Tin tức

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những kỷ niệm với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Thứ bảy - 20/07/2024 06:03
(ĐCSVN) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo kiệt xuất, một trí tuệ, bản lĩnh xuất sắc, một nhân cách đạo đức lớn lao đã sống trọn cuộc đời bình dị và cao cả vì nước, vì dân. Đối với thầy và trò Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), Ông mãi là niềm tự hào, kính phục, trân quý, yêu thương; những lời chỉ dạy tâm huyết của Ông mãi được khắc ghi để trở thành tôn chỉ cho các hoạt động của Nhà trường…
Từ cậu học trò Văn khoa - Tổng hợp…
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thành lập năm 1956, là cơ sở giáo dục và đào tạo khoa học cơ bản đầu tiên ở miền Bắc sau khi hoà bình được lập lại. GS. Ngụy Như Kon Tum làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Ông đã giữ cương vị này đến khi nghỉ hưu (năm 1982). Tháng 9/1995, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ra đời trên nền tảng các ngành khoa học xã hội - nhân văn của Trường Đại học Tổng hợp, trở thành trường đại học thành viên trụ cột của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Quá trình xây dựng và phát triển của Nhà trường gắn liền với tên tuổi của các giáo sư nổi tiếng như: Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Hoàng Xuân Nhị, Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Tài Cẩn, Đinh Gia Khánh, Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Trần Đình Hượu, Phan Ngọc, Cao Xuân Hạo, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ… Đội ngũ trùng điệp các giáo sư, nhà khoa học hàng đầu đất nước đã làm việc, cống hiến sức lực và trí tuệ  dưới mái trường này không chỉ tạo dựng, xây đắp và khẳng định giá trị cốt lõi, cơ bản nhất của nền khoa học Việt Nam, mà còn đào tạo, dìu dắt, vun bồi lớp lớp thế hệ sinh viên ưu tú, đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cựu sinh viên khoá 8 Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (người đứng thứ hai từ trái sang, chụp tháng 2/1965 ở ký túc xá Mễ Trì)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sinh viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, niên khóa 1963 - 1967, do GS.NGND Hà Minh Đức làm Chủ nhiệm lớp. Trong cuốn kỷ yếu “100 năm Đại học Đông Dương - Đại học Quốc gia Hà Nội”, Ông bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xúc động và tự hào khi lần đầu tiên đến trường nhập học: "Vào một buổi sáng đẹp trời, đầu tháng 9/1963, chúng tôi tập trung ở giảng đường 1 - phố Lê Thánh Tông (tức khu nhà 19 Lê Thánh Tông bây giờ). Trước lúc điểm danh, tôi đứng chơi dưới vườn Tao đàn. Ngước nhìn lên cổng trường ngắm mãi dòng chữ "Trường Đại học Việt Nam" sao mà cảm thấy lâng lâng, hãnh diện. Gặp nhau buổi đầu còn bỡ ngỡ, làm quen còn rụt rè, nhưng thấy bạn hữu ai cũng "siêu" cả, không học sinh giỏi nhất, nhì Văn toàn miền Bắc (lúc đó miền Nam chưa được giải phóng) thì cũng đứng đầu hàng tỉnh…".
Thời điểm này, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào cao điểm cam go do kẻ thù tăng cường ném bom đánh phá miền Bắc. Chiến tranh khiến trường lớp phân tán: năm đầu học ở khu Chùa Láng, năm sau chuyển về khu Mễ Trì, năm 1965 - 1967, thầy và trò Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình đã đùm bọc ông và các sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội trong thời kỳ Trường sơ tán tại Đại Từ, Thái Nguyên
Trong những năm tháng bom rền, đạn nổ, bất chấp đói rét, khó khăn, thầy và trò Nhà trường quyết tâm dạy tốt và học tốt, ra sức  phục vụ chiến đấu và sản xuất, quyết tâm xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa chuẩn bị cho sự nghiệp kiến thiết đất nước sau này.
Khoa Ngữ văn thời đó có hơn 130 sinh viên với nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau nhưng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tin tưởng giao trọng trách làm Bí thư Chi đoàn lớp. Năm 1967, với sự hướng dẫn của GS. Đinh Gia Khánh, cậu sinh viên năm thứ tư Nguyễn Phú Trọng bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp về đề tài: "Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu" và là người duy nhất của khoá học đạt điểm tối ưu. Cũng trong năm đó (1967), Ông vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, một điều rất hiếm gặp đối với sinh viên thời bấy giờ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt lớp Văn 8 (1963-1967), Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
Sau khi tốt nghiệp (1967), Nhà trường có ý định giữ Ông lại làm cán bộ giảng dạy nhưng tổ chức cấp trên đã quyết định điều động Ông về công tác tại Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) - cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Trong thời gian  công tác tại đây, Ông đã được Nhà nước cử sang Liên Xô làm thực tập sinh, học tập và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô (thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô). Trở về nước năm 1983, Ông tiếp tục công tác tại Tạp chí Cộng sản, lần lượt được đề bạt làm Phó trưởng ban (tháng 10/1983), Trưởng ban (tháng 9/1987), Uỷ viên Ban biên tập (tháng 3/1989), Phó Tổng biên tập (tháng 5/1990) rồi Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản (tháng 8/1991). Ông được Hội đồng Giáo sư Nhà nước lần lượt trao học hàm Phó Giáo sư (1992) và Giáo sư (2002) thuộc chuyên ngành Xây dựng Đảng.
Năm 1996, ông được cấp trên điều động về làm Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, kiêm Trưởng Ban Đại học, phụ trách công tác tuyên giáo của Thành uỷ. Tháng 2/1998, ông được cấp trên điều lên Trung ương phụ trách công tác tư tưởng - văn hoá và khoa giáo của Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Năm 2000, ông được điều động về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Sau đó, Ông tiếp tục giữ nhiều trọng trách như Chủ tịch Quốc hội (2006 - 2011), Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011, tái đắc cử năm 2016 và 2021…
Năm 2010, khi về thăm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, với tình cảm của một cựu sinh viên khoa Ngữ văn, đồng chí Nguyễn Phú Trọng xúc động chia sẻ: “Tôi đã trưởng thành từ mái trường này và mãi tự hào về truyền thống và thương hiệu mà Nhà trường đã có”. Từ nhiều năm trước đó, khi công tác tại Tạp chí Cộng sản, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Phú Trọng thường xuyên vào giảng dạy chuyên đề cho sinh viên ngành Văn học của Nhà trường. Ông tính giản dị, vui vẻ ngồi sau xe đạp để giảng viên trẻ của Khoa chở vào trường dạy học rồi lại đưa về khu phố Nguyễn Thượng Hiền.
…tới người khởi xướng đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đích thân ông ký ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết ra đời trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá và thế giới bước sang kỉ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0.  Nghị quyết 29-NQ/TW có vai trò đặc biệt quan trọng, có  ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp chấn hưng giáo dục nước nhà, đánh dấu bước phát triển mới về tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với phát triển giáo dục và đào tạo, thể hiện quyết tâm chiến lược  đổi mới giáo dục để phát triển bền vững đất nước cả trước mắt cũng như lâu dài.
Hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, giáo dục và đào tạo nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; chuyển từ  truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học ; đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và tăng cường tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, từng bước tiếp cận xu hướng phát triển giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới.
Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy tăng lên từng bước, từng năm theo chuẩn quốc tế. 10 năm trước đây, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường đại học của cả nước mới đạt khoảng 15%; hiện nay, tỉ lệ này đã tăng hơn 2 lần, đạt khoảng 32%. Tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, tỉ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ đã tiệm cận ngưỡng 80% (trong đó, hơn 20% có học hàm GS/PGS). Năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục đại học Việt Nam, ĐHQGHN và ĐHQG Tp.HCM có tên trong danh sách xếp hạng 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng của Quacquarelli Symonds. Đặc biệt, năm 2024, Times Higher Education xếp hạng lĩnh vực Khoa học Xã hội của ĐHQGHN vào tốp 501 - 600 thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Chủ tịch Quốc hội) về thăm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN năm 2010 nhân dịp Nhà trường kỷ niệm 65 năm truyền thống và đón nhận danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Khoa học Xã hội và Nhân văn bởi đây là lĩnh vực khoa học về con người, về những vấn đề liên quan giữa con người với con người, con người với xã hội. Khoa học Xã hội và Nhân văn giúp con người có những góc nhìn đa dạng về thực tại cuộc sống, có những lý giải, diễn giải về các quá trình vận động và phát triển, đi sâu tìm hiểu nguyên nhân, hệ quả, các mối quan hệ và dự đoán các xu thế biến đổi của các sự kiện, hiện tượng trong đời sống con người, từ đó giúp con người lường trước, tính toán để giảm thiểu rủi ro hay tránh được những hậu quả nặng nề mà sự biến đổi có thể mang lại. Khoa học Xã hội và Nhân văn cung cấp những kiến giải khoa học giúp cho các tổ chức chính trị, nhà nước và các cộng đồng tìm kiếm những chiến lược phát triển hợp lý hơn, giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng, ban hành và thực hiện các chính sách phát triển cả ở cấp vĩ mô và vi mô hiệu quả hơn.
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở Ban lãnh đạo Nhà trường cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng đào tạo, tiếp tục khẳng định danh tiếng của trung tâm đào tạo và nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn hàng đầu đất nước, với sứ mệnh đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, nghiên cứu, sáng tạo và truyền bá tri thức về khoa học xã hội và nhân văn, góp phần đắc lực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế. Ông đặc biệt căn dặn đội ngũ cán bộ khoa học của Nhà trường cần tập trung vào các công trình nghiên cứu mới, có giá trị để đóng góp thiết thực và hiệu quả trong tư vấn chính sách cho Quốc hội, và các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng và Nhân dân ta, cựu sinh viên ưu tú của mái trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - đã mãi mãi ra đi. Song, tâm huyết của Ông đối với thầy - trò Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ còn mãi lưu truyền, là kim chỉ nam cho các chiến lược phát triển Nhà trường.
Vị thế xã hội và danh tiếng chuyên môn của Nhà trường hôm nay là sự hòa quyện giữa “truyền thống Văn khoa”, “tinh hoa Tổng hợp” và các “hệ giá trị cốt lõi Nhân văn” được các thế hệ thầy - trò Nhà trường dày công vun đắp qua gần 80 năm xây dựng và phát triển. Truyền thống là nguồn lực, là sức mạnh nội sinh cần tiếp tục được vun bồi, nhân lên và phát huy để góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước - như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ân cần căn dặn cán bộ viên chức trong mỗi lần về thăm trường.
Một nén tâm hương của thầy và trò Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn gửi tới anh linh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để tiếp tục “Vững bước trên con đường đổi mới”, như tên gọi của một trong những công trình mà Tổng Bí thư đã để lại cho toàn thể đảng viên và các tầng lớp nhân dân Việt Nam.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những kỷ niệm với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam - Tổng Bí thư: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những kỷ niệm với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Phim tài liệu: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ và mẫu mực

Tác giả: GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây