor, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
  • Tiểu ban 2 - “Kafka và những chân trời khác”: phân tích về nghệ thuật kể chuyện và tư tưởng Kafka trong các tác phẩm tiêu biểu của ông như: “Vụ án”, “Hóa thân”, “Nước Mỹ (Kẻ mất tích)”…, qua đó đưa ra những nhận định lý giải việc tại sao văn học Kafka trở nên đặc biệt và gây được ảnh hưởng với các nền văn học khác.
  • Tiểu ban 3 - “Nghiên cứu và giảng dạy Kafka”: đặt ra những vấn đề quan trọng trong việc đưa Franz Kafka vào chương trình giảng dạy cho sinh viên ngành ngữ văn.
  • Tiểu ban 4 - “Kafka với văn học Việt Nam”: làm rõ những ảnh hưởng của văn học Kafka đối với văn học Việt Nam trong 2 giai đoạn đương đại và hiện đại; những dấu ấn và vị trí của Kafka đối với công chúng Việt Nam.

 

Tác giả: Mỹ Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây