Văn hoá chất lượng trong trường đại học

Thứ năm - 20/10/2011 05:32
Hội thảo khoa học với chủ đề “Văn hoá chất lượng trong trường đại học” đã được tổ chức vào ngày 20/10. Tới dự có PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, các nhà khoa học, quản lí, đại diện các trường đại học trên cả nước.
Văn hoá chất lượng trong trường đại học
Văn hoá chất lượng trong trường đại học
Hội thảo khoa học với chủ đề “Văn hoá chất lượng trong trường đại học” đã được tổ chức vào ngày 20/10. Tới dự có PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, các nhà khoa học, quản lí, đại diện các trường đại học trên cả nước. Nội dung chính của hội thảo tập trung thảo luận về những vấn đề chính: văn hoá chất lượng và phát triển bền vững trong trường đại học; xây dựng và phát triển văn hoá chất lượng trong các trường đại học ở Việt Nam nói chung và đối với trường ĐHKHXH&NV nói riêng; văn hoá chất lượng trong giảng dạy, học tập và kiểm tra đánh giá. Các trường đại học ở Việt Nam đã và đang tiến hành xây dựng và phát triển văn hoá chất lượng. Trường ĐHKHXH&NV cũng đã và đang từng bước xây dựng văn hoá chất lượng. Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho biết: Đối với Trường ĐHKHXH&NV thì xây dựng văn hoá chất lượng gắn liền với đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập của thầy và trò. Tổ chức lấy ý kiến phản hồi của người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên là một hoạt động tăng cường dân chủ trong Nhà trường nhưng đồng thời là xây dựng một nét văn hoá chất lượng mới. Mặt khác, văn hoá chất lượng gắn liền với đảm bảo chất lượng của các khoa/ngành/chương trình đào tạo; xây dựng và phát triển văn hoá chất lượng gắn liền với cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Tại Trường ĐHKHXH&NV, phát triển văn hoá chất lượng là thay đổi văn hoá tiến tới sự hội tụ rộng lớn hơn trên con đường tư duy và hành động về chất lượng và các giá trị được kết hợp.

PGS.TS Trần Khánh Đức (Trường Đại học Giáo dục) trong tham luận “Phát triển các giá trị văn hoá – nhân văn và mô hình trường đại học tương lai” đã đưa ra đặc trưng và xu hướng phát triển giáo dục đại học hiện đại. Sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học một mặt bị tác động, chi phối của các yếu tố phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội, khoa học và công nghệ... và mặt khác cũng góp phần thúc đẩy các xu hướng phát triển chung của đời sống xã hội hiện đại. Trong bối cảnh chung đó, giáo dục đại học ở các nước đã và đang phải đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức to lớn. Đặc biệt là vấn đề giải quyết các mối quan hệ giữa quy mô – chất lượng và hiệu quả đào tạo; giữa đào tạo và nghiên cứu, dịch vụ; giữa nhu cầu và nguồn lực cho phát triển. Bàn về mô hình văn hoá chất lượng cơ sở giáo dục đại học, PGS.TS Lê Đức Ngọc (Giám đốc Trung tâm Kiểm định, Đo lường và đánh giá chất lượng giáo dục - CAMEEQ, VIPUA) cho rằng xây dựng văn hoá chất lượng là xây dựng các môi trường mà các thành phần trong các môi trường hoạt động chính là các giá trị mang định hướng cho các hoạt động có chất lượng và phát triển chất lượng được cộng đồng của cơ sở giáo dục đại học đó đồng thuận xây dựng và thực hiện. Và theo ông thì 5 thành phần môi trường của văn hoá chất lượng cơ sở giáo dục đại học gồm: môi trường học thuật, môi trường xã hội, môi trường nhân văn, môi trường văn hoá và môi trường tự nhiên.

Nhiều ý kiến khác thì lại tập trung nhấn mạnh văn hoá chất lượng là những suy nghĩ, quan điểm và định hướng của một người, một số tổ chức đến chất lượng dạy và học. Xây dựng văn hoá là cả quá trình đòi hỏi lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, nhân viên trong Nhà trường phải suy nghĩ thường xuyên về việc làm thế nào để việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và các mặt công tác khác ngày càng tốt hơn. Và theo PGS.TS Nguyễn Chí Hoà – Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng (Trường ĐHKHXH&NV) - thì văn hoá chất lượng cũng bao gồm 3 yếu tố đó là: giá trị chất lượng, nguyên tắc chất lượng và cách ứng xử chất lượng. Xây dựng và phát triển văn hoá chất lượng là yêu cầu khách quan của mỗi trường đại học muốn vươn tới đẳng cấp khu vực và quốc tế. Tháng 8/2008 Trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức hội thảo về “Kiểm định, đánh giá và quản lí chất lượng” qua đó những vấn đề mà hội thảo đặt ra đã có ảnh hưởng tích cực đối với công tác đảm bảo chất lượng của Nhà trường.

Tác giả: nguyenhang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây