Vấn đề tộc người trong định hướng phát triển của Khoa Nhân học ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Thứ năm - 21/07/2016 03:35
Vấn đề tộc người trong định hướng phát triển của Khoa Nhân học ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Vấn đề tộc người trong định hướng phát triển của Khoa Nhân học ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

1. Mở đầu

Khoa Nhân học được thành lập tháng 5 năm 2015 trên cơ sở Bộ môn Nhân học trực thuộc Trường, vốn trước tháng 3 năm 2010 là một bộ môn thuộc Khoa Lịch sử của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Dù được gọi là đơn vị mới, Khoa Nhân học có một truyền thống hơn 55 năm đào tạo và nghiên cứu dân tộc học trong cái nôi của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội danh tiếng. Từ truyền thống này, Khoa Nhân học được thành lập và trở thànhđơn vị duy nhất ở Việt Nam đang triển khai đào tạo nhân học một cách có hệ thống ở cả ba trình độ, từ đại học đến tiến sỹ (đại học từ năm 2009, thạc sỹ từ năm 2013 và tiến sỹ từ năm 2014). Với cơ cấu ba bộ môn, Khoa có đội ngũ 15 viên chức cơ hữu, gồm 13 giảng viên và 2 chuyên viên trợ lý. Bên cạnh đội ngũ viên chức cơ hữu, Khoa quy tụ và khai thác được sự đóng góp công sức, chất xám của gần 20 nhà khoa học có trình độ chuyên môn và uy tín tham gia công tác đào tạo và nghiên cứu của Khoa.

PGS.TS. Nguyễn Văn Sửu – Trưởng Khoa Nhân học tặng hoa cảm ơn các thế hệ thầy giáo và lãnh đạo Nhà trường nhân dịp công bố quyết định thành lập Khoa Nhân học. Nguồn: Ảnh tư liệu Khoa Nhân học.

Để hoạch định chiến lược phát triển có tính bền vững cao cho một chặng đường mớicủa Khoa thì việc nhìn lại lịch sử, đánh giá hiện trạng là một công việc cần thiết song không dễ. Bài viết này là những suy ngẫm, phác họa và định vị vấn đề tộc người[1]trong định hướng phát triển của Khoa Nhân họcgiai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn 2030. Bài viết là sự tiếp nối với hai bài chúng tôi đã trình bày tại Hội nghị Thông báo Dân tộc học do Viện Dân tộc học tổ chức năm 2012 và 2014,nhằm làm rõ hơn lịch sử, hiện trạng và định hướng phát triển của một đơn vị nghiên cứu và đào tạo nhân học ở Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ quacũng như trong chặng đường sắp tới. 

2. Vấn đề tộc người: Thực tiễn lịch sử

Dưới góc nhìn toàn cầu, nhân học đang tồn tại với những truyền thống có tên gọi khác nhau ở các quốc gia khác nhau (Nguyễn Văn Sửu, 2014: tr. 15-51; Aleksandar Boskovic and Thomas Hylland Eriksen, 2010: tr. 1-19). Truyền thống dân tộc học Xô-viết[2]và di sản của nó ở Việt Nam[3]cũng như ở một số quốc giaxã hội chủ nghĩa trước kia xác định tộc người là đối tượng nghiên cứu, hay như tác giả Đặng Nghiêm Vạn khẳng định: là một chuyên ngành thuộc phạm trù của khoa học lịch sử, dân tộc học nghiên cứu về các tộc người và văn hóa tộc người (Đặng Nghiêm Vạn [chủ biên], 1998: tr. 3 và 6).Thực tiễn lịch sử dân tộc học Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỷ XXkhẳng định tộc người chiếm lĩnhvị trí trung tâm trong tất cả các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng chính sách.[4]Là đơn vị nghiên cứu và giảng dạy dân tộc học theo truyền thống dân tộc học Xô-viết đầu tiên ở Việt Nam, Bộ môn Dân tộc[5]ở Khoa Lịch sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội cũngtập trung nghiên cứu và giảng dạy về tộc người ở Việt Namvà đã có những đóng góp quan trọng cho Nhà nước và xã hội.[6]

Hội thảo quốc tế Nhân học ở Việt Nam, tháng 9/2015.Nguồn: Ảnh tư liệu Khoa Nhân học.

Bước sang thế kỷ XXI, trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, hệ thống chương trình đào tạo và các hoạt động nghiên cứu cũng như cơ cấu tổ chức của Bộ môn Dân tộc đã được chuyển đổi theo truyền thống nhân học Bắc Mỹ. Kết quả là Khoa Nhân học đã được thành lập và đang triển khai nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo ngành nhân học ở cả bậc đại học và sau đại học. 

3. Vấn đề tộc người trong định hướng phát triển

Việc xác địnhđịnh hướng phát triển của Khoa Nhân học cần được đặt trong khuôn khổ định hướng phát triển chung của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc đại học này. Trong những năm vừa qua, một số bảng xếp hạng đại học trên thế giới định vị Đại học Quốc gia Hà Nội ở vị trí số một trong hệ thống các đại học ở Việt Nam và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đứng đầu danh sách các cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam.[7]Tầm nhìn đếnnăm 2030 của cả Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đều xác định mục tiêu vươn lên trở thành một đại học nghiên cứu có thứ hạng cao hơn nữa trong bảng xếp hạng các đại học trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu.

Là một đơn vị đào tạo khoa học cơ bản, Khoa Nhân học có một truyền thống đáng tự hào, đã đi lên từ truyền thống, dựa vào truyền thống, phát huy truyền thống, đồng thời cũng nhận thức rõ trách nhiệm phải đổi mới để đi trước thực tiễn, đi tiên phong trong việc thực hiện sứ mệnh hội nhập, nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo trong bối cảnh có nhiều biến đổi đang diễn ra không chỉ ở cấp độ quốc gia, khu vực mà cả trên phạm vi toàn cầu.

Hội thảo Biến đổi văn hóa – xã hội ở khu vực đô, tháng 3 năm 2014. Nguồn: Ảnh tư liệu Khoa Nhân học.

Quan điểm này định hướngcác hoạt động chủ đạo của Khoa Nhân học trong chặng đường phát triển giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn 2030. Trên cơ sở đó, mục tiêu của Khoa Nhân học là tiếp tục vươn lên trở thành một trung tâm nhân học cósự kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, phương pháp định tính và phương pháp định lượng, nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng[8]để đào tạo các nhà nhân học chuyên nghiệp có trình độ đại học và sau đại học.Trong khuôn khổ định hướng chung và mục tiêu phát triển cụ thể của Khoa, vấn đề tộc người được xác định là có một vị trí quan trọng trong nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng chính sách của Khoa.Việc tiếp tục đặt vấn đề tộc người ở một vị trí quan trọng của nhiều hoạt động của Khoa Nhân học vừa là sự kế thừa và tiếp nối truyền thống,[9]vừa thể hiện sự quan tâm của Khoa Nhân học đối với nhu cầu của thực tiễn đời sốngđất nước,[10] đồng thời phần nào phản ánh mối quan tâm chung của nhân học ở các quốc gia trong khu vực.[11]

4. Các giải pháp hành động

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Khoa Nhân học đã và đang triển khai một loạt giải pháp hành động vừa mang tính đồng bộ vừa có những điểm đột phá trong các lĩnh vực hoạt động then chốt. Thứ nhấtvà đầu tiên là việc xác định vịtrí của vấn đề tộc người trong cấu trúc tổng thể của Khoa. Như được giới thiệu ở trên, nhân học ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã có vị thế của một ngành học độc lập, được triển khai đào tạo ở Khoa Nhân học, với ba bộ mônđược đặt tên theo các lĩnh vực chuyên môn của ngành họclà Bộ môn Nhân học Văn hóa, Bộ môn Nhân học Kinh tế - Xã hội, Bộ môn Nhân học Phát triển.[12]Trong cơ cấu tổ chức Khoa như vậy, vấn đề tộc người được xác định là một trong các hướng nghiên cứu, nội dung giảng dạy và lĩnh vực thực hành, ứng dụng chính sách của mỗi bộ môn nói riêng và toàn Khoa nói chung.

Thứ hai là vấn đề tộc người trong định hướng nghiên cứu. Trong tiến trình chuyển đổi và phát triển ngành nhân học và xây dựng Khoa Nhân học, chúng tôi không quan niệm nghiên cứu sâu rộng về tộc người là một hạn chế. Mà thay vào đó, trong bối cảnh một quốc gia đa tộc người như ở Việt Nam,và giống với các quốc gia trong khu vực, việc nghiên cứu sâu rộng về tộc người (chứ không phải về chủng tộc như ở một số quốc gia đa chủng tộc) đã và đang mang lại cho các nhà nghiên cứu một vị trí học thuật độc đáo, một tiếng nói chính sách quan trọng so với các nhà khoa học thuộc các ngành khác. Danh mục các hướng nghiên cứu của Khoa Nhân học hiện tại và trong những năm tới trong bảng 1 dưới đây đã xác định rõ định hướng này. Theo đó, tộc người vốn là bản sắc của truyền thống tiếp tục là một phần bản sắc của hiện tại và tương lai của Khoa Nhân học.

Bảng 1: Các hướng nghiên cứu chính của Khoa Nhân học

A

Các hướng nghiên cứu

 (i)

Các vấn đề tộc người và chính sách dân tộc

(ii)

Tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán

(iii)

Các vấn đề giới, hôn nhân, thân tộc, gia đình

(iv)

Các vấn đề nông dân, đô thị hóa, toàn cầu hóa

(v)

Các vấn đề đói nghèo, di dân, biến đổi xã hội

(vi)

Các vấn đề di sản văn hóa, bảo tồn và phát triển

(vii)

Các vấn đề lịch sử nhân học

 

 

Tuy nhiên, trong một tầm nhìn dài hạn, nghiên cứu và đào tạo về tộc người cần vượt qua những giới hạn của truyền thống, vốn tập trung nhiều vào nghiên cứu tộc người và văn hóa tộc người trong khuôn khổ biên giới quốc gia. Trong lịch sử nhân học thế giới, bên cạnh xu hướng nhân học ở các quốc gia Âu - Mỹ phát triển quan tâm nghiên cứu các dân tộc và nền văn hóa bên ngoài biên giới quốc gia là một xu hướng khác phổ biến ở các quốc gia đang phát triểnlà nhân học ở quê hương (anthropology at home)chủ yếu nghiên cứu về các dân tộc và văn hóa ở trong nước với mục tiêu đóng góp vào quá trình xây dựng quốc gia - dân tộc và bản sắc dân tộc (Aleksandar Boskovic and Thomas Hylland Eriksen, 2010: tr. 13-15). Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, Việt Nam đã và đang không ngừng hội nhập với khu vực và thế giới, nhân học Việt Nam nói chung và Khoa Nhân học ở Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng cần dung hòa hai xu hướng này bằng việc quan tâm một cách đúng mức hơn đếncác dântộc và văn hóa hóa tộc người ở các quốc gia trong khu vực,[13] nhất là khi các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á đã và đang có những mối quan hệ khăng khít với Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, khoa học - giáo dục, v.v.

Trong viễn cảnh đó, hướng nghiên cứu tộc người của Khoa Nhân học không thể chỉ khuôn lại ở các địa bàn nghiên cứu truyền thống,mà cần vươn ra bao quát các quốc gia trong khu vực.Theo hướng này, việc mở rộng địa bàn nghiên cứu là một trong những ưu tiên đối với cả giảng viên và người học, nhất là người học ở bậc sau đại học. Đối với đội ngũ giảng viên, việc triển khai các đề tài gắn với không gian xuyên biên giới và khám phá tộc người và văn hóa tộc người ở các quốc gia trong khu vực không chỉ mở ra một chương mới trong nghiên cứu về tộc người của đội ngũ giảng viên, mà còn dẫn dắt nghiên cứu của người học, nhất là trong bối cảnh sinh viên quốc tế của Khoa Nhân học đang tăng dần. Trên cơ sở đó, nghiên cứu về tộc người không chỉ tiếp tục chiếm lĩnh một vị trí quan trọng mà còn được phát triển theo hướng mở rộng địa bàn nghiên cứu, tạo nên nét mới trong nghiên cứu về tộc người ở Khoa Nhân học.

Thứ ba là vấn đề tộc người trong đào tạo. Trong bối cảnh xây dựng một đại học nghiên cứu, mà một trong các nguyên tắc cơ bản theo mô hình Humboltd thì nghiên cứu và giảng dạy là một thể thống nhất (Ngô Bảo Châu, Pierre Dariulat, Cao huy Thuần, Hoàng Tụy, Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Xuân Yêm, 2014), do vậy các hoạt động nghiên cứu phải gắn với đào tạo, phục vụ đào tạo. Trong quá trình xây dựng, điều chỉnh, cập nhật và triển khai các chương trình đào tạo đại học và sau đại học, Khoa Nhân học kiên định với mục tiêu trang bị những kiến thức cơ bản và chuyên sâu của ngành nhân học,trong đó có nhấn mạnh đến nội dung tộc ngườitrong chương trình đào tạo[14]và trong các hoạt động đào tạo cụ thể để để người học có đủ kiến thức và năng lực làm nghiên cứu, giảng dạy về tộc người và làm công tác dân tộc.

Bảng 2: Vấn đề tộc người trong một số hoạt động đào tạo

STT

Một số hoạt động đào tạo đại học

1

Coi tiếp cận theo tộc người là một trong các tiếp cận cơ bản trong nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng

2

Duy trì tỷ lệ khoảng 20 phần trăm tổng số học phần về tộc người trong các chương trình đào tạo đại học và sau đại học

3

Tiếp tục duy trì địa bàn thực tập hằng năm của sinh viên ở khu vực miền núi và gắn với các tộc người thiểu số, đồng thời quan tâm đến khu vực đồng bằng, ven biển, và hướng tới đưa sinh viên và học viên triển khai thực tập ở các quốc gia trong khu vực

4

Không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy về tộc người cho sinh viên nhân học và sinh viên một số ngành khoa học cơ bản trong Trường  thông qua học phần ‘Các dân tộc tộc và chính sách dân tộc ở Việt Nam’, …

5

Khuyến khích sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh nghiên cứu các vấn đề tộc người ở Việt Nam và các nước trong khu vực.

 

Thứ tư là vấn đề tộc người trong chiến lược xây dựng đội ngũ giảng viên.Để đạt được mục tiêu tiếp tục đặt tộc người ở trung tâm của các hoạt động của Khoa Nhân học thì rõ ràng vấn đề quy hoạch, đào tạo và đầu tư để Khoa có một đội ngũ giảng viên, nhất là các chủ nhiệm bộ môn là các chuyên gia về tộc người được Khoa quan tâm đúng mức. Đồng thời, Khoa Nhân học tiếp tục củng cố đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm, mở rộng mạng lưới giảng viên thỉnh giảng, cộng tác viên và các đơn vị đối tác quan tâm đến vấn đề tộc người.

5. Kết luận

Tính đến thời điểm hiện tại, Khoa Nhân học có một truyền thống hơn nửa thế kỷ nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng chính sách. Trong lịch sử xây dựng và phát triển của Khoa, truyền thống dân tộc học là tiền đề, nền tảng cho sự ra đời và phát triển của ngành nhân học và Khoa Nhân học ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong quá trình chuyển đổi từ dân tộc học sang nhân học, từ Bộ môn Dân tộc học sang Khoa Nhân học, tập thể cán bộ và giảng viên của Khoa luôn ý thức được tầm quan trọng của việc nhìn lại lịch sử, đánh giá hiện trạng,và trên cơ sở đó định vị mình trong một tầm nhìn quốc gia, khu vực và toàn cầu để phác họa định hướng phát triển cho tương lai. Trong toàn bộ tiến trình này, vấn đề tộc người được định vị ở vị trí quan trọng của các hoạt động chủ chốt của Khoa Nhân học giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn 2030 không chỉ vì đó vốn là bản sắc của truyền thống, mà còn vì đây là vấn đềcó ý nghĩa học thuật quan trọng có mối quan hệ mật thiết với quốc gia - dân tộc. Vấn đề tộc người có vị trí quan trọngtrong định hướng phát triển của Khoa và được cụ thể hóa thành các giải pháp hành động trong các lĩnh vực then chốt như cơ cấu tổ chức, nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng chính sáchcủa Khoa giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn 2030.

Tài liệu tham khảo

Aleksandar Boskovic, 2010. “Anthropology in Unlikely Places: yugoslav Ethnology Between the Past and the Furture”, in Other People’s Anthropologies: Ethnographic practice on the margins, edited by Eleksander Boskovic. Oxford: Berghahn Books, tr. 156-168.

Aleksandar Boskovic and Thomas Hylland Eriksen, 2010. “Other People’s Anthropologies”, in Other People’s Anthropologies: Ethnographic practice on the margins, edited by Eleksander Boskovic. Oxford: Berghahn Books, tr. 1-19.

Ngô Bảo Châu, Pierre Dariulat, Cao huy Thuần, Hoàng Tụy, Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Xuân Yêm 2014. Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010). Hà Nội: Nxb Tri Thức.

Nguyễn Văn Chính 2015. “Vấn đề tộc người và nghiên cứu nhân học ở các nước Đông Nam Á”. Tạp chí Dân tộc học, số 1&2, tr. 135-142.

Grant Evans 2005. “Indigenous and indigenized anthropology in Asia”, inAsian Anthropology, edited by Jan van Breman, Eyal Ben-Ari and Syed Farid Alatas, London and New York: Routledge, tr.43-55.

Anatoly M. Kuznetsov 2010. “Russian Anthropology: Old Traditions and New Tendencies”, in Other People’s Anthropologies: Ethnographic practice on the margins, edited by Eleksander Boskovic. Oxford: Berghahn Books, tr. 20-43.

Lâm Bá Nam, Nguyễn Văn Sửu, Nguyễn Trường Giang, Thạch Mai Hoàng, Lương Minh Ngọc 2013. “Nghiên cứu và giảng dạy về tộc người ở Bộ môn Nhân học”. Tạp chí Dân tộc học, số 1 & 2, tr. 15-23.

Lâm Bá Nam, Nguyễn Văn Sửu, Nguyễn Trường Giang, Thạch Mai Hoàng, Lương Minh Ngọc, Lê Sỹ Giáo, Phạm Văn Thành 2014. “Vấn đề tộc người trong nghiên cứu và đào tạo ở Bộ môn Nhân học, 2009-2014”.Báo cáo Hội nghị Thông báo Dân tộc học, Viện Dân tộc học, 2014.

Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam 2016. Báo cáo Tổng quan Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ.Hà Nội: Nxb Hồng Đức. Có thể truy cập tại:https://openknowledge.worldbank.org/bitstream/handle/10986/23724/VN2035Vietnamese.pdf.

Lola Romanucci-Ross, George A. De Vos, Takeyuki Tsuda (eds.) 2006. Ethnic Identity: Problems and Prospects for the Twenty-First Century. New York: Altamira Press (Fourth Edition).

Kusuma Snitwongse, W. Scott Thompson (eds.) 2005. Ethnic Conflicts in Southeast Asia. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies.

Nguyễn Văn Sửu 2014. “Một số nhận xét về tên gọi, lý thuyết và phương pháp nghiên cứu nhân học”, trong Một số vấn đề về Lịch sử và lý thuyết nhân học. Nxb Tri Thức, tr. 15-51.

UNESCO 2013.World Social Science Report 2013: Changing Global Environments. Paris: OECD Publishing and UNESCO Publishing.

Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên) 1998.Dân tộc học đại cương. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.

 

[1]Khái niệm ‘tộc người’ ở đây bao quát cả nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng chính sách liên quan đến chủ đề tộc người.Theo đó, toàn bộ các nghiên cứu và học phần được xếp vào chủ đề ‘tộc người’ được hiểu là có liên quan đến các vấn đề của tộc người và theo cách tiếp cận tộc người hoặc cả hai.

[2]Để biết thêm về lịch sử truyền thống dân tộc học Xô-viết, xem Anatoly M. Kuznetsov (2010: tr. 20-43).

[3] Grant Evans cho rằng nhân học ở các quốc gia châu Á, nhất là Lào, Trung Quốc và Việt Nam, bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của mỗi quốc gia vì thế làm hình thành các nền ‘Nhân học bản địa’ và ‘Nhân học bị bản địa hóa’ (Grant Evans, 2005: tr.43-55).  Với trường hợp Việt Nam, thực tiễn gần hai thập kỷ qua cho thấy các nhà nhân học Việt Nam không chỉ tìm cách ‘bản địa hóa’ nhân học vốn được du nhập từ bên ngoài để xây dựng một nền nhân học Việt Nam mà còn cùng lúc ‘quốc tế hóa’ nhân học Việt Nam để hội nhập và phát triển. Vì thế, ‘bản địa hóa’ và ‘quốc tế hóa’ là hai xu hướng cơ bản của nhân học Việt Nam.

[4] Nhận định này không bao hàm dân tộc học ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975, vì trong giai đoạn này Việt Nam bị phân chia thành hai miền, Bắc và Nam. Ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, dân tộc học còn ở quy mô nhỏ, chủ yếu được giảng dạy ở Đại học Sài Gòn, Đại học Huếtrong khi các hoạt động nghiên cứu được triển khai chủ yếu bởi các nhà dân tộc học theo truyền thống Pháp và một số nhà nhân học theo truyền thống Bắc Mỹ.

[5]Sau khi giải phóng miền Bắc, năm 1960Tổ Dân tộc học theo truyền thống Xô-viết đầu tiên ở Viện Nam được thành lập ở Khoa Lịch sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đến năm 1967, Bộ môn Dân tộc học thuộc Khoa Lịch sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội ra đời, từng bước triển khai đào tạo chuyên môn dân tộc học ở trình độ đại học, thạc sỹ và tiến sỹ. Đến năm 2004, Bộ môn Dân tộc học được đổi tên thành Bộ môn Nhân học, song vẫn thuộc Khoa Lịch sử. Tháng 3 năm 2010, Bộ môn Nhân học được tách khỏi Khoa Lịch sử trở thành Bộ môn Nhân học trực thuộc Trường và sau đó trở thành Khoa Nhân học vào tháng 5 năm 2015.

[6]Xem thêm: Lâm Bá Nam, Nguyễn Văn Sửu, Nguyễn Trường Giang, Thạch Mai Hoàng, Lương Minh Ngọc, 2013; Lâm Bá Nam, Nguyễn Văn Sửu, Nguyễn Trường Giang, Thạch Mai Hoàng, Lương Minh Ngọc, Lê Sỹ Giáo, Phạm Văn Thành, 2014.

[7]Năm 2016, QS University Rankings Asia – QSxếp hạng Đại học Quốc gia Hà Nội đứng số 1 ở Việt Nam và đứng thứ 139 ở Châu Á.

[8] Đây cũng là định hướng cho nền khoa học xã hội thế giới, như Hackmann và St. Clair (2012), tác giả báo cáo Transformative Cornerstones of Social Science Research for Global Change của International Social Science Council đã chỉ ra (dẫn lại trong UNESCO, 2013: tr. 47).

[9] Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng sự tiếp nối của dân tộc học trong nhân học không thể hiện một cách đơn giản ở tên gọi, mà được thể hiện một cách sâu sắc và đậm nét ở nội dung. Vì thế, các chủ đề kiến thức cơ bản, cách tiếp cận lý thuyết và hệ thống phương pháp nghiên cứu của chuyên ngành dân tộc học vẫn là một trong những nền tảng của hoạt động nghiên cứu và đào tạo nhân học ở Khoa Nhân học.

[10]Báo cáo Tổng quan Việt Nam 2035 coi vấn đề khoảng cách giữa 52 dân tộc thiểu số với hai dân tộc Kinh và Hoa ở Việt Nam là một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam trong tiến trình hướng tới một xã hội thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ (Xem Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, 2016: tr. 67-71).

[11]Ví dụ, ở khu vực Đông Nam Á, trừ trường hợp Việt Nam, trong khi nhân học không có vị thế là một đơn vị nghiên cứu và đào tạo độc lập song các vấn đề tộc người lại là một trong những hướng nghiên cứu chủ đạo ở nhiều đại học của các quốc gia thuộc khu vực này (Nguyễn Văn Chính, 2015: tr. 138).

[12]Trong quá trình thành lập Khoa Nhân học, việc đặt tên các bộ môn thuộc Khoa là một vấn đề quan trọng được thảo luận kỹ lưỡng với các phương án khác nhau.Vì hoàn cảnh lịch sử cụ thể, Khoa Nhân học chưa thể xây dựng các bộ môn theo bốn hay năm lĩnh vực của nhân học như thường thấy ở Bắc Mỹ, mà chỉ đặt tên các bộ môn theo đối tượng và phạm vi hẹp của nội dung nghiên cứu và giảng dạy.

[13] Những trải nghiệm trong quá trình hội nhập quốc tế của dân tộc học ở các quốc gia Đông Âu là một trong những bài học chúng ta không thể không chú ý. Trong một seminar khoa học ngày 9 tháng 12 năm 2015 ở Khoa Nhân học, TS. Maria Vivod (Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp) đã chia sẻ kết quả nghiên cứu và quan điểm của mình về lịch sử phát triển và quá trình chuyển đổi của dân tộc học ở Đông Âu qua trường hợp Liên Bang Nam Tư trước đâytrong nửa sau thế kỷ XX. TS Maria Vivod cho thấy dân tộc học theo truyền thống Xô-viết ở các nước Đông Âu trong đó có Nam Tư chỉ thực sự khởi sắc, phát triển mạnh mẽ và có đóng góp đặc biệt quan trọng vào quá trình kiến tạo bản sắc dân tộc của các quốc gia này kể từ sau Thế chiến II đến đầu những năm 1990 khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bị sụp đổ. Trong giai đoạn tiếp theo, khi các quốc gia Đông Âu hội nhập tốt về ngoại giao và kinh tế với châu Âu và thế giới nói chung thì nền dân tộc học ở các quốc gia này lại khó hội nhập ở cả góc độ học thuật và năng lực cộng tác nghiên cứu và đào tạo. Theo tác giả, nguyên nhân cơ bản xuất phát từ chính những điểm mạnh nhất của nền dân tộc học của các nước Đông Âu trong thời kỳ hoàng kim của nó, giai đoạn nửa sau thế kỷ XX, đó là do quá tập trung vào dân tộc họckhảo tả về các phong tục tập quán, những đặc trưng và các thực hành văn hóa, và quá nhấn mạnh đến văn hóa của chính mình, v.v. Do đó, sau một thời gian dài dân tộc học ở các quốc gia này đã không có được những cơ chế và khả năng thích ứng, hội nhập với khu vực Tây Âu và thế giới nói chung trên bình diện lý thuyết và xây dựng lý thuyết, v.v. (Về dân tộc học ở Nam Tư, xem thêm Aleksandar Boskovic, 2010: tr. 156-168).

[14]Ngoài việc vấn đề tộc người được cấu trúc thành các học phần riêng thì còn còn được lồng ghép vào trong các học phần, bài giảng, v.v. ở cả bậc đào tạo đại học và sau đại học.

Tác giả: Nguyễn Văn Sửu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây