Ngôn ngữ
Bên cạnh những giờ học trên giảng đường, sinh viên PR còn rất tích cực tìm kiếm các công việc thực tập bên ngoài để vừa học vừa hành. Qua việc đi thực tập tại các cơ quan báo chí, truyền thông hay các tổ chức xã hội, sinh viên không chỉ năng động hơn mà còn có cơ hội áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, cập nhật những tri thức mới và rèn luyện kĩ năng cá nhân. Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ nhưng các bạn sinh viên đã thật sự được hòa mình vào công việc để cảm thấy vững tâm và hiểu nghề nghiệp hơn.
Nâng cao kĩ năng viết
Viết lách là một trong những kĩ năng quan trọng của người làm PR. Để viết tốt cần phải luyện tập nhiều, năng khiếu chỉ là phần nho nhỏ. Khác đôi chút với những bài tập giả định trên lớp, những bài viết thực tập cần phải tỉ mỉ hơn, trau chuốt hơn và đặc biệt là đa dạng hơn về nội dung và hình thức bởi mỗi một nơi thực tập lại có một đặc thù riêng. Các bạn được giao viết bài quảng bá cho nhiều loại sản phẩm, dịch vụ khác nhau. Sẽ có những thứ bình dân với văn phong giản dị, sản phẩm cao cấp, xa xỉ thì cần tinh tế và cầu kì hơn, rồi có thứ cho trẻ em lại có thứ cho người già. Mỗi một đề tài là một bài toán buộc các bạn sinh viên phải suy nghĩ và lựa chọn câu chữ để viết sao cho phù hợp. Sau mỗi lần như thế ngòi bút sinh viên trở nên nhạy bén hơn và tư duy cũng phong phú hơn. “Bài đầu tiên mình được giao là viết về Versace - một thương hiệu thời trang cao cấp đến từ Ý. Mình đã loay hoay mãi không biết nên viết thế nào cho phù hợp với nhãn hàng xa xỉ này vì mình quen viết những sản phẩm “giản dị” khi đi học ở trường. Sau đó mình tìm đọc tạp chí thời trang cao cấp để học theo, hỏi các chị biên tập trong công ty và cuối cùng cũng viết xong, nhờ có bài viết này mà bây giờ mình cảm thấy tự tin hơn khi gặp các sản phẩm cao cấp khác”. Bạn Đỗ Phương Thúy thực tập mảng biên tập tại công ty Nam Hương Media & Event chia sẻ.
Không chỉ đa dạng về nội dung, hình thức bài viết cũng rất phong phú. Đó có thể là một bài văn nhưng cũng có thể là một bản thảo. Bạn Nguyễn Diệu Thúy, sinh viên K58 PR hiện nay đang thực tập tại công ty truyền thông Vietpictures với vị trí biên tập cho chương trình S_Việt Nam có chia sẻ rằng:“Ở vị trí biên tập, mình được rèn luyện cách viết sao cho logic, rõ ràng và ngắn gọn. Ngoài ra mình học được cách viết kịch bản cho một chương trình truyền hình, không chỉ là nội dung mà còn viết kịch bản cho quay phim, dựng hình. Mình rất vui khi áp dụng được kiến thức ở trường vào công việc, hiểu rõ hơn quy trình lên kịch bản như thế nào, việc này khi học ở trường mình cũng chưa tưởng tượng ra được”.
.Thu nhận được thêm nhiều kiến thức xã hội
Trong trường học có nhiều môn xã hội như cơ sở văn hóa, xã hội học đại cương, tâm lý học… vậy nhưng cuộc sống ngoài kia là muôn hình vạn trạng sách vở chưa thể ghi hết được. Để trở thành PR-er, sinh viên phải liên tục nạp kiến thức mới, đó là việc tự thân mà nhà trường chỉ có thể giúp đỡ được một phần. Thông qua đi thực tập mà sinh viên PR mở mang thêm được nhiều tri thức mới phục vụ cho công việc của mình sau này.
Khi lập nên một bản kế hoạch truyền thông, yếu tố về nhân chủng học là hết sức quan trọng. Dù kế hoạch có hay đến đâu nhưng vô tình làm tổn thương một nhóm người nào đó thì rất dễ thất bại. Còn cách nào hay hơn để hiểu về văn hóa, về con người bằng việc đi thực tế và trải nghiệm. “Một “thế giới phẳng” từ lâu đã là một hình mẫu lý tưởng cho con người phấn đấu xây dựng. Tại đó, không tồn tại định kiến, không tồn tại thể chế chính trị, không có ai lãnh đạo ai, ai cũng tự lãnh đạo bản thân chính mình. Mình gần như không hiểu và cảm nhận được chữ “phẳng” đó cho đến khi làm thực tập cho Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE)”. Bạn Phạm Kiên Trung, sinh viên K58 PR đã nhận được nhiều tri thức mới về LGBT, người dân tộc thiểu số khi làm thực tập sinh tại iSEE _trung tâm nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu về người đồng tính.“LGBT không phải là một bệnh của tuổi trẻ, LGBT là điều bình thường của một con người, bạn có quyền tự hào về nó”. Đó là một trong những điều cơ bản mà Trung học được ở iSEE, LGBT vẫn còn là vấn đề nhạy cảm trong trường học vậy nên nhờ có thực tập mà Trung tìm hiểu được sâu hơn.
Văn hóa vùng miền, nét đẹp làng nghề được sinh viên ghi nhận và học hỏi ngay từ những chuyến đi thực tế cùng công ty. Những chuyến đi ấy không những làm tăng thêm vốn hiểu biết về văn hóa xã hội mà còn khiến các bạn sinh viên thêm yêu quê hương mình. Dù mới tham gia mảng biên tập cho chương trình S_Việt Nam nhưng Diệu Thúy đã có chuyến trải nghiệm đầu tiên của mình: “Một đoàn 6 người chúng mình di chuyển đến Bắc Giang để quay chương trình về gốm Làng Ngòi. Và sau chuyến đi đó mình đã biết những bức tranh gốm đến từ đâu”.
Rèn luyện khả năng xử lý tình huống và giải quyết vấn đề
Quan hệ công chúng nói riêng và truyền thông nói chung luôn tiềm ẩn nhiều “chuyện” bất ngờ, vậy nên nó không dành cho ai thụ động, phản ứng chậm và không nắm được tình hình. Cuộc sống sinh viên Đại Học nhìn chung là khá êm đềm để thấy được nhiều chuyện dở khóc dở cười ở ngoài kia. Và đi thực tập giúp các bạn sinh viên được trực tiếp chứng kiến và tham gia vào những câu chuyện li kì đó. Nếu như không được làm quen với những hoàn cảnh “éo le” ấy chắc hẳn các bạn sẽ mất bình tĩnh và không giải quyết được vấn đề.
Nhớ lại câu chuyện lần đầu làm sự kiện, bạn Trịnh Trang Thu K58 PR, hiện nay đang thực tập tại báo Hoa Học Trò mảng sự kiện vui vẻ thuật lại:
“Nhắc đến kỷ niệm khi đi thực tâp mình nhớ nhất là lần xảy ra tình huống sự cố vào năm 2014. Khi tổ chức một sự kiện ngoài trời của HHT trời bỗng nhiên mưa rất lớn, trong khi nhóm nhạc vừa diễn xong trên sân khấu thì tấm bạt dù tròn trước sân khấu do hứng nặng nước mưa nên bất ngờ sập xuống. Bên BTC chúng mình vô cùng lo lắng, vì sợ gây thương tích đến khách tham gia và bị vỡ chương trình. Nhưng nhanh chóng chỉ trong vòng chưa đầy 15’ hầu như cả đội mình đã khẩn trương thu dọn “bãi chiến trường” trước sân khấu, mặc dù có phải đội mưa ướt nhẹp. Cũng may lần đó không có ai bị thương, còn chương trình cũng trở lại và suôn sẻ chạy tới cuối.”
Tinh thần thép, gan dạ và luôn bình tĩnh là những yếu tố cần thiết cho một PR-er. Những tình huống bất ngờ luôn chầu trực để xảy ra, chẳng ai có thể lường hết được. Chỉ có tinh thần vững chắc, phản ứng nhanh nhạy là biện pháp hữu hiệu để ứng phó với những hoàn cảnh “éo le” này. Muốn được như vậy chỉ có cách thoát khỏi vùng an toàn và mạnh dạn bước đi, va chạm càng nhiều tinh thần càng vững
Bên cạnh những bài học đó, các bạn sinh viên còn có thêm tự tin hơn khi giao tiếp, biết cách tự học, tự tìm tòi để nâng cao vốn hiểu biết của mình và mở rộng các mối quan hệ. Gọi điện thoại cho khách hàng không còn là nỗi lo sợ với các bạn, thật nhẹ nhàng và kiên nhẫn là bài học quý giá mà nhiều bạn đã rút ra sau những kì thực tập. Phỏng vấn nhân vật qua email, qua điện thoại rồi lên bài gửi báo tất cả những kĩ năng nghề nghiệp ấy nghe giảng trên lớp tưởng thật dễ dàng nhưng khi làm mới thấy không đơn giản chút nào. Hết sai email lại đến nhân vật từ chối không trả lời rồi thì lên bài sai định dạng… tất cả những chuyện đó đến từ thực tế mà các bạn sinh viên phải giải quyết. Nhưng với tinh thần tự học cao cùng sự chỉ dẫn nhiệt tình từ thầy cô và các anh chị đi trước, các bạn sinh viên đều vượt qua những thử thách ấy dù còn nhiều sai sót, không những thế còn được tin tưởng giao cho những công việc quan trọng. “Các anh chị tại phòng Truyền thông trường Olympia đã tin tưởng và giao cho mình những công việc quan trọng mang tính chuyên môn như viết thông cáo báo chí cho sự kiện Olympia Film Festival. Bên cạnh đó, trước khi sự kiện Olympia Festival Film diễn ra, mình đã được đi khảo sát địa điểm tổ chức event tại Đài truyền hình VOV. Đến dịp hè thì mình theo sát trại hè STEP UP để viết bài hàng ngày, ngoài ra đôi khi mình còn đi chụp hình cho các trại hè để làm tư liệu cho truyền thông.” Bạn Đỗ Trường Sơn, sinh viên thực tập tại phòng Truyền Thông trường quốc tế Olympia School chia sẻ.
Cảm nhận sâu thêm về tình thầy cô, đồng nghiệp
Lần đầu đi thực tập để lại biết bao cảm xúc khó quên đối với mỗi bạn sinh viên. Một chút lo sợ, một chút ngần ngại cũng có lúc tủi thân vì làm hỏng bị la mắng nhưng rồi cũng xong việc trong niềm vui khôn xiết. Tâm trạng lo lắng ấy không chỉ của riêng các bạn sinh viên mà cả thầy cô cũng luôn cảm thấy không yên lòng. Chúng có được nghỉ ngơi không, có được đối xử công bằng không, có được dạy dỗ tử tế không, mình dạy học trò như thế đã đủ để làm việc chưa… và rất rất nhiều câu hỏi khác đau đáu trong tim người thầy mỗi khi sinh viên bước chân đi ra ngoài. “Có biết là cô cũng ngóng các em về nhà không? Cứ đi đi cho chân cứng đá mềm các em nhé. Thầy cô và bạn bè luôn sát cánh cùng các em. 10 năm sau chúng mình ngồi lại sẽ cười ra nước mắt, nhỉ? Nghề mình quá đẹp, yêu quá đi”. Đó là dòng tin nhắn thật ấm áp của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền gửi đến các bạn sinh viên khi một kì thực tập vừa kết thúc. Tuy chỉ là dòng tin nhắn nho nhỏ nhưng cũng đủ để khích lệ tinh thần học tập và dấn thân của các bạn. Đúng rằng có nhiều khó khăn thật nhưng nhờ sự hướng dẫn, động viên của thầy cô giáo và những người đi trước mà công việc thực tập cũng bớt căng thẳng hơn.
Các bạn sinh viên cũng nhận ra rằng chỉ khi bước chân ra ngoài mới thấy không đâu êm ấm và bình yên như ở trường, không ai yêu thương và lo lắng cho mình bằng thầy cô. Lúc đi học chỉ mong được đi làm, được gặp thật nhiều người mới mẻ nhưng được làm rồi thì lại muốn quay về vòng tay yêu thương của người thầy. “Chỉ với những bạn nào trải qua đợt thực tập vừa rồi mới thấy ngóng cô như ngóng mẹ. Trở về với thầy cô và bạn bè thấy được quan tâm ân cần, được giải toả, và chắc chắn sẽ ấm áp hơn nơi xã hội ngoài kia. Chẳng biết nói gì ngoài câu cảm ơn thầy cô vì tất cả! Đi rồi mới thấm thía lời thầy cô dạy, trên giảng đường tưởng tượng cũng không ra! Gặp lại thầy cô khiến mọi việc trở nên nhẹ đi, thấy đời trở lại tươi đẹp lên một chút, nhận ra một điều đơn giản: bớt lo toan đi, thay vào đó làm tốt ở hiện tại rồi cơ hội sẽ đến”. Bạn Nguyễn Vân Anh, sinh viên K58 thực tập tại Nam Hương Media & Event đã rất xúc động khi chia sẻ tâm sự này khi trở về trường sau đợt thực tập.
Kết quả của một kì thực tập còn là tình bạn keo sơn gắn bó. Lúc mệt tựa vào nhau, lúc đói chia đôi chiếc bánh mỳ, trước lạ sau quen có những bạn chưa từng ăn cơm hộp siêu thị lúc đầu còn bỏ nhiều nhưng sau quen dần thì cũng hết, rồi cả khi bị trách nhầm cũng có bạn để tỏ lòng. Cuối tuần lẽ ra được cùng gia đình đi chơi, nhưng vì công việc vẫn chăm chỉ đi chạy sự kiện. Cũng tủi thân, cũng hờn trách, những lúc như thế mấy câu đùa tếu táo từ chúng bạn khiến bản thân thấy may mắn được ở đây cùng “lũ quỷ sứ” để sau này cũng có chuyện vui mà kể. Nào là gặp người nổi tiếng, được xem chuyện hậu trường, được trông coi phần quà đến cả chục triệu đồng… Đó sẽ mãi là những kỉ niệm vui gắn kết những người bạn với nhau, những đồng nghiệp trong tương lai.
Với khát khao theo đuổi nghiệp PR, các bạn sinh viên đã không e dè để tiến về phía trước, không thành công nào tự đến vậy nên hãy tự đi để kiếm lấy thành công cho mình. Đường đi có ngắn có dài, cũng có xa có gần nhưng chẳng có đường nào là êm đêm mà tới được vinh quang.
Một số hình ảnh thực tập của các bạn sinh viên:
Tác giả: Đỗ Phương Thúy (K58 ngành Quan hệ công chúng, Khoa Báo chí và Truyền thông)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn