Văn hóa - Nguồn lực của phát triển Du lịch

Thứ năm - 20/10/2011 11:04
Chiều 18 tháng 10, tại Nhà khách Chính phủ, Câu lạc bộ Giao lưu Văn hoá Kinh tế Quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu WTO và các vấn đề Quốc tế, Trường ĐHKHXH&NV và Công ty VIPTOUR thuộc Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Văn phòng Đại diện Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Hà Nội tổ chức Buổi toạ đàm khoa học quốc tế “Văn hoá-Nguồn lực của phát triển Du lịch”.
Văn hóa - Nguồn lực của phát triển Du lịch
Văn hóa - Nguồn lực của phát triển Du lịch
Chiều 18 tháng 10, tại Nhà khách Chính phủ, Câu lạc bộ Giao lưu Văn hoá Kinh tế Quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu WTO và các vấn đề Quốc tế, Trường ĐHKHXH&NV và Công ty VIPTOUR thuộc Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Văn phòng Đại diện Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Hà Nội tổ chức Buổi toạ đàm khoa học quốc tế “Văn hoá-Nguồn lực của phát triển Du lịch”. Tham dự Toạ đàm có Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Hà Nội, Đại sứ các nước Venezuela, Rumani, Palestin, đại diện các Đại sứ quán Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Australia…, đại diện Sở VH-TT-Du lịch Hà Nội, Hà Giang, Ninh Bình cùng đông đảo thành viên Câu lạc bộ, giáo viên và sinh viên của Trường. Ban tổ chức đã nhận được tổng cộng 15 báo cáo, trong đó 10 báo cáo đã được trình bày tại buổi toạ đàm. Trong báo cáo khai mạc “Văn hoá, Phát triển và Du lịch”, bà Katherine Muller-Marin cho rằng: Phát triển chỉ có thể bền vững nếu các quốc gia đảm bảo các giá trị văn hoá được tôn trọng và biết cách tận dụng lợi ích từ sự tương tác năng động giữa các nền văn hoá. Các chương trình ​​phát triển nên khai thác một cách đúng đắn các giá trị văn hoá, trong đó chú ý nâng cao vai trò của cộng đồng và cá nhân, bên cạnh sự quản lí của nhà nước. Không những thế, những chương trình này còn góp phần bảo vệ sự đa dạng văn hoá của cộng đồng thế giới: điểm thu hút chính cho phát triển du lịch. Lồng ghép các khía cạnh văn hoá trong mọi chính sách phát triển, ví dụ giáo dục, giới, y tế, và xoá đói giảm nghèo là nền tảng quan trọng cho phát triển bền vững. Ngài Jorge Rondon Uzcategui, Đại sứ Venezuela giới thiệu về sức hấp dẫn của văn hoá truyền thống Venezuela, sự mời gọi từ những cảnh sắc kì thú, ẩm thực độc đáo, con người thân thiện, sự bí ẩn của nền văn hoá Maica và Aztec và những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp của xứ sở này qua một clip sống động. Ngoài ra, Đại sứ Venezuela còn mang đến toạ đàm nhiều sản phẩm truyền thống độc đáo và món bánh đặc trưng của Venezuela.

Ngài Saadi Salama, Đại sứ Palestine giới thiệu về Du lịch Văn hoá ở các vùng lãnh thổ của Palestine, những thông tin chưa được biết đến nhiều trên thế giới cũng như ở Việt Nam do điều kiện địa-chính trị đang chi phối. Đại sứ cũng phát biểu về những tiềm năng du lịch và những khó khăn trong việc tổ chức phát triển du lịch văn hoá trong không gian du lịch ở Palestine. Tiền để cho phát triển du lịch ở Palestin là một nền hoà bình bền vững cùng với sự ra đời của một nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Ngài Keum Gi Hyong Giám đốc Trung tâm Văn hoá Hàn Quốc tại Việt Nam mang đến Toạ đàm báo cáo “Du lịch Đền ở Hàn Quốc” (Temple stay in Korea). Báo cáo nêu rõ: Du lịch Đền là một chương trình văn hoá độc nhất vô nhị nhằm đưa du khách trải nghiệm cuộc sống của những Phật tử tại nhiều ngôi đền truyền thống, lưu giữ 1700 năm lịch sử du lịch Đền Phật xứ Hàn, cung cấp hàng loạt hình thức du lịch phong phú. Chương trình du lịch Đền góp phần làm giàu sức thu hút của các địa phương và đóng góp có ý nghĩa về mặt văn hoá trong lĩnh vực du lịch. Trong năm 2010, tính ra có 20.000 khách nước ngoài và 153.000 người Hàn Quốc tham gia chương trình du lịch Đền tại 109 ngôi đền ở Hàn Quốc. Ngài Dumitru Olaru, Đại sứ Rumani lại đóng góp ý kiến về hai lĩnh vực mà Việt Nam cần chú ý phát triển trong lĩnh vực du lịch văn hoá đó là Du lịch biển và Du lịch làng nghề. Ngài Đại sứ cũng đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam mới đây là tổ chức Lễ hội Văn hoá Du lịch mang tên “Niềm đam mê Đông Dương” tại Công viên Hoa Paris với mục đích giới thiệu các cơ hội khám phá văn hoá và du lịch của ba nước ở khu vực Đông Dương: Lào, Căm pu chia và Việt Nam. Ngài Đại sứ cũng giới thiệu về Rumani và những thế mạnh du lịch. Hiện nay Rumani đang là Phó chủ tịch Hội đồng điều hành của Tổ chức Du lịch Thế giới và sẽ cố gắng tích cực ủng hộ Việt Nam trong việc gia nhập tổ chức này. Báo cáo từ Đại sứ quán Australia đề cập đến vấn đề Du lịch và bảo vệ môi trường. Báo cáo cho biết thế mạnh của ngành du lịch Australia là những bãi biển đẹp, môi trường thiên nhiên đa dạng và hệ động thực vật độc đáo. 17 danh thắng thiên nhiên của Australia nằm trong danh sách Di sản Thế giới, 34 địa danh nằm trong danh sách Di sản Quốc gia là những điểm đến hấp dẫn của xứ sở Kanguru. Một con số ấn tượng là năm 2008, có 5,6 triệu khách quốc tế từ hơn 170 quốc gia tới thăm Australia. Một trong những bài học quan trọng nhất có thể rút ra về việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy du lịch là phải có một hệ thống luật pháp chặt chẽ về lĩnh vực này. Báo cáo cũng đề cập tới việc phía Australia đang phối hợp với chính phủ Đức thông qua chương trình GIZ nhằm gợi mở cho những ý niệm về bảo vệ môi trường bền vững tại tỉnh Kiên Giang, trong đó có Công viên Quốc gia Phú Quốc và Rừng Quốc gia U Minh Thượng. Ông Nguyễn Trùng Dương, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang có báo cáo về Công tác bảo tồn và khai thác giá trị của Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu để phát triển du lịch. Trải dài trên 4 huyện vùng cao phía bắc của tỉnh, Cao nguyên đá Đồng Văn có gần 140 điểm di sản, chi thành nhiều nhóm cảnh quan địa mạo, hoá thạch, cổ sinh-địa tầng, hang động đá vôi, được đánh giá là phù hợp với loại du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá những huyền bí của tạo hoá. Đồng thời, việc có đồng bào thuộc 17 dân tộc thiểu số cư ngụ tại khu vực này đã góp phần tạo nên tính đa dạng cho diện mạo văn hoá du lịch Hà Giang. Năm 2010, Hà Giang đón hơn 301000 lượt khách, trong đó khách quốc tế hơn 48000 lượt, khách nội địa hơn 253300 lượt. Báo cáo cũng giới thiệu những giải pháp tổng hợp mà Hà Giang đã thực hiện để bảo tồn tốt di sản, phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của tỉnh. Ông Nguyễn Ngọc Luyện, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình có báo cáo về Quần thể danh thắng Tràng An, một di sản văn hoá Việt Nam đặc sắc. Theo báo cáo, Quần thể danh thắng Tràng Anh là một phức hợp di tích gồm: khu du lịch Tam Cốc- Bích Động là một quần thể di tích danh lam thắng cảnh tuyệt mĩ; khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư là Cố đô đầu tiên của Việt Nam, tồn tại 42 năm với 6 vị vua của 3 triều đại: Đinh – Tiền Lê –Lí; khu du lịch sinh thái Tràng An là một quần thể những dãy núi đá vôi với hang động, thung lũng, sông ngòi, hoà quyện trong một không gian huyền ảo, kì bí, được ví như là “Hạ Long trên cạn”; khu núi Chùa Bái Đính rộng 700 ha, gồm 21 hạng mục với hai ngôi chùa Bái Đính cổ tự và Bái Đính tân tự. Chùa Bái Đính mới là công trình Phật giáo vào loại lớn nhất Việt Nam. Báo cáo cho thấy tiềm năng to lớn về du lịch của khu danh thắng Tràng An và kì vọng Tràng An sẽ sớm được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. TS. Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa, thành cổ Hà Nội trình bày vài nét về thực trạng Khu Di sản Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội. Báo cáo cho biết 3 đặc điểm làm nên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Hoàng Thành Thăng Long là: Chiều dài lịch sử, vai trò trung tâm quyền lực và sự hiện hữu của các tầng di tích đa dạng, phong phú. Báo cáo cũng nhắc đến những khuyến cáo của UỶ ban Di sản Thế giới về những điều Việt Nam cần làm tốt đối với Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội và việc phía Việt Nam đã và đang thực hiện tích cực những khuyến cáo đó. Tuy nhiên, cũng có một vài vấn đề cần phải được thực hiện một cách khẩn trương, ví dụ vấn đề nhất thể hoá quản lí khu di tích như Việt Nam đã cam kết. Ông cảnh báo, nếu điều này không được thực hiện trên thực tế thì việc Khu Di sản có thể bị xem xét đưa ra khỏi danh sách Di sản thế giới là nguy cơ có thể nhìn thấy được.

Báo cáo của PGS.TS Trần Thị Minh Hoà, Chủ nhiệm Khoa Du lịch học, Trường ĐHKHXHNV, ĐHQGHN đã đề cập đến nội dung Khai thác Di sản Văn hoá phục vụ phát triển du lịch. Với những thống kê cụ thể, báo cáo đã cho thấy tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam. Báo cáo cũng nêu lên những thành tựu đã đạt được về chiến lược phát triển du lịch, về các văn bản pháp luật, về trách nhiệm của các cấp quản lí và về việc khai thác các di sản văn hoá trong phát triển du lịch. Các điểm du lịch văn hoá ngày càng được mở rộng, các tour du lịch với nhiều hình thức như chuyên đề hoặc tổng hợp, các sự kiện du lịch – văn hoá được ngành Văn hoá và Du lịch phối hợp tổ chức ngày càng bài bản. Báo cáo cũng nêu lên những thách thức và giải pháp về vấn đề thương mại hoá các di sản, phá vỡ tính nguyên sơ của di sản, vấn đề bảo vệ và tôn tạo di sản, vấn đề khai thác di sản, vấn đề bảo tồn và phát triển, vấn đề chính sách và chế tài đối với việc xã hội hoá về hoạt động khai thác và bảo tồn. PGS.TS Phạm Quang Minh, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu WTO và các vấn đề Quốc tế trình bày báo cáo “Văn hoá, chuẩn văn hoá và chuẩn văn hoá Đức trong bối cảnh toàn cầu hoá”. Tác giả nhấn mạnh: Bản chất của văn hoá là giao lưu, tiếp xúc, trao đổi, nên giao tiếp liên văn hoá đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hoá. Để giữ gìn được bản sắc văn hoá và hạn chế “sự va chạm giữa các nền văn hoá”, cách tốt nhất là phải tìm hiểu các chuẩn mực của các nền văn hoá khác và tăng cường trao đổi, giao lưu, giới thiệu về các nền văn hoá. Để minh hoạ cho luận điểm này, tác giả đã giới thiệu 7 chuẩn mực của văn hoá Đức là đề cao tầm quan trọng của công việc, thời gian, quy tắc, tách bạch giữa việc công và tư, thẳng thắn, kiềm chế bản thân và giữ khoảng cách giữa cá nhân. Nếu không hiểu biết những chuẩn mực văn hoá dễ xảy ra hiểu lầm, định kiến, ảnh hưởng đến quan hệ. Báo cáo Văn hoá Nhật - Việt qua câu chuyện đôi đũa của PGS.TS Nguyễn Thiện Nam, Phó Giám đốc TT NCWTO và các vấn đề Quốc tế, giảng viên Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt là một nghiên cứu trường hợp về tương quan văn hoá Nhật Bản – Việt Nam. Báo cáo giới thiệu về đôi đũa với những điểm tương đồng, khác biệt một cách thú vị về lịch sử, hình thức, chủng loại, nghi thức và triết lí. Báo cáo cho biết các cẩm nang du lịch đều có những chú ý đặc biệt đối với du khách khi đến các quốc gia đũa là “hãy tập ăn bằng đũa”. Báo cáo cũng tái khẳng định đôi đũa là sản phẩm của nền văn minh lúa nước và là một phần không thể thiếu trong đời sống của người Việt, người Nhật cũng như của các “Quốc gia Đũa” khác. Tổng kết buổi toạ đàm, bà Katherin Muller-Marin phát biểu: Xin được tổng kết buổi toạ đàm ngày hôm nay bằng nội dung trích dẫn tác giả đoạt giải Nobel người Nigeria, Wole Soyinka, người đã nhấn mạnh ý nghĩa, tiềm năng, và cả thách thức, mà văn hoá mang lại: "Văn hoá là một ma trận của những triển vọng và lựa chọn vô hạn. Trong cùng một ma trận văn hoá, chúng ta có thể trích xuất các lập luận và chiến lược về sự suy thoái và sự cao quý về các loài của chúng ta, về sự nô lệ hay giải phóng... " Tôi có thể dễ dàng nói rằng tôi có một mong muốn và cam kết: Tôi muốn thấy Việt Nam trở thành một hình mẫu cho thế giới, thể hiện đầy đủ tiềm năng của quốc gia trong việc cân bằng giữa bảo vệ và sử dụng văn hoá để phát triển và thúc đẩy du lịch chất lượng cao nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Với nội dung khá phong phú như vậy, buổi toạ đàm đã mang đến một cách nhìn đa chiều về văn hoá và phát triển du lịch, tạo cơ sở cho những hợp tác và khám phá mới trong lĩnh vực này.

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây