Ngôn ngữ
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
--------------------
ĐOÀN THUÝ QUỲNH
NGHIÊN CỨU ĐỐI CHIẾU CA TỪ
TRONG CÁC BÀI HÁT TIẾNG ANH GIAI ĐOẠN 1980-2000 VỚI BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT
(CHỦ ĐỀ TÌNH YÊU)
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu
Mã số: 62 22 02 41
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC
Hà Nội 2020
Công trình được hoàn thành tại:
Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THUỲ và PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐẠT
Phản biện độc lập 1:. ………………………………………………
Phản biện độc lập 2: ……………………………………………….
Phản biện 1: ………………………………………………….……
Phản biện 2: ……………………………………………….………
Phản biện 3: ……………………………………………….………
Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở đào tạo họp tại:..........................................
.......................................................................................................
vào hồi ………. giờ …. ngày …. tháng ….năm……….
Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện:
Thư viện Quốc gia Việt Nam
Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội
MỞ ĐẦU
1.Lý do chọn đề tài
Các bài hát tiếng Anh, đặc biệt là các bài hát tiếng Anh giai đoạn 1980-2000 về chủ đề tình yêu được đông đảo người nghe nhạc yêu thích bởi vì ca từ và giai điệu hay, ca từ thể hiện chức năng biểu cảm mạnh mẽ, hấp dẫn người nghe nhạc. Hầu như tất cả các bài hát có ca từ mang đậm nét phong cách của ngôn ngữ nghệ thuật, là điểm nổi bật của bài hát, vần điệu có tính nhạc. Các bài hát tiếng Anh giai đoạn 1980-2000 có tác dụng đặc biệt đối với xã hội. Người nghe có thể hiểu được những thông điệp về tâm tư tình cảm, cuộc sống, con người, môi trường xung quanh được ẩn sâu bên trong lớp vỏ ca từ mà nhạc sĩ muốn thể hiện. Chính vì thế, bài hát tiếng Anh giai đoạn này còn được người dạy vận dụng để giảng dạy tiếng Anh, để tăng sức hấp dẫn trong giờ học, người học lĩnh hội được những kiến thức về ngôn ngữ và văn hoá.
Những bản dịch của các bài hát tiếng Anh giai đoạn 1980-2000 về chủ đề tình yêu cũng được đông đảo người Việt nghe nhạc đón nhận. Những nhạc sĩ tiêu biểu dịch lời Việt cho những bài hát tiếng Anh giai đoạn này gồm Phạm Duy, Lê Hựu Hà, Nguyễn Hoàng Đô, Quốc Bảo, Anh Bằng, Trường Kỳ…. Những nhạc phẩm dịch nghĩa, dịch sao phỏng của họ đã thu hút đại bộ phận người nghe trong nước và đồng bào ở hải ngoại bởi phần chất liệu ngôn ngữ trong bản dịch có giá trị nghệ thuật, vừa mang chức năng biểu cảm, mang đặc trưng phong cách của ngôn ngữ nghệ thuật vừa mang giá trị thông tin của bản gốc để truyền tải thông điệp tới người nghe nhạc.
Sở dĩ những bài hát tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt hấp dẫn được công chúng và có tác dụng đối với xã hội bởi ca từ hấp dẫn. Muốn cảm nhận được bài hát theo chiều sâu thì người nghe nhạc phải hiểu được nội dung và ý nghĩa được truyền tải trong ca từ. Với những lý do trên, chúng tôi quyết định lựa chọn đề tài “Nghiên cứu đối chiếu ca từ trong các bài hát tiếng Anh giai đoạn 1980-2000 với bản dịch tiếng Việt (chủ đề tình yêu)” để đối chiếu ca từ bản gốc và ca từ bản dịch về mặt ngữ nghĩa, ngữ dụng, phong cách của các kết hợp từ ngữ và ngữ âm (vần) trong ca từ để thấy được điểm giống và khác nhau của ca từ ở hai ngôn ngữ. Việc nghiên cứu đối chiếu ca từ trong các bài hát tiếng Anh giai đoạn 1980-2000 với bản dịch tiếng Việt (chủ đề tình yêu) sẽ có những đóng góp thiết thực, hữu ích, cung cấp tư liệu và phương pháp mới trong việc nghiên cứu, hỗ trợ cho việc dạy và học ngoại ngữ tiếng Anh một cách hiệu quả.
2. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu
Luận án có mục đích là tìm những điểm giống nhau và khác nhau giữa ca từ của hai thứ tiếng và rút ra những nhận xét mang tính đề xuất về phương pháp dịch bài hát, phương pháp dạy tiếng Anh qua bài hát. Để thực hiện được mục đích trên, luận án đặt ra các câu hỏi nghiên cứu sau:
Để trả lời cho câu hỏi trên, nhiệm vụ nghiên cứu của luận án là:
- Tổng quan tình hình nghiên cứu về ca từ trên thế giới và ở Việt Nam.
- Miêu tả, đối chiếu các đặc điểm ngữ nghĩa, ngữ dụng của ca từ trong bản gốc với bản dịch để tìm ra điểm giống nhau và khác nhau về mặt ngữ nghĩa, ngữ dụng giữa hai loại văn bản (áp dụng chiến lược dịch dụng học của Peter Newmark).
- Khảo sát, miêu tả, phân tích và đối chiếu phong cách của các kiểu kết hợp từ ngữ trong bản gốc và bản dịch để tìm ra điểm giống và khác nhau, để xem bản dịch giữ lại các đặc điểm phong cách đó như thế nào.
- Khảo sát, miêu tả đối chiếu vần để tìm ra điểm giống và khác nhau về vần, để xem bản dịch giữ lại các đặc điểm của vần như thế nào.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài này là ca từ trong các bài hát tiếng Anh và ca từ trong các bản dịch tiếng Việt (bản dịch hát được).
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là ca từ trong các bài hát tiếng Anh ở giai đoạn 1980-2000 về tình yêu đôi lứa và ca từ trong các bản dịch tiếng Việt.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện luận án này, chúng tôi sử dụng phương pháp so sánh đối chiếu, phương pháp miêu tả, một số thủ pháp nghiên cứu khác như thủ pháp phân tích từ vựng ngữ nghĩa, thủ pháp phân tích thành tố trực tiếp và thủ pháp thống kê.
5. Nguồn tư liệu nghiên cứu
Nguồn tư liệu tiếng Anh được lấy từ các ấn bản do Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội và Nxb. Đại học Phương Đông xuất bản và Nguồn tư liệu tiếng Việt được lấy từ trang web có uy tín: lyric.karaoke.com/Album/nhac_ngoai_loi_viet và hopamviet.vn, được các nhạc sĩ nổi tiếng người Việt và nhạc sĩ người Việt sống ở nước ngoài dịch.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
Về ý nghĩa lý luận: Các kết quả nghiên cứu của luận án sẽ góp phần củng cố và làm sáng tỏ một số vấn đề lý thuyết về ngôn ngữ nghệ thuật, lý thuyết về phong cách, lý thuyết về đối chiếu, lý thuyết dịch thuật, lý thuyết dịch bài hát. Luận án sẽ góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu khuynh hướng lý thuyết đối chiếu những văn bản nghệ thuật (bài hát) ở Việt Nam.
Về ý nghĩa thực tiễn: Kết quả của luận án không chỉ là tài liệu tham khảo ở phạm vi nghiên cứu dịch thuật nói chung và dịch ca từ nói riêng mà còn trợ giúp cho công tác dạy, học ngoại ngữ.
7. Bố cục luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, phần nội dung luận án có 04 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý thuyết
Chương 2: Đối chiếu ca từ trong các bài hát tiếng Anh với bản dịch tiếng Việt (chủ đề tình yêu) về mặt ngữ nghĩa, ngữ dụng
Chương 3: Đối chiếu ca từ trong các bài hát tiếng Anh với bản dịch tiếng Việt (chủ đề tình yêu) về mặt phong cách của các kết hợp từ ngữ
Chương 4: Đối chiếu ca từ trong các bài hát tiếng Anh với bản dịch tiếng Việt (chủ đề tình yêu) về mặt ngữ âm (vần)
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT
1.1. Tổng quan những tài liệu liên quan đến tình hình nghiên cứu
1.1.1 Tình hình nghiên cứu ca từ trên thế giới
Trên thế giới hiện nay chưa có ai nghiên cứu về đối chiếu ca từ Việt - Anh, Anh - Việt, chỉ có các nghiên cứu ca từ tiếng Anh. Muốn thực hiện được nghiên cứu đối chiếu ca từ thì cần xem xét ca từ đã được nghiên cứu ở một số góc độ. Những công trình nghiên cứu này cho đến nay chủ yếu tập trung vào các khuynh hướng chính: sáng tác, ngôn ngữ học và dịch thuật trong đó đã có một vài nghiên cứu rất gần với hướng đối chiếu.
Những công trình nghiên cứu ca từ ở góc độ sáng tác trên thế giới xuất hiện chưa nhiều. Chúng tôi thấy có hai ấn phẩm khá thú vị và đặc biệt là “New definition of lyric, theory, technology, and culture” của Mark Jeffreys (1998) và “The Arts of Writing Great Lyrics” của Pamela Phillips Oland (2001).
Nghiên cứu ca từ ở góc độ ngôn ngữ học được nhiều học giả trên thế giới quan tâm, từ những công trình nghiên cứu cơ bản cho tới những công trình nghiên cứu chuyên sâu về ngữ nghĩa. Tiêu biểu là các nghiên cứu của các tác giả sau: Travis K (2008) nghiên cứu về ca từ nhạc Funk, Dwiki Rifardi (2017) nghiên cứu ngữ nghĩa ca từ của Bob Marley, Janne Harpela (2015) Johansson (2016), Wiji Lestari (2017) Lydia Ankuno (2018) nghiên cứu hình ảnh ẩn dụ ý niệm về tình yêu trong ca từ.
Những nghiên cứu về dịch ca từ rất gần với hướng đối chiếu được khá nhiều học giả trên thế giới quan tâm, tiêu biểu phải kể đến các nghiên cứu của Low (2005) với công trình “Song and Significance, Franzon (2008) với công trình “Choices in Song Translation: Singability in print, Subtitles and Sung Performances” và những học giả đã ứng dụng các thành quả nghiên cứu của các học giả trên như Damla Kaleg, Nantaporn Sangroj, Chrisna Leni và Athriyana Santye Pattiwael.
1.1.2 Tình hình nghiên cứu ca từ ở Việt Nam
Ở Việt Nam chưa có ai nghiên cứu về đối chiếu ca từ Việt - Anh, Anh - Việt. Những công trình nghiên cứu về ca từ nhạc nhẹ ở Việt Nam cho đến nay cũng chủ yếu tập trung vào các khuynh hướng chính: âm nhạc, ngôn ngữ học và dịch thuật.
Người đi tiên phong trong nghiên cứu ca từ dưới góc độ âm nhạc ở Việt Nam là Dương Viết Á (2005) với công trình “Ca từ trong âm nhạc Việt Nam, tiếp theo là Luận án tiến sĩ của Trần Thị Ngọc Lan (2010) và Võ Văn Lý (2011).
Những công trình nghiên cứu ca từ ở góc độ ngôn ngữ học được khá nhiều tác giả Việt Nam quan tâm hiện nay là công trình nghiên cứu của Nguyễn Thị Bích Hạnh, Trần Anh Tư, Trần Kim Phượng, Phan Ngọc Ánh, Ngô Hữu Hoàng, Đào Thị Đông Hợp và Phạm Văn Tình. Nguyễn Thị Bích Hạnh (2009) (2014) quan tâm tới “Biểu tượng ngôn ngữ trong ca từ của Trịnh Công Sơn” và “Ẩn dụ tri nhận trong ca từ Trịnh Công Sơn”. Trần Anh Tư (2018) lại đi sâu nghiên cứu về “Mối quan hệ giữa thanh điệu trong ca từ với giai điệu của hát ví nghệ tĩnh”. Ngoài ra, có một số bài báo về ca từ nhạc nhẹ đăng trên tạp chí chuyên ngành, cụ thể là “Tiến Quân ca dưới góc nhìn phân tích diễn ngôn phản biện” của Ngô Hữu Hoàng (2019) và Đào Thị Đông Hợp, “Những kết hợp bất thường trong ca từ nhạc Trịnh Công Sơn dưới góc độ ngữ pháp” của Trần Kim Phượng (2011), Danh từ chỉ thời gian – mùa trong ca từ Trịnh Công Sơn của Trần Kim Phượng và Phan Ngọc Ánh (2011) và “Ca từ trong ca khúc hiện nay đôi điều suy nghĩ” của Phạm Văn Tình (2003).
Nghiên cứu ca từ ở góc độ dịch thuật cũng mới xuất hiện ở Việt Nam. Tiêu biểu là các công trình nghiên cứu của Lê Hùng Tiến (2010) đã đề cập một phần nhỏ tới vấn đề dịch ca từ qua phần bàn về thiết lập tương đương trong dịch bài hát, Nguyễn Ninh Bắc (2014) và Ngô Tự Lập (2016) bàn luận sâu về cách dịch ca từ.
Điểm qua các công trình nghiên cứu trên, có thể thấy ở Việt Nam và trên thế giới vẫn chưa có học giả nào đề cập tới nghiên cứu đối chiếu ca từ Việt-Anh, Anh-Việt. Vì vậy, việc chúng tôi lựa chọn nghiên cứu đối chiếu ca từ trong các bài hát tiếng Anh giai đoạn 1980-2000 với bản dịch tiếng Việt (chủ đề tình yêu) là mới, là cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.
1.2. Cơ sở lý thuyết
1.2.1Lý thuyết về đối chiếu
Bùi Mạnh Hùng (2008) đã đưa ra 5 nguyên tắc đối chiếu: các hiện tượng cần đối chiếu phải được miêu tả đầy đủ, chính xác và sâu sắc, các hiện tượng cần đối chiếu phải được xem xét trong hệ thống của nó, các hiện tượng ngôn ngữ đưa ra đối chiếu phải được xem xét về mặt ngữ dụng, các khái niệm được sử dụng trong đối chiếu phải nhất quán và phải chú ý tới các đặc điểm loại hình giữa các ngôn ngữ cần được đối chiếu.
Khi đối chiếu, chúng ta cần tuân thủ ba bước: Miêu tả những cái liên quan trong các ngôn ngữ đối chiếu, xác định những cái có thể đối chiếu được với nhau và đối chiếu để tìm điểm giống và khác biệt.
Trong đối chiếu gồm đối chiếu hai chiều và đối chiếu một chiều. Luận án nghiên cứu đối chiếu ca từ trong bản gốc với bản dịch là so sánh đối chiếu một chiều, ca từ tiếng Anh là ngôn ngữ nguồn, ca từ tiếng Việt là ngôn ngữ đích.
1.2.2 Lý thuyết về ca từ
1.2.2.1 Định nghĩa ca từ
Ca từ là phần chất liệu ngôn ngữ của một ca khúc, mang những giá trị thẩm mĩ và tương đương với ngôn ngữ văn học.
1.2.2.2 Chức năng của ca từ
Ca từ có ba chức năng: chức năng tác động, chức năng biểu cảm và chức năng thi ca. Các chức năng này thuộc về chức năng dụng học.
1.2.2.3 Một số đặc điểm phong cách của ca từ
Giá trị phong cách phong cách của các kết hợp từ ngữ trong ca từ được thể hiện ở: Phong cách của các kết hợp theo trật tự ngược, phong cách của các kết hợp từ theo phong cách khẩu ngữ tự nhiên, phong cách của các kết hợp “lạ” có sử dụng biện pháp tu từ. Các kết hợp của các đơn vị ngôn ngữ khác nhau trong các ngôn ngữ khác nhau.
1.2.2.3 Một số đặc điểm của vần trong ca từ
-Vần trong tiếng Anh
Đơn vị của vần: Đơn vị cơ sở của vần trong tiếng Anh là âm tiết (đối với vần của từ đơn) và khối âm tiết (đối với vần của từ đa tiết).
Các loại vần: Theo Thompson (2006), dựa theo vị trí của vần, người ta phân thành vần giữa dòng thơ (internal rhymes) và vần cuối dòng thơ (end rhymes), dựa vào số lượng âm tiết của vần được hiệp với nhau, vần được phân chia thành vần đơn (single-syllable rhymes), vần đôi (double-syllable rhymes) và vần ba (triple-syllable rhymes). Dựa vào chức năng hoà âm của các vần được hiệp với nhau, vần được phân chia thành vần hoàn hảo (perfect rhymes), vần không hoàn hảo (imperfect rhymes) và vần chính tả (sight rhymes/ eye rhymes)
-Vần trong tiếng Việt
Đơn vị của vần: Đơn vị cơ sở của vần thơ trong tiếng Việt là âm tiết (âm tiết trong tiếng Việt trùng với hình vị và trùng với từ).
Các loại vần: Theo Mai Ngọc Chừ (2005), dựa theo vị trí của vần, người ta phân thành vần lưng và vần chân; dựa theo mức độ hoà âm của vần, người ta phân thành vần chính, vần thông và vần ép; dựa theo sự biến thiên của thanh điệu ở âm tiết mang vần, người ta phân chia thành vần bằng và vần trắc.
1.2.2.4 Mối quan hệ giữa ca từ với âm nhạc và với thơ
1.2.3. Lý thuyết về dịch thuật và dịch bài hát
1.2.3.1 Lý thuyết về dịch thuật
Mô hình dịch thuật của Peter Newmark (1988): Peter Newmark đề ra 8 biện pháp dịch gồm dịch đối từ (word-for-word translation), dịch nghĩa đen (literal translation), dịch trung thành (faithful translation), dịch ngữ nghĩa (semantic translation), dịch thông báo (communicative translation), dịch thành ngữ (idiomatic translation), dịch tự do (free translation) và phỏng dịch (adaption) được trình bày theo sơ đồ dưới dạng hình chữ V, hướng về hai chiến lược dịch ngữ nghĩa và dịch thông báo.
Để đối chiếu ca từ nhạc nhẹ tiếng Anh với bản dịch tiếng Việt về mặt ngữ ngữ nghĩa, ngữ dụng, chúng tôi áp dụng mô hình dịch thuật của Peter Newmark để xem các đơn vị từ ngữ, câu trong ca từ được bảo lưu bằng bằng chiến lược dịch thuật nào
1.2.3.2 Lý thuyết dịch bài hát
Mô hình dịch bài hát của Peter Low (2005)
Low đưa ra ba biện pháp dịch bài hát: dịch nghĩa, dịch sao phỏng và dịch thoát ly. Low cũng phân loại các bản dịch bài hát theo thứ tự ưu tiên về nội dung ngữ nghĩa được dịch. Ông đề xuất nguyên lý Pentathlon gồm 5 yếu tố đi kèm trong dịch bài hát đó là giai điệu (singability), nội dung ngữ nghĩa (sense), độ tự nhiên (naturalness), nhịp điệu (rhythm) và vần điệu (rhymes). Và đối với biện pháp dịch bài hát, dịch giả dịch một bài hát có thể tự quyết định tính năng nào của văn bản gốc quan trọng và cần giữ lại.
Luận án đề xuất ba loại bản dịch bài hát: dịch nghĩa, dịch sao phỏng gần và sao phỏng xa.
CHƯƠNG 2: ĐỐI CHIẾU CA TỪ TRONG CÁC BÀI HÁT TIẾNG ANH VỚI BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT VỀ MẶT NGỮ NGHĨA, NGỮ DỤNG
Chúng tôi áp dụng mô hình dịch thuật của Peter Newmark để đối chiếu đại từ nhân xưng, tiêu đề và nội dung chính trong 62 bài hát bản gốc và 62 bài hát bản dịch về mặt ngữ nghĩa, ngữ dụng.
2.1 Đối chiếu đặc điểm ngữ nghĩa, ngữ dụng của của ca từ trong bản gốc với bản dịch
2.1.1 Đối chiếu đại từ nhân xưng thể hiện nhân vật trong ca từ bản gốc với bản dịch
Các ĐTNX trong bản gốc được dịch sang bản dịch bằng các ĐTNX và nhóm danh từ/danh ngữ được thống kê ở bảng sau:
Bảng 2.2: Bảng thống kê kết quả đối chiếu ĐTNX
Chiến lược |
ĐTNX |
Số lượng |
Tỉ lệ |
Tổng |
Dịch ngữ nghĩa |
ĐTNX chuyên dụng |
135 |
15,66% |
69,83% |
ĐTNX lâm thời |
467 |
54,17% |
||
Dịch thông báo |
ĐTNX gộp |
151 |
17,51% |
30,15% |
Danh từ/danh ngữ |
109 |
12,64% |
Bảng 2.2 cho thấy các ĐTNX được dịch bằng hai chiến lược dịch ngữ nghĩa và dịch thông báo; trong đó chiến lược DNN chiếm 69,83%, chiến lược DTB chiếm 30,15%. Dịch ngữ nghĩa gồm nhóm ĐTNX chuyên dụng (I-tôi, mình, we-chúng mình) và nhóm ĐTNX lâm thời (I/you - anh/em hoặc em/anh). Dịch thông báo gồm nhóm ĐTNX gộp (I/you - đôi ta) và nhóm danh từ, danh ngữ (you-chàng/ nàng, she-cô bạn thân).
Kiểu dịch ĐTNX trong bản gốc sang bản dịch bằng các ĐTNX lâm thời, ĐTNX gộp, danh ngữ hay ĐTNX chuyên dụng mang giá trị lớn về mặt dụng học vì ĐTNX trong tiếng Việt có chức năng biểu cảm, tạo sức biểu cảm lớn, có giá trị liên nhân cao.
2.1.2 Đối chiếu tiêu đề trong ca từ bản gốc với bản dịch
Các tiêu đề của bản gốc được dịch sang bản dịch được thống kê ở bảng sau:
Bảng 2.3: Bảng thống kê kết quả đối chiếu tiêu đề
Tiêu đề |
Số lượng |
Tỉ lệ |
|
Tiêu đề được bảo lưu |
Bảo lưu được dịch |
51 |
82,25% |
Bảo lưu không dịch |
3 |
4,83% |
|
Tiêu đề không được bảo lưu |
8 |
12,90% |
Nhận xét: Bảng 2.3 cho thấy những tiêu đề được bảo lưu chiếm tỉ lệ rất lớn 87,09%, tiêu đề không được bảo lưu chiếm tỉ lệ nhỏ 12,90%. Trong 62 tiêu đề được đối chiếu có 54 tiêu đề được bảo lưu, trong đó 51 tiêu đề bảo lưu được dịch (Love story – chuyện tình…), 3 tiêu đề bảo lưu không dịch (Donna-Donna…) 8 tiêu đề không được bảo lưu (Unchained melody - Đợi anh về…). Phần đa tiêu đề bảo lưu được dịch đều được dịch bằng chiến lược dịch thông báo nên có chức năng tác động rất lớn đối với người nghe nhạc.
2.2.3 Đối chiếu nội dung chính ca từ bản gốc với bản dịch
Các câu hát trong bản gốc được dịch sang bản dịch được thống kê ở bảng sau:
Bảng 2.4: Bảng thống kê kết quả đối chiếu nội dung chính trong ca từ bản gốc với bản dịch
Các câu hát |
Số lượng câu |
Tỉ lệ |
|
Câu được bảo lưu |
Bảo lưu được dịch |
424 |
42,80% |
Bảo lưu không dịch |
82 |
||
Câu không được bảo lưu |
676 |
57,19% |
Bảng 2.4 cho thấy kết quả đối chiếu 62 bài hát bản gốc và 62 bản dịch ở nội dung có 424/1182 câu hát được bảo lưu được dịch (She fills my heart with very special things / Lòng ta đầy kín, là muôn nghìn chuyện yêu đương), 82/1182 câu hát bảo lưu không dịch (giữ nguyên bản tiếng Anh) và 676/ 1182 câu hát không được bảo lưu (Life is a moment in space/ Kiếp sống sẽ cô đơn muôn vàn). Hầu hết những câu hát bảo lưu được dịch đều được dịch bằng chiến lược dịch thông báo nên có chức năng tác động rất lớn đối với người nghe nhạc.
2.2 Vận dụng kết quả đối chiếu vào việc phân loại các bản dịch bài hát
Từ kết quả đối chiếu ca từ về mặt ngữ nghĩa về nội dung, luận án tiến hành phân loại bản dịch, gồm 17 bản dịch nghĩa, 32 bản dịch sao phỏng gần và 13 bản dịch sao phỏng xa. Như vậy, chúng tôi có thể kết luận rằng các dịch giả dịch ca khúc tiếng Anh giai đoạn 1980-2000 sang tiếng Việt theo xu hướng chính là dịch sao phỏng gần.
CHƯƠNG 3: ĐỐI CHIẾU CA TỪ TRONG CÁC BÀI HÁT TIẾNG ANH VỚI BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT MẶT PHONG CÁCH CỦA CÁC KẾT HỢP TỪ NGỮ
Chúng tôi lựa chọn 46 bài hát bản gốc và 46 bài hát bản dịch - những bản dịch được dịch đầy đủ, có số đoạn và số câu hát tương đương với bản gốc để đối chiếu các đặc điểm phong cách của các kiểu kết hợp từ ngữ.
3.1 Khảo sát và miêu tả đặc điểm phong cách ca từ bản gốc và ca từ bản dịch
Kết quả khảo sát đặc điểm phong cách của ca từ bản gốc và bản dịch được thống kê cụ thể như sau:
Bảng 3.1: Bảng thống kê số lượng các kiểu kết hợp từ trong bản gốc và bản dịch
Các kiểu kết hợp từ |
Kiểu 1 |
Kiểu 2 |
Kiểu 3 |
Bản gốc |
99 |
724 |
323 |
Bản dịch |
97 |
864 |
292 |
Bảng 3.1 cho thấy số lượng các kết hợp từ theo phong cách KNTN lớn nhất, sau đó kết hợp “độc” và “lạ” và sau cùng là kết hợp ngược trật tự thông thường. Bản dịch có nhiều kết hợp từ ngữ theo phong cách KNTN hơn bản gốc nhưng bản gốc có nhiều kết hợp lạ hơn bản dịch
3.1.1 Đặc điểm phong cách ca từ bản gốc
- Kết hợp từ ngược trật tự thông thường (kiểu 1)
Ví dụ: Niềm hạnh phúc xin trao về em (kết hợp đảo danh từ).
- Kết hợp mang phong cách khẩu ngữ tự nhiên (kiểu 2)
Ví dụ: Oh my, my, my, it's a beautiful day (biện pháp lặp từ)
- Kết hợp “lạ” (kiểu 3)
Ví dụ: lonely summer (kết hợp từ sử dụng biện pháp nhân hoá),
3.1.2 Đặc điểm phong cách ca từ bản dịch
- Kết hợp từ ngược trật tự thông thường (kiểu 1)
Ví dụ: Niềm hạnh phúc xin trao về em (kết hợp đảo danh từ).
- Kết hợp mang phong cách khẩu ngữ tự nhiên (kiểu 2)
Ví dụ, Thật tưng bừng ôi chủ nhật trên phố phường (dùng từ khẩu ngữ).
- Kết hợp “lạ” (kiểu 3)
Ví dụ: tóc bạc phai mưa nắng (kết hợp từ bản dịch sử dụng biện pháp ẩn dụ)
3.2. Đối chiếu đặc điểm phong cách của ca từ bản gốc và bản dịch
3.2.1 Đối chiếu đặc điểm phong cách của ca từ về hình thức
Bảng 3.2: Bảng đối chiếu đặc điểm phong cách ca từ về hình thức
Các kiểu kết hợp |
Các kiểu kết hợp cụ thể |
Bản gốc |
Bản dịch |
Kết hợp ngược |
Đảo danh từ |
+ |
+ |
Đảo tính từ |
+ |
+ |
|
Đảo trạng từ |
+ |
- |
|
Đảo trật tự từ phức |
- |
+ |
|
Kết hợp theo phong cách KNTN |
Lặp từ |
+ |
+ |
Dùng từ khẩu ngữ |
+ |
+ |
|
Rút gọn chủ ngữ |
+ |
+ |
|
Rút gọn từ |
+ |
- |
|
Kiểu kết hợp “lạ” có sử dụng biện pháp tu từ |
Biện pháp nhân hoá |
+ |
+ |
Biện pháp ẩn dụ |
+ |
+ |
|
Biện pháp so sánh |
+ |
+ |
|
Biện pháp nghịch lý |
+ |
- |
Bảng 3.2 cho thấy phong cách của các kết hợp từ giống nhau là đều đảo danh từ, đảo tính từ, sử dụng biện pháp lặp từ, sử dụng từ mang tính khẩu ngữ và rút gọn chủ ngữ; khác nhau ở chỗ bản gốc có kết hợp đảo động từ, đảo trạng từ, rút gọn từ, bản dịch có kết hợp đảo trật tự từ phức.
3.2.2 Đối chiếu đặc điểm phong cách của ca từ về cách dịch
Chúng tôi chọn kết hợp “lạ” để đối chiếu về cách dịch vì đây là kết hợp có màu sắc ấn tượng. Kết quả như sau:
Bảng 3.3: Bảng thống kê kết quả đối chiếu đặc điểm phong cách ca từ về cách dịch
Các kết hợp lạ về cách dịch |
Số lượng |
Tỉ lệ |
Ca từ bản gốc có kết hợp “lạ”, ca từ bản dịch giữ lại được các kết hợp “lạ” |
119/323 |
36,84% |
Ca từ bản gốc có kết hợp “lạ”, ca từ bản dịch không giữ lại được các kết hợp “lạ” |
204/323 |
63,15% |
Ca từ bản gốc không có kết hợp “lạ”, ca từ bản dịch xuất hiện các kết hợp “lạ” |
173 |
Bảng 3.3 cho thấy các kết hợp lạ được giữ lại trong bản dịch chiếm 36,84%, kết hợp lạ không được bảo lưu chiếm 63,15%.
3.3.2.1 Các kết hợp lạ được giữ lại trong bản dịch: có 36,84 % kết hợp lạ được giữ lại ở bản dịch nhưng được thể hiện ở các dạng khác nhau (bản gốc có kết hợp từ sử dụng biện pháp nhân hoá bản dịch có kết hợp từ được dịch cũng sử dụng biện pháp nhân hoá, hoặc bản gốc có kết hợp từ sử dụng biện pháp nhân hoá bản dịch có kết hợp từ được dịch sử dụng biện pháp ẩn dụ, so sánh…)
+ Ca từ bản gốc sử dụng biện pháp nhân hoá, ca từ bản dịch giữ lại biện pháp nhân hoá
Bản gốc:
“How can I keep searching when dark clouds hide the day”
(Green Fields – Tác giả: The Brothers Four)
Bản dịch:
“Ta thương đôi tình nhân kia như gió thương yêu mây trời”
(Đồng xanh - Dịch giả: Lê Hựu Hà)
+ Ca từ bản gốc sử dụng biện pháp ẩn dụ, ca từ bản dịch sử dụng biện pháp nhân hoá
Bản gốc:
“You hold me in your eyes in your own special way”
(How I love you – Tác giả: Engelbert Humperdinck)
Bản dịch:
“Đôi mắt em thật say đắm ru hồn anh trong chiều nay”
(Tình vẫn thiết tha – Dịch giả: Khúc Lan)
+ Ca từ bản gốc sử dụng biện pháp tương phản, ca từ bản dịch sử dụng biện pháp nhân hoá.
Bản gốc:
“When I was small, and christmas trees were tall”
(First of May – Tác giả: Bee Gees)
Bản dịch:
“Chiều tàn xuống phố, giáng sinh đã về với gió”
(Giáng sinh kỉ niệm – Dịch giả: Khúc Lan)
3.3.2.2 Các kết hợp lạ không được giữ lại trong bản dịch, có 63,15% các kết hợp không được giữ lại ở bản dịch. Ví dụ: ca từ bản gốc sử dụng biện pháp nhân hoá, ca từ bản dịch không sử dụng biện pháp nào.
Bản gốc:
“Yes it's gonna be cool lonely summer”
(Sealed with a kiss – Tác giả: Dernier Baisers)
Bản dịch:
“Đời mình trong năm tháng sẽ qua, lo gì sau này”
(Tình yêu trong đời – Dịch giả: Trường Kỳ)
3.3.3.3 Các kết hợp lạ xuất hiện thêm ở bản dịch. Ví dụ, ca từ bản gốc không sử dụng biện pháp nhân hoá, ca từ bản dịch có sử dụng biện pháp này:
Bản gốc:
“We go to a party and everyone turns to see
(Wonderful tonight – Tác giả: Eric Clapton)
Bản dịch:
“Mình đi tới bữa tiệc tối, mọi ánh mắt dõi theo em yêu
(Đêm tuyệt vời – Dịch giả: Chu Minh Kí)
CHƯƠNG 4: ĐỐI CHIẾU CA TỪ TRONG CÁC BÀI HÁT TIẾNG ANH VỚI BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT MẶT NGỮ ÂM (VẦN)
Chúng tôi lựa chọn 46 bài hát bản gốc và 46 bài hát bản dịch - những bản dịch được dịch đầy đủ, có số đoạn và số câu hát tương đương với bản gốc để đối chiếu các đặc điểm ca từ về mặt ngữ âm (vần).
4.1 Tác dụng của vần trong ca từ bản gốc và ca từ bản dịch
Vần trong ca từ bản gốc và bản dịch có các chức năng liên kết các câu hát, vần đánh dấu sự ngừng nghỉ của câu hát, vần gia tăng tính nhạc cho bài hát và ảnh hưởng tới giai điệu của bài hát.
4.2 Khảo sát và miêu tả vần trong ca từ bản gốc và ca từ bản dịch
Kết quả thống kê vần trong 46 bài hát bản gốc và 46 bài hát bản dịch như sau:
Bảng 4.2: Bảng thống kê các kiểu vần dựa vào mức độ hoà âm
Bài hát |
Vần chính/ vần hoàn hảo |
Vần thông/ vần không hoàn hảo |
Vần chính tả/ vần ép |
Tổng |
Bản gốc |
261 |
66 |
1 |
328 |
Bản dịch |
157 |
67 |
25 |
249 |
Bảng 4.3: Bảng thống kê số liệu vần theo số lượng âm tiết
Bài hát |
Vần đơn |
Vần đôi |
Tổng |
Bản gốc |
311 |
17 |
328 |
Bản dịch |
249 |
- |
249 |
4.2.1 Vần trong ca từ bản gốc
4.2.1.1 Vần xét theo mức độ hoà âm
Từ 328 cặp vần trong bản gốc được thống kê ở bảng 4.2, chúng tôi thống kê các loại vần, bao gồm: vần hoàn hảo (moon/soon), vần không hoàn hảo (name/change) và vần chính tả (hear/bear).
4.2.1.2 Vần xét theo số lượng âm tiết
Từ 328 cặp vần trong các bài hát được thống kê ở bảng 4.2, chúng tôi dựa vào số lượng âm tiết để khảo sát các kiểu loại vần, bao gồm: vần đơn (run/sun), vần đôi (curtain/certain)
4.2.2 Vần trong ca từ bản dịch
Từ 249 cặp vần trong bản dịch được thống kê ở bảng 4.2, chúng tôi dựa vào mức độ hoà âm để khảo sát các kiểu loại vần, bao gồm: vần chính (sau/đau), vần thông (hằng/đàng) và vần ép (vàn/còn).
4.3 Đối chiếu vần trong ca từ bản gốc với bản dịch
4.3.1 Về hình thức
Bảng 4.4: Bảng đối chiếu vần trong bản gốc với bản dịch về hình thức
Các đặc điểm phân loại vần |
Các loại vần cụ thể |
Bài hát tiếng Anh |
Bản dịch tiếng Việt |
Chức năng hoà âm |
Vần hoàn hảo (vần chính) |
+ |
+ |
Vần không hoàn hảo (vần thông) |
+ |
+ |
|
Chính tả (vần ép) |
+ |
+ |
|
Số lượng âm tiết (độ dài) |
Vần đơn |
+ |
+ |
Bảng 4.4 cho thấy về hình thức, vần trong bản gốc và bản dịch giống nhau ở chức năng hoà âm, đều có các kiểu loại vần: vần chính - vần hoàn hảo; vần thông – vần không hoàn hảo, vần ép - vần chính tả, nhưng khác nhau là vần trong bản gốc gồm cả vần đơn và vần đôi, còn vần trong bản dịch chỉ là vần đơn.
4.3.2 Về cách dịch
Vần về cách dịch |
Số lượng (cặp) |
Tỉ lệ |
Ca từ bản gốc có vần, ca từ bản dịch giữ lại vần |
205/328 |
62,50% |
Ca từ bản gốc có vần, ca từ bản dịch không giữ lại vần |
123/328 |
37,50% |
Ca từ bản gốc không có vần, ca từ bản dịch xuất hiện vần |
44 |
4.3.2.1 Vần được giữ lại trong bản dịch: có 62,50 % cặp vần được giữ lại ở bản dịch nhưng được thể hiện ở các dạng khác nhau (bản gốc có cặp vần hoàn hảo/vần chính, bản dịch cũng có cặp vần hoàn hảo/vần chính, hoặc bản gốc có cặp vần hoàn hảo/vần chính, bản dịch cặp vần hoàn hảo/vần chính nhưng khác vị trí trong câu….)
+ Bản gốc có vần hoàn hảo/vần chính, bản dịch cũng giữ lại vần hoàn hảo/vần chính. Ví dụ:
Bản gốc:
“I couldn't hope to say how I feel
The joy in my heart no words can reveal”
(Over and over – Tác giả: Nana Mouskouri)
Bản dịch:
“Làm sao em nói cho hết những tâm tình
Ước mơ khiêm nhường có anh bên mình”
(Tình nồng cháy – Dịch giả: Anh Bằng)
+ Bản gốc có vần hoàn hảo/vần chính, bản dịch cũng giữ lại được vần hoàn hảo/vần chính (nhưng khác vị trí câu hát trong đoạn). Ví dụ:
Bản gốc:
“Once upon a time, there was a tavern
Where we used to raise a glass or two
Remember how we laughed away the hours
Think of all the great things we would do?”
(Those were the days – Tác giả: Mary Hopkin)
Bản dịch:
“Ngày nào yêu nhau, dắt nhau ta vào quán đây
Rồi cùng mời nhau uống vài ly rượu đầy
Cười vang như tiếng pháo, ngỡ không bao giờ biết buồn
Ta ước mơ ngày sau, ước mơ ngày vui sướng”.
(Nhớ lúc yêu nhau - Dịch giả: Phạm Duy)
+ Bản gốc có vần hoàn hảo/vần chính, bản dịch giữ lại vần không hoàn hảo/vần thông
Ví dụ 96:
Bản gốc:
“I never dare to reach for the moon
I never thought I'd know heaven so soon”
(Over and over – Tác giả: Nana Mouskouri)
Bản dịch:
“Em không mơ hoang kiếp sống trên cung hằng
Em không tham lam diễm phúc trên thiên đàng”
(Tình nồng cháy – Dịch giả: Anh Bằng)
4.3.2.2 Vần không được giữ lại trong bản dịch
Bản gốc có vần hoàn hảo/vần chính, bản dịch không có vần. Ví dụ:
Bản gốc:
“You don't have to say you love me just be close at hand
You don't have to stay forever I will understand”
(You don't have to say you love me – Tác giả: Dusty Springfield)
Bản dịch:
“Và em không cần nói yêu anh chỉ xin có em lúc này
Và em không cần nói yêu anh chỉ xin hãy tin, hãy tin”
(Không cần nói yêu em – Dịch giả: Phạm Duy)
4.3.2.3 Vần xuất hiện thêm ở bản dịch
Ví dụ:
Bản gốc:
“Someday we'll meet again, my love
Someday whenever the spring break through”
(Somewhere my love – Tác giả: Connie Francis)
Bản dịch:
Người yêu! Chúng ta còn yêu nhau nhiều
Còn theo mùa Xuân vào tình yêu, tình yêu
(Hỡi người tình Lara – Dịch giả: Phạm Duy)
4.3.3 Nhận xét
Vần trong các bài hát bị chi phối bởi loại hình ngôn ngữ. Vần trong bản gốc đều là vần của các từ có nghĩa từ vựng (ví dụ: two/do; feel/reveal; moon/soon; hand/understand). Vần trong bản dịch cũng có thể là vần của từ có nghĩa từ vựng (ví dụ đây/đầy; mãi/hoài). Tuy nhiên, vần trong ca từ bản dịch được hiệp vần ở hình tiết thứ hai của từ phức - một yếu tố tạo từ láy (ví dụ cặp vần ghềnh/đênh thì ghềnh nằm trong từ ghập ghềnh, đênh nằm trong từ lênh đênh) hoặc là một yếu tố tạo nên từ ghép (ví dụ cặp vần hằng/đàng có từ hằng nằm trong cụm từ cung hằng, đàng nằm trong cụm từ thiên đàng, cặp vần cười/đời có từ cười nằm trong cụm từ tiếng cười, đời nằm trong cụm từ yêu đời).
Chúng tôi thấy vần trong bài hát bản gốc và bản dịch không chỉ có mối quan hệ âm thanh mà còn có quan hệ về ngữ nghĩa.
KẾT LUẬN
Luận án “Nghiên cứu đối chiếu ca từ nhạc nhẹ tiếng Anh giai đoạn 1980-2000 với bản dịch tiếng Việt (chủ đề tình yêu)” là công trình mở đường cho nghiên cứu ca từ dưới góc độ ngôn ngữ học so sánh đối chiếu tại Việt Nam. Bằng việc sử dụng phương pháp so sánh đối chiếu, luận án đã làm sáng tỏ mục đích nghiên cứu đã đề ra là tìm những điểm tương đồng và khác biệt giữa ca từ bản gốc và bản dịch ở phương diện ngữ nghĩa, ngữ dụng, phong cách và ngữ âm. Luận án đã đề cập đến những vấn đề lý thuyết mới mà các luận án trước đây chưa từng nhắc tới như lý thuyết về vần trong tiếng Anh, lý thuyết về dịch thuật - chiến lược dịch dụng học và lý thuyết dịch bài hát. Luận án thu được những kết quả sau:
1. Về đặc điểm ngữ nghĩa, ngữ dụng, luận án đã chỉ ra ĐTNX trong bản gốc được dịch sang bản dịch chủ yếu là nhóm ĐTNX lâm thời, danh ngữ, ĐTNX gộp và sau cùng là nhóm ĐTNX chuyên dụng, đồng thời luận án làm rõ đặc điểm ngữ nghĩa, ngữ dụng của nhóm đại từ nhân xưng lâm thời (anh, em), danh ngữ (người yêu ngày xưa…) và ĐTNX gộp (đôi ta..) trong bản dịch tiếng Việt. Luận án đã chỉ rõ nội dung bản gốc chủ yếu được dịch sang bản dịch bằng chiến lược dịch thông báo (92,45% trong tổng số các câu hát được bảo lưu) và làm rõ chiến lược dịch thông báo (dịch dụng học) trong việc dịch ca từ đã hướng tới đích đến là giao tiếp với người nghe nhạc như thế nào. Sau đó, luận án vận dụng kết quả đối chiếu về mặt ngữ nghĩa để phân loại bản dịch và chúng tôi có thể kết luận rằng các dịch giả dịch bài hát tiếng Anh giai đoạn 1980-2000 sang tiếng Việt theo xu hướng chính là dịch sao phỏng gần, sau đó là dịch nghĩa và cuối cùng là dịch sao phỏng xa.
2. Về đặc điểm phong cách, luận án đã làm rõ các đặc điểm phong cách của các kết hợp từ trong bản gốc và bản dịch. Về hình thức, phong cách của các kết hợp từ giống nhau là đều đảo danh từ, đảo tính từ, sử dụng biện pháp lặp từ, sử dụng từ mang tính khẩu ngữ và rút gọn chủ ngữ; khác nhau ở chỗ bản gốc có kết hợp đảo động từ, đảo trạng từ, rút gọn từ, bản dịch có kết hợp đảo trật tự từ phức. Về cách dịch, có 36,84 % ca từ bản dịch được dịch giữ lại kết hợp lạ giống như bản gốc nhưng được thể hiện ở các dạng khác nhau (bản gốc có kết hợp từ sử dụng biện pháp nhân hoá bản dịch có kết hợp từ được dịch cũng sử dụng biện pháp nhân hoá, hoặc bản gốc có kết hợp từ sử dụng biện pháp nhân hoá bản dịch có kết hợp từ được dịch sử dụng biện pháp ẩn dụ, so sánh…). Những kết hợp “lạ” được giữ lại ở bản dịch chủ yếu là những kết hợp xuất hiện trong những câu hát có liên quan đến nội dung ngữ nghĩa với bản gốc. Bên cạnh đó, có 63,15% ca từ bản dịch được dịch không giữ lại được kết hợp “lạ”. Những kết hợp “lạ” không được giữ lại ở bản dịch chủ yếu là những kết hợp xuất hiện trong những câu hát không có liên quan đến nội dung ngữ nghĩa với bản gốc.
3. Về đặc điểm ngữ âm, luận án đã khảo sát, miêu tả, đối chiếu các đặc điểm ngữ âm (vần) của ca từ trong bản gốc và bản dịch. Về hình thức, vần trong ca từ bản gốc và vần trong ca từ bản dịch giống nhau là đều có các loại vần hoàn hảo/vần chính, vần không hoàn hảo/vần thông, vần chính tả/vần ép. Vần trong ca từ bản gốc khác với vần trong ca từ bản dịch ở độ dài. Vần trong ca từ bản gốc có vần đơn-vần của từ có một âm tiết và vần đôi-vần của từ có hai âm tiết còn vần trong ca từ bản dịch chỉ là vần có một âm tiết. Về cách dịch, ca từ bản dịch đã giữ lại được nhiều cặp vần. Việc vần được giữ lại ở bản dịch với số lượng lớn (trên 62%) chứng tỏ dịch giả các bài hát rất chú ý tới việc chuyển tải vần ở bản dịch. Vần làm tăng sức mạnh biểu đạt ý nghĩa cho từ, làm tăng giá trị nghệ thuật của bài hát và bản dịch.
4. Những phát hiện mới: Luận án cũng có những phát hiện mới về ca từ bản gốc và ca từ bản dịch như sau: Thứ nhất, các đơn vị ca từ (tính cả tiêu đề) chủ yếu được dịch bằng chiến lược dịch thông báo. Thứ hai, phong cách của ca từ có đặc điểm là mang nhiều kết hợp “lạ”, nhất là trong ca từ bản dịch. Thứ ba, vần trong ca từ bản gốc và bản dịch không chỉ có quan hệ với nhau về mặt ngữ âm mà còn có quan hệ về mặt nghĩa (gần nghĩa, quan hệ đồng nghĩa, trái nghĩa).
5. Một số đề xuất: Từ kết quả đối chiếu, luận án cũng đưa ra một số đề xuất như sau:
Thứ nhất, khi dịch các văn bản nghệ thuật đặc biệt dịch các đơn vị ca từ, dịch giả nên áp dụng chiến lược dịch thông báo. Chiến lược dịch thuật này ngoài việc đảm bảo các nét nghĩa của bản gốc còn có chức năng tác động đến người nghe nhạc, truyền tải được những thông điệp về văn hoá và các đặc điểm nghệ thuật của bản dịch.
Thứ hai, sử dụng bài hát như một công cụ trợ giúp cho việc dạy ngoại ngữ (ngữ âm, ngữ pháp và dịch thuật). Sử dụng những bài hát có nhiều vần để dạy ngữ âm và dạy kỹ năng nghe tiếng Anh vì người nghe sẽ dễ nhớ cách phát âm và từ vựng hơn. Sử dụng những bài hát có nhiều kết hợp “lạ” để dạy các yếu tố văn hoá Anh (có liên hệ với văn hoá Việt) vì yếu tố văn hoá được thể hiện rõ nhất qua phần chất liệu ngôn từ của bài hát. Sử dụng bài hát bản gốc và bản dịch (những bài hát có nhiều nét bảo lưu về mặt ngữ nghĩa ở bản dịch) để dạy các chiến lược dịch thuật.
6. Một số vấn đề cần được nghiên cứu tiếp: Do khuôn khổ luận án có hạn, trong quá trình nghiên cứu đối chiếu ca từ nhạc nhẹ tiếng Anh với bản dịch tiếng Việt, chúng tôi thấy còn một số vấn đề cần được nghiên cứu tiếp:
Thứ nhất, những vấn đề liên quan tới ca từ còn đang bỏ ngỏ như nghiên cứu đối chiếu các biểu tượng trong ca từ Anh – Việt, nghiên cứu về ca từ ở góc độ tri nhận, tìm hiểu con đường từ thơ chuyển sang ca từ.
Thứ hai, luận án nghiên cứu đối chiếu ca từ trên phương diện ngữ nghĩa ngữ dụng nhưng chúng tôi mới chỉ đề cập đến ngữ nghĩa được bảo lưu ở bản dịch, vấn đề còn bỏ ngỏ là nghiên cứu chuỗi phong cách trong dịch thuật khi dịch giả dịch các bài hát tiếng Anh sang bản dịch tiếng Việt.
NHỮNG CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ
Tác giả: ussh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn