Tôn giáo hiện diện trong cuộc sống hàng ngày

Thứ sáu - 15/07/2016 03:18
Tôn giáo hiện diện trong cuộc sống hàng ngày
Tôn giáo hiện diện trong cuộc sống hàng ngày

Nói đến tôn giáo, một mặt, chúng ta cảm thấy lĩnh vực này rất gần gũi với mỗi người. Trong các gia đình chúng ta đều có bàn thờ tổ tiên. Ở hầu hết các làng Việt đều có những ngôi chùa, mái đình, đền, miếu, am. Không ít làng có thêm các nhà thờ, thánh thất, vv… Tất cả đó là những cơ sở thờ tự của tôn giáo. Cây đa, giếng nước, mái đình qua các câu ca dao đã đi vào tâm thức của mỗi người Việt Nam. Tôn giáo hiện diện trong hầu hết các ngày Tết trong năm tính theo Âm lịch: Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu (Rằm Tháng Giêng), Tết Thanh Minh (3/3), Lễ Phật Đản (Rằm tháng 4), Tết Đoan Ngọ (5/5), Tết Xá tội vong Nhân (Rằm tháng Bảy), Tết cúng ông Công ông Táo (23 tháng Chạp). Người Kitô giáo còn có thêm các ngày Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh. Những người theo Islam có thêm các lễ như Ramadan. Tôn giáo hiện diện trong mọi biến cố quan trọng của đời người, từ lúc sinh ra (cúng mụ), cho tới lúc kết hôn, dựng nhà, rồi đến lúc qua đời, về với tổ tiên. Hiện tại, Việt Nam có gần 30 triệu tín đồ các tôn giáo. Đó là chưa kể tới những người theo các tín ngưỡng khác nhau.

Nhưng mặt khác, chúng ta đều cảm thấy kiến thức, hiểu biết của mình về tôn giáo còn rất ít, hầu như chưa có, chẳng hạn, đi lễ chùa chiền, dự các lễ hội thì cần làm gì, khấn vái ra làm sao, đốt vàng mã nhiều hay ít, có cần thiết phải như vậy hay không để mỗi chúng ta khi tới chùa chiền, các lễ hội vừa thể hiện sự thành tâm của mình, vừa có văn hóa. Đi xa hơn, tại sao chủ nghĩa khủng bố, tổ chức “nhà nước Hồi giáo” (IS) lại làm cho xung đột giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây gay gắt như hiện nay.

Tất cả những điều này đòi hỏi cần có những nghiên cứu về tôn giáo sẽ giúp bạn giải đáp những vấn đề đó. Ngành tôn giáo học tại Khoa Triết học, Trường Đại học KHXH & NV là một trong những địa chỉ tin cậy.

Tôn giáo đóng vai trò vô cùng quan trọng không chỉ với bình diện mỗi cá nhân, mà cả cộng đồng, quốc gia. Phật giáo từng đóng vai trò quốc giáo dưới triều Lý và triều Trần, góp phần không nhỏ trong việc đoàn kết quân dân Đại Việt ba lần chiến thắng quân Nguyên. Dưới triều Lê và triều Nguyễn Nho giáo đảm nhận vai trò quốc giáo. Văn miếu quốc tử giám ở Thăng Long được thành lập năm 1076 là một trong những trường đại học đầu tiên của Đông Nam Á. Với nền Nho học có bề dày lịch sử, Việt Nam là một quốc gia có nền văn hiến lâu đời.

Trên bình diện quốc tế, hiện ta đang thấy sự nổi lên của các vấn đề tôn giáo. Xung đột giữa Công giáo và chủ nghĩa cộng sản từng là một vấn đề lớn trong bang giao quốc tế thời kỳ chiến tranh lạnh. Hiện nay nổi lên nhiều vấn đề sắc tộc và tôn giáo. Chủ nghĩa khủng bố, nay là tổ chức “nhà nước Hồi giáo” (IS), xung đột ở Syria, vấn đề Tây Tạng, Tân Cương ở Trung Quốc, bình thường hóa quan hệ Mỹ và Cuba, sự thiếu thống nhất của ASEAN trong một số vấn đề khu vực, vv… ta đều thấy sự hiện diện trực tiếp và gián tiếp của các vấn đề tôn giáo. Tôn giáo là một vấn đề toàn cầu.

Đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội, nâng cao trình độ nhận thức của mỗi cá nhân, năm 2016, trường Đại học KHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, lần đầu tiên tuyển sinh ngành Tôn giáo học ở bậc cử nhân tại Khoa Triết học. Với bề dày tròn 40 năm phát triển của Khoa Triết học, Bộ môn Tôn giáo học của Khoa, trên 20 năm đào tạo, hàng trăm cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tôn giáo học đã tốt nghiệp, đội ngũ cán bộ giảng dạy có giáo sư đầu ngành, các phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ nhiều kinh nghiệm, cơ sở vật chất với nhiều trang thiết bị hiện đại, 01 Thư viện sách tôn giáo, tín ngưỡng, trường Đại học KHXH & NV sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu đào tạo và nghiên cứu, đưa ngành tôn giáo học của Việt Nam sánh vai với các nước trong khu vực và quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Quang Hưng - Phó chủ nhiệm Khoa Triết học

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Quang Hưng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây