Tóm tắt luận án NCS: Lê Thị Nhung

Thứ ba - 23/06/2020 05:28

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

 

 

 

 

Lê Thị Nhung

 

 

 

 

 

QUẢN LÝ TRƯỜNG HỢP VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT TẠI CỘNG ĐỒNG Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

 

 

 

 

Chuyên ngành: Công tác xã hội

Mã số: Đào tạo thí điểm

 

 

 

 

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ CÔNG TÁC XÃ HỘI

 

 

 

 

 

 

 

Hà Nội – 2020

 

 

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Bùi Thị Xuân Mai

                                                                                                                                                                        PGS.TS. Nguyễn Thị Thái Lan     

 

 

 

 

 

Phản biện 1: ...................................................................

 

Phản biện 2:.....................................................................

 

         

                  

                     

 

 

 

Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng cấp cơ sở chấm luận án tiến sĩ họp tại

Vào hồi ............giờ.........., ngày.........tháng.............năm...........

 

 

 

 

Cụ thể tìm hiểu luận án tại :

- Thư viện Quốc gia Việt Nam

- Trung tâm Thông tin – Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Trong các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, số lượng người khuyết tật chiếm tỷ trọng lớn và có xu hướng gia tăng nhanh ở trên thế giới và Việt Nam. Cộng đồng người khuyết tật (NKT) có quy mô lên tới một tỷ người, chiếm hơn 15,3% dân số thế giới [WHO, WB, 2011, tr.29] trong đó 80% NKT sống tại các nước đang phát triển [United Nations, 2006]. Theo kết quả điều tra quốc gia về NKT của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên - khoảng hơn 6,2 triệu người là NKT  [Tổng cục Thống kê, 2018, tr.15]. Tổng số NKT trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tính đến tháng 7 năm 2019 là 62.554 người [Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, 2019]. Người khuyết tật là một trong những nhóm dễ bị tổn thương và yếu thế nhất trong hoàn cảnh họ gặp nhiều khó khăn ở mọi mặt cuộc sống [WHO, 2010, tr.9].

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước dành nhiều quan tâm hơn tới NKT nhằm tạo điều kiện tốt nhất để họ từng bước được phát triển toàn diện và hòa nhập cộng đồng. Trong năm 2019, đã có 03 đạo luật sửa đổi, bổ sung được thông qua trong đó có lồng ghép các quy định để bảo vệ quyền của NKT cùng nhiều văn bản dưới luật của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, nhất là Ban Chấp hành Trung ương Đảng với Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT [Lan Phương, 2019].

Tuy vậy, số lượng tương đối ít NKT tiếp cận và được hưởng chính sách từ Nhà nước. Cả nước mới có 1,3 triệu NKT được cấp giấy xác nhận khuyết tật [Bộ LĐ-TB&XH, 2016], đồng nghĩa với tỷ lệ khá khiêm tốn NKT đang được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước một cách chính thức. Tại TP.HCM, các đối tượng (khoảng 1% tổng số NKT) sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội được tiếp cận tương đối đầy đủ các chính sách, chương trình trợ giúp của nhà nước nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp. Trong nghiên cứu khác, tại các tỉnh chỉ có 20% số người được hỏi có nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung, như vậy phần lớn NKT mong được sống tại cộng đồng và tự họ trang trải cuộc sống bản thân [Cục BTXH, Viện Khoa học LĐ-XH, 2012]. Đa số NKT sống tại cộng đồng, đặc biệt những đối tượng chưa được chứng nhận là NKT không có nhiều cơ hội tiếp cận được chính sách hỗ trợ của nhà nước hay các dịch vụ mang tính chuyên nghiệp tại cộng đồng, nhu cầu được trợ giúp là khá lớn, tới gần 100% [Cục BTXH, Viện Khoa học LĐ-XH, 2012].

Kinh nghiệm thế giới cho thấy công tác xã hội (CTXH) có vai trò quan trọng trợ giúp những đối tượng yếu thế trong xã hội nói chung và NKT nói riêng. Dựa trên các giá trị nền tảng của nghề và tuân thủ các quy điều đạo đức, nhân viên CTXH sử dụng kiến thức và kỹ năng để thực hiện nhiều vai trò, nhiệm vụ khác nhau đối với từng trường hợp cá nhân, gia đình, cộng đồng [IFSW, IASSW, 2014]. Trong CTXH, quản lý trường hợp (QLTH, hay còn gọi là quản lý ca) là một trong các tác nghiệp, phương pháp quan trọng và phổ biến được sử dụng trong trợ giúp NKT PHCN dựa vào cộng đồng từ cấp độ cá nhân, giúp tiếp cận các chính sách xã hội, tăng cường sống độc lập, tăng năng lực và hòa nhập xã hội. QLTH để phục vụ khách hàng với các nhu cầu khác nhau và một gói các dịch vụ toàn diện [Rose & Moore, 1995], giúp thân chủ nhận được sự chăm sóc tốt nhất và tiếp kiệm chi phí [CMSA, 2016, tr.87]. Khi thu hẹp nguồn tài trợ cho giáo dục, y tế, nhà ở và cả dịch vụ xã hội, sự phối hợp (liên kết chuyển gửi) dịch vụ được vận dụng là một chiến lược để cải thiện chất lượng và kết quả dịch vụ trong khi có thể cắt giảm chi phí [Brown, 2009; Centers for Medicare & Medicaid Services, 2011].

Sau 10 năm, Đề án 32 của Chính phủ Việt Nam về phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 đã đạt được nhiều thành tựu bước đầu trong phát huy vai trò công tác xã hội để giải quyết các vấn đề xã hội và trợ giúp các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có NKT. Tuy vậy, QLTH với NKT còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Bộ LĐ-TB&XH đã bước đầu đã quy chuẩn hóa, hướng dẫn QLTH theo Thông tư số 01/2015/TT-BLĐTBXH ngày 06/1/2015. QLTH bước đầu được áp dụng tại một số cơ sở thuộc nhà nước. QLTH đối với NKT mới chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong công tác  nuôi  dưỡng,  chăm  sóc,  giáo  dục,  phục  hồi  chức  năng  cho  NKT. Một số cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập đã có những bước tiếp cận từ trước mặc dù chưa được gọi chính thức là QLTH nhưng lại vướng một số cơ chế khác. Ở TP.HCM, với số lượng lớn NKT sống chủ yếu tại cộng đồng sẽ chủ yếu dựa vào cộng đồng trong đó cần QLTH tiếp cận được các dịch vụ, sự trợ giúp. Cho đến nay QLTH chưa được phát triển rộng rãi tại cộng đồng do thiếu đội ngũ chuyên nghiệp, chưa phát huy tốt nguồn lực địa phương và nhận thức của bản thân NKT, gia đình và cộng đồng còn hạn chế về quyền của NKT, vai trò của CTXH trong QLTH chưa rõ nét, thiếu chuyên nghiệp. Có rất ít những nghiên cứu bằng chứng, đánh giá trong công tác quản lý trường hợp với NKT tại cộng đồng.

Xuất phát từ những lý do trên, tác giả chọn nghiên cứu “Quản lý trường hợp với người khuyết tật tại cộng đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh.”

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu

Luận án nhằm đánh giá thực trạng thực hiện quản lý trường hợp với người khuyết tật tại cộng đồng, phân tích các yếu tố ảnh hưởng, từ đó đề xuất các giải pháp để thúc đẩy chuyên nghiệp hóa QLTH với NKT tại cộng đồng.

Nhiệm vụ nghiên cứu

  •  Thu thập các nghiên cứu, báo cáo về chính sách,chương trình, dịch vụ liên quan tới quản lý trường hợp với NKT tại cộng đồng.
  • Mô tả và phân tích thực trạng thực hiện các vai trò, tiến trình và các nhiệm vụ của nhân viên QLTH với NKT tại cộng đồng.
  • Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý trường hợp với NKT tại cộng đồng.
  • Đề xuất một số nhóm giải pháp cần thiết và giải pháp cụ thể trong nâng cao năng lực người thực hiện nhằm thúc đẩy QLTH với NKT tại cộng đồng.

3. Đối tượng, khách thể và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Quản lý trường hợp với người khuyết tật tại cộng đồng.

Khách thể nghiên cứu:

- Nhân viên QLTH với NKT với tư cách người thực hiện tự đánh giá

- NKT và thành viên gia đình/người chăm sóc chính cho NKT

- Lãnh đạo, quản lý cơ sở trợ giúp xã hội

- Lãnh đạo, quản lý các cấp trong ngành LĐ-TB&XH

Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi về nội dung

Dựa trên lý thuyết hệ thống sinh thái, lý thuyết vai trò xã hội và hướng tiếp cận phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, đề tài tập trung nghiên cứu quản lý trường hợp trong CTXH, cụ thể là sự thực hiện các vai trò, tiến trình và nhiệm vụ của nhân viên QLTH và một số yếu tố ảnh hưởng mạnh tới QLTH với NKT tại cộng đồng.

Phạm vi về khách thể nghiên cứu

Nhóm đối tượng tham gia khảo sát là cán bộ, nhân viên, cộng tác viên quản lý đối tượng NKT tại UBND xã, phường, các cơ sở, trung tâm, tổ chức trợ giúp NKT tại cộng đồng. Bên cạnh đó, NKT tham gia phỏng vấn sâu bao gồm NKT vận động, NKT nhìn có độ tuổi từ 18 trở lên đến 60 tuổi. Đối với trẻ em tự kỷ thì có đại diện gia đình/người chăm sóc chính trả lời phỏng vấn sâu. Các bên liên quan bao gồm lãnh đạo của trung tâm/cơ sở trợ giúp, quản lý địa phương, quản lý cấp Bộ, Sở LĐ-TB&XH, cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH cấp Quận, huyện.

Phạm vi không gian: Nghiên cứu được tiến hành trên 23/24 quận/huyện tại TP.HCM.

Phạm vi thời gian: Từ năm 2015- 2020

4. Câu hỏi nghiên cứu

  1. Thực trạng thực hiện quản lý trường hợp với NKT tại cộng đồng như thế nào?
  2. Có những khoảng trống nào trong thực hiện quản lý trường hợp với NKT tại cộng đồng?
  3. Những yếu tố nào ảnh hưởng mạnh đến quản lý trường hợp với NKT tại cộng đồng?
  4. Có những giải pháp nào giúp nâng cao hiệu quả của quản lý trường hợp với NKT?

5. Giả thuyết nghiên cứu

5.1. Việc thực hiện quản lý trường hợp với NKT tại cộng đồng còn khá hạn chế và chưa chuyên nghiệp.

5.2. Nhân viên QLTH gặp một số khó khăn, thách thức trong thực hiện QLTH với NKT tại cộng đồng.

5.3. Có một số yếu tố ảnh hưởng mạnh đến quản lý trường hợp với NKT tại cộng đồng.

5.4. Đào tạo nâng cao năng lực nhân viên QLTH là một trong các giải pháp giúp cải thiện quản lý trường hợp với NKT tại cộng đồng.

6. Ý nghĩa và đóng góp mới của Luận án

Về mặt lí luận: Kết quả nghiên cứu của luận án cung cấp một hệ thống cơ sở lí luận về quản lý trường hợp với các đặc điểm đặc trưng, các vai trò, tiến trình và các nhiệm vụ của nhân viên QLTH với người khuyết tật tại cộng đồng dưới góc độ CTXH. Các khái niệm công cụ này góp phần xây dựng các lí luận củng cố quản lý trường hợp là một nghiệp vụ CTXH hiệu quả trong làm việc với NKT. Nghiên cứu còn là nguồn tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu sau này về lĩnh vực QLTH trong CTXH.

Về mặt thực tiễn: Kết quả nghiên cứu thực tiễn của luận án giúp các nhà quản lý, nhân viên xác định, nhận diện được vai trò, tiến trình với các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện QLTH với NKT tại cộng đồng theo các nguyên tắc, giá trị cốt lõi của nghề CTXH; đồng thời kiểm nghiệm thực tiễn cán bộ, nhân viên tự đánh giá và phản hồi của khách hàng trong thực hiện, các rào cản, khó khăn trong công tác QLTH với NKT tại bối cảnh cộng đồng cũng như khám phá các phương thức thực hiện linh hoạt, hiệu quả tại địa phương.

Về mặt đào tạo: Hệ thống cơ sở lí luận và kết quả nghiên cứu thực tế giúp các cơ sở đào tạo định hướng về đào tạo chuyên sâu trong QLTH với NKT tại cộng đồng, đồng thời phát hiện nhu cầu thực tế, khoảng trống về chuyên môn của người thực hiện để thiết kế, tổ chức các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực phù hợp hơn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên QLTH đang và có định hướng làm việc với NKT.

 Về mặt chính sách: Trên cơ sở học tập kinh nghiệm quốc tế và dựa trên thực trạng triển khai chính sách, chương trình, dịch vụ tại địa phương, Luận án giúp các nhà hoạch định chính sách có các căn cứ khoa học để xây dựng và điều chỉnh các chính sách phù hợp hơn trong hỗ trợ NKT tại cộng đồng.

 Bố cục của Luận án

Ngoài Phần mở đầu, Kết luận và Khuyến nghị, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, nội dung luận án được trình bày trong 4 chương: Tổng quan vấn đề nghiên cứu; Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu; Thực trạng QLTH với NKT tại cộng đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh: Giải pháp đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện QLTH với NKT.

NỘI DUNG CHÍNH

1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.1. Các nghiên cứu về quản lý trường hợp và quản lý trường hợp trong công tác xã hội

Quản lý trường hợp được áp dụng trên thế giới không chỉ trong ngành công tác xã hội mà còn trong các ngành khác. Dưới góc độ CTXH, QLTH được nghiên cứu đầu tiên như một phương pháp trợ giúp tập trung vào các cá nhân [Richmond, 1917] thông qua các hoạt động đánh giá cá nhân về tình trạng nghèo đói, hoạt động điều phối, tạo mạng lưới, đăng ký. Tại Việt Nam một số nghiên cứu được hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế nhằm ứng dụng thí điểm QLTH trong trợ giúp một số nhóm đối tượng như trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, gia đình nghèo) hay người sử dụng ma túy cho thấy sự phù hợp và đúc rút mô hình hóa được cấu trúc tổ chức đội ngũ thực hiện, cách thức tổ chức các hoạt động can thiệp, dịch vụ trợ giúp trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam. Tuy vậy, tồn tại một số khoảng trống trong nghiên cứu đánh giá về triển khai thực tiễn ở cấp địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực NKT.

1.2. Các nghiên cứu về các vai trò của quản lý trường hợp với người khuyết tật tại cộng đồng

Các nghiên cứu về QLTH về mặt lí luận và thực tiễn trong trên thế giới cho thấy QLTH có vai trò quan trọng, là tác nghiệp CTXH mang lại những hiệu quả tích cực trong trợ giúp NKT. Ngoài ra, các nghiên cứu tại các quốc gia đã làm sáng rõ khẳng định vai trò của nhân viên QLTH được đào tạo chuyên môn CTXH trong ê-kip, nhóm hợp tác như người điều phối, kết nối, chuyển gửi, huy động nguồn lực, tạo điều kiện tăng khả năng tiếp cận cho thân chủ cũng như cung cấp dịch vụ trực tiếp trong tham vấn, giáo dục, biện hộ. Tuy vậy, có rất ít nghiên cứu thực tiễn tại Việt Nam về vị trí, vai trò của QLTH với NKT nói chung, các vai trò cụ thể của nhân viên QLTH trong trợ giúp NKT tại cộng đồng nói riêng.

1.3. Các nghiên cứu về tiến trình, nhiệm vụ của quản lý trường hợp với người khuyết tật tại cộng đồng

Một số nghiên cứu đã đề cập tới tiến trình và các  nhiệm vụ QLTH với NKT như chú trọng đánh giá nhu cầu, lập kế hoạch chăm sóc, trợ giúp và theo dõi/đánh giá. Trong bối cảnh Việt Nam, có một số tài liệu nghiên cứu phản ánh các nhiệm vụ QLTH cần được thực hiện theo một tiến trình CTXH. Tuy nhiên ngay cả trên thế giới cũng thiếu các nghiên cứu đánh giá thực tiễn về tiến trình, nhiệm vụ cụ thể của nhân viên QLTH với NKT tại cộng đồng nói riêng. Các nghiên cứu ở Việt Nam cũng dừng lại ở mức độ cung cấp cơ sở lí luận, lý thuyết.

1.4. Các nghiên cứu về mô hình trợ giúp người khuyết tật tại cộng đồng

Các nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam cho thấy có các mô hình trợ giúp NKT chính bao gồm: mô hình tâm linh, mô hình y tế, mô hình xã hội, mô hình dựa trên quyền. Đối với các công trình nghiên cứu về mô hình hỗ trợ NKT tại cộng đồng, nổi bật 03 nhóm mô hình và hướng tiếp cận chính, bao gồm: mô hình chăm sóc tiêu chuẩn tại cộng đồng, mô hình chăm sóc toàn diện chuyên sâu và mô hình PHCN dựa vào cộng đồng. Trong đó, mô hình PHCN dựa vào cộng đồng thể hiện được tính ưu việt, tiến bố và là xu hướng trợ giúp NKT trên thế giới.

1.5. Các nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng tới quản lý trường hợp với người khuyết tật tại cộng đồng

Một số công trình trong nước và trên thế giới thể hiện các yếu tố ảnh hưởng tới QLTH với NKT từ phía nhân viên QLTH, cụ thể là trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng, phía NKT là các đặc điểm của NKT, nỗ lực cá nhân NKT, động cơ khách hàng và sự kiên trì, về phía gia đình, cộng đồng là thái độ và sự tham gia như nguồn lực hỗ trợ, về phía cơ sở cung cấp dịch vụ là năng lực cơ sở, khả năng mạng lưới cũng như nhận thức của lãnh đạo, về phái hệ thống chính sách là vấn đề KT có được quan tâm và hỗ trợ đúng mức. Tuy vậy, có khá ít các nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng tới QLTH với NKT tại bối cảnh cộng đồng cũng như hướng tiếp cận là nhìn nhận các yếu tố tác động tiêu cực hơn là tìm hiểu các yếu tố tác động tích cực.

 

CHƯƠNG 2: SƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Các khái niệm liên quan tới vấn đề nghiên cứu

2.1.1. Người khuyết tật

Trong phần này, Luận án đề cập tới khái niệm về NKT, các đặc điểm thể lý, tâm lý, tình cảm, xã hội của người khuyết tật, các nguyên nhân dưới góc độ y tế, các rào cản về môi trường vật chất và môi trường xã hội dẫn đến khuyết tật, nhu cầu trợ giúp để đáp ứng các nhu cầu cơ bản.

“Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho họ lao động, sinh hoạt, học tập và tham gia đời sống xã hội khó khăn.” [Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Khóa XII, 2010]

2.1.2. Quản lý trường hợp trong công tác xã hội

 QLTH trong CTXH được hiểu là một tiến trình lập kế hoạch, tìm kiếm, vận động và theo dõi các dịch vụ được cung cấp từ các dịch vụ xã hội, các tổ chức chăm sóc sức khỏe và các nhân viên khác nhau cho một khách hàng  [NASW, 2013, tr.13].

Quản lý trường hợp có các mục tiêu, các đặc điểm, tiến trình và các nhiệm vụ cũng như đặt ra các yêu cầu về năng lực chuyên môn của người thực hiện.

2.1.3. Quản lý trường hợp với người khuyết tật tại cộng đồng

Khái niệm: Quản lý trường hợp với NKT tại cộng đồng là một tiến trình thực hiện các nghiệp vụ công tác xã hội trên cơ sở xây dựng mối quan hệ nghề nghiệp trị liệu, thu thập thông tin, đánh giá nhu cầu, điểm mạnh, ưu tiên trợ giúp để cung cấp, kết nối, điều phối và huy động các dịch vụ, sự trợ giúp tại cộng đồng với sự tham gia của NKT và hệ thống tại cộng đồng nhằm cải thiện tối đa tình trạng và thực hiện các chức năng của NKT tiến tới hòa nhập cộng đồng.

Mục tiêu: QLTH nhắm tới các mục tiêu chính trong hỗ trợ NKT tại cộng đồng để i) tiếp cận được thông tin cần thiết, dịch vụ, nguồn lực, sự trợ giúp phù hợp, hiệu quả, kịp thời; ii) tham gia và tự quyết định ở mức độ tối đa.

 Các đặc điểm: Các dịch vụ xác định khách hàng/thân chủ là trung tâm; Mối quan hệ trị liệu nghề nghiệp giữa nhân viên và khách hàng/thân chủ là căn bản; Con người trong môi trường là nền tảng; Dựa trên quan điểm thế mạnh; Hợp tác nhóm; Can thiệp ở các cấp độ vi mô, trung mô và vĩ mô

 Tiến trình gồm 06 bước: Bước 1- Tiếp nhận ca và xây dựng mối quan hệ với NKT; Bước 2- Thu thập thông tin và đánh giá nhu cầu của NKT; Bước 3- Xây dựng kế hoạch chăm sóc, trợ giúp NKT; 4- Thực hiện kế hoạch chăm sóc, trợ giúp NKT; Bước 5- Theo dõi, giám sát, lượng giá các dịch vụ, sự trợ giúp; Bước 6- Kết thúc và theo dõi sau ca.

Các nhiệm vụ chính của nhân viên QLTH gồm có: Tiếp nhận ca và xây dựng mối quan hệ trị liệu nghề nghiệp với NKT; Thu thập thông tin và đánh giá ưu tiên trợ giúp, điểm mạnh và rào cản của NKT; Xây dựng kế hoạch chăm sóc, trợ giúp NKT; Thực hiện kế hoạch chăm sóc, trợ giúp NKT; Theo dõi, giám sát, lượng giá các dịch vụ, sự trợ giúp; Kết thúc và theo dõi sau ca; Các nhiệm vụ hành chính liên quan.

Các vai trò nòng cốt nhân viên QLTH gồm có: kết nối, điều phối, vận động nguồn lực, tạo điều kiện. Ngoài ra, còn có các vai trò khác như tham vấn, giáo dục và biện hộ.

Các yêu cầu về năng lực chuyên môn của nhân viên QLTH

Nhân viên QLTH với NKT tại cộng đồng được hiểu là những người làm việc trực tiếp với NKT tại cộng đồng và thực hiện các tác nghiệp có tính chuyên môn trong QLTH với NKT.

Các yêu cầu gồm có: Kiến thức chuyên ngành liên quan đến QLTH với NKT, kiến thức về các nhiệm vụ tiến trình QLTH với NKT tại cộng đồng, các kỹ năng trong QLTH với NKT tại cộng đồng, đạo đức nghề nghiệp trong QLTH với NKT tại cộng đồng.

2.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến QLTH với NKT tại cộng đồng

Các nhóm yếu tố ảnh hưởng được tập trung nghiên cứu gồm có:

- Năng lực chuyên môn của nhân viên QLTH: Có trình độ chuyên môn CTXH; Có kiến thức liên quan đến QLTH với NKT; Có kỹ năng trong QLTH với NKT; Tuân thủ quy điều đạo đức nghề, nguyên tắc trong QLTH với NKT; Am hiểu về NKT.

- Điểm mạnh, khả năng của NKT: Hiểu biết về quyền của bản thân; Nhận diện được thế mạnh của bản thân; Có ý chí, động lực; Chủ động tham gia hợp tác.

- Nhận thức, sự tham gia của gia đình, cộng đồng: i) Về phía gia đình: Hiểu biết về quyền của NKT, có trách nhiệm đối với NKT; Chủ động tham gia, hợp tác với nhân viên; Có năng lực chăm sóc, trợ giúp NKT tại nhà; Hiểu biết về các chính sách pháp luật, chương trình, nguồn lực trợ giúp; ii) Về phía cộng đồng: Hiểu biết về quyền của NKT; Chủ động thực hiện trách nhiệm với NKT; Tích cực tham gia là nguồn lực trợ giúp; Tạo điều kiện cho NKT tham gia vào đời sống cộng đồng.

- Chính sách pháp luật: Chính sách an sinh đầy đủ cho đội ngũ thực hiện; Chính sách hỗ trợ đầy đủ cho NKT; Các chương trình, dịch vụ đa dạng theo nhu cầu của NKT; Chính sách quy định cụ thể về cụ thể về vị trí, vai trò, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của đội ngũ thực hiện; Hướng dẫn cụ thể, có công cụ hỗ trợ; Chế tài xử phạt và khuyến khích trong triển khai dịch vụ của đội ngũ thực hiện.

- Cơ sở, đơn vị trợ giúp: i) Về phía lãnh đạo: Nhận thức, sự quan tâm của lãnh đạo bao gồm: Hiểu biết, có trách nhiệm thực hiện quyền của NKT; Hiểu biết về QLTH với NKT; Dành ưu tiên đáp ứng nhu cầu NKT; Cam kết trong chỉ đạo tổ chức thực hiện và đánh giá thường xuyên công tác QLTH; ii) Năng lực dịch vụ và đội ngũ: Có đủ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp về QLTH với NKT; Có năng lực liên kết và có mạng lưới hợp tác, chuyển gửi; Có năng lực huy động nguồn lực tại địa phương.

2.2. Các lý thuyết sử dụng trong đề tài

Các lý thuyết gồm 02 lý thuyết (lý thuyết hệ thống sinh thái, lý thuyết vai trò xã hội) và 01 hướng tiếp cận (phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng) được áp dụng trong xây dựng các khái niệm công cụ về QLTH với NKT tại cộng đồng trong bối cảnh Việt Nam cũng như khung nghiên cứu của Luận án.

2.3. Phương pháp thu thập và xử lý thông tin

Luận án đã sử dụng kết hợp một hệ thống các phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính dựa trên cả nguồn dữ liệu sơ cấp và thứ cấp bao gồm phương pháp nghiên cứu và tổng hợp tài liệu sẵn có, trưng cầu ý kiến chuyên gia, khảo sát điều tra bằng phiếu hỏi, phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm, thực nghiệm tác động, và nghiên cứu trường hợp. Những dữ liệu và thông tin thu được được xử lý với các phương thức khác nhau như những dữ liệu và thông tin định lượng được xử lý bằng phần mềm Excel, SPSS và những dữ liệu thông tin định tính từ các phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm được xử lý theo mã hoá các chủ đề phù hợp với nghiên cứu.

Trong đó, các phương pháp thu thập thông tin chính gồm có: điều tra bằng phiếu phỏi, phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm, thực nghiệm tác động, nghiên cứu trường hợp

Phương pháp điều tra bằng phiếu hỏi

Phiếu hỏi được thực hiện với cán bộ/nhân viên QLTH thuộc UBND, cơ sở công lập và cơ sở ngoài công lập thực hiện QLTH với NKT tại cộng đồng.

Bước 1- Điều tra thử: Phiếu hỏi được khảo sát thử và phân tích với 84 phiếu đủ đủ đáp ứng điều kiện phân tích. Kết quả độ tin cậy của các thang đo trong bảng hỏi có hệ số Cronbach’s Alpha từ 0,674 đến 0,804.

Bước 2- Thiết kế phiếu hỏi

Nội dung chính của phiếu hỏi: Phiếu hỏi được cấu trúc thành 4 phần gồm thông tin chung về nghề nghiệp và nhân khẩu học; Thực trạng thực hiện các vai trò, các nhiệm vụ, hoạt động trong tiến trình QLTH với NKT; Nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực; Đề xuất giải pháp.

Thang đo: Phiếu khảo sát được thiết kế với các thang đo Likert với 05 mức độ (Vagias, Wade M., 2006) về mức độ đồng ý, mức độ thực hiện, mức độ ảnh hưởng, mức độ cần thiết.

Bước 3- Chọn mẫu khảo sát

Kích thước của mẫu dựa theo yêu cầu của phân tích nhân tố khám phá EFA (Exploratory Factor Analysis): n = 5 x m (m là tổng số biến quan sát, thể hiện bằng số câu hỏi của mô hình) [Comrey, 1973; Roger, 2006]. Với m = 30, cỡ mẫu đạt yêu cầu = 150.

Chọn mẫu quả cầu tuyết (snowball): Danh sách từ các nguồn đa dạng, tổng hợp, giới thiệu từ đơn vị quản lý nhà nước, mạng lưới nhân viên CTXH, các lãnh đạo cơ sở trợ giúp xã hội có làm việc với NKT, những học viên, cựu học viên của Trường Đại học Lao động- Xã hội (CSII) đồng thời là cán bộ, nhân viên tại các địa phương,… Sau đó thực hiện khảo sát, trong đó có những người tiếp theo dựa trên sự giới thiệu của người trước.

Bước 4- Thực hiện: Khảo sát online và khảo sát phát phiếu bảng hỏi.

Tổng số phiếu đủ điều kiện phân tích là 374 phiếu, đáp ứng yêu cầu về kích cỡ mẫu nghiên cứu có ý nghĩa thống kê điều tra xã hội học.

Một số đặc điểm của khách thể nghiên cứu (N = 374):

- Loại hình đơn vị làm việc (A1): Bộ phận thuộc UBND (72,5%), Đơn vị công lập (18,4%), Đơn vị ngoài công lập (9,1%)

- Địa bàn (A2): 23/24 quận huyện

 - Vị trí công việc hiện tại (A3): Cộng tác viên CTXH (29.7%), cán bộ, nhân viên CTXH/XH (34,5%), cán bộ, nhân viên LĐ-TB&XH (33,2%), công việc khác (điều phối, nhân viên dự án, giáo viên chủ nhiệm,…chiếm 2,7%)

- Chuyên môn về CTXH (A4): Không (31,8%), đã học các khóa ngắn hạn (39%), có trình độ sơ cấp/chứng chỉ nghề nghiệp (4,3%), có trình độ trung cấp (12.3%), có trình độ đại học (11,8%), có trình độ trên đại học (0.8%)

- Được đào tạo về QLTH (A5): Không (62,3%), đã học khóa học dưới 1 tuấn (14,2%), đã học khóa học từ 1-2 tuần (7.5%), đã học khóa học từ 3-4 tuần (9.6%), có trình độ sơ cấp/chứng chỉ nghề nghiệp (6,4%).

- Quản lý nhiều nhóm đối tượng hoặc kiêm nhiệm các công việc khác: Có (85,6%), Không (14,4%)

- Số lượng NKT quản lý: Dưới 10 người (24,6%), 10-20 người (3,5%), 21-30 người (16,8%), 31-40 người (16,6%), trên 50 người (38,5%).

Phương pháp phỏng vấn sâu

Nhằm phân tích, lí giải, bổ sung hoặc đối chiếu các kết quả khảo sát bằng phiếu hỏi, phỏng vấn sâu được sử dụng với 04 nhóm khách thể liên quan: Nhân viên QLTH (06 người); NKT (khiếm thị, vận động và tự kỷ) và thành viên gia đình/người chăm sóc chính (08 người); Cán bộ quản lý các cấp trong ngành LĐ-TB&XH và địa phương (04 người); Lãnh đạo, quản lý cơ sở trợ giúp xã hội (04 người).

Phương thức thực hiện: Các nhân viên QLTH là những người được lựa chọn theo kết quả khảo sát để khai thác sâu hơn thông tin. Những người được phỏng vấn đại diện mỗi nhóm khách thể đều được lựa chọn mang tính đại diện khu vực quận, huyện. Quá trình PVS được thực hiện với sự đồng thuận, tự nguyện của người được phỏng vấn trong ghi chép và thu âm. Phỏng vấn viên sử dụng bảng hướng dẫn (Phụ lục mẫu phiếu số 02, 03, 04, 05 dành cho từng nhóm khách thể) để tiến hành PVS, ngoài ra các câu hỏi nhỏ khác được đưa ra hoặc điều chỉnh cách hỏi, số lượng câu hỏi nhằm khám phá nội dung và bám theo tiến trình người được hỏi.

Thảo luận nhóm

Sau khi phân tích kết quả điều tra sơ bộ, các thảo luận nhóm với nhân viên QLTH đồng thời là người đã tham gia khảo sát, được tiến hành để phân tích, lý giải sâu hơn thực trạng triển khai quản lý trường hợp với NKT tại cộng đồng. Số lượng nhóm: 04 nhóm (mỗi nhóm 6- 8 nhân viên QLTH, tổng số 29 người); Thời gian thảo luận: 50 phút; Chủ đề: Những thuận lợi, khó khăn, trở ngại trong quá trình triển khai quản lý trường hợp với NKT tại cộng đồng địa phương và đề xuất các giải pháp khắc phục.

Phương thức thực hiện: Các thành viên là những người đã tham gia trả lời bảng hỏi trước đó. Nghiên cứu viên đóng vai trò quan sát, ghi chép tiến trình. Mỗi nhóm có một điều phối viên (người được tập huấn trước đó) hướng dẫn, hỗ trợ nhóm thảo luận.

Thực nghiệm tác động

Dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu đào tạo, nghiên cứu đã tiến hành khóa tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên QLTH với NKT tại cộng đồng

Hoạt động 1: Tổ chức khóa tập huấn chuyên sâu về quản lý trường hợp với người khuyết tật tại cộng đồng (10 buổi, mỗi buổi 4 giờ)

Số lượng người tham gia: 30 cán bộ, nhân viên làm việc với NKT tại các đơn vị thuộc UBND Phường, đơn vị công lập và đơn vị ngoài công lập.

Nội dung: Khóa tập huấn tập trung vào 04 nhóm chủ đề liên quan đến QLTH với NKT được chọn lựa các nội dung quan trọng, cốt lõi nhất trong khối các kiến thức chuyên ngành, tiến trình, kỹ năng, đạo đức nghề, nguyên tắc thực hiện trong QLTH với NKT tại cộng đồng.

Phương pháp đo lường tác động: Tham dự viên được khảo sát về mức độ hiểu biết và mức độ tự tin thực hành trước và sau tập huấn với bộ phiếu khảo sát không thay đổi về nội dung.

Hoạt động 2: Hướng dẫn/kiểm huấn sau tập huấn (6 tháng)

Hình thức: Hướng dẫn tại cơ sở, trao đổi, tư vấn chuyên môn từ xa.

Số lượng: 02 người (01 cán bộ tại UBND Phường, 01 nhân viên tại cơ sở trợ giúp xã hội). Hai nhân viên đều tham gia hoạt động QLTH với NKT tại cộng đồng.

Phương pháp đo lường tác động: Quan sát trường hợp về các công tác hành chính như ghi chép, lưu tữ và quản lý hồ sơ, cách thực hiện các vai trò, nhiệm vụ và tương tác với thân chủ trong quá trình QLTH.

2.3.7. Phương pháp nghiên cứu trường hợp

Phương pháp nghiên cứu trường hợp được áp dụng tại 03 cơ sở đang cung cấp dịch vụ cho NKT để có những phân tích sâu về thực trạng hồ sơ, thực hiện các vai trò và các nhiệm vụ, hoạt động trong QLTH cũng như tìm hiểu mô hình kinh nghiệm tốt, linh hoạt cũng như lý giải một số kết quả khảo sát. Ngoài ra nghiên cứu cũng thực hiện với 02 nhân viên QLTH (01 cán bộ tại UBND Phường, 01 cán bộ tại trung tâm trợ giúp xã hội) để quan sát về những thay đổi tích cực sau thực nghiệm tác động.

 

CHƯƠNG 3. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TRƯỜNG HỢP

 VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT TẠI CỘNG ĐỒNG Ở

 THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

3.1. Tình hình chung về người khuyết tật và hệ thống chính sách, dịch vụ liên quan tại Thành phố Hồ Chí Minh

- Tính đến tháng 7 năm 2019, tổng số NKT trên địa bàn thành phố là 62.554 người. Các nghiên cứu thực tiễn của một số tác giả cho thấy NKT có nhu cầu trợ giúp ở mọi mặt đời sống từ tiền hỗ trợ hàng tháng, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, tư vấn chính sách, dịch vụ, thủ tục trợ giúp, nguồn lực, tư vấn chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ thiết bị, hỗ trợ vốn, tư vấn sản xuất kinh doanh, học nghề, học văn hóa, học nghề, kỹ năng sống, các nhu cầu xã hội như tham gia nhóm xã hội, hoạt động vui chơi giải trí, tư vấn, tham vấn tâm lý, tư vấn pháp lý, dịch vụ chăm sóc bán thời gian, chăm sóc ban ngày, người chăm sóc toàn thời gian tại nhà, chăm sóc tập trung…đặt ra yêu cầu cần có một hệ thống các chương trình, dịch vụ đa dạng để đáp ứng.

- Trong giai đoạn 2014 – 2020, Thành phố cũng có một số chương trình tập trung hỗ trợ NKT về việc làm, y tế, tiếp cận công trình công cộng, trợ giúp pháp lý, giảm nghèo và BTXH. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, còn nhiều hạn chế trong hỗ trợ NKT trong thực tế. Thành phố cũng có một mạng lưới các cơ sở công lập khá đa dạng trợ giúp cho các nhóm đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, số lượng và khả năng tiếp cận của NKT tại cộng đồng tới các cơ sở, đơn vị trợ giúp, các chương trình như vậy còn là khoảng trống bỏ ngỏ, chưa được đánh giá.

- Về đội ngũ thực hiện dịch vụ CTXH, hiện có khoảng 5.000 người tại hệ thống UBND các cấp, các cơ sở công lập, ngoài công lập, các tổ chức đoàn thể…Thách thức lớn của TP.HCM là quy định tinh giản biên chế trong khi trách nhiệm, áp lực nhiều việc và số lượng đối tượng trợ giúp lớn. Theo khảo sát của tác giả, đội ngũ nhân viên QLTH với NKT tại cộng đồng có tới 31,8% chưa được đào tạo CTXH, 62,3% chưa được tập huấn chuyên sâu về QLTH. Có tới 82,6% quản lý nhiều nhóm đối tượng hoặc kiêm nhiệm các công việc khác.

3.2. Thực trạng triển khai quản lý trường hợp với người khuyết tật tại cộng đồng

3.2.1. Thực trạng thực hiện các vai trò của nhân viên quản lý trường hợp với người khuyết tật tại cộng đồng

Nhân viên QLTH ít hoặc hiếm khi thực hiện các vai trò (Tham vấn, ĐTB= 1.84; Biện hộ, ĐTB = 1,88; Điều phối, ĐTB= 1,94; Giáo dục, ĐTB = 1,96;  Tạo điều kiện, ĐTB= 2,15; Kết nối, ĐTB =2,38). Chỉ có vai trò vận động nguồn lực được nhân viên thực hiện ở mức độ bình thường với ĐTB cao nhất = 2,88.

3.2.2. Thực trạng nhân viên thực hiện tiến trình, nhiệm vụ quản lý trường hợp với người khuyết tật tại cộng đồng

Hầu hết các nhiệm vụ theo các bước của tiến trình QLTH đều đang được thực hiện ở mức độ ít thường xuyên (Tiếp nhận ca và xây dựng mối quan hệ với NKT, ĐTB= 2,07; Thu thập thông tin và đánh giá nhu cầu của NKT, ĐTB = 2,45; Xây dựng kế hoạch chăm sóc, trợ giúp NKT, ĐTB= 2,21; Triển khai kế hoạch chăm sóc, trợ giúp NKT, ĐTB= 2,07; Đặc biệt Theo dõi, giám sát, lượng giá các dịch vụ, sự trợ giúp có mức độ thực hiện thấp nhất, ĐTB= 1,96; Kết thúc và theo dõi sau ca, ĐTB= 2,2).

Ngoài nhiệm vụ lập hồ sơ ca với các thông tin ban đầu (thực chất là hồ sơ đánh giá mức độ khuyết tật và sau này là danh sách chi trả chế độ) được thực hiện ở mức độ bình thường (ĐTB= 2,71), các nhiệm vụ hành chính khác dừng lại ở mức ít hoặc hiếm khi được thực hiện (Sử dụng các công cụ, biểu mẫu trong tiến trình có mức ĐTB thấp nhất = 1,81; Ghi chép thông tin, tiến độ, ĐTB= 2,12; Lưu trữ, ĐTB= 2,38; Báo cáo kết quả định kỳ, ĐTB= 2,38; Chia sẻ thông tin với sự đồng thuận, ĐTB= 2,41; Bảo mật hồ sơ, thông tin, ĐTB= 2,57).

Bức tranh khái quát chung về quy trình QLTH NKT tại cộng đồng trong hệ thống UBND các cấp như sau:

UBND Phường thu thập thông tin và lập hồ sơ NKT, khảo sát và đánh giá nhu cầu NKT. Sau đó UBND Phường lập hồ sơ và chuyển về Phòng LĐTBXH Quận. Căn cứ vào các tiêu chí hồ sơ theo quy định, Phòng LĐTBXH trình UBND Quận ban hành quyết định trợ cấp chế độ. Hàng tháng, quản lý trên danh sách được xét duyệt trợ cấp, Phòng LĐ-TB&XH in ra gửi về Phường ký và cấp phát. Nếu NKT khó khăn thì cán bộ tới nhà phát. Trên công việc thực tế, có kiểm tra giám sát, bình thường chia theo Quý, trong thời gian đó, Phường được giao thực hiện quản lý, cập nhật thông tin thu nhập, thông tin, hoàn cảnh nơi làm ăn sinh sống… Cuối năm, Quận/Huyện cử một đoàn kiểm tra giám sát, chủ yếu về danh sách và chế độ chi trả trợ cấp. Ở Phường, xã, thị trấn, có một CB chuyên trách LĐ-TB&XH (thường là CB VHXH), quản lý nhiều đối tượng, kiêm nhiệm đối tượng trong đó có NKT. Ở các tổ dân phố, thôn có các CTV hỗ trợ. CTV có thể là tổ trưởng tổ dân, CTV chuyên trách giảm nghèo, trẻ em kiêm dân số…không có vị trí rõ ràng với CTV chuyên trách về NKT. Ở cấp Quận, huyện, có 01 cán bộ BTXH phụ trách chung về chính sách cho các nhóm đối tượng. Cho đến nay, TP.HCM chưa có vị trí định danh nhân viên CTXH, CTXH viên hay CTV CTXH.

3.2.3. Kiểm định tương quan trong thực hiện quản lý trường hợp với người khuyết tật tại cộng đồng

Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy tiến trình các bước có tương quan chặt với nhau, đạt giá trị từ 0,543 đến 0,683 ở mức tin cậy đến 99%.

3.3. Các yếu tố ảnh hưởng tới quản lý trường hợp với người khuyết tật tại cộng đồng

3.3.1. Kiểm định ma trận xoay nhân tố của mô hình các yếu tố ảnh hưởng

Các yếu tố ảnh hưởng tới QLTH với NKT tại cộng đồng có Cronbach Alpha dao động từ (0,717 tới 0,831) ≥ 0,6, các hệ số tương quan biến – tổng hiệu chỉnh của các biến quan sát điều đạt yêu cầu (≥ 0,3), do đó tất cả 30 biến thành phần đủ điều kiện để đưa vào phân tích EFA.

Hệ số KMO= 0,859> 0,5. Kiểm định Bartlett: Đạt yêu cầu (Sig=0.000< 0.05). Eigenvalues: Dừng lại ở số lượng nhân tố là 5. Các yếu tố ảnh hưởng tạo thành một mô hình có 05 nhóm yếu tố ảnh hưởng với 29 biến quan sát đáp ứng yêu cầu, chỉ riêng biến (cơ sở, đơn vị trợ giúp có năng lực huy động nguồn lực) bị loại khỏi mô hình, hệ số tải < 0,05.

Mô hình 5 nhóm yếu tố ảnh hưởng được khám phá dựa trên sự tự đánh giá của nhân viên QLTH gồm có: Điểm mạnh, khả năng của NKT; Nhận thức, sự tham gia của gia đình và cộng đồng; Chính sách pháp luật; Cơ sở, đơn vị trợ giúp; Năng lực chuyên môn của nhân viên QLTH.

3.3.2. Nhóm yếu tố ảnh hưởng về điểm mạnh, khả năng của người khuyết tật

Các yếu tố liên quan đến điểm mạnh, khả năng của NKT được đánh giá ở mức độ ảnh hưởng mạnh và rất mạnh (Nhận diện được thế mạnh của bản thân, ĐTB= 4,07; Có ý chí, động lực, ĐTB= 4,08; Hiểu biết về quyền của bản thân, ĐTB= 4,18; Chủ động tham gia hợp tác có mức độ ảnh hưởng nhất, ĐTB = 4,24).

3.3.3. Nhóm yếu tố về nhận thức, sự tham gia của gia đình, cộng đồng

Về phía gia đình, các yếu tố được đánh giá ảnh hưởng mạnh gồm có: Năng lực chăm sóc, trợ giúp NKT tại nhà, ĐTB= 3,90; Hiểu biết về các chính sách pháp luật, chương trình, nguồn lực trợ giúp (ĐTB= 4,07); Hiểu biết về quyền của NKT, có trách nhiệm đối với NKT, ĐTB= 4,12; Chủ động tham gia, hợp tác với nhân viên, ĐTB= 4,07.

Về phía cộng đồng, các yếu tố ảnh hưởng mạnh gồm có: Tạo điều kiện cho NKT tham gia vào đời sống cộng đồng, ĐTB= 3,74; Chủ động thực hiện trách nhiệm với NKT, ĐTB= 4,02; Hiểu biết về quyền của NKT, ĐTB= 4,03; Tích cực tham gia là nguồn lực trợ giúp, ĐTB = 4,06.

3.3.4. Nhóm yếu tố ảnh hưởng về chính sách pháp luật

Các yếu tố được đánh giá ở mức độ ảnh hưởng mạnh gồm có: Hướng dẫn cụ thể, có công cụ hỗ trợ, ĐTB= 3,70; các chương trình, dịch vụ đa dạng theo nhu cầu của NKT, ĐTB= 3,76; Có chế tài xử phạt và khuyến khích trong công tác của đội ngũ thực hiện, ĐTB= 3,88; Chính sách hỗ trợ đầy đủ cho NKT, ĐTB= 396; Chính sách cụ thể về vị trí, vai trò, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của đội ngũ thực hiện, ĐTB= 3,98; Có chính sách an sinh đầy đủ cho đội ngũ thực hiện, ĐTB= 4,16

3.3.5. Nhóm yếu tố về cơ sở, đơn vị trợ giúp

- Các yếu tố được đánh giá ở mức ảnh hưởng rất mạnh gồm có: Cơ sở có đủ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp về QLTH với NKT, ĐTB= 4,21; Lãnh đạo dành ưu tiên đáp ứng nhu cầu NKT, ĐTB= 4,33; Lãnh đạo có hiểu biết về QLTH với NKT, ĐTB= 4,36

- Các yếu tố được đánh giá ở mức độ ảnh hưởng mạnh gồm có: Lãnh đạo cam kết trong chỉ đạo tổ chức thực hiện và đánh giá thường xuyên công tác QLTH, ĐTB= 3,86; Lãnh đạo hiểu biết, có trách nhiệm thực hiện quyền của NKT, ĐTB= 3,97; Cơ sở có năng lực liên kết và có mạng lưới hợp tác, chuyển gửi, ĐTB= 3.99.

3.3.6. Nhóm yếu tố về năng lực chuyên môn của nhân viên quản lý trường hợp

Theo đánh giá chủ quan, nhân viên QLTH cho rằng các yếu tố năng lực chuyên môn ảnh hưởng mạnh tới QLTH với NKT tại cộng đồng gồm có: Tuân thủ quy điều đạo đức nghề, nguyên tắc trong QLTH với NKT, ĐTB= 3,65; Có trình độ chuyên môn CTXH, ĐTB= 3,75; Am hiểu về NKT, ĐTB= 3,79; Có kỹ năng trong QLTH với NKT, ĐTB= 3,95; đặc biệt có kiến thức liên quan đến QLTH với NKT có mức ảnh hưởng mạnh nhất, ĐTB= 4,02.

Kiểm định tương quan các yếu tố chuyên môn, nghề nghiệp và thực hiện QLTH của nhân viên

Các yếu tố nghề nghiệp

 - Loại hình đơn vị (A1) nhân viên đang làm việc cũng có tương quan thuận với mức độ nhân viên triển khai các vai trò (r =0,151) và tiến trình QLTH (r= .149) ở mức độ ý nghĩa tới 99%.

- Số ca nhân viên được giao phụ trách (A7) có tương quan nghịch với mức độ thực hiện các vai trò và tiến trình QLTH với hệ số tương quan âm lần lượt là r = 0,119 và r = 0,109 ở mức độ ý nghĩa tới 95%.

Các yếu tố chuyên môn

- Yếu tố được đào tạo về QLTH (A5) có tác động mạnh nhất với hệ số tương quan thuận đối với mức độ nhân viên thực hiện các vai trò (TBC1, r= 0,394) và tiến trình QLTH (TBC2, r= 0,374) ở mức độ ý nghĩa tới 99%.

- Yếu tố được đào tạo CTXH (A4) cũng có tương quan thuận với thực hiện các vai trò và thực hiện tiến trình QLTH của nhân viên với hệ số r lần lượt là 0,177 và 0,15 ở mức độ ý nghĩa tới 99%.

CHƯƠNG 4. GIẢI PHÁP ĐÀO TẠO NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ THỰC HIỆN QUẢN LÝ TRƯỜNG HỢP VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT

4.1. Nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực

Tất cả các khối kiến thức đều được đánh giá ở mức độ hoàn toàn cần thiết, cụ thể như sau:

 - Khối kiến thức chuyên ngành liên quan đến QLTH với NKT tại cộng đồng (G11- G18) được người khảo sát đánh giá có mức ĐTB khá đa dạng (4,32 ≤ µ ≤ 4,76), trong đó kiến thức về mô hình thực hành đã có kiểm chứng (Evidence based practice) (G16) có mức ĐTB cao nhất (µ = 4,76).

- Khối kiến thức về các nhiệm vụ theo tiến trình QLTH với NKT (G19- G115) được đánh giá ở mức độ hoàn toàn cần thiết tương đối đồng đều (4,47 ≤ µ ≤ 4,71). Theo dõi, giám sát, lượng giá (G113) được đánh giá cần thiết nhất (µ = 4,71).

-  Khối kiến thức về các kỹ năng (G116- G121) được đánh giá hoàn toàn cần thiết ở các mức ĐTB cũng khá đa dạng (4,31 ≤ µ ≤ 4,75), các kỹ năng liên kết/kết nối, điều phối, chuyển gửi (G118) được đánh giá cao nhất (µ= 4,75)

- Về khối kiến thức liên quan đến thái độ, các quy điều đạo đức nghề, nguyên tắc khi làm việc với NKT (G122) cũng được đánh giá hoàn toàn cần thiết (µ= 4,23).

4.1.2. Trình độ đào tạo

Nhu cầu về cấp độ đào tạo của người được khảo sát khá đa dạng từ các khóa học bổ sung ngắn hạn đến các trình độ đào tạo chuyên nghiệp. Trong đó, khóa học từ 1-2 tuần được lựa chọn nhiều nhất với hơn một nửa số người được hỏi (50,9%).

4.1.3. Thời gian đào tạo

Trong các biểu thời gian, người được hỏi mong muốn thời gian lớp học được tổ chức cuối tuần chiếm tỷ lệ cao nhất (75%), tiếp đến là lựa chọn các ngày trong tuần, theo đợt 1-3 ngày (63,7%).

4.1.4. Hình thức đào tạo

Gần 82% người được hỏi chọn hình thức đào tạo truyền thống, tập trung trên lớp và cũng có tới 81% chọn hình thức học qua đào tạo tại cơ sở và có kiểm huấn viên.

4.2. Chương trình thực nghiệm tác động

 Cơ sở lí luận: Dựa trên các nguyên lí giáo dục về mối quan hệ giữa kiến thức, kỹ năng và thái độ [UNESCO, 2014]

Cơ sở thực tiễn: Dựa trên kết quả khảo sát về việc nhân viên QLTH thực hiện các vai trò, tiến trình và nhiệm vụ trong QLTH với NKT tại cộng đồng còn khá nhiều hạn chế. Các yếu tố ảnh hưởng cũng cho thấy đào tạo chuyên môn về CTXH và QLTH có tương quan chặt với việc thực hiện của nhân viên QLTH.

4.3. Kết quả thực nghiệm

4.3.1. Kết quả trước và sau tập huấn

Đo lường về mức độ hiểu biết, mức độ tự tin trong thực hiện cho thấy có sự thay đổi rõ rệt trong kết quả sau tập huấn, cụ thể như sau:

Các vai trò nhân viên thực hiện trong quá trình QLTH với NKT tại cộng đồng

- Sự hiểu biết của tất cả các vai trò đã tăng khá nhiều với ĐTB dao động từ 3,67 tới 3,80, được đánh giá ở mức độ tốt/biết rõ. Mức tăng từ 0,63- 1 điểm, vai trò tạo điều kiện có mức tăng cao nhất.

- Mức độ tự tin thể hiện các vai trò cũng có sự cải thiện đáng kể. Tất cả các vai trò được đánh giá ở mức ĐTB dao động từ 3,50- 3,63, ở mức khá tự tin để tự thực hiện. Mức tăng từ 0,74 tới 0,97 điểm, trong đó vai trò tạo điều kiện cũng có mức cải thiện rõ nhất.

Các nhiệm vụ trong tiến trình QLTH với NKT tại cộng đồng

- Hiểu biết của tham dự viên về các nhiệm vụ QLTH có sự thay đổi tích cực rõ rệt, ĐTB dao động từ 3,73- 3,93, được đánh giá ở mức độ biết rõ. Mức tăng từ 0,86 tới 1,03 điểm, trong đó nhiệm vụ triển khai kế hoạch chăm sóc, trợ giúp có sự cải thiện nhiều nhất.

- Điểm trung bình về mức độ tự tin trong thực hiện các nhiệm vụ dao động từ 3,60 đến 3,83, ở mức độ khá tự tin để tự thực hiện. Mức tăng từ 0,87 tới 1,13 điểm, trong đó nhiệm vụ xây dựng kế hoạch chăm sóc, trợ giúp có sự tiến bộ rõ nhất.

Các kỹ năng trong quản lý trường hợp với người khuyết tật tại cộng đồng

- Mức độ hiểu biết ở tất cả các kỹ năng được tự đánh giá ở mức độ tốt, ĐTB dao động từ 3,77 tới 3,87. Mức tăng từ 1,06- 1,17 điểm, trong đó các kỹ năng kết nối, chuyển gửi, điều phối dịch vụ và các nguồn lực có sự cải thiện rõ nhất.

- Sự tự tin của tham dự viên thay đổi rất tích cực với ĐTB dao động từ 3,73- 3,80, ở khá tự tin tự thực hiện. Mức tăng từ 1,01- 1,22 điểm, trong đó kỹ năng ghi chép, báo cáo và lưu trữ (sử dụng các biểu mẫu) có sự thay đổi rõ nhất.

Kết quả sau thực nghiệm còn cho thấy độ lệch chuẩn giảm đi nhiều ở tất cả các khía cạnh. Điều đó cho thấy sự khác biệt giữa các tham dự viên trong mức độ hiểu biết và mức độ tự tin đã giảm, đồng nghĩa có sự đồng đều hơn giữa các tham dự viên.

4.3.2. Kết quả quan sát trường hợp

Biện pháp hướng dẫn, kiểm huấn cá nhân sau tập huấn tạo ra những thay đổi của nhân viên QLTH trong tác nghiệp thực tế như sau:

Trường hợp thứ nhất  (Nam, 36 tuổi, công chức VHXH)

- Có sổ riêng theo dõi từng trường hợp, ghi chú thêm về các nhu cầu khác của thân chủ, bắt đầu có đánh giá chéo và thu thập thông tin từ nhiều nguồn hơn.

- Áp dụng bài bản hơn, có tính toán khi sử dụng các kỹ năng xây dựng mối quan hệ với thân chủ trong từng hoàn cảnh giao tiếp.

- Thực hiện các hoạt động cụ thể với nhiều vai trò hơn trước: Giáo dục viên, người vận động nguồn lực, người hỗ trợ cá nhân, người kết nối mạng lưới.

- Thay đổi trong tư duy về cung cấp dịch vụ: Ý tưởng về mảng dịch vụ có trả phí đối với những NKT có điều kiện.

Trường hợp thứ hai (Nữ, 26 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp trẻ tự kỷ)

Quan sát trong tiến trình nhân viên QLTH tác nghiệp với với một trẻ KT mới vào Trung tâm (11/2019- 4/2020), nhân viên có một số tiến bộ như sau:

- Bước 1 (tiếp nhận ca và xây dựng mối quan hệ trị liệu nghề nghiệp với NKT, gia đình NKT): Đã có cách trò chuyện, giao tiếp tạo bầu không khí thân mật bằng cách nở nụ cười, bày tỏ sự quan tâm, đồng cảm với trẻ và gia đình.

- Bước 2 (thu thập thông tin và đánh giá nhu cầu chăm sóc, trợ giúp NKT): Sử dụng được kỹ năng lắng nghe và lấy thông tin từ nhiều phía không chỉ hồ sơ học sinh mà còn gặp gỡ TC, gia đình, các bên liên quan, tham quan nơi sống của gia đình, điền vào các mẫu thông tin, lập hồ sơ thân chủ và lưu mẫu tiếp nhận thông tin hồ sơ.

- Bước 3 (xây dựng kế hoạch chăm sóc, trợ giúp): Cùng với GV còn lại, thảo luận với gia đình để thống nhất hoạt động và trách nhiệm cac bên để xây dựng theo tuần, theo tháng.

- Bước 4 (triển khai kế hoạch chăm sóc, trợ giúp): Cùng GV tổ chức các hoạt động can thiệp, trợ giúp cho bé từ góc độ cá nhân, có sự tham gia của các thành viên khác trong nhóm và các bộ phận khác trong dạy văn hóa, chăm sóc, khám sức khỏe, trị liệu cho trẻ, tham vấn cho trẻ và gia đình, truyền thông tại cộng đồng.

- Bước 5 (theo dõi, đánh giá, lượng giá): Mỗi tháng cùng với GV còn lại sẽ có đánh giá những việc đã làm được, chưa hoàn thành, trao đổi với quản lý (lãnh đạo Trung tâm), gia đình trẻ và có sự điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.

- Do thời gian quan sát trong 6 tháng nên chưa có kết quả quan sát tại bước 6 (kết thúc và theo dõi ca).

 

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1.         Kết luận

Người khuyết tật là một nhóm đối tượng, khách hàng có những đặc điểm sinh lý, tâm lý, tình cảm, xã hội riêng. Mỗi cá nhân có nhu cầu khác nhau, nhu cầu trợ giúp cũng khác nhau do đó cần có các dịch vụ, sự hỗ trợ phù hợp với từng cá nhân. Các công trình nghiên cứu cho thấy QLTH đặc biệt là QLTH trong CTXH là phương pháp tác nghiệp hiệu quả, phù hợp để quản lý một cách tổng hợp tất các dịch vụ hỗ trợ đối với một khách hàng cụ thể khi họ có nhiều nhu cầu. Tổng quan nghiên cứu cho thấy với các vai trò, nhiệm vụ trong tiến trình QLTH thì nhân viên QLTH có thể đáp ứng được nhu cầu trợ giúp NKT tại cộng đồng.

Tại Việt Nam, QLTH với NKT đã được thể chế hóa bằng quy định của Nhà nước từ năm 2015 và gần đây được hướng dẫn áp dụng với tất cả các nhóm đối tượng. Nghiên cứu quản lý trường hợp với người khuyết tật tại cộng đồng ở TP.HCM cho thấy quá trình triển khai của nhân viên QLTH với NKT tại cộng đồng có một số mô hình, cách thức hay nhưng cũng còn có những hạn chế nhất định. Về các vai trò thể hiện tính chuyên môn CTXH, nhân viên QLTH đã phần nào thực hiện được vai trò vận động nguồn lực và có một số cách thức hay trong huy động các nguồn từ mạng lưới tự nhiên (gia đình, hàng xóm,…) và các chuyên gia. Nhân viên cũng thực hiện được vai trò tạo điều kiện giúp NKT tiếp cận được một số chính sách trợ giúp. Tuy vậy, một số vai trò nòng cốt của QLTH như người kết nối, người điều phối, người tạo điều kiện tham gia đời sống xã hội, cộng đồng còn khá mờ nhạt. Hay các vai trò giáo dục hay tham vấn cũng là các vai trò phổ biến của nhân viên QLTH cũng ít thường xuyên được thực hiện.

Nghiên cứu thể hiện các nhân viên QLTH phần nào đã có thực hiện một số nhiệm vụ, hoạt động trong tiến trình QLTH với NKT như lập hồ sơ chi trả chế độ, thu thập một số thông tin về khuyết tật, sức khỏe, giáo dục, sinh kế, việc làm hay hỗ trợ NKT một số chính sách xã hội hay hỗ trợ tham gia một số sự kiện Lễ, Tết. Tuy vậy, các nhiệm vụ, hoạt động mang tính chuyên nghiệp của QLTH hầu như chưa được như mong muốn, còn ít được thực hiện như xây dựng mối quan hệ với thân chủ, thu thập thông tin và đánh giá nhu cầu, đặc biệt là các nhu cầu ở khía cạnh xã hội, mối quan hệ, tâm lý, tình cảm, kỹ năng sống. Xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch còn rất ít thường xuyên. Công tác kiểm tra giám sát chủ yếu về danh sách có đủ điều kiện và chế độ chi trả. Các bước, nhiệm vụ trong tiến trình có tương quan chặt với nhau. Khi các bước, nhiệm vụ chưa được thực hiện tốt ở một khâu đoạn nào đó sẽ ảnh hưởng đến các bước còn lại trong tiến trình QLTH.

Việc thực hiện các vai trò, nhiệm vụ và tiến trình QLTH của nhân viên còn những hạn chế cũng có liên quan đến các khó khăn, rào cản thách thức xuất phát từ bản thân họ, cơ chế chính sách, NKT, gia đình, cộng đồng và cả cơ sở, đơn vị nơi họ làm việc. Một trong những khó khăn, thách thức nổi bật là vị trí công việc chưa rõ ràng, bán chuyên trách hoặc kiêm nhiệm nhiều việc cũng như nhân viên thiếu năng lực chuyên môn trong QLTH với NKT tại cộng đồng.

Quá trình quản lý trường hợp với NKT tại cộng đồng chịu chi phối của nhiều yếu tố ảnh hưởng. Nghiên cứu đã khám phá một mô hình các yếu tố ảnh hưởng mạnh gồm 05 nhóm yếu tố có mức độ ảnh hưởng mạnh và rất mạnh ảnh hưởng đến hiệu quả của QLTH với NKT tại cộng đồng bao gồm: Nhận thức, sự tham gia của gia đình và cộng đồng; Điểm mạnh, khả năng của NKT; Hệ thống chính sách pháp luật liên quan; Lãnh đạo và năng lực cơ sở; Năng lực chuyên môn của nhân viên QLTH. Trong đó, các yếu tố năng lực chuyên môn của nhân viên QLTH tỏ ra là nhóm yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất.

Từ các kết quả nghiên cứu về thực trạng triển khai QLTH với NKT tại cộng đồng, từ nhu cầu đào tạo và thực trạng đội ngũ, một chương trình thực nghiệm tác động bao gồm khóa đào tạo tập huấn và kiểm huấn sau đào tạo trong nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên QLTH tại cộng đồng được thực hiện. Kết quả thể hiện có sự cải thiện dựa trên sự tự đánh giá của những người tham gia và quan sát trường hợp được thể hiện ở mặt nhận thức, kiến thức và sự tự tin để thực hiện các vai trò, nhiệm vụ và kỹ năng QLTH với NKT. Ngoài ra, biện pháp kiếm huấn sau đào tạo cho thấy người được đào tạo có những thay đổi tích cực trong tác nghiệp các vai trò, các nhiệm vụ, hoạt động cụ thể khi quản lý trường hợp với NKT tại cộng đồng. Như vậy, biện pháp đào tạo kết hợp giữa tập huấn và hướng dẫn, kiểm huấn sẽ mang lại những hiệu quả trong nâng cao năng lực của đội ngũ thực hiện QLTH với NKT tại cộng đồng.

2. Kiến nghị giải pháp

Về lý thuyết và thực tế, NKT là một nhóm khách hàng đặc thù, mỗi cá nhân có những đặc điểm và nhu cầu hỗ trợ khác nhau, tùy vào dạng KT nên QLTH cần mang tính cá biệt hóa và đa dạng. Để tăng cường hiệu quả, chuyên nghiệp của QLTH với NKT tại cộng đồng, một nhóm các giải pháp đồng bộ từ nhiều khía cạnh, đối tượng liên quan được đưa ra.

2.1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng khả năng thực thi pháp luật

- Đối với Thông tư 01/2015/TT-LĐTBXH và Thông tư 02/2020/TT-LĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH về ban hành quản lý đối tượng trong đó có NKT cần được nghiên cứu về tính khả thi và thực tế trong áp dụng tại các địa phương để có hướng điều chỉnh cập nhật phù hợp. Ngoài ra cần thúc đẩy hướng dẫn tập huấn và kiểm tra giám sát trong quá trình triển khai.

- Xây dựng và ban hành các quy chế, quy trình về phối hợp nhóm liên ngành giữa các ban ngành y tế, giáo dục, tư pháp,…trong đó quy định rõ về vai trò các bên liên quan cũng như xác định, khẳng định vai trò trưởng nhóm của nhân viên QLTH để họ có vị thế cụ thể trong quá trình triển khai.

- Lồng ghép QLTH theo hướng CTXH vào các chương trình, chính sách cấp quốc gia và chương trình, kế hoạch cấp địa phương để đẩy mạnh phương pháp này không chỉ dừng tại các cơ sở nuôi dưỡng tập trung mà nhân rộng tại cộng đồng.

- Tiếp tục phát triển mạng lưới CTV, nhân viên CTXH, CTXH viên về cả số lượng lẫn chất lượng thông qua đào tạo nguồn nhân lực và cơ chế chính sách để tạo nguồn nhân lực quan trọng để triển khai các dịch vụ CTXH nói chung và để thực hiện QLTH với NKT nói riêng.

- Cần xây dựng chính sách, chế độ phụ cấp phù hợp cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên QLTH và CTV làm công tác trợ giúp xã hội cho NKT để thu hút lực lượng lao động có chất lượng.

- Tạo cơ chế xã hội hóa để các cơ sở ngoài công lập tham gia cung cấp các dịch vụ công, trong đó có QLTH với NKT với các mô hình điển hình.

2.2. Phát triển mạng lưới hệ thống các cơ sở, đơn vị cung cấp dịch vụ

- Phát triển các loại hình dịch vụ đa dạng để đáp ứng nhu cầu cần trợ giúp của NKT tại cộng đồng thông qua nguồn lực nội tại của cơ sở và đặc biệt trong mạng lưới kết nối các cơ sở cung cấp dịch vụ.

-  Liên kết và hình thành mạng lưới có sẵn các địa chỉ, quy trình phối hợp, chuyển gửi, đơn vị chịu trách nhiệm từ cơ sở BTXH, cơ sở CTXH/xã hội khác, chính quyền địa phương để tạo một nguồn lực dịch vụ phong phú hơn tại địa phương. Chú trọng hệ thống hóa cơ sở dữ liệu và quảng bá để tăng khả năng tiếp cận thông tin của NKT và gia đình.

- Tăng cường chất lượng dịch vụ thông qua chuyên môn hóa các hoạt động QLTH thông qua đội ngũ được đào tạo và chuyên môn vị trí việc làm, hỗ trợ từng nhóm đối tượng trong đó có NKT và cần ổn định vị trí công việc lâu dài cho người thực hiện.

- Tăng cường quản lý thông qua chuyên nghiệp hóa hồ sơ ca, công cụ, biểu mẫu và các hoạt động tác nghiệp để chuyên nghiệp hóa công tác hỗ trợ nhằm đáp ứng đúng, đủ nhu cầu của NKT.

- Đẩy mạnh mạng lưới cung cấp dịch vụ với sự tham gia của nhiều loại hình cơ sở, đơn vị trợ giúp khác nhau ngoài hệ thống chính quyền địa phương, các cơ sở công lập.

2.3. Nâng cao năng lực đội ngũ thực hiện QLTH với NKT qua các hình thức đào tạo chuyên sâu, phù hợp và linh hoạt

- Xây dựng đa dạng các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo với sự phối hợp của các cơ sở, đơn vị cung cấp dịch vụ, trợ giúp theo dự báo thị trường lao động trong khối dịch vụ xã hội, theo các chương trình, đề án quốc gia, theo đơn đặt hàng cụ thể của các địa phương như các khóa học ngắn hạn, các chương trình dài hạn hơn để cấp chứng chỉ, cấp bằng theo hướng đào tạo chuyên sâu, tạo nguồn nhân lực chuyên môn hóa.

- Đẩy mạnh hình thức đào tạo kết hợp lý thuyết, thực hành trên lớp và học thực địa tại cơ sở. Xây dựng hệ thống kiểm huấn viên địa phương có kinh nghiệm nhà trường để đào tạo qua thực tế, nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện QLTH.

- Tăng cường thời lượng thực hành trong công tác đào tạo bên cạnh trang bị các kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp trong QLTH với NKT tại cộng đồng.

- Cần thực hiện đào tạo với đội ngũ, ê-kip liên ngành (các cán bộ LĐ-TB&XH, các y bác sỹ, nhà vật lý trị liệu, cán bộ phụ trách tư pháp, giáo dục,…tại cấp địa phương) để tạo sự hiểu biết chung, đồng thuận trong tác nghiệp.

2.5. Thay đổi nhận thức, tăng cường sự tham gia của NKT

-  Thúc đẩy hoạt động tham vấn, tạo niềm tin, động lực và khám phá khả năng tiềm ẩn của NKT.

- Thay đổi nhận thức qua tập huấn, truyền thông về quyền NKT, chính sách pháp luật và trang bị các kỹ năng sống độc lập, tự biện hộ.

- Khuyến khích sự tham gia, sự tự quyết của NKT khi nhân viên thực hiện các vai trò, nhiệm vụ, hoạt động trong tiến trình quản lý trường hợp với NKT tại cộng đồng.

- Thúc đẩy xây dựng và duy trì sinh hoạt thành các đội nhóm, CLB tự lực để NKT có thể chia sẻ, động viên nhau cũng như hỗ trợ nhau trong cuộc sống, tạo sự đồng thuận và tiếng nói chung của NKT. Nhân viên QLTH đóng vai trò người xúc tác, hỗ trợ tiếp trình thành lập và hoạt động nhóm.

2.6. Truyền thông, nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của gia đình, cộng đồng

- Tuyên truyền sâu rộng về quyền của NKT, hệ thống chính sách, chương trình trợ giúp NKT, trách nhiệm của cộng đồng lợi ích đem lại cho cộng đồng khi đời sống của NKT được cải thiện và có cơ hội hòa nhập xã hội, lịch sử và giá trị dân tộc và giá trị cộng đồng khi trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn, các dịch vụ hỗ trợ xã hội, cách thức trợ giúp, giao tiếp với NKT trong cuộc sống hàng ngày tại cộng đồng.

- Sử dụng nhiều hình thức khác nhau trong tuyên truyền, vận động như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, trao giải liên quan đến các chủ đề cụ thể; Kết nối với các chuyên gia y tế, phục hồi chức năng, dinh dưỡng, tư vấn tâm lý trong các buổi thuyết trình, nói chuyện, tập huấn, sinh hoạt cộng đồng về phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm, dinh dưỡng, tự chăm sóc và hỗ trợ NKT; Sử dụng báo, đài, các kênh thông tin trên mạng xã hội của nhóm cư dân, tổ dân phố để chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn của NKT cần những trợ giúp cụ thể nào tại địa bàn, nêu gương sáng về những NKT giàu nghị lực, nêu gương về những tấm gương tại cộng đồng trong hỗ trợ NKT.

- Tạo điều kiện tham gia cho cộng đồng và tiến trình QLTH với NKT bằng cách vận dụng mô hình phát triển cộng đồng dựa vào nguồn lực để kết nối nguồn lực tại chỗ trong trợ giúp NKT và trong tiến trình QLTH với NKT. Hàng xóm, bạn bè đồng cảnh, trưởng họ,…vừa là đối tượng có liên quan, vừa là mạng lưới tự nhiên, phi chính thức để hỗ trợ NKT ở nhiều khía cạnh nhân lực, vật chất, mối quan hệ, nguồn động viên tinh thần.

- Tăng cường năng lực cho các thành viên trong gia đình để giúp họ hỗ trợ NKT có thể tự chăm sóc bản thân, sống độc lập đồng thời trang bị cho họ kỹ năng quản lý cảm xúc, thay đổi nhận thức, tìm kiếm nhận diện khả năng, điểm mạnh tăng cường sự tham gia, tôn trọng tiếng nói của thành viên gia đình là NKT.

- Phản hồi, chia sẻ kinh nghiệm bản thân và gia đình trong công tác trợ giúp NKT trong các câu lạc bộ, nhóm, sinh hoạt cộng đồng là cách tốt nhất để không ngừng cải thiện dịch vụ, thay đổi văn hóa trong tiếp nhận dịch vụ xã hội, cách thức tiếp cận các dịch vụ, sự trợ giúp. Các thành viên tham gia các nhóm có thể tham vấn kết nối các gia đình có cùng hoàn cảnh để chia sẻ những khó khăn, tăng giá trị của GĐ trong cộng đồng, tìm ra những giải pháp phù hợp và hiệu quả của NKT, các thành viên trong GĐ.

3. Hạn chế của Luận án

Trong giới hạn phạm vi và năng lực thực hiện, Luận án còn có ba hạn chế lớn:

Thứ nhất, kênh phản hồi, đánh giá từ người khuyết tật với tư cách người thụ hưởng dịch vụ, sự trợ giúp còn hạn chế, mới chủ yếu khai thác từ PVS. Do đó, các thông tin tự đánh giả của nhân viên QLTH còn có thể mang yếu tố chủ quan. Tuy vậy, nhân viên QLTH là người trực tiếp thực hiện nên đóng vai trò cũng hết sức quan trọng và nghiên cứu tiếp cận dưới góc độ người thực hiện tự nhìn nhận, phản hồi từ bản thân mình trước theo nguyên tắc soi gương (self-reflection) trong thực hành CTXH. Thứ hai, phương pháp điều tra bằng phiếu hỏi không xác định được số lượng mẫu tổng thể và vị trí của nhân viên QLTH với NKT tại cộng đồng còn chưa rõ ràng, mức độ được đào tạo chuyên môn CTXH và cụ thể trong QLTH của người được hỏi chưa cao dẫn đến một số thuật ngữ trong phiếu hỏi có thể không quen thuộc. Các yếu tố ảnh hưởng được đánh giá mức độ ảnh hưởng dưới góc độ chủ quan của nhân viên QLTH. Sự tự đánh giá của người được hỏi có thể tăng hoặc giảm khi sử dụng phương pháp đánh giá bằng mức điểm (Siemsen, Roth & Oliveira, 2010) hoặc có những câu trả lời thiếu thành thật (Evans, 1985). Những hạn chế như vậy có thể có ảnh hưởng tới độ tin cậy. Luận án cũng không xác lập được mô hình hồi quy để xác lập được mối quan hệ nhân quả, từ đó phát hiện các yếu tố tác động mạnh với tính khoa học chặt chẽ hơn. Phương pháp khảo sát online có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như thiếu người hướng dẫn phiếu hay giải đáp thắc mắc... Tuy nhiên, nhờ hình thức này, địa bàn khảo sát có độ phủ chiếm 23/24 quận, huyện và mang lại sự đa dạng từ các tổ chức, đơn vị tham gia trả lời. Điều tra phát phiếu bảng hỏi vẫn chiếm tỷ lệ đa số, đảm bảo sự kiểm soát cũng như hỗ trợ trong quá trình người tham gia trả lời bảng hỏi. Ngoài ra, Luận án khắc phục các hạn chế phần nào bằng cách sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu định tính (các phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm, quan sát trường hợp, thực nghiệm tác động với nhiều nhóm đối tượng) để có thể phân tích, bổ sung, so sánh. Thứ ba, thực nghiệm tác động trong thời gian ngắn và chưa so sánh đối chiếu được với nhóm đối chứng nên tính tin cậy của biện pháp đào tạo nâng cao năng lực cho nhân viên QLTH còn có những hạn chế nhất định. Các kết quả liên quan đến thống kê mô tả với số lượng mẫu nhỏ có giới hạn về độ tin cậy (Gogtav, 2010). Luận án khắc phục bằng cách bổ sung phương pháp nghiên cứu định tính (quan sát trường hợp với 02 nhân viên có các đặc điểm nhân khẩu học khác nhau, làm việc ở loại hình đơn vị khác nhau), kiểm chứng sự thay đổi trong thực tế áp dụng quản lý trường hợp sau thực nghiệm tác động.

 

DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

  1. Lê Thị Nhung, Bùi Thị Xuân Mai (2017), “Accessibility to policies and resource mobilization of organizations for people with disabilities in Vietnam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Phát triển xã hội hòa nhập dựa vào cộng đồng: Cơ hội và thách thức, ISBN: 978-604-735-5990, NXB. Đại học Quốc gia TP.HCM, tr. 24-35.
  2. N.T. Le (2018), “Current situations on case management with persons with disabilities in Vietnam”, Joint World Conference on Social Work, Education and Social Development, International Federation of Social Workers (IFSW), International Association of Schools of Social Workers (IASSW) & International Council on Social Welfare (ICSW), Ireland.
  3. Le Thi Nhung (2019), “Roles of social workers in case management with persons with disabilities in Vietnam”, 25th Joint Regional Conference of Social Work Partnerships towards an Equal Society - Asia Pacific Perspective, International Federation of Social Workers - Asia Pacific (IFAP) and Asian and Pacific Association for Social Work Education (APASWE), Abstract Ref No. APSWC00406, India.
  4. Le Thi Nhung (2019), “Challenging livelihoods of persons with disabilities and missing gaps in policies”, Thirteenth Eurasia Forum on Poverty among Young and Elder people: Social Work Approach in Solving the Problem, Philippines.
  5. Lê Thị Nhung (2020), “Quản lý trường hợp với người khuyết tật tại TP.HCM: Thực trạng và kiến nghị giải pháp”, Đề tài cấp Cơ sở, mã số TR2018-15.
  6. Le Thi Nhung (2020), “An intervention program of enhancement on knowledge and skills of social work case managers with persons with disabilities”, International Journal of Innovation, Creativity and Change, ISSN:2201-1315. (Ấn hành tháng 7/2020)

Tác giả: ussh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây