GREENVIET và những bài học về truyền thông bảo tồn thiên nhiên

Thứ tư - 13/07/2016 04:19
Trong chuyến đi thực tế vừa qua của lớp K58 Quan hệ công chúng, chúng tôi có cơ hội được giao lưu và trò chuyện với chị Lê Thị Trang – Phó Giám Đốc Trung tâm GreenViet (thành phố Đà Nẵng) về chủ đề “Nâng cao nhận thức cộng đồng và vận động chính sách về bảo tồn quần thể Voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà”. Chúng tôi đã háo hức đặt ra biết bao câu hỏi, và rồi từ mỗi câu trả lời của diễn giả, chúng tôi hiểu hơn về bảo tồn sinh học cũng như học được những bài học về truyền thông chính sách đầy sáng tạo của Green Việt.
GREENVIET và những bài học về truyền thông bảo tồn thiên nhiên
GREENVIET và những bài học về truyền thông bảo tồn thiên nhiên

Tâm huyết với sứ mệnh bảo tồn đa dạng sinh học

Trong những phút đầu tiên của chương trình, chị Trang đã giới thiệu về Trung tâm GreenViet bằng cả lòng nhiệt huyết và đam mê của một người nhiều năm gắn bó và tâm huyết với hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học.

Trung tâm Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) được thành lập vào tháng 9 năm 2011 với mục đích nâng cao hiểu biết, thúc đẩy hành động của cộng đồng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và ứng xử thân thiện với môi trường, sử dụng một cách bền vững tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam. Hoạt động chính của Trung tâm gồm có: Nghiên cứu – Truyền thông Giáo dục – Vận động Chính sách. Với đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm và tràn đầy đam mê, GreenViet đã và đang từng bước thực hiện sứ mệnh của mình đó là “Nghiên cứu, phổ biến giá trị của Đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu giúp cộng đồng hình thành lối sống thân thiện với thiên nhiên”. Trung tâm mong muốn trở thành Trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, truyền thông và giáo dục trong lĩnh vực Đa dạng sinh học ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu đó, GreenViet đã triển khai các dự án và hoạt động truyền thông đến với nhiều nhóm đối tượng trong cộng đồng.

Hiện nay Trung tâm GreenViet đang chủ yếu nghiên cứu, giáo dục và vận động chính sách để bảo vệ loài Voọc chà vá chân nâu. Sở dĩ Trung tâm chọn loài vật này vì nhiều lý do. Thứ nhất đây là loài thú quý hiếm có gen giống loài người đến 98%, chúng có những tập tính, sinh hoạt rất giống người. Thứ hai, Voọc chà vá chân nâu thường sinh sống trong những khu rừng nguyên sinh có thể phục hồi, bảo vệ Voọc là bảo vệ cả môi trường sống của chúng, như vậy một công đôi việc, vừa bảo tồn được loài vậy quý hiếm vừa giữ được tài nguyên rừng. Ngoài ra chị Trang cũng chia sẻ lý do vì sao lại chọn Đà Nẵng là nơi đầu tiên triển khai hoạt động này: “Không giống như Voọc chà vá chân nâu ở các khu vực khác, Vooc tại Đà Nẵng nếu gặp nguy hại như cháy rừng thì khó có thể chạy sang khu rừng khác, vì thế dễ bị tuyệt chủng hơn và GreenViet chọn Đà Nẵng là nơi đầu tiên triển khai và phát triển mô hình này, sau đó dần dần sẽ mang đến các địa phương khác để bảo vệ Voọc chà vá chân nâu”.

Có thể thấy rằng, GreenViet đã bước đầu xây dựng được hình ảnh của mình bằng việc xác định rõ mục đích, sứ mệnh và tầm nhìn của tổ chức. Đó là những định hướng cơ bản giúp GreenViet phát triển hiệu quả và ổn định lâu dài. Ngoài ra, thương hiệu của Trung tâm còn được thể hiện qua ý nghĩa tên GreenViet_Nước Việt phát triển xanh gắn với màu xanh lá của thiên nhiên. Với nền móng khá vững chắc như vậy, GreenViet đã và đang triển khai thành công nhiều dự án truyền thông về bảo tồn hướng tới nhiều đối tượng khác nhau trong cộng đồng.

Ảnh: Phạm Kiên Trung

Chị Lê Thị Trang - Phó Giám đốc Trung tâm GreenViet chia sẻ về các chiến dịch truyền thông liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học cho sinh viên ngành Quan hệ công chúng

Hướng đến nhiều nhóm đối tượng trong cộng đồng

Đối với từng đối tượng khác nhau, GreenViet lại có một cách tiếp cận khác nhau. Nắm bắt được đặc điểm của từng nhóm công chúng giúp GreenViet dễ dàng thiết kế chương trình cũng như triển khai.

Trẻ em là nhóm đối tượng dễ dàng tiếp thu kiến thức. Nếu như các em nhận thức được việc bảo tồn thiên nhiên ngay từ nhỏ, khi lớn lên chắc hẳn rằng các em sẽ có ý thức tốt và không xâm hại môi trường. Việc này ví như “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. GreenViet hiểu được rằng hiện nay các em ít có cơ hội được tiếp xúc với thực tế tự nhiên, yêu thích vui chơi và nhanh chóng tiếp thu tri thức qua trải nghiệm. Chính vì thế Trung tâm đã có những hoạt động giáo dục đa dạng giúp các em “học mà chơi, chơi mà học”. Những hoạt động có thể kể đến như: dạy các em điệu nhảy khỉ; tổ chức chương trình “Khám phá thế giới động vật hoang dã”; chương trình Sơn Trà Little Green Guards… đó là những hành trình khám phá thiên nhiên, quan sát tận mắt cuộc sống của những loài động vật đặc biệt là loài Voọc chà vá chân nâu.

Rất nhiều sinh viên đã đặt câu hỏi cho diễn giả/Ảnh: Phạm Kiên Trung

Sinh viên hay thanh niên là nhóm công chúng năng động, ham cái mới và trải nghiệm mới. Họ cũng dễ dàng tiếp thu tri thức và đặc biệt thanh niên, với sức trẻ của mình có thể lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, trở thành  những thủ lĩnh trẻ trong việc truyền thông giáo dục. Nắm được đặc điểm này, GreenViet đã đưa đến các chương trình như: Thu gom rác thải trên bán đảo Sơn Trà, cuộc thi ảnh Sinh viên, nhóm bạn và biển Đà Nẵng, những buổi talkshow như Đoàn viên Sơn Trà tìm hiểu về đa dạng sinh học Sơn Trà,… những hoạt động này giúp thanh nhiên, nhất là các bạn sinh viên nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và bảo tồn hoang dã.

Đối tượng cộng đồng địa phương là đối tượng rộng và phức tạp nhất với nhiều đặc điểm khác nhau. Với nhóm đối tượng này, GreenViet cũng triển khai nhiều hoạt động đa dạng như: Dự án nâng cao năng lực bảo tồn cho tình nguyện viên Đà Nẵng, tọa đàm cộng đồng Đà Nẵng chung tay bảo vệ Voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà, dự án người dân làm sạch bán đảo Sơn Trà… Trong những hoạt động đó, phải kế đến chương trình “Tôi yêu Sơn Trà” - dự án dài hơi đang được tổ chức vào chủ nhật hàng tuần với sự đón nhận của đông đảo người dân. “Tôi yêu Sơn Trà” là cuộc hành trình khám phá và chiêm ngưỡng thiên nhiên để rồi sau đó mỗi người tham gia sẽ tự cảm nhận thiên nhiên và cho ra đời những sản phẩm của riêng mình như bài viết, tranh ảnh,poster…

GreenViet mong muốn khách du lịch cũng sẽ yêu mến Sơn Trà, có ý thức bảo vệ môi trường nơi đây. Để làm được việc ấy, họ quyết định nhắm đến hướng dẫn viên, những người trực tiếp tiếp xúc với khách du lịch. GreenViet đã tổ chức khóa tập huấn “Kỹ năng tuyên truyền bảo tồn đa dạng sinh học bán đảo Sơn Trà cho hướng dẫn viên và cán bộ phụ trách hoạt động du lịch của BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng”. Hoạt động này góp phần thông tin rộng rãi đến du khách và quảng bá cho Sơn Trà.

Đối tượng cán bộ công chức được xác định là nhóm đối tượng khá đặc biệt. Những người làm chính sách hay có ảnh hưởng đến việc ban hành và thực thi chính sách. Chính vì vậy GreenViet xác định nhóm này cũng cần hiểu về việc bảo tồn để từ đó những chính sách về môi trường dễ dàng được thông qua. Những hoạt động chủ yếu cho nhóm này đó là các khóa tập huấn, tọa đàm tìm hiểu thông tin hay tham quan khám phá thiên nhiên.

Thông qua những hoạt động trên, có thể thấy rằng GreenViet rất linh hoạt trong việc tiếp cận công chúng của mình. Họ đã tìm được đúng những nhóm công chúng có liên quan đến công việc của mình và đưa ra những chương trình phù hợp cho đặc điểm của từng nhóm. Những thành công có thể kể đến như: Hình ảnh Voọc xuất hiện trên lì xì năm mới, chương trình được chủ tịch thành phố Đà Nẵng đánh giá cao, trẻ em có ý thức hơn không ném đá vào động vật hay các bạn trẻ có ý thức giữ gìn vệ sinh khi đến tham quan…

Phối hợp đa dạng các phương thức truyền thông

Những dự án trên được truyền thông trực tiếp là chủ yếu, với hàng ngàn tờ rơi, tờ gấp tại sân bay, trên xe taxi, hình ảnh tại nhà chờ xe bus và đặc biệt chi phí cho những hoạt động đó đến từ các doanh nghiệp. GreenViet đã khéo léo tìm hiểu định hướng của họ, tìm ra điểm chung và kết hợp. Đây cũng chính là một trong những kĩ năng truyền thông quan trọng để có được thỏa hiệp hai bên cùng có lợi. Các hoạt động truyền thông khác như quan hệ với báo chí (chương trình talkshow trên truyền hình Đà Nẵng), cho ra đời những ấn phẩm truyền thông như tạp chí, sách báo về Voọc chà vá… Ngoài ra, mới đây GreenViet đã sử dụng mạng xã hội Facebook cho hoạt động truyền thông của mình, đây cũng là hướng phát triển trong tương lai của Trung tâm.

GreenViet đã và đang áp dụng nhiều hình thức cho hoạt động truyền thông: truyền thông trực tiếp với các sự kiện, tờ rơi, tờ gấp, hình ảnh hiện thị ở nhà chờ, quán cafe; gây dựng quan hệ với báo chí hay sử dụng truyền thông mạng xã hội. Có thể thấy đó là hướng đi khá phù hợp với xu thế, mở ra nhiều cách để “chạm” đến tư duy, cảm xúc và thay đổi suy nghĩ của nhiều người.

Trước những khủng hoảng truyền thông, GreenViet tỏ ra rất khéo léo và chuyên nghiệp trong xử lý. Tháng 2/2016, có một nhóm đối tượng đã phá hoại rừng. Ngay sau khi nắm được tình hình, GreenViet đã điều tra và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để họ xử lý. Cái hay của vụ việc này ở chỗ: GreenViet vừa giữ được hình ảnh của thành phố tốt đẹp (không loan tin rầm rộ ở khắp nơi, thông tin chủ yếu ở địa phương, vừa đủ để chính quyền can thiệp), vừa giải quyết được vấn đề (cung cấp thông tin để cơ quan chức năng giải quyết nhanh gọn và lên tiếng với những thông tin chính thống tích cực).

Với sự ủng hộ của chính quyền địa phương và cộng đồng, GreenViet đã vượt qua nhiều thách thức để thực hiện thành công những chương trình, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học. Những gì GreenViet đang làm không đơn giản chỉ là bảo tồn thiên nhiên, mà còn góp phần phát triển du lịch, chung tay xây dựng hình ảnh đẹp về Đà Nẵng -  thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Với sự cố gắng và không ngừng tìm tòi đổi mới trong hoạt động truyền thông, với nguyên tắc Dùng nội lực, huy động sự tham gia của cộng đồng, làm những điều cộng đồng chấp thuận, GreenViet chắc chắn còn thu hút được sự ủng hộ và chung tay góp sức từ cộng đồng cho những mục tiêu và sứ mạng tốt đẹp mà mình đang theo đuổi.

Buổi nói chuyện của chúng tôi đã kết thúc muộn hơn dự kiến. Ai cũng còn những trăn trở của riêng mình. Nhưng tâm huyết và những bài học kinh nghiệm quý giá về hoạt động truyền thông của GreenViet vẫn còn đọng lại sâu sắc trong suy nghĩ của những sinh viên năm thứ 3 ngành Quan hệ công chúng chúng tôi. 

Tác giả: Đỗ Thuý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây