Tin tức

Tổng kết những ngày giảng viên đi học

Thứ sáu - 16/03/2012 11:31
Khoá học “Thiết kế môn học và phương pháp” giảng dạy do Trường ĐHKHXH&NV phối hợp với Quỹ Quốc tế Singapore (SIF) tổ chức trong năm 2012 gồm 4 đợt học với sự tham gia của 39 giảng viên trẻ của Trường. Ngày 15/3/2012, Nhà trường đã tổ chức gặp mặt các giảng viên tham dự khoá học nhằm tổng kết chia sẻ những kết quả đã đạt được của đợt 1 và chuẩn bị cho những đợt học tiếp theo vào cuối tháng 5, tháng 8 và tháng 12/2012. PGS.TS Nguyễn Văn Kim - Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã dự và lắng nghe những chia sẻ của giảng viên về khoá học thiết kế môn học và phương pháp giảng dạy.

Những ngày đi học của giảng viên

Chia sẻ về phương pháp giảng dạy trước khi tham gia vào khoá học, giảng viên Trương Bích Hạnh – Khoa Lịch sử cho biết: Một nghịch lí là giảng viên phải lên lớp thuyết trình hàng ngày hay tham gia vào các hội thảo lớn nhỏ nhưng lại chưa bao giờ được đào tạo về kĩ năng thuyết trình. Vấn đề là tôi làm việc đó một cách khá bản năng, không biết đến tên gọi hay các kĩ thuật để thực hiện các kĩ năng ấy một cách bài bản và hiệu quả. Tham gia khoá học, cùng học tập và chia sẻ kiến thức, kĩ năng với các chuyên gia các giảng viên trẻ cho biết kết quả thu được rất hữu ích và có thể vận dụng sáng tạo vào phương pháp giảng dạy của mình. Giảng viên Nguyễn Thị Thuỳ Trang – Khoa Quốc tế học cho biết: Lần đầu tiên tôi được tiếp cận sơ đồ TetraMap của Yoshimi và Jon Brett. Mô hình này giúp tôi hiểu rõ hơn về những mặt nổi trội, sở thích, phong cách của bản thân và của những người xung quanh. Từ đó tôi nhận thức rõ hơn về cách thức chuẩn bị và thực hiện việc truyền thụ kiến thức cho nhiều đối tượng sinh viên với phong cách, sở thích và thói quen khác nhau…” Giảng viên Diêu Thị Lan Phương – Khoa Văn học chia sẻ: "Who am I? – Tôi là ai? là một kiến thức mới tôi lần đầu được học. Việc nhận thức được mình và người khác có thể thuộc một trong 4 xu hướng tính cách (Đất, Không khí, Nước, Lửa) giúp tôi hiểu người khác hơn và chấp nhận cũng như thích nghi với Sự khác biệt dễ dàng hơn. Điều ấy làm cho chúng tôi hoà hợp với hàng trăm sinh viên tốt hơn…" Dù có những kiến thức trong khoá học này không hẳn là mới hoàn toàn với các giảng viên, nhưng đa số các giảng viên đều bất ngờ với kết quả mình thu được: "Tôi đã tham dự một số lớp về phương pháp thuyết trình, phương pháp giảng dạy…Bởi vậy trước khi tham gia, tôi đã chuẩn bị tinh thần nghe lại những gì đã biết, nhưng tôi đã rất bất ngờ. Học vui hơn, hứng thú hơn, và hiệu quả hơn... Tôi bị ảnh hưởng khá nhiều bởi phong cách của các thầy cô, và khi lên lớp bây giờ, tôi thấy mình nhiều năng lượng hơn hẳn. Nguồn năng lượng ấy của tôi cũng đã được truyền tới cho sinh viên” - Giảng viên Đỗ Hồng Dương (Khoa Ngôn ngữ học).

Kết quả

Giảng viên Phạm Thuỳ Chi – Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt cho biết: có những phương pháp tôi đã ít nhiều áp dụng tuy nhiên áp dụng này cũng không thường xuyên và thường cho đó là kinh nghiệm đi dạy thôi nhưng sau khoá học vừa rồi thì đã suy nghĩ và nâng nó lên thành phương pháp dạy học thật sự và sẽ áp dụng thường xuyên…
Từ trước đến nay tôi chủ yếu tập trung vào việc truyền đạt kiến thức, kĩ năng cho sinh viên mà thường bỏ qua việc nâng cao khả năng tập trung và hấp thu kiến thức của sinh viên. Chính những kĩ năng mở màn và truyền năng lượng sẽ giúp sinh viên hào hứng hơn với giờ học, tăng khả năng tập trung và tư duy trong những buổi học dài...
— Nguyễn Thị Thùy Trang – Khoa Quốc tế học
“Từ trước đến nay tôi chủ yếu tập trung vào việc truyền đạt kiến thức, kĩ năng cho sinh viên mà thường bỏ qua việc nâng cao khả năng tập trung và hấp thu kiến thức của sinh viên. Chính những kĩ năng mở màn và truyền năng lượng sẽ giúp sinh viên hào hứng hơn với giờ học, tăng khả năng tập trung và tư duy trong những buổi học dài...” – GV Nguyễn Thị Thuỳ Trang (Khoa Quốc tế học). Giảng viên Trần Hà Thu – Khoa Tâm lí học chia sẻ: Điều quan trọng sau khoá học này là tôi nhận ra rằng mình không nên là người “lecturer” mà hãy là người “facilitator” trong lớp học. Mình nên không ngừng thay đổi và tin tưởng rằng mình có thể làm được điều đó. Đó là những ý nghĩa tinh thần rất lớn mà khoá học đã mang lại cho tôi…

Những đề xuất

Không chỉ dừng lại ở những kết quả đó, các giảng viên trẻ còn mong muốn sau khoá học này sẽ tiếp tục cùng nhau tiếp tục chia sẻ những kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm ngày một nhiều hơn và hiệu quả hơn nữa. «Tôi mong muốn, mạng lưới các giảng viên đã tham gia khoá học này được xây dựng, từ đó, phát triển, duy trì và chia sẻ với các đồng nghiệp khác trong trường.” - Giảng viên Phan Hồng Giang (Khoa Khoa học Quản lí). Giảng viên Nguyễn Thị Anh Thư (Khoa Tâm lí học) chia sẻ những băn khoăn với ý tưởng: Có nên tập huấn cho sinh viên để họ dynamic hơn không, cùng giảng viên làm nên những thay đổi. Vì ở trong lớp học rất cần một số hạt nhân (giống như nhóm nòng cốt) khuấy động. Sau đó nhóm nòng cốt này lại khuấy động, chia sẻ cho các sinh viên khác. Sinh viên luôn luôn là trung tâm của quá trình đào tạo bởi vậy mà theo giảng viên Đỗ Thuỳ Lan Khoa – Khoa Lịch sử cho rằng: vì lấy sinh viên là trung tâm nên phải tăng cường hơn nữa các hoạt tự học, tự nghiên cứu, tự truyền thụ và thâu nhận kiến thức của sinh viên ; trong đó giảng viên là người « thiết kế », « giám sát, thi công » định hướng và giải đáp (việc này còn khó khăn hơn gấp nhiều lần so với giảng dạy kiến thức đơn thuần). Giảng viên Đinh Thị Thuỳ Hiên – Khoa Lịch sử thì lại nêu ra đề xuất rất thiết thực và cụ thể: Nên triển khai giới thiệu các kiến thức và kĩ năng có trong dự án này cho toàn thể giảng viên trong trường song hành với việc điều chỉnh cơ chế quản lí, giám sát… để đổi mới một cách đồng bộ và toàn diện phương pháp giảng dạy trong Nhà trường nhằm thực hiện tốt sứ mệnh của Trường ĐHKHXH&NV ”. Một số ý kiến khác của giảng viên đề cập đến việc áp dụng những đổi mới trong điều kiện hiện nay còn gặp phải một số khó khăn nhất định như: sự cố định trong việc bố trí bàn ghế gây khó khăn cho tổ chức lớp, lớp học lắp kính sáng trắng nên hiệu quả màn hình khi sử dụng media và slide không đạt, loa ở giảng đường không kết nối được với máy tính .... Phát biểu tổng kết PGS.TS Nguyễn Văn Kim nhấn mạnh: Học kì tới Nhà trường sẽ tạo điều kiện để các giảng viên có thể vận dụng các phương pháp đối mới trong giảng dạy. Các giảng viên cần vận dụng những gì đã tiếp thu được trong khoá học một cách hiệu quả và phù hợp vào hoàn cảnh Việt Nam. Phó Hiệu trưởng bày tỏ mong muốn đội ngũ giảng viên trẻ của Trường sẽ sớm đạt trình độ quốc tế, tự tin tham gia giảng dạy tại các trường đại học quốc tế. Khoá học học thiết kế môn học và giảng dạy các giảng viên trẻ của Trường đã khép lại, những gì thu được đã, đang được một số giảng viên: Nguyễn Thu Giang, Hoàng Thu Hà (Khoa Báo chí và Truyền thông), Hứa Ngọc Tân, Đỗ Hồng Dương (Khoa Ngôn ngữ học)... vận dụng sáng tạo, phù hợp trong điều kiện hiện tại của Trường. Và sẽ có nhiều giảng viên trẻ vận dụng những đổi mới này trong thời gian tới.

Tác giả: nguyenhang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây