Tin tức

Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh mới

Thứ tư - 25/09/2013 21:17
Nằm trong chuỗi các hoạt động kỉ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, ngày 20/9, Hội thảo “Lịch sử, văn hoá và ngoại giao văn hoá – sức sống của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh mới của quốc tế và khu vực” được tổ chức tại Trường ĐHKHXH&NV.
Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh mới
Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh mới

Nằm trong chuỗi các hoạt động kỉ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, ngày 20/9, Hội thảo “Lịch sử, văn hoá và ngoại giao văn hoá – sức sống của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh mới của quốc tế và khu vực” được tổ chức tại Trường ĐHKHXH&NV.

Đến dự có ngài Saita Yukio (Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam), ngài Inami Kazumi (Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hoá, Quỹ Japan Foundation). Hội thảo cũng thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học Việt Nam, Nhật Bản, Singapore, trong đó có nhiều nhà khoa học nổi tiếng như GS.VS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), GS. Furuta Motoo (ĐH Tokyo), GS. Shiraishi (ĐH Waseda), GS. Momoki (ĐH Osaka)…

Trong diễn văn chào mừng, GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) đã nhắc lại lịch sử mối quan hệ hai nước được bắt đầu từ rất sớm vào thế kỉ XI cho đến những thành tựu hợp tác phát triển mạnh mẽ giữa Việt Nam – Nhật Bản trong bốn thập kỉ vừa qua. Trong suốt nhiều thế kỉ xây dựng và xác lập vị thế kinh tế và ngoại giao ở khu vực Đông Á, Nhật Bản luôn duy trì mối quan hệ giao hảo với Việt Nam. Trong giai đoạn nhân dân Việt Nam kháng chiến chống sự xâm lược của Mĩ, nhân dân và chính phủ Nhật Bản đã tích cực ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì hoà bình, thống nhất, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Bước sang thời kì đổi mới, khi Việt Nam thực hiện chính sách đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ đối ngoại, quan hệ Việt-Nhật đã được nâng lên tầm cao mới, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Tháng 7/2004, hai nước đã đưa ra tuyên bố chung “vươn tới tầm cao mới của đối tác bền vững” và đến tháng 10/2006 đã thống nhất xây dựng “mối quan hệ hợp tác chiến lược”. Hiện nay, Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam, là nhà cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức số 1 và là một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam.

Phát biểu của Giáo sư Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh đến bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình xây dựng quan hệ hợp tác giữa hai nước, đó là “sự chia sẻ, đồng cảm và hợp tác chặt chẽ”. Đây là tiền đề và cũng là tài sản quý để hai nước tiếp tục thúc đẩy và phát triển quan hệ hợp tác chiến lược trong giai đoạn tới.

Ở một góc nhìn khác, ngài Saita Yukio (Tham tán ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam) lại đề cập đến “sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau” như một điều kiện quan trọng để xây dựng quan hệ giữa hai nước trong hiện tại và tương lai. Ngài tham tán cũng cho rằng cần tăng cường sự hiểu biết về lịch sử, văn hoá giữa hai dân tộc, mà trước hết là tăng cường giao lưu giữa các học giả và giới trẻ hai nước.

Ngài Inami Kazumi (Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hoá Nhật Bản) phát biểu: “Trong quá trình mở rộng giao lưu giữa nhân dân hai nước, nếu quá vội vàng sẽ làm nảy sinh những “va chạm” và hiểu lầm do hai bên chưa có những hiểu biết sâu sắc về nhau”. Bởi vậy, ông cho rằng điều cần thiết là phải nâng cao chất và lượng của các nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam, tạo nền tảng cho sự hiểu biết thật sự giữa hai nước.

Sau phiên khai mạc, đã có hơn 20 báo cáo được trình bày tại 3 tiểu ban: “Lịch sử”; “Văn hoá và ngoại giao văn hoá”; “Triển vọng quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh mới của khu vực và quốc tế”. Các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã cùng chia sẻ các quan điểm học thuật, trao đổi những phát hiện mới, nhằm hướng đến những nhận thức sâu sắc và toàn diện hơn về lịch sử, văn hoá và quan hệ quốc tế của hai nước Nhật Bản – Việt Nam.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau phiên khai mạc.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau phiên khai mạc.

Tại tiểu ban “Lịch sử”, các đại biểu thảo luận xung quanh các nội dung cụ thể: bản “Châu Ấn thuyền mậu dịch hoạ đồ” nhìn từ những kết quả điều tra khảo cổ học tại Hội An; góc nhìn khu vực về quan hệ Việt Nam – Nhật Bản thế kỉ XVII; lưu thông tiền tệ trong thời kì cận đại ở Việt Nam – nhìn từ kết quả nghiên cứu các hũ tiền cổ; “Nối lại” và “so sánh” lịch sử Nhật Bản với lịch sử Việt Nam; thư tịch ngoại giao An Nam thế kỉ XVI-XVII; võ sĩ Nhật Bản thời trung thế và ý thức thừa kế; xuất khẩu gốm sứ Hizen ra nước ngoài …

Tại tiểu ban “Văn hoá và ngoại giao văn hoá”, các tham luận chính được trình bày là: ảnh hưởng văn hoá Nhật Bản đến giới trẻ Việt Nam hiện nay; hoạt động của công ti Mitsui Bussan tại Đông Dương thời kì chiến tranh Châu Á – Thái Bình Dương; quan điểm về quyền lực mềm của Nhật Bản ở Đông Nam Á; Phan Bội Châu -người đặt nền móng cho toà lâu đài hữu nghị Việt – Nhật; lưu học sinh Việt Nam sang Nhật Bản – lịch sử và triển vọng; khả năng phối hợp giữa Doanh nghiệp và Giáo dục trong kỉ nguyên di động: đề xuất hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và Nhật Bản; quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong các thời gian và không gian lịch sử, văn hoá…

Tại tiểu ban “Triển vọng quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh mới của khu vực và quốc tế” có các bài thuyết trình về: cạnh tranh Trung – Nhật trong quan hệ với ASEAN và hàm ý đối với Việt Nam; thay đổi môi trường chiến lược Đông Á: hợp tác Nhật Bản – Việt Nam trong việc tìm kiếm một cách tiếp cận văn minh mới; một số yếu tố chủ quan góp phần thúc đẩy quan hệ Việt – Nhật trong tương lai; ASEAN và Việt Nam trong chính sách an ninh của Nhật Bản…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây