Ngôn ngữ
Đề tài có mục tiêu chính là hệ thống, phân tích tài liệu trong và ngoài nước; khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động thông tin đối ngoại của Hà Nội từ đổi mới đến nay; đề xuất những giải pháp phát triển thông tin đối ngoại của Thủ đô đến năm 2020.
Tiếp nối các vấn đề về bối cảnh, tổng quan chung, hệ thống khái niệm, quan điểm cũng như tính cấp thiết của việc phát triển thông tin đối ngoại của Thủ đô đã được các chuyên gia thảo luận, trao đổi trong toạ đàm trước đây, Hội thảo lần này tập trung vào việc xây dựng hệ thống các giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động này, hướng tới một mô hình thông tin đối ngoại hiện đại cho thủ đô Hà Nội.
TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội đang trình bày tham luận của mình tại hội thảo (ảnh: Đình Hậu)
TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội trình bày tham luận "Giải pháp tăng cường công tác quản lý thông tin đối ngoại thành phố Hà Nội". Sau khi trình bày khái quát một số vấn đề về công tác quản lý, tác giả đưa ra những giải pháp cụ thể bao gồm: nhóm giải pháp chung, nhóm giải pháp đối với chủ thể quản lý, đối với khách thể quản lý, nhóm giải pháp về công cụ quản lý.
Đại diện cho đơn vị đào tạo có uy tín về ngành Thông tin đối ngoại, PGS.TS Phạm Minh Sơn (Học viên Báo chí và Tuyên truyền) trình bày tham luận về các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của Hà Nội và đặc biệt nhấn mạnh tới công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực. Tham luận đưa ra một số đề xuất nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp thống nhất, hiệu quả giữa công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện từ cấp TW đến cấp thành phố; việc thay đổi nhận thức trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cho người nước ngoài tại Việt Nam.
PGS.TS Phạm Minh Sơn (Học viên Báo chí và Tuyên truyền) đang trình bày tham luận về các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của Hà Nội (ảnh: Đình Hậu)
Tham luận của ThS. Nguyễn Thị Mai Anh (Trưởng phòng TTĐN, Sở Ngoại Vụ Hà Nội) tập trung chỉ ra 12 hình thức thông tin đối ngoại đang được thực hiện trên địa bàn Hà Nội cùng việc phân tích những ưu điểm, hạn chế của từng nội dung và đề ra những giải pháp mang ý nghĩa thiết thực.
ThS. Nguyễn Sơn Minh (PCN Khoa Báo chí và Truyền thông, ĐHKHXH&NV) trình bày kết quả nghiên cứu thông qua khảo sát xã hội về việc tiếp nhận thông tin đối ngoại để đưa ra được hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại của Thủ đô.
Hội thảo còn nhận được báo cáo tham luận của ThS. Phạm Hồng Nhung - GĐ Trung tâm NC phát triển CNTT&TT và nghe ý kiến phát biểu của ông Phan Đăng Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội.
PGS.TS Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV đang điều phối hội thảo (ảnh: Đình Hậu)
PGS.TS Phạm Quang Minh tổng kết các ý kiến trình bày tại Hội thảo, nêu bật ý nghĩa quan trọng của việc phải đề ra các giải pháp, từ việc thay đổi về tư duy, nhận thức, sự phân cấp, tổ chức, quản lý và phối hợp hiệu quả, cho đến những phương pháp, cách thức, mô hình cụ thể của hoạt động thông tin đối ngoại đến năm 2020. Thông qua những khảo sát khoa học cụ thể, cần đưa ra được những giải pháp thiết thực, trong đó, cần xác định được những yếu đố trọng tâm, ưu tiên có tác dụng là chìa khoá, đòn bẩy cho hoạt động thông tin đối ngoại phát triển hiệu quả. Trong bối cảnh toàn cầu hoá thông tin, Hà Nội - trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hoá của đất nước, đứng trước nhiều cơ hội phát triển cũng như những thách thức lớn. Hoạt động thông tin đối ngoại của Hà Nội cần được chú trọng phát triển hơn nữa để góp phần tích cực trong sự phát triển bền vững, toàn diện của Thủ đô và đất nước.
Tác giả: Thu Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn