Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHNhttps://ussh.vnu.edu.vn/uploads/ussh/logo.png
Chủ nhật - 09/12/2012 10:15
Ngày 07/12/2012, Trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức toạ đàm khoa học quốc tế “Tôn giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay”.
Ngày 07/12/2012, Trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức toạ đàm khoa học quốc tế “Tôn giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay”.
Tham dự toạ đàm có PGS.TS Phạm Quang Minh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, GS.TS Trần Văn Đoàn – Đại học Quốc gia Đài Loan, GS.TS Kim Chae Young – Đại học Sogang (Hàn Quốc) cùng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Nội dung chính của buổi toạ đàm bao gồm: các khuynh hướng phát triển của tôn giáo; tác động của kinh tế thị trường và quá trình hội nhập đến tôn giáo Việt Nam hiện nay. Buổi toạ đàm được chia làm 4 phiên, thảo luận về 4 chủ đề:
Tôn giáo và Xã hội Việt Nam hiện nay: Các hướng tiếp cận lí thuyết
Tôn giáo với kinh té và văn hoá
Tôn giáo và cá nhân
Đời sống tôn giáo và xã hội.
Phát biểu khai mạc toạ đàm, PGS.TS Phạm Quang Minh khẳng định toạ đàm lần này tiếp tục là một hoạt động có ý nghĩa, góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu và đào tạo trên lĩnh vực tôn giáo. Toạ đàm là nơi quy tụ sự góp mặt của những chuyên gia, nhà nghiên cứu thực sự quan tâm và say mê với tôn giáo học, tạo điều kiện trao đổi giao lưu giữa các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về nghiên cứu tôn giáo.
Trong báo cáo đề dẫn, GS.TS Đỗ Quang Hưng đã trình bày về những cái nhìn mới hiện nay trong nghiên cứu mối quan hệ giữa tôn giáo và xã hội, đồng thời chỉ ra rằng cách nhìn các vấn đề xã hội của các tôn giáo đã có nhiều thay đổi. Ông cũng đã đưa ra 3 khuynh hướng nghiên cứu đang được giới nghiên cứu tôn giáo trên thế giới quan tâm hiện nay đó là: Tôn giáo và vấn đề đời sống công cộng; Tôn giáo và vấn đề đời sống cá nhân; Tôn giáo với xã hội dân sự.
Tôn giáo có vai trò quan trọng, không chỉ trong đời sống tâm linh của mỗi con người, mà còn đối với từng quốc gia, khu vực, thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng của tôn giáo trong đời sống mỗi cá nhân và xã hội, Trường ĐHKHXH&NV trong nhiều năm qua, đã quan tâm thúc đẩy phát triển ngành tôn giáo học ở phạm vi trong và ngoài trường.