Tóm tắt luận án NCS: Tạ Thị Nguyệt Trang

Thứ năm - 18/06/2020 05:05

 

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-------------------------------

 

 

 

 

 

 

Tạ Thị Nguyệt Trang

 

 

 

 

 

 

QUAN HỆ VIỆT NAM - THÁI LAN DƯỚI GÓC NHÌN CỦA CÁC LÝ THUYẾT QUAN HỆ QUỐC TẾ

TỪ 1991 - 2019

Chuyên ngành: Quan hệ quốc tế

Mã số: 62 32 02 06

 

 

 

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ QUAN HỆ QUỐC TẾ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hà Nội – 2020

 

 

 

Công trình được hoàn thành tại: 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

 

                                       

Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Hoàng Khắc Nam

 

 

Phản biện 1:

 

 

Phản biện 2:

 

 

Phản biện 3:

 

 

 

Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp ĐHQG

họp tại: Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN

vào hồi       giờ     ngày      tháng      năm 2020

 

 

 

 

Có thể tìm hiểu luận án tại:

- Thư viện Quốc gia Việt Nam

          - Trung tâm thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ

LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

 

 

1. Ta Thi Nguyet Trang (2019), “Impacts of Vietnam – Thailand relationship on the economic development of Vietnam from the perspective of constructivism (1991 – 2018) , HNUE Journal of science  64(11), pp.31-37.

2.  Tạ Thị Nguyệt Trang (2019), “Evaluation of the Vietnam – Thailand international relations cooperation trend from the perspective of liberalism”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Triển vọng cấu trúc ở Châu Á – Thái Bình Dương đến năm 2025 và đối sách của Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.274-284.

 

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

          Việc áp dụng lý thuyết QHQT vào trong nghiên cứu không chỉ nhằm mục đích khái quát và mô tả thực tiễn mối quan hệ mà còn hướng đến mục đích tìm hiểu bản chất QHQT, giải thích các hiện tượng khác nhau trong QHQT, dự báo xu hướng vận động và đề ra các nguyên tắc hành động để xây dựng các chính sách hay giải pháp cho hoạt động thực tiễn. Tuy nhiên, mỗi lý thuyết là một góc nhìn khác nhau, do đó, để đem lại cái nhìn đa diện hơn, làm rõ nhiều nhân tố tác động trong QHQT thì cũng cần áp dụng nhiều lý thuyết trong nghiên cứu.

          Đơn cử như mối quan hệ Việt Nam -Thái Lan. Từ sau Chiến tranh Lạnh (1991), hòa bình đã trở thành xu thế nổi trội trong quan hệ quốc tế (QHQT) giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa những nước lớn. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu nếu xét trên góc độ lý thuyết Chủ nghĩa tự do, bởi sau chiến tranh lạnh, tất cả các nước đều tập trung vào khôi phục và phát triển kinh tế nên lợi ích quốc gia (National Interest)  được đưa lên làm ưu tiên hàng đầu, mong muốn hòa bình, nhu cầu thịnh vượng kinh tế, phát huy dân chủ tự do, phát triển kinh tế thị trường, thúc đẩy luật pháp quốc tế và mở rộng thể chế quốc tế,… khiến các nước ngày càng quan tâm hơn đến lợi ích tuyệt đối với cái nhìn lâu dài. Tuy nhiên, trên thực tế, mối quan hệ này vẫn chưa phải là hòa bình bền vững hoàn toàn. Các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột khu vực tiếp tục diễn ra ở các mức độ, phạm vi khác nhau. Bên cạnh đó, xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các nước vừa và nhỏ tham gia một cách chủ động, tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế dưới các hình thức khác nhau để tăng cường vị thế của mình. Thái Lan và Việt Nam cũng nằm trong sự vận động đó. 

           Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn đó, nhằm đánh giá, nhìn nhận mối quan hệ giữa hai nước trong thời điểm hiện tại và tương lai gần, NCS đã lựa chọn “Quan hệ Việt Nam -Thái Lan dưới góc nhìn của các lý thuyết” làm đề tài luận án nhằm nghiên cứu một cách có hệ thống quan hệ đối ngoại của hai nước, phân tích cơ sở hình thành và phát triển của mối quan hệ chính trị, kinh tế và một số lĩnh vực khác trong quan hệ hai nước. Từ những phân tích đó, tác giả mong muốn rút ra những nhận xét để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm góp phần đưa mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển hơn.

2. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu

2.1. Mục đích nghiên cứu

Luận án luận giải một cách hệ thống mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Thái Lan từ năm 1991 đến 2019 thông qua những luận điểm của các lý thuyết QHQT gồm: Chủ nghĩa hiện thực (CNHT), chủ nghĩa tự do (CNTD) và chủ nghĩa kiến tạo (CNKT). Qua đó, đánh giá những yếu tố ảnh hưởng lên mối quan hệ này và đưa ra luận cứ để thảo luận, đánh giá thực trạng cũng như định hướng trong giai đoạn mới.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

          Thứ nhất, hệ thống hóa các khái niệm, quan điểm có thể vận dụng được vào nghiên cứu quan hệ Việt Nam-Thái Lan của các lý thuyết QHQT bao gồm chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa kiến tạo.

          Thứ hai, nghiên cứu tổng quan các vấn đề nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam về các vấn đề liên quan đến đề tài.

          Thứ ba, soi chiếu những luận điểm, của ba lý thuyết gồm chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa kiến tạo vào phân tích mối quan hệ thực tiễn giữa Việt Nam và Thái Lan từ năm 1991 đến nay.

          Thứ tư, phân tích, đánh giá triển vọng mối quan hệ Việt Nam -Thái Lan và từ đó đưa ra các khuyến nghị cho sự phát triển mối quan hệ này trong tương lai.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

          Đối tượng nghiên cứu của luận án là quan hệ song phương Việt Nam -Thái Lan từ năm 1991 đến 2019 dưới những luận điểm của hệ lý thuyết quan hệ quốc tế gồm: chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa kiến tạo.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

          Về thời gian: Nghiên cứu sinh chọn giai đoạn 1991 đến nay làm khung thời gian nghiên cứu của luận án.

Việc xác định mốc mở đầu là năm 1991 vì đây là thời điểm kết thúc của Chiến tranh Lạnh, do vậy mà các quốc gia phải đánh giá lại vị thế quốc tế mới của mình và có sự điều chỉnh về chiến lược phát triển cũng như chính sách đối ngoại để thích nghi với tình hình mới. Điều đó đã tác động đến tổng thể mối quan hệ Thái Lan và Việt Nam. Bên cạnh đó, đây là năm Thủ tướng Anand Panyarachun lên nắm quyền - ông là người có công khởi xướng các cải cách kinh tế và dân chủ Thái Lan, còn ở Việt Nam đã trải qua 5 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986-1991) và bắt đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

          Về không gian: Đề tài nghiên cứu về mối quan hệ song phương nên không gian nghiên cứu chính là hai nước Việt Nam và Thái Lan. Bên cạnh đó, mối quan hệ này cũng được đặt trong sự vận động của khu vực Đông Nam Á và thế giới để có cái nhìn khái quát về các nhân tố ảnh hưởng tới quan hệ của hai nước.

Quan hệ Thái Lan - Việt Nam diễn ra trên hai bình diện đó là cơ chế hợp tác song phương và đa phương nhưng giới hạn trong khuôn khổ đề tài, luận án chỉ tập trung nghiên cứu về  quan hệ song phương, có nghĩa là nghiên cứu về mối quan hệ hai chiều Thái Lan - Việt Nam và Việt Nam - Thái Lan. Sở dĩ luận án tập trung vào quan hệ song phương bởi đây không chỉ là dòng chảy chính mà còn là nơi tập trung nhất và đầy đủ nhất các vấn đề của mối quan hệ Việt Nam -Thái Lan

          Về nội dung: Luận án sẽ soi chiếu các luận điểm của hệ lý thuyết QHQT (CNHT, CNTD, CNKT) để nghiên cứu các nhân tố tác động đến quan hệ Thái Lan - Việt Nam từ năm 1991 đến 2019. Đây là ba lý thuyết hiện nay được coi là lớn nhất và cơ bản nhất trong nghiên cứu QHQT. Từ đó, đưa ra những thảo luận, phân tích, đánh giá thực trạng mối quan hệ Việt Nam -Thái Lan và triển vọng cũng như định hướng phát triển trong tương lai.

4. Phương pháp nghiên cứu của luận án

4.1. Cơ sở lý luận

          Luận án sử dụng cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác -Lênin, chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng, Nhà nước về hoạt động ngoại giao, hợp tác quốc tế.

          Bên cạnh đó, luận án sử dụng hệ thống lý thuyết quan hệ quốc tế. Cụ thể: Chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa kiến tạo. Từ các luận điểm của hệ lý thuyết soi chiếu vào mối quan hệ Việt Nam -Thái Lan từ năm 1991 đến 2019.

4.2. Cách tiếp cận

Luận án sử dụng một số cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu sau:

- Tiếp cận từ các góc nhìn của từng lý thuyết: Chủ nghĩa hiện thực, Chủ nghĩa tự do và Chủ nghĩa kiến tạo.

- Tiếp cận từ góc nhìn của lịch sử QHQT: xem xét tiến trình vận động của quan hệ song phương Việt Nam -Thái Lan theo trục lịch sử.

- Tiếp cận hệ thống cấu trúc trong QHQT để tìm ra những tác động từ hệ thống-cấu trúc quốc tế bên ngoài gồm khu vực và thế giới tới đối tượng nghiên cứu .

- Tiếp cận trên góc độ liên ngành và đa ngành để xem xét quan hệ song phương diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Phương pháp nghiên cứu: Luận án sử dụng 4 nhóm phương pháp chính như sau:

- Các phương pháp chung sử dụng trong KHXH&NV: phân tích, chứng minh, so sánh, thống kê.

- Các phương pháp sử dụng trong QHQT: phân tích chính sách, phân tích lợi ích, xung đột, hợp tác.

- Các phương pháp sử dụng trong các chuyên ngành khác: phân tích kinh tế quốc tế, xã hội học.

- Phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp: nhằm hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn đã được công bố trong các nghiên cứu, các văn bản trước đây liên quan tới đề tài.

5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án

5.1. Ý nghĩa khoa học

          Luận án là công trình khoa học đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu quan hệ Việt Nam -Thái Lan từ năm 1991 đến năm 2019 dưới góc nhìn của các lý thuyết QHQT, cho nên luận án sẽ có những đóng góp mới về khoa học đó là từ góc nhìn của các lý thuyết tiến hành nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện về các nhân tố tác động, sự tiến triển trong quan hệ hai nước Thái Lan và Việt Nam từ năm 1991 đến năm 2019, rút ra những đánh giá về thực trạng mối quan hệ Việt Nam -Thái Lan và triển vọng cũng như định hướng phát triển trong tương lai.

Đây cũng là một tài liệu tham khảo khoa học cho các nhà nghiên cứu, đào tạo về quan hệ quốc tế khi soi chiếu các lý thuyết quan hệ quốc tế một cách hệ thống vào một mối quan hệ thực tiễn.  

5.2. Ý nghĩa thực tiễn

Mối quan hệ Việt Nam -Thái Lan đang chuyển mình sang giai đoạn trở thành đối tác chiến lược của nhau. Do đó, kết quả của đề tài cũng sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách ngoại giao của hai nước có cái nhìn bao quát hơn về yếu tố tác động cũng như triển vọng phát triển mối quan hệ này trong tương lai.

Luận án cũng là một tài liệu giảng dạy, tham khảo cho giảng viên, học viên chuyên ngành quan hệ quốc tế và những độc giả quan tâm đến đề tài quan hệ Thái Lan - Việt Nam nói riêng và đối với đề tài hợp tác chính trị, ngoại giao, kinh tế của các nước ASEAN nói chung.

6. Kết cấu của luận án

          Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, danh mục hình vẽ, bảng biểu, danh mục chữ viết tắt, mục lục, phụ lục thì nội dung luận án gồm 4 chương:

          Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu

          Chương 2. Quan hệ Việt Nam -Thái Lan trong lĩnh vực an ninh - chính trị (1991 - 2019)

          Chương 3. Quan hệ Việt Nam - Thái Lan trong lĩnh vực kinh tế (1991 - 2019)

          Chương 4. Quan hệ Việt Nam - Thái Lan trong lĩn vực Văn hóa - Xã hội (1991 - 2019)

 

Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu

1.1. Tổng quan tài liệu về quan hệ Việt Nam - Thái Lan       

1.1.1. Nghiên cứu về tổng thể quan hệ Việt Nam - Thái Lan

Những công trình tiếng Việt, nghiên cứu về quan hệ Thái Lan  - Việt Nam sau năm 1991 là những công trình nghiên cứu khá chi tiết và công phu. Tác giả Nguyễn Tương Lai đã xuất bản cuốn Quan hệ Việt Nam - Thái Lan trong những năm 90 [10], tiến hành nghiên cứu chiều hướng phát triển của quan hệ hai nước. Từ đó khái quát ý nghĩa và tầm quan trọng của quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan không những đối với lợi ích dân tộc mà còn ảnh hưởng tới khu vực. Nhóm tác giả phân tích, đánh giá thực trạng 10 năm của mối quan hệ Việt Nam - Thái Lan trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế... đồng thời nêu lên những thách thức và triển vọng trong quan hệ Việt Nam - Thái Lan khi bước vào thế kỷ XXI và đề xuất những việc trong điều chỉnh và hoạch định chính sách quan hệ với Thái Lan trong những năm tới.

1.1.2. Nghiên cứu về Việt Nam  - Thái Lan trên những lĩnh vực cụ thể

Giai đoạn sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ Thái Lan - Việt Nam có rất nhiều bài viết được đăng trên các tạp chí uy tín như: Nghiên cứu Đông Nam Á, Nghiên cứu Lịch sử, Nghiên cứu Kinh tế, Nghiên cứu Quốc tế...Trong các lĩnh vực cụ thể thì lĩnh vực kinh tế, du lịch, văn hóa vẫn được nhiều học giả quan tâm hơn cả. Tiêu biểu có thể kể đến như bài viết của tác giả Trương Duy Hòa, Quan hệ đầu tư Thái Lan - Đông Dương [4]. Bài viết nghiên cứu tình hình đầu tư nước ngoài vào Đông Dương xem xét quan hệ đầu tư Thái Lan - Đông Dương đóng vai trò quan trọng trong việc hợp tác, phát triển kinh tế trên cơ sở láng giềng thân thiện. Thái Lan có nhiều điểm tương đồng về lịch sử - văn hoá với các nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam, vì vậy các nhà đầu tư Thái Lan ngày càng có nhiều hoạt động hợp tác và đầu tư vào Đông Dương nhằm chia sẻ lợi ích kinh tế mà các bên cùng quan tâm. Quan hệ kinh tế Việt Nam - Thái Lan: 20 năm phát triển tác giả Hà Huy Thành [23] đã nghiên cứu quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan từ khi Việt Nam còn áp dụng hệ thống quản lý kế hoạch hóa tập trung cho đến nay. Xem xét, đánh giá đầu tư trực tiếp của Thái Lan vào Việt Nam. Nêu lên triển vọng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Thái Lan trong thời gian tới. Tuy nhiên. các bài viết này chỉ tập trung về vấn đề kinh tế là chủ yếu.  

1.2. Tổng quan về lý thuyết Quan hệ quốc tế trong nghiên cứu

1.2.1. Chủ nghĩa hiện thực

          Trong QHQT có nhiều lý thuyết. Trong số các lý thuyết này, Chủ nghĩa Hiện thực (Realism) thuộc loại nổi bật nhất. Lý thuyết này có ảnh hưởng lớn trong QHQT cả trên phương diện lý luận lẫn thực tiễn, nhất là trong thế kỷ XX. Chủ nghĩa Hiện thực tập trung nghiên cứu các vấn đề chính trị quốc tế nên còn được gọi là Chủ nghĩa Hiện thực chính trị (Political Realism). Chủ nghĩa Hiện thực cũng còn được gọi là Chính trị học quyền lực (Power Politics) bởi sự tập trung vào quyền lực của nó.

1.2.2. Chủ nghĩa tự do

          Cùng với Chủ nghĩa Hiện thực, Chủ nghĩa Tự do (Liberalism) cũng là lý thuyết QHQT có lịch sử lâu đời. Tuy nhiên, những tư tưởng ban đầu của lý thuyết này xuất hiện muộn hơn nhiều so với Chủ nghĩa Hiện thực có từ thời cổ đại. Những ý tưởng đầu tiên trong truyền thống tư duy tự do có thể tìm thấy từ thời cận đại như từ Desiderius Erasmus Roterodamus, Hugo Grotius, John Locke hay William Penn chẳng hạn.

1.2.3. Chủ nghĩa kiến tạo

Là một cách tiếp cận tương đối mới mẻ trong nghiên cứu QHQT, Chủ nghĩa Kiến tạo xã hội hay Chủ nghĩa Kiến tạo (Social Constructivism hay Constructivism) đã đặt ra những câu hỏi về những vấn đề hết sức cơ bản trong nghiên cứu QHQT như bản chất cuả nhà nước, sự vô chính phủ của hệ thống quốc tế, bản sắc và lợi ích của quốc gia, chủ quyền v.v. Đồng thời, Chủ nghĩa Kiến tạo cũng mở ra một loạt các vấn đề mới cần quan tâm nghiên cứu như vai trò của giới và vấn đề sắc tộc vốn chưa được quan tâm đầy đủ trong các cách tiếp cận khác. Nhiều ý kiến cho rằng, Chủ nghĩa Kiến tạo thực chất là một cách tiếp cận chứ không phải một hệ thống quan điểm hay một lý thuyết đầy đủ trong nghiên cứu QHQT. Nó đôi khi còn được coi là “sân giữa” (middle ground) hay “lý thuyết về lý thuyết” (metatheory).

1.3. Một vài nhận xét chung về tình hình nghiên cứu

          Có thể thấy rằng, các học giả trong nước đã và đang nghiên cứu rất nhiều về các mối quan hệ quốc tế trong khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam -Thái Lan nói riêng. Các công trình đều có sự tiếp nối, bổ sung và cập nhật những sự biến động trong mối quan hệ giữa hai quốc gia từ trước 1991 cho đến nay. Đây là một kho dữ liệu lớn, có giá trị tham khảo cho các nghiên cứu sau này.

          Mỗi mô hình lý thuyết đều chứa đựng những luận điểm khác nhau, trong đó có một số điểm trùng lặp nhau. Những điểm khác nhau giữa các lý thuyết thường là trung tâm trong các cuộc tranh luận học thuật về vấn đề này. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia trong khu vực Châu Á nói chung không tự đóng khung trong một trường phái của CNHT, CNTD hay CNKT nhất định. Vì vậy, để áp dụng các lý thuyết QHQT trong nghiên cứu ở khu vực Đông Nam Á cần xác định và thảo luận dựa trên các luận điểm phù hợp với tình hình thực tiễn của khu vực này. Trong đó, các lý thuyết QHQT như CNHT, CNTD, CNKT vẫn tương thích và hữu ích trong việc phân tích QHQT của khu vực này.

Mặc dù, vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận như vậy, nhưng trong từng lý thuyết QHQT, vẫn có những luận điểm hữu ích cho việc nghiên cứu quan hệ Việt Nam -Thái Lan. Các lý thuyết đêu cố gắng có những luận điểm khái quát chung cho cả thế giới. Vì thế, NCS sẽ chỉ sử dụng không phải tất cả mà chỉ một số luận điểm nhất định của từng lý thuyết. Đây cũng là những vấn đề cốt lõi mà nghiên cứu này hướng đến.

 

Chương 2. Quan hệ Việt Nam -Thái Lan trong lĩnh vực an ninh - chính trị (1991 - 2019)

2.1. Khái quát quan hệ Việt Nam - Thái Lan trong lĩnh vực an ninh - chính trị

Trong lịch sử về quan hệ an ninh-chính trị giữa Việt Nam và Thái Lan, đã có những bước tiến dài đánh dấu sự phát triển trong quan hệ an ninh chính trị giữa hai nước. Đó là chuyển từ đối đầu sang quan hệ ngoại giao, chính trị an ninh hợp tác tích cực.

Đặc biệt từ năm 2013, Việt Nam và Thái Lan đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược. Năm 2014 Thủ tướng Thái Lan Pra-dút Chan-ocha đã sang thăm Việt Nam và hai bên đã ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam -Thái Lan giai đoạn 2014-2018. Thực hiện thỏa thuận giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam -Thái Lan, cuộc Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng lần thứ nhất giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Thái Lan đã được tổ chức vào những năm 2010 -2015. Các cuộc tiếp xúc và trao đổi giữa hai bên đã diễn ra trong không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Việt Nam và Thái Lan đã tiến hành thảo luận phương hướng và những biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Trong đó nhấn mạnh về hợp tác chính trị - an ninh, cùng nhau phối hợp thúc đẩy sớm khởi động lại hoạt động của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế và sớm thành lập Ủy ban Thương mại nhằm thúc đẩy thương mại giữa hai nước. Hai bên cũng chia sẻ nhiều ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Tăng cường phối hợp và hợp tác chặt chẽ với nhau thúc đẩy các mục tiêu của ASEAN, đẩy mạnh hợp tác tại các khuôn khổ hợp tác khuôn khổ hợp tác khu vực như Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC),... và trong quan hệ đa phương tại các diễn đàn quốc tế, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Liên hợp quốc,... Đặc biệt, trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập từ ngày 31-12-2015, lãnh đạo hai nước đã nhất trí thúc đẩy sự phối hợp để phát huy hiệu quả vai trò của Cộng đồng, đồng thời củng cố sự đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực cũng như quốc tế.

Kể từ đó đến nay quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Thái Lan đã có những bước cải thiện đáng kể. Chuyển từ đối đầu sang đối thoại, hợp tác chính trị Việt Nam và Thái lan tiếp tiếp tục được đẩy mạnh thông qua trao đổi đoàn cấp cao thăm viếng lẫn nhau và nhiều cơ chế hợp tác mới, thực chất đã dược thiết lập sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, như Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương, đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng...

2.2. Đánh giá quan hệ Việt Nam và Thái Lan trong lĩnh vực an ninh -chính trị dưới góc nhìn của lý thuyết quan hệ quốc tế.

2.2.1. Từ góc nhìn của Chủ nghĩa hiện thực

Dưới cái nhìn của Chủ nghĩa Hiện thực, QHQT thế giới được xây dựng theo nhiều mô hình khác nhau. Một trong những mô hình nổi tiếng là mô hình những quả bi a (Billiard Ball Model). Trong mô hình này, các quốc gia được ví như những quả bi a, tức là như một thể thống nhất, chỉ nghĩ đến mình và tương tác giữa chúng chủ yếu là va đập (cạnh tranh, xung đột). Trong quá trình va đập, những quả nhỏ hơn (quyền lực thấp hơn) có thể bị đẩy văng đi hoặc bị dừng lại, trong khi các quả lớn hơn (quyền lực cao hơn) vẫn tiếp tục đi dù có thể hơi bị giảm tốc độ hoặc chệch hướng chút ít. Sau một hồi va đập, một thế ổn định tương đối đã được tạo ra tương ứng với một thời kỳ lịch sử để rồi chuẩn bị bước vào cuộc va đập mới. Mô hình kim tự tháp quyền lực đã cho thấy rõ điều này, trong đó các quốc gia có quyền lực mạnh nhất nằm ở trên đỉnh tháp, các quyền lực thấp hơn nằm ở bên dưới của đáy tháp. Mức độ chênh lệch quyền lực giữa chúng càng nhiều, khoảng cách giữa các nước càng lớn.

Mặt khác luận điểm về cân bằng quyền lực là một chỉ báo quan trọng mà CNHT đã đóng góp cho nghiên cứu và phân tích tình hình chính trị trên thế giới. Cho dù là theo xu hướng học thuật hay thực tiễn chính trị, những nhà hiện thực đều cho rằng cân bằng quyền lực là động lực chủ yếu của việc định hình QHQT Châu Á [51, pp.295]. Theo đó, sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng có tác động không nhỏ tới sự ổn định và thịnh vượng ở khu vực này bởi trật tự hai cực trong Chiến tranh lạnh (Hoa Kỳ và Liên Xô). Tuy nhiên, từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Hoa Kỳ và Nga cũng có những chính sách xoay trục đối ngoại của riêng mình cùng với đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đã và đang khiến cho cán cân quyền lực giữa các nước trên thế giới có sự chuyển dịch sang xu hướng đa cực. Việc các cường quốc hiện diện tại một khu vực nào đó là để họ tự cân bằng ảnh hưởng của nhau. Theo đó, các nhà hiện thực cho rằng những nước yếu đôi khi lựa chọn cách thu hút hay tạo lập các thể chế nhằm thu hút những cường quốc quan trọng để cân bằng quyền lực trong khu vực, từ đó, đảm bảo sự tồn tại và an ninh của quốc gia.[47]

2.2.2. Từ góc nhìn của Chủ nghĩa tự do

Việc vận dụng lý thuyết Chủ nghĩa tự do vào đánh giá mối quan hệ an ninh -chính trị của Việt Nam và Thái Lan được xem xét trên nhiều bình diện, gắn với lịch sử ở mỗi quốc gia và bối cảnh quan hệ quốc tế. Chủ nghĩa tự do đã đưa ra nhiều quan điểm về xu thế về quan hệ quốc tế sẽ hướng vào nền hòa bình, hợp tác cùng phát triển. Trong đó việc cải tổ chính sách ngoại giao, những thay đổi trong thể chế chính trị đóng vai trò quyết định đến sự ổn định ở mỗi quốc già cũng như trong khu vực.

Vấn đề quan trọng đối với xu hướng QHQT mà những nhà CNTD đề cập tới là an ninh phi truyền thống cũng được ASEAN xác định trong mục tiêu hoạt động của mình thông qua các hoạt động cụ thể nhằm tăng cường giải quyết các vấn đề này, đặc biệt trong chống tội phạm xuyên quốc gia và các thách thức xuyên biên giới khác phù hợp với các nguyên tắc an ninh tập thể.

2.2.3. Từ góc nhìn của Chủ nghĩa Kiến tạo

Trong giai đoạn từ năm 1991 đến nay, cả Việt Nam và Thái Lan đều có những tư tưởng chung bên cạnh những lợi ích riêng, nói theo CNKT thì vai trò của những lợi ích này đều sẽ có ảnh hưởng đến việc duy trì và biến chuyển của QHQT. CNKT đề cao vai trò các yếu tố hình thành “bản sắc chung” trong QHQT.  

Tiểu kết chương 2

Vận dụng CNHT vào quan hệ Việt Nam – Thái Lan có thể thấy rằng : Trong hệ thống quốc tế vô chính phủ, Cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn là thường xuyên liên tục. Cho nên, Đông Nam Á luôn là địa bàn cạnh tranh giữa các nước lớn. Điều này dẫn đến các nước trong khu vực như Việt Nam, Thái Lan dễ bị lôi kéo và đối đầu nhau như trong chiến tranh lạnh. Vận dụng CNTD để thấy rằng : Có lợi ích riêng nhưng cũng có lợi ích chung. Các nước theo đuổi cả lợi ích tuyệt đối. Từ đó hợp tác VN-TL tăng lên. - Hợp tác là cách thức giúp giảm xung đột và thay thế dần xung đột, đặc biệt hợp tác giữa giới quân sự chính trị hai nước. Đối với CNKT thì : Khác biệt về ý thức hệ góp phần dẫn đến đối đầu trong CTL. Khi vấn đề ý thức hệ giảm dần, quan hệ an ninh-chính trị mới bắt đầu phát triển. Nhận thức của hai nước thay đổi. Quá trình hai nước cải thiện quan hệ an ninh - chính trị giữa hai nước giúp xây dựng lòng tin về các vấn đề an ninh nên quan hệ an ninh - chính trị lại càng dược phát triển.

 

Chương 3. Quan hệ Việt Nam - Thái Lan trong lĩnh vực kinh tế (1991 - 2019)

3.1 Khái quát về quan hệ trong lĩnh vực kinh tế giữa Việt Nam -Thái Lan 3.1.1. Phát triển kinh tế song phương

Thái Lan và Việt Nam xuất phát điểm để phát triển kinh tế gần tương đồng nhau khi có dân số gần tương đương nhau, và nhất là vào thập niên 50 hai nước có cùng trình độ phát triển. Có thể thông qua chỉ số GDP để thấy rõ điều này, theo thống kê của WB thì vào năm 1954 GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 117 USD trong khi đó Thái Lan vào năm 1952 là 108 USD. Tuy nhiên, khi nghiên cứu ở giai đoạn từ 1991 đến 2019 thì Thái Lan đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

3.1.2. Hợp tác đầu tư thương mại hai chiều

Từ năm 1991 cho đến nay, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vẫn chưa đồng đều, có không ít giai đoạn đạt mức tăng trưởng âm vào các năm 1999, 2001 và 2009. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng về tổng kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước luôn có những bước tiến mạnh mẽ theo từng giai đoạn từ năm 1991 cho đến nay. Tuy nhiên, cán cân thương mại giữa hai bên thì ngày càng chênh lệch. Con số này của năm 1991 là 93.7 triệu USD, đến năm 2018 là -6.5 tỷ USD. Thái Lan vẫn là nước xuất siêu và Việt Nam là nước nhập siêu. Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan chênh gấp hơn hai lần so với chiều ngược lại.

3.2. Mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Thái Lan dưới góc nhìn của các lý thuyết quan hệ quốc tế

3.2.1. Từ góc nhìn của Chủ nghĩa Hiện thực

 Nếu nhìn nhận từ góc độ của CNHT cổ điển thì một quốc gia muốn phát triển phải thoát khỏi sự ràng buộc về kinh tế, chính trị. Hay nói cách khác quốc gia đó phải hội nhập, mở rộng được thị trường hàng hóa, tăng cường sự giao lưu tương tác với các nước khác. Tuy nhiên điều này bị chi phối bởi lợi ích của từng quốc gia, mỗi quốc gia đều tính đến những lợi ích có được khi tham gia vào các quan hệ đối tác. Như vậy, nếu xem xét mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Thái Lan theo cách tiếp cận của Chủ nghĩa Hiện thực cổ điển cho thấy sự phù hợp giữa lý thuyết này vào thực tiễn quan hệ giữa hai nước. Theo các nhà Chủ nghĩa Hiện thực Cổ điển, chủ thể quốc gia, dân tộc này có đặc điểm là chủ thể đơn nhất và có lý trí trong quan hệ với bên ngoài.

3.2.2. Từ góc nhìn của Chủ nghĩa tự do

Quan điểm về chủ thể đa nguyên trong QHQT cũng lý giải được sự tham gia của các nhà nước, doanh nghiệp trong quan hệ kinh tế. Chủ nghĩa Tự do cho rằng trong quan hệ quốc tế, bên cạnh quốc gia còn các chủ thể phi quốc gia như tổ chức quốc tế [16], công ty xuyên quốc gia [17]. Các chủ thể phi quốc gia đang tham gia ngày càng nhiều vào QHQT với vai trò ngày càng tăng và khiến cho QHQT có sự đan xen lợi ích giữa nhiều chủ thể khác nhau chứ không còn bị chi phối chỉ bởi mỗi lợi ích và toan tính của quốc gia. Nhìn chung việc vận dụng Chủ nghĩa tự do trong nghiên cứu mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Thái Lan cho thấy sự gắn kết trong quan hệ kinh tế giữa hai nước đã tạo lập được nền hòa bình trong khu vực, cả hai nước đều là những thành viên quan trọng của các tổ chức kinh tế trong khu vực và đang tạo ra những triển vọng tốt đẹp trong quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực và có quyết định đến trật tự khu vực cũng như mối quan hệ giữa hai nước.  

3.2.3. Từ góc nhìn của Chủ nghĩa kiến tạo

CNKT cho rằng những bản sắc xã hội của các quốc gia quyết định các chủ thể đó sẽ hợp tác hay là xung đột với nhau. Bản sắc xã hội của quốc gia sẽ định đoạt thế nào là lợi ích của quốc gia và quyết định đường lối hoạt động của quốc gia đó. Các nhà kiến tạo chủ nghĩa lập luận rằng hệ thống các niềm tin hay giá trị và tư tưởng chung cũng có những tác động to lớn đến hành vi của chủ thể chính trị xã hội trong QHQT.  

Tiểu kết chương 3

Vận dụng CNHT vào quan hệ kinh tế VN – TL có thể thấy: Quốc gia nào cũng vì lợi ích của mình. Cho nên quan hệ kinh tế VN-TL cũng cần được nhìn nhận là phù hợp với lợi ích quốc gia của hai nước. CNHT Mới nhấn mạnh vai trò của  hệ thống quốc tế. CNTD cho thấy: Chủ thể đa nguyên nên quan hệ kinh tế VN-TL có sự tham gia của các nhà nước, doanh nghiệp. Lợi ích có riêng và chung, có lợi ích tuyệt đối. Hợp tác kinh tế VN-TL chính là lợi ích chung và hướng tới lợi ích tuyệt đối bên cạnh lợi ích riêng như CNHT giải thích. CNTD đề cao vai trò của kinh tế đối với an ninh-chính trị, giữa chúng có tác động qua lại với nhau, hợp tác kinh tế và hội nhập kinh tế giúp làm giảm xung đột. CNKT thể hiện ở những điểm chính sau: Vai trò của nhận thức khi hai bên thay đổi nhận thức về nhau từ đối thủ sang đối tác. Vai trò của niềm tin khi hai bên tin vào kết quả tốt của hợp tác kinh tế. Vai trò của bản sắc tới lợi ích. Giúp hình thành bản sắc chung hợp tác kinh tế song phương và trong ASEAN giúp hình thành bản sắc chung.

 

Chương 4. Quan hệ Việt Nam - Thái Lan trong lĩn vực Văn hóa - Xã hội (1991 - 2019)

4.1. Khái quát về quan hệ Việt Nam và Thái Lan trong lĩnh vực văn hóa - xã hội

4.1.1. Quan hệ Việt Nam - Thái Lan trên lĩnh vực văn hóa

          Trong giai đoạn từ năm 1986 -1989, vấn đề Campuchia vẫn là trở ngại lớn cho việc cải thiện quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan. Trong bối cảnh đó hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, xã hội giữa hai nước còn có nhiều trở ngại và chưa có điều kiện để phát triển. Năm 1989, hàng loạt các sự kiện chính trị diễn ra đã làm thay đổi cục diện tình hình thế giới. Việc chấm dứt chiến tranh lạnh dẫn tới những thay đổi căn bản trong quan hệ Liên Xô -Mỹ - Trung Quốc, các nước này đã dần có sự điều chỉnh căn bản trong chính sách đối với khu vực Đông Nam Á. Việc bình thường hóa quan hệ Trung Quốc và Liên Xô những năm 1989 và Việt Nam -Trung Quốc những năm 1990 và quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt được đánh dấu bằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao 7/1995. Vấn đề Campuchia dược giải quyết, những sự kiện trên đã tác động tích cực tới quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan, những năm tháng đối đầu khép lại, những hoài nghi giảm dần và quan hệ giữa hai nước bước sagn một thời kỳ mới, thời kỳ của sự hợp tác cùng phát triển.

4.1.2. Giao lưu nhân dân

          Thông qua các hoạt động mối giao lưu nhân dân ngày càng được tăng cường. Nhân dân hai nước hiểu biết hơn về lịch sử, đất nước, con người, nền văn hóa của nhau. Hội Hữu nghị làm cầu nối vận động và thúc đẩy các hoạt động hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Góp phần vào sự phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Thái Lan, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.

4.1.3. Hợp tác thể thao

          Hợp tác thể dục thể thao không những nâng cao thể chất, thúc đẩy tinh thần thi đấu mà còn là sự giao lưu học hỏi giữa các trường đại học thể dục thể thao, giữa các trung tâm đào tạo, giữa thủ đô và các thành phố của hai nước, cùng nhau phối hợp trong các hoạt động thể thao trong khu vực và quốc tế.

4.1.4. Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục

Hợp tác giáo dục - đào tạo là yếu tố quan trọng thúc đẩy quan hệ Thái Lan và Việt Nam. Chính phủ hai nước luôn có cơ chế hợp tác, hỗ trợ việc ngôn ngữ bản địa và văn hóa, lịch sử hai bên. Với mục đích mong muốn ngày càng nhiều người Việt nói và viết giỏi tiếng Thái Lan cũng như nhiều con em Thái Lan học tiếng Việt nên giáo dục -đào tạo luôn được hai nước quan tâm và ưu tiên vì đây sẽ là cầu nối quan trọng thúc đẩy phát triển quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hợp tác phát triển giáo dục của hai nước sẽ thúc đẩy những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu của người học, phấn đấu cho sự tiến bộ và ưu việt trong học thuật, đặc biệt là trong học tập nghiên cứu và phát triển các kiến thức và công nghệ về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, và thúc đẩy sự vận dụng công nghệ hiện đại và tinh hoa tri thức của người Thái và người Việt vào việc phát triển kinh tế và xã hội cho Thái Lan và Việt Nam.

4.1.5. Hợp tác trong lĩnh vực du lịch

          Hợp tác du lịch Việt Nam - Thái Lan đã đạt đửợc rất nhiều hiệu quả, quá trình hợp tác này không những mang lại tình hữu nghị láng giềng của nhân dân hai nửớc mà còn tạo thuận lợi cho bộ mặt đất nửớc thay đổi. ở đâu du lịch phát triển, ở đó diện mạo đô thị, nông thôn đửợc chỉnh trang, sạch đẹp hơn, đời sống nhân dân đửợc cải thiện rõ rệt. Hoạt động du lịch đã thúc đẩy các ngành khác phát triển, tạo ra khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hoá và dịch vụ; mỗi năm, hàng chục lễ hội truyền thống được khôi phục, tổ chức dần đi vào nề nếp và lành mạnh, phát huy đửợc thuần phong mỹ tục.

4.2. Đánh giá quan hệ Việt Nam -Thái Lan trong lĩnh vực văn hóa -xã hội dưới góc nhìn của các lý thuyết quan hệ quốc tế.

4.2.1. Từ góc nhìn của Chủ nghĩa Hiện thực

          Như đã trình bày ở các chương trước về Chủ nghĩa hiện thực trong việc giải thích mối quan hệ chính trị, an ninh và quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Thái Lan. Tuy nhiên việc áp dụng Chủ nghĩa hiện thực vào đánh giá mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa -xã hội giữa Việt Nam và Thái Lan lại cho thấy sự gắn kết về văn hóa, hợp tác để hướng tới sự phát triển và giảm thiểu các xung đột. Đồng thời việc áp dụng Chủ nghĩa hiện thực trong lĩnh vực này cần phải xem xét trong bối cảnh của từng quốc gia ở mỗi giai đoạn lịch sử nhất định.

4.2.2. Từ góc nhìn của Chủ nghĩa Tự do

          Đánh giá quan hệ Việt Nam và Thái Lan trong lĩnh vực văn hóa, xã hội dưới góc nhìn của Chủ nghĩa Tự do sẽ cho thấy được sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này. Đồng thời cũng giải thích được sự hợp tác văn hóa, xã hội là một trong những chiến lược ngoại giao cởi mở hướng tới sự ổn định và phát triển bền vững trong quan hệ giữa hai nước. Vận dụng những luận điểm của Chủ nghĩa Tự do sẽ giải thích được những vấn đề cơ bản trong mối quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực văn hóa, xã hội.

4.2.3. Từ góc nhìn của Chủ nghĩa Kiến tạo

          Đánh giá mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan trong lĩnh vực văn hóa -xã hội dưới góc nhìn của Chủ nghĩa Kiến tạo sẽ cho thấy được những cơ sở quan trọng làm nền tảng cho sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vưc này. Mặt khác việc vận dụng Chủ nghĩa Kiến tạo sẽ giải thích được vai trò của các yếu tố phi vật chất trong việc định hình cấu trúc và thể chế trong quan hệ hai nước, thấy được những lợi ích, bản sắc chung của khu vực cũng như những giá trị và quan niệm chung giữa Việt Nam và Thái Lan. Từ đó xây dựng được những chuẩn mực chung, nâng cao tình cảm hữu nghị, quan hệ hợp tác trên nền tảng giao lưu văn hóa -xã hội để tiến tới cộng đồng ASEAN.

Tiểu kết chương 4

Giao lưu văn hóa là khái niệm nói về một hiện tượng phổ biến mang tính quy luật thường xuyên chi phối quá trình vận động, phát triển trong mọi nền văn hóa dân tộc trên thế giới. Nó là hệ quả của sự tiếp xúc  và  là  nguyên  nhân, điều kiện cho sự hội nhập của các nền văn hóa, và chính là quá trình trao đổi chất giữa các nền văn hóa với  nhau. Mỗi nền văn hóa dân tộc sẽ bị suy thoái nếu không có quá trình trao đổi chất này. Mà quá trình này chính là sự tác động biện chứng giữa yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh của nền văn hóa dân tộc. Giao lưu văn hóa Thái Lan - Việt Nam cũng nằm trong quy luật đó.

 

KẾT LUẬN

Việc vận dụng các lý thuyết quan hệ Quốc tế vào việc phân tích, đánh giá “Quan hệ Việt Nam -Thái Lan dưới góc nhìn của các lý thuyết quan hệ quốc tế (1991 -2019)” đã cho thấy được những luận cứ quan trọng về cơ sở lý luận và thực tiễn gắn với bối cảnh lịch sử của thế giới, khu vực nói chung và mối quan hệ giữa Việt Nam -Thái Lan nói riêng. Từ đó có thể kết luận những điểm chính sau:

Về quan hệ giữa hai nước:

Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia láng giềng gần gũi, có lịch sử quan hệ lâu đời. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan được hình thành từ rất sớm trong lịch sử. Đó là mối quan hệ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế - văn hóa và tộc người, điều đó đã tạo nên những nền tảng quan trọng cho mối quan hệ gắn bó giữa hai nước.  Sự kiện ngày 6/8/1976 Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao đã mở ra một trang mới trong tiến trình quan hệ hai nước. Trước những biến động của tình hình thế giới, khu vực và sự chuyển biến nội tại trong bản thân mỗi nước, Việt Nam - Thái Lan đã dần xóa bỏ những mối nghi ngại, khép lại những ngờ vực trong quá khứ và mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Mối quan hệ trong lĩnh vực kinh tế giữa hai nước. Vấn đề hợp tác kinh tế giữa hai nước đã thực sự phát triển vào đầu những năm 1990. Tuy nhiên trong những năm qua mối quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế đã phát triển lên tầm cao mới, là đối tác chiến lược trong chính sách phát triển của cả hai nước. Từ năm 1991 đến nay, mối quan hệ của hai nước đã chuyển từ đối đầu sang hợp tác. Tỷ trọng trong buôn bán hai chiều giữa giữa Việt Nam và Thái Lan không ngừng được tăng lên. Có nhiều nhân tố tích cực hình thành với những triển vọng hợp tác phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch buôn bán của hai nước không ngừng tăng lên và tương cường trao đổi hàng hóa. Việt Nam và Thái Lan đặc biệt thuận lợi hơn so với các nước Asean khác do sự gần gũi về vị trí địa lý, ý phong tục tập quán và cộng đồng đông đảo người Việt sống ở Thái Lan. Đầu tư nước ngoài của Thái Lan và Việt Nam tăng lên rất nhanh thông qua cơ chế mở cửa cửa đối với đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Từ đó cả hai nước có điều kiện mở rộng thị trường thông qua hợp tác trong khuôn khổ AFTA và ngoài khu vực Asean.  Việc tham gia AFTA giúp Việt Nam và Thái Lan tăng nhanh tốc độ phát triển kinh tế và thương mại, thúc đẩy mạnh hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan và các nước trong khu vực, tăng dung lượng hàng hóa của mình trên thị trường Thái Lan nói riêng và khu vực nói chung.

Mối quan hệ trong lĩnh vực chính trị giữa Việt Nam và Thái Lan. Cả hai nước đã có những chính sách đối ngoại và hợp tác quốc phòng, an ninh ngày càng tin cậy, thực chất, thể hiện qua kết quả các chuyến thăm và tiếp xúc thường xuyên giữa Lãnh đạo Cấp cao của hai nước và việc triển khai đều đặn, hiệu quả các cơ chế hợp tác như Nội các chung, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương, Tham vấn chính trị, Đối thoại chính sách quốc phòng, Nhóm công tác chung về hợp tác chính trị - an ninh, tuần tra chung trên biển...Mối quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực an ninh, chính trị trong những năm qua đã tạo nền tảng vững chắc để quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan ngày càng phát triển tốt đẹp. Với sự tin cậy lẫn nhau và nhu cầu hợp tác để cùng phát triển của hai quốc gia sẽ tạo nhiều động lực mới để phát triển toàn diện và vững chắc hơn nữa trong tương lai, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở châu Á cũng như trên thế giới. Cho đến nay, hai nước đã ký hơn 50 hiệp định, thỏa thuận hợp tác, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Hợp tác an ninh, quốc phòng song phương không ngừng được thúc đẩy, trên cơ sở các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, hợp tác trao đổi kinh nghiệm, phối hợp tuần tra chung trên biển, các chuyến thăm của các đoàn quân sự, an ninh hai nước diễn ra thường kỳ và ngày càng đạt hiệu quả cao. Hai bên cũng chia sẻ nhiều ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Tăng cường phối hợp và hợp tác chặt chẽ với nhau thúc đẩy các mục tiêu của ASEAN, đẩy mạnh hợp tác tại các khuôn khổ hợp tác khuôn khổ hợp tác khu vực như Tiểu vùng sông Mê-công mở rộng (GMS), ACMECS, Hành lang Đông -Tây và các diễn đàn quốc tế khác.

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan trong lĩnh vực văn hóa -xã hội. Hợp trong lĩnh vực văn hóa -xã hội giữa Việt Nam và Thái Lan (1991 - 2019) đã đạt được những thành quả nhất định, góp phần củng cố mối quan hệ hai nước, tạo cơ hội cho sự giao lưu gần gũi giữa hai dân tộc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cùng hướng tới một Cộng đồng chung ASEAN đoàn kết, hình thành nên những bản sắc chung của khu vực, đồng thời mỗi quốc gia luôn giữ vững những bản sắc riêng. Cả hai nước đều có những sự thay đổi trong nhận thức chung, thực hiện đường lối đổi mới trong quan hệ ngoại giao. Hướng tới việc hình thành được các chuẩn mực chung, tăng cường sự đoàn kết, tình cảm hữu nghị giữa hai nước trên nền tảng giao lưu văn hóa -xã hội để hướng tới cộng đồng ASEAN.

Xu thế của mối quan hệ Việt Nam -Thái Lan ngày càng phát triển sâu rộng, trên nhiều lĩnh vực và đã hội nhập đa diện trong ASEAN.

Về áp dụng các lý thuyết quan hệ quốc tế trong việc phân tích mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan:

Việc áp dụng lý thuyết QHQT trong nghiên cứu là hữu ích khi giúp lý giải được các nguyên nhân, điều kiện và tác động đến sự phát triển quan hệ Việt Nam -Thái Lan. Trong đó, CNHT giúp lý giải sự đối đầu trong quá khứ và những động thái hợp tác an ninh -chính trị trong bối cảnh sau Chiến tranh lạnh. CNTD giúp giải thích tốt xu hướng hợp tác cả trong an ninh -chính trị lẫn kinh tế và các lĩnh vực khác. CNKT giúp chỉ ra những nhân tố chủ quan tác động đến tiến trình này, đồng thời giúp đánh giá được vai trò ngày càng tăng của hợp tác văn hóa -xã hội.

Mỗi lý thuyết đều có những khía cạnh, những luận điểm có thể giải thích được những xung đột giữa hai nước, đồng thời cũng giải thích được sự hợp tác toàn diện giữa hai nước. Các lý thuyết giúp đem lại công cụ để đánh giá tính xu hướng của quan hệ này. Từ đó, có thể thấy triển vọng quan hệ này là tích cực.

Khi vận dụng các lý thuyết quan hệ quốc tế vào đánh giá mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan trong 3 lĩnh vực cơ bản là an ninh - chính trị; quan hệ kinh tế; quan hệ văn hóa -xã hội cho thấy mỗi lý thuyết lại giải thích được mối quan hệ giữa hai nước trong từng lĩnh vực. Điều này cũng đồng nghĩa không áp dụng được một lý thuyết để giải thích cho toàn bộ tiến trình này. Tuy nhiên, vận dụng lý thuyết cũng không phải là đáp án đúng cho mọi vấn đề do lý thuyết thường khái quát chung còn thực tế thì đa dạng hơn. 

Tác giả: ussh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây