PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái

Thứ sáu - 30/08/2019 00:27
Ngày 27/8 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ đã được trao GIẢI THƯỞNG LỚN Bùi Xuân Phái lần thứ 12 nhờ các công trình nghiên cứu, dịch thuật về Hà Nội.
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ - nhà nghiên cứu, nhà giáo công tác tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn từ năm 1990 đến 2002. Ông từng giữ vị trí Phó Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, khoa Lịch sử và nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ cho công trình "Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX" năm 2010.

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ

Theo Vnexpress.net, cuốn sách mới nhất của ông - "Thăng Long - Hà Nội trong mắt một người Hà Nội" - được viết dung dị, chứa đựng những trăn trở của một người con Hà thành. Ở phần cuối mang tên Hà Nội trong tầm nhìn viễn cảnh, ông bày tỏ quan điểm về những điểm chưa tốt của dân cư thủ đô. "Chúng ta phải nhìn thẳng vào những mảng tối, biểu lộ qua những tật xấu có thực: thói sĩ diện chuộng hình thức hư danh, tính bảo thủ ít sáng tạo trong lao động, tinh thần thụ động với những lề thói cố hữu. Và gần đây là những biểu hiện của thói vô cảm đáng báo động... Toàn cảnh khối thị dân đương đại của Hà Nội vẫn là một bức tranh đa sắc, không dễ dàng cho việc định tính, đánh giá chất lượng. Cho đến nay, đáng tiếc chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào về sự phân tầng xã hội của cộng đồng thị dân Hà Nội đương đại", ông viết.

Viết về giá trị của công trình “Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX" – công trình khoa học tiêu biểu của nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ, PGS.TS Vũ Văn Quân (Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) nhận xét: Bằng việc khai thác đa dạng các nguồn tư liệu, nhất là nguồn tư liệu viết bằng chữ phương Tây (Anh, Pháp), được xử lý cẩn trọng, có phương pháp và hiệu quả cao, công trình này đã phác hoạ được diện mạo của Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ, nhất là các thế kỷ XVII - XVIII - XIX, làm nổi bật được kết cấu kinh tế - xã hội, các hoạt động kinh tế của Thăng Long - Hà Nội qua các thế kỷ XVII - XVIII - XIX, chính sách của các nhà nước phong kiến Việt Nam đối với vấn đề này qua trường hợp Thăng Long - Hà Nội. Những phân tích sắc sảo về kết cấu kinh tế, cấu trúc xã hội, cơ chế đẳng cấp và sự giao lưu đẳng cấp; những khái quát về các nhân tố phát triển và hưng khởi của thành thị, về mối quan hệ thành thị - nông thôn, về thế lưỡng hợp nhà nước - dân gian trong thành thị, về dạng thức phát triển và chuyển biến của thành thị trở thành những luận đề quan trọng, có ảnh hưởng rộng rãi trong giới nghiên cứu trong và nước, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh khi tiếp cận lịch sử xã hội Việt Nam thời kỳ trung đại. Công trình trở thành nghiên cứu tiêu biểu về Thăng Long - Hà Nội được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trích dẫn nhiều khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam nói chung và đặc biệt về lịch sử Thăng Long - Hà Nội nói riêng (Trích cuốn sách “Chân dung nhà giáo – nhà khoa học tiêu biểu Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN 1945-2015”).

Tác giả: Ussh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây