Tin tức

Tổng kết và trao học bổng khóa học “Tìm hiểu cộng đồng châu Á”

Thứ năm - 31/12/2015 04:02
Sau 3 tháng với 13 chuyên đề giảng dạy, sáng ngày 26/12/2015, khóa học chuyên đề “Tìm hiểu cộng đồng châu Á” của Khoa Đông Phương học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã tổng kết, trao học bổng và chứng chỉ cho học viên tham gia.
Tổng kết và trao học bổng khóa học “Tìm hiểu cộng đồng châu Á”
Tổng kết và trao học bổng khóa học “Tìm hiểu cộng đồng châu Á”

PGS.TS Phạm Quang Minh trao học bổng cho 10 sinh viên Khoa Đông Phương học

Tham dự buổi tổng kết có PGS.TS. Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, TS. Nguyễn Trần Tiến, Phó Chủ nhiệm Khoa Đông phương học và PGS.TS. Lê Đình Chỉnh, Chủ nhiệm chương trình Tìm hiểu Cộng đồng châu Á.

Thế kỷ 21 được coi là kỷ nguyên châu Á – Thái Bình Dương. Xác định được tầm quan trọng trong việc tìm hiểu cộng đồng châu Á cho giới trẻ, Qũy One Asia Foundation nhiều năm liền đã tài trợ cho Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN tổ chức khóa học “Tìm hiểu Cộng đồng châu Á”. (Năm 2015 là năm thứ 3 khóa học được tổ chức)

Đây là khóa học đặc biệt dành cho sinh viên năm nhất Khoa Đông Phương học. Giảng dạy khóa học là các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước trên tất cả mọi lĩnh vực.

Mục đích của khóa học nhằm giúp cho người học có tầm nhìn rõ hơn về một cộng đồng châu Á. Từ đó, người học sẽ có cơ hội tìm hiểu và biết được những khó khăn, thuận lợi hay những cơ hội, thách thức của các nước trong khu vực, đặc biệt Việt Nam trong tiến trình tiến tới một tầm cao mới trên diễn dàn khu vực cũng như trên thế giới trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay.

Sau phần phát biểu khai mạc, PGS.TS Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã trao học bổng cho 10 sinh viên có kết quả học tập cao nhất của khóa.

Khóa học năm nay có 13 chuyên đề:

 

Chuyên đề 1

PGS.TS. Phạm Quang Minh

Vai trò của khoa học trong việc duy trì và bảo tồn di sản văn hóa – phát triển du lịch bền vững ở Châu Á

 

 PGS.TS. Phạm Quang Minh đã đưa ra những thực trạng và việc duy trì bảo tồn các di sản văn hóa của một số quốc gia châu Á từ đó đưa ra một số giải pháp phát triển du lịch bền vững ở châu Á. Nội dung chính của chuyên đề bao gồm:

  1. Nhận thức cá nhân về di sản văn hóa?
  2. Trải nghiệm bản thân về di sản văn hóa?
  3. Làm thế nào để bảo vệ di sản văn hóa một cách tốt nhất?
  4. Làm thế nào để xây dựng cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN?

Chuyên đề 2

GS.TS. Mai Ngọc Chừ

Bảo tồn các ngôn ngữ bản địa châu Á: Lý thuyết và Thực tiễn

 

Chuyên đề nêu lên bức tranh toàn cảnh về các ngôn ngữ tộc người ở châu Á xét từ góc độ quan hệ cội nguồn lẫn loại hình cấu trúc.

GS Mai Ngọc Chừ đi sâu phân tích tình hình tiêu biến ngôn ngữ ở Việt Nam và những biện pháp đã và đang được thực thi để cứu các ngôn ngữ đang có nguy cơ tiêu biến.

Chuyên đề 3

PGS.TS. Lê Đình Chỉnh

Quan hệ quốc tế ở châu Á: Lịch sử và Triển vọng 

 

Quan hệ quốc tế được hiểu là tổng thể những mối quan hệ về kinh tế, chính trị, tư tưởng, ngoại giao, quân sự,… giữa những quốc gia và hệ thống những quốc gia với nhau, giữa các giai cấp, các lực lượng tổ chức xã hội, quốc tế, chính trị là chủ yếu, hoạt động trên trường quốc tế.

Theo dòng lịch sử thế giới đã trải qua rất nhiều thăng trầm với những biến đổi khôn lường. Song, trong hoàn cảnh phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là một xu thế lớn; toàn cầu hóa là một xu thế khách quan ngày càng lôi cuốn được nhiều nước tham gia. Việt Nam cũng đang hòa nhịp với xu thế chung đó của thời đại.

Chuyên đề 4

GS.TS.  Phạm Hồng Tung

Chính sách đối ngoại của một số “cường quốc” ở Châu Á

 

Mục đích chính của bài giảng này là giới thiệu cho sinh viên về mối quan hệ quốc tế ở Thái Bình Dương Á hiện nay. Chính sách đối ngoại và chiến lược quốc tế của mỗi quốc gia sẽ được tiếp cận và phân tích một cách đa chiều, để sinh viên có thể phát triển theo sở thích riêng của mỗi người cũng như tiếp tục khám phá mối quan hệ quốc tế trong từng khu vực một cách độc lập.

Chuyên đề 5

PGS.TS.  Hoàng  Anh Tuấn

“Khu vực hóa” lịch sử dân tộc: Vị trí của Việt Nam trong mạng lưới hải thương Đông Á giai đoạn tiền cận đại

 

Các sử gia chuyên về đế chế khi nghiên cứu biển hoặc các vùng cận duyên có xu hướng nhìn đối tượng nghiên cứu từ đất liền, cho rằng vùng cận duyên và biển nên được đối xử như một bộ phận trực thuộc lục địa. Bởi thế biển thường bị coi là yếu tố ngoại vi và, trên phương diện chức năng, phụ thuộc vào các trung tâm chính trị và văn hóa trong lục địa. Các hải sử gia sử dụng phương pháp tiếp cận riêng của mình. Một cách ẩn dụ mà nói, hải sử gia đặt mình giữa biển khơi để nhìn nhận các khu vực cận duyên; họ nhìn từ biển vào bờ, chứ không phải từ bờ ra biển

Chuyên đề 6

PGS.TS. Nguyễn Tương Lai 

Tôn giáo với định hướng xây dựng cộng đồng Châu Á   

 

Bài giảng cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản về tôn giáo và lịch sử của tôn giáo, đặc điểm của các tôn giáo lớn trên thế giới. Ngoài ra và cũng là nội dung chính của bài giảng đó là bài giảng đã nêu lên những cơ sở tôn giáo phục vụ cho việc định hướng xây dựng cộng đồng châu Á. Những cơ sở này dựa trên những nét tương đồng của các tôn giáo và vai trò của tôn giáo về các mặt xã hội, chính trị, kinh tế, môi trường và hòa bình. Với những nét tương đồng đó, với những vai trò lớn lao đó chắc chắn các tôn giáo có thể cùng nhau góp phần tích cực của mình vào việc định hướng xây dựng một cộng đồng châu Á phát triển, ổn định, đoàn kết và hòa bình.

Chuyên đề 7

PGS.TS. Nguyễn Thúy Vân

Vai trò của thể chế và tư tưởng chính trị hướng tới xây dựng cộng đồng Châu Á:  Quan điểm triết học    

 

Chuyên đề cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về cách thức tổ chức của hệ thống chính trị hiện thời của các quốc gia châu Á và những hệ tư tưởng chi phối sự phát triển của các quốc gia đó.

Trên cơ sở đó tìm ra các mục tiêu chung, những điểm tương đồng để hướng tới xây dựng cộng đồng châu Á trong tình đoàn kết và vì sự phát triển chung, bền vững.

Chuyên đề 8

PGS.TS. Phạm Văn Quyết

Dân số Châu Á và Việt Nam: Những vấn đề về xu hướng biến đổi

 

Từ khoảng những năm 50 của thế kỷ trước dân số châu Á bước vào thời kỳ gia tăng có tính đột biến mà thường gọi là “bùng nổ dân số”.

Với mục tiêu chỉ ra những vấn đề dân số châu Á trong bối cảnh dân số thế giới và tiến trình dân số Việt Nam trong những vấn đề của dân số châu Á, bài viết muốn thông qua biến dân số nhằm làm rõ sự gắn kết của Việt Nam với khu vực trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay.

 

Chuyên đề 9

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Hoa

Biến đổi cơ cấu và chức năng trong các gia đình Châu Á

 

Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò quyết định đối với sự hình thành và phát triển của xã hội.Những chuẩn mực giá trị tốt đẹp của gia đình được tiếp nhận, phát triển góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

Chuyên đề này giúp sinh viên hiểu được một số khái niệm về gia đình, cơ cấu và chức năng và Biến đổi cơ cấu gia đình ở một số nước Châu Á.  

Chuyên đề 10

GS.TS.  Ahnkyonghwan

Làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) và những ảnh hưởng của nó ở Châu Á

 

Câu chuyện làn sóng Hallyu (làn sóng văn hóa Hàn Quốc) thu hút sự bàn luận sôi nổi của các nhà nghiên cứu Việt Nam, Hàn Quốc, các nhà báo và giới trẻ - những người hâm mộ Hallyu.

Chuyên đề này sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về Làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu (Hàn lưu) đang lan rộng ở Đông Á, trong đó có Việt Nam, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực. Sinh viên sẽ có cái nhìn toàn diện để tiếp nhận làn sóng văn hóa này một cách chọn lọc để một phần phát huy và bảo tồn văn hóa Việt

Chuyên đề 11

TS. Nguyễn Trần Tiến

Xây dựng cộng đồng ASEAN: Tiếp cận Khu vực học 

 

Thế kỷ XXI được coi là kỷ nguyên châu Á – Thái Bình Dương. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ cùng với Mỹ được xem là những nhân tố quan trọng hàng đầu để nói đến điều đó. Cùng với đó, xu thế đa cực hóa cấu trúc an ninh toàn cầu nói chung, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng đang chuyển từ định hướng sang định hình.

Trong bối cảnh khu vực và quốc tế đó, ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức ra đời. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN. Chuyên đề Xây dựng cộng đồng ASEAN: Tiếp cận khu vực học trước tiên giúp sinh viên tìm hiểu khái quát về nghiên cứu khu vực; các vấn đề lý thuyết liên quan đến khu vực học như; khu vực Văn hóa phương Đông và một số vấn đề cơ bản và nổi bật của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực như kinh tế và hội nhập kinh tế, văn hóa và xã hội ...  qua các nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành trong Khu vực học.

 

Chuyên đề 12

TS. Nguyễn Quang Liệu

Việc làm của sinh viên Việt Nam trong Công đồng châu Á: Cơ hội và thách thức 

 

Cộng đồng châu Á là một châu lục năng động và đa dạng. Khu vực này đã đạt mức tăng trưởng kinh tế đáng kể trong những thập niên gần đây, nhưng cũng đã chứng kiến sự gia tăng của bất bình đẳng và sự tồn tại cố hữu của những việc làm kém chất lượng.

Chuyên đề đánh giá tổng quan về xu hướng thị trường lao động, tác động của Cộng đồng châu Á tới các thị trường lao động thông qua các mô hình mô phỏng và phân tích chính sách thực tế, với mục đích cung cấp các khuyến nghị chính sách dựa trên bằng chứng hướng tới việc làm tốt hơn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. 

Chuyên đề 13

PGS.TS. Phạm Hồng Thái

Công nghiệp văn hóa ở Nhật Bản, Hàn Quốc và tác động quốc tế  

Hiện nay, công nghiệp văn hóa đang trở thành một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, thậm chí được coi là kinh tế “trụ cột” tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng quá trình phát triển của công nghiệp văn hóa của Nhật Bản và Hàn Quốc, ý nghĩa, vai trò kinh tế, văn hóa, chính trị của nó cũng như tìm hiều những tác động quốc tế của nó là một vấn đề thực sự có ý nghĩa lí luận và thực tiễn không chỉ giúp nâng cao sự hiểu biết về hai quốc gia có vai trò quan trọng về kinh tế và văn hóa ở khu vực Châu Á và còn đem lại những gợi mở quan trọng trong việc học tập kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Tác giả: Đình Hậu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây