Ngôn ngữ
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
________________
NGUYỄN PHƯƠNG LÊ
HỢP TÁC VIỆT NAM – LÀO
TRONG LĨNH VỰC ĐÀO TẠO CÁN BỘ (2001-2015)
Chuyên ngành: Quan hệ quốc tế
Mã số: 62 31 02 06
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ QUỐC TẾ HỌC
Hà Nội - 2020
Công trình được hoàn thành tại:
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Duy Dũng
Phản biện:………………………………..………….……………..
………………………………………….……………….
Phản biện: ………………..………………..………………………
…..…………………….………………….……………..
Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng cấp ………… chấm luận án tiến sĩ họp tại: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội vào hồi .…… giờ…... ngày….. tháng…..năm 2020.
Có thể tìm hiểu luận án tại:
- Thư viện Quốc gia Việt Nam
- Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC
CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Quan hệ Việt-Lào là mối quan hệ láng giềng, hữu nghị và truyền thống, được gắn kết bởi điều kiện địa lý tự nhiên cũng như trải qua các chặng đường lịch sử phát triển của hai dân tộc. Tình hữu nghị truyền thống Việt Nam-Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản đặt nền móng, được Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước dày công vun đắp, đã không ngừng đơm hoa kết trái. Từ khi có Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng hai nước, Việt Nam và Lào đã xây đắp nên tình đoàn kết chiến đấu và quan hệ hữu nghị đặc biệt. Hiện nay, mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Lào luôn được củng cố và vun đắp, ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, đối ngoại, an ninh quốc phòng, y tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Đào tạo nguồn nhân lực cho Lào là lĩnh vực hợp tác truyền thống, có bề dày lịch sử giữa hai nước. Hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (CHDCND) Lào với Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với thắng lợi trong từng thời kỳ lịch sử cách mạng của hai nước, góp phần gìn giữ, củng cố, vun đắp, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Tính đặc thù của hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý là hoạt động hợp tác gắn kết giữa người cán bộ lãnh đạo, quản lý với chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội…của hai dân tộc, từ đó nhân rộng, tác động đến tâm tư, tình cảm của các tầng lớp nhân dân hai nước, có giá trị lan tỏa đến các mối quan hệ hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội. Chính nhiệm vụ chính trị được ưu tiên này xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc lâu dài giữa hai nước.
Hợp tác Việt Nam - Lào để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có kinh nghiệm, chất lượng cao cho Đảng, Nhà nước Lào là rất cần thiết. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ... Lào cũng như nhiều quốc gia khác càng cần phải có đội ngũ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, đa dạng về chuyên môn…đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, từ cấp trung ương và địa phương. So với Lào, trong lĩnh vực này,Việt Nam có thế mạnh và kinh nghiệm đào tạo giúp Lào. Hơn thế nữa, phát triển tốt hợp tác đào tạo cán bộ mang lại lợi ích cho cả hai bên, kể cả trước đây, hiện nay cũng như trong thời gian tới.
Hai bên tiếp tục nhất trí cao trong hỗ trợ giáo dục nói chung, đào tạo cán bộ nói riêng, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển. Với tư tưởng chỉ đạo giúp nhân dân nước bạn là tự giúp mình, giúp đào tạo cán bộ là giúp khâu cơ bản nhất cho cách mạng Lào, Việt Nam luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ cho Bạn. Thực tế, đội ngũ cán bộ Lào được đào tạo tại Việt Nam qua các thời kỳ, hiện đang giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị và các cơ sở kinh tế Lào...đã phát huy được năng lực của mình, xây dựng nước CHDCND Lào ngày càng tiến bộ, vững mạnh hơn, góp phần gìn giữ và phát triển quan hệ Lào - Việt.
Thời gian qua, mặc dù lĩnh vực này đã đạt nhiều kết quả to lớn, song cũng còn bộc lộ hạn chế cần phân tích để làm rõ nguyên nhân, tìm ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác trong tương lai. Phần lớn các nhà lãnh đạo chủ chốt của hai Đảng, hai Nhà nước, đặc biệt là phía Lào, đều thuộc thế hệ sinh ra, trưởng thành trong chiến tranh, không ít người đã trải qua thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, đều thấm thía được tình đoàn kết Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam có tầm quan trọng sống còn như thế nào đối với sự nghiệp cách mạng của hai nước. Thực tế đang đặt ra là: Thế hệ các nhà lãnh đạo này của hai nước trong tương lai sẽ không còn nắm giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt nữa. Thay thế họ là các nhà lãnh đạo trẻ hơn, sinh ra trong thời bình, được đào tạo đại học hoặc sau đại học ở nhiều nước như: Mỹ, Trung Quốc, Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, với tư duy chính trị cởi mở, cách nhìn thông thoáng về các vấn đề kinh tế và quan hệ quốc tế...Điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ Việt Nam - Lào?
Trong xu thế hợp tác hiện nay, các nước lớn và các nước phát triển ngày càng tăng cường hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, nhất là các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng, góp phần tạo nên diện mạo mới cho khu vực. Từ một nước tương đối biệt lập với bên ngoài do không có biển, Lào dần trở thành điểm trung chuyển và là bước đệm quan trọng của khu vực Đông Nam Á lục địa, là nơi các nước lớn và các nước láng giềng (trong đó có Trung Quốc) đang tìm mọi cách gia tăng ảnh hưởng chính trị và kinh tế, nhất là lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhằm thực hiện các chiến lược phát triển lâu dài của họ. Điều này càng đặt mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam trước những thách thức to lớn.
Trước bối cảnh mới của quốc tế, khu vực cũng như hai nước Việt - Lào có nhiều thay đổi, việc kịp thời điều chỉnh mọi lĩnh vực hợp tác, đặc biệt công tác đào tạo cán bộ cho nước bạn Lào rất cần thiết, đòi hỏi cần nghiên cứu nghiêm túc và đầy đủ hơn.
Mặc dù ở Việt Nam đã có nhiều công trình về quan hệ Việt-Lào nói chung và hợp tác đào tạo cán bộ nói riêng, song vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện về vấn đề này tiếp cận từ góc độ quan hệ quốc tế. Xuất phát từ những lý do trên, tôi đã chọn nội dung “Hợp tác Việt Nam-Lào trong lĩnh vực đào tạo cán bộ (2001-2015)” làm đề tài luận án Tiến sĩ (TS), chuyên ngành quan hệ quốc tế.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích
Luận án phân tích và làm rõ cơ sở lý luận, thực trạng hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực đào tạo cán bộ (2001-2015), từ đó rút ra những nhận xét đánh giá, đề xuất các giải pháp, kiến nghị phát triển lĩnh vực hợp tác này trong thời gian tới.
2.2. Nhiệm vụ
- Nghiên cứu tổng quan cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hợp tác đào tạo cán bộ giữa Việt Nam và Lào.
- Phân tích thực trạng và đánh giá kết quả quá trình hợp tác với những thành tựu, hạn chế chủ yếu trong hợp tác đào tạo cán bộ Việt Nam - Lào từ năm 2001 đến năm 2015.
- Đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đào tạo cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý cho nước CHDCND Lào, nhân tố góp phần bảo đảm để quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực đào tạo cán bộ, cụ thể là Việt Nam đào tạo cán bộ giúp Lào (2001-2015), nhất là đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý...
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Về không gian: Tập trung nghiên cứu thực tế tại các cơ quan đảng, các ban, bộ, ngành ở trung ương và địa phương; các tổ chức chính trị xã hội, các cơ sở giáo dục khác của Việt Nam đã và đang hợp tác đào tạo cán bộ cho Lào.
Về thời gian: Từ năm 2001 đến năm 2015, đây là khoảng thời gian Chính phủ hai nước CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào kết thúc triển khai thực hiện thỏa thuận Chiến lược hợp tác dài hạn 10 năm, giai đoạn (2001-2010), Hiệp định hợp tác trung hạn 5 năm, giai đoạn (2001-2005), (2005-2010) và (2010-2015) đã ký kết.
Về nội dung: Luận án nghiên cứu mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ, cụ thể là Việt Nam giúp đào tạo các cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cán bộ chính trị... cho Đảng và Nhà nước Lào.
4. Cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu và nguồn tài liệu
4.1. Cơ sở lý luận
Luận án tiếp cận từ góc độ quan hệ quốc tế với các lý thuyết cơ bản (Chủ nghĩa Hiện thực, Chủ nghĩa Tự do, Chủ nghĩa Kiến tạo, Chủ nghĩa Mác - Lênin), đồng thời dựa trên cơ sở phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng Cayxỏn Phômvihản, các quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại, chủ trương của hai Đảng, Nhà nước về phát triển mối quan hệ hữu nghị, truyền thống đặc biệt Việt Nam - Lào nói chung, lĩnh vực hợp tác đào tạo cán bộ nói riêng trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Các phương pháp nghiên cứu phổ biến thuộc lĩnh vực khoa học xã hội: Phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, đánh giá, logic học, chính trị học...
Các phương pháp cụ thể trong nghiên cứu quan hệ quốc tế: Phương pháp phân tích dựa trên các cấp độ (cá nhân, quốc gia, liên quốc gia và cấp độ toàn cầu), phương pháp lịch sử, phân tích chính sách, phân tích nội dung qua quan sát, nghiên cứu tài liệu, áp dụng những lí thuyết về quan hệ quốc tế (hợp tác và hội nhập, các quan điểm về cân bằng quyền lực, quyền lực mềm, chủ thể và lợi ích hợp tác trong quan hệ quốc tế…) để phân tích, đánh giá vấn đề.
4.3. Nguồn tài liệu
Luận án tham khảo, sử dụng những nguồn tài liệu gốc và tài liệu chuyên khảo sau:
Các văn kiện của Đảng bao gồm các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Chỉ thị, Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và Đảng Nhân dân Cách mạng (ĐNDCM) Lào. Các Hiệp định ký kết giữa hai Chính phủ, Thông tư liên bộ, Nghị định thư của các ban, bộ, ngành…
Các tư liệu chính thức của các Ban đảng, đoàn thể, Bộ ngành địa phương, các cơ sở đào tạo của Việt Nam và Lào (các văn kiện, báo cáo tổng kết, thống kê...). Ngoài ra, luận án tham khảo các tài liệu, số liệu từ Đại sứ quán Việt Nam tài Lào, Đại sứ quán Lào tại Hà Nội và các báo cáo của các tổ chức quốc tế... Các tham luận hội thảo khoa học, bài viết đăng tải trên các báo, tạp chí trong nước và quốc tế, các bài phát biểu, bài viết của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước hai nước Việt – Lào và các luận án TS của Học viên Việt Nam và Lào....về quan hệ hai nước nói chung trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nói riêng cũng là nguồn tài liệu tham khảo quý cho luận án.
5. Đóng góp của luận án
- Luận án là công trình nghiên cứu đầu tiên tiếp cận từ góc độ quan hệ quốc tế với việc vận dụng các lý thuyết cơ bản để làm sáng tỏ hơn hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực đào tạo cán bộ (2001-2015), từ đó giúp hiểu rõ mối quan hệ hai nước trong thời gian qua.
- Thông qua việc phân tích thực trạng hợp tác hai nước Việt Nam – Lào trong đào tạo cán bộ, luận án đưa ra đánh giá về thành tựu, hạn chế, để nhận diện rõ hơn lĩnh vực hợp tác quan trọng này.
- Từ thực tiễn hợp tác đào tạo cán bộ giai đoạn 2001-2015, luận án đưa ra các gợi ý giải pháp tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
- Luận án là tài liệu tham khảo cần thiết cho giảng dạy, nghiên cứu, cho các cơ quan hai nước trong hợp tác đào tạo cán bộ, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.
6.Bố cục của luận án
Ngoài các phần Mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án gồm 04 chương với bố cục như sau: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu; Chương 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn về hợp tác đào tạo cán bộ giữa Việt Nam và Lào; Chương 3: Thực trạng hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực đào tạo cán bộ (2001-2015); Chương 4: Định hướng giải pháp tăng cường hợp tác Việt Nam-Lào trong lĩnh vực đào tạo cán bộ.
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. Những công trình nghiên cứu liên quan đến luận án
1.1.1. Những công trình nghiên cứu về Lào và quan hệ Việt Nam – Lào
1.1.1.1.Những công trình nghiên cứu về Lào
Có khá nhiều công trình nghiên cứu về Lào của các tác giả được công bố.[1] Bằng các phương pháp nghiên cứu tổng hợp liên ngành, đa ngành, cách tiếp cận các lĩnh vực khác nhau, nhiều công trình giúp người đọc có được những thông tin về CHDCND Lào như thành tựu cải cách và mở cửa ở Lào, chính sách đối ngoại của Lào, vị thế địa chiến lược của Lào trong liên kết khu vực và quốc tế, hiểu rõ hơn về Lào trong các mối quan hệ với các nước lớn, ASEAN và các nước láng giềng.
1.1.1.2. Những công trình nghiên cứu về quan hệ song phương Việt - Lào
Các công trình, đề tài, luận án, tạp chí nghiên cứu của nhiều tác giả, các nhà khoa học trong nước cũng như nước ngoài. [2] Với các cấp độ, cách thức tiếp cận, phương pháp nghiên cứu khác nhau, nhiều công trình đã góp phần gìn giữ những giá trị lịch sử, vun đắp mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
1.1.1.3. Những công trình nghiên cứu về quan hệ đa phương trong đó có hợp tác Việt - Lào
Việc nghiên cứu về quan hệ đa phương trong đó có hợp tác Việt Nam-Lào chủ yếu được tiếp cận theo hướng liên ngành, đa ngành của khoa học xã hội. Các công trình xem xét phân tích ở cả cấp độ đa phương, nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác tiểu khu vực, tăng cường liên kết trong khối ASEAN. Đẩy mạnh liên kết nội khối và với bên ngoài là nhiệm vụ hết sức cần thiết, nhất là với Việt Nam và Lào.
1.1.2.Những công trình nghiên cứu liên quan đến hợp tác đào tạo cán bộ
1.1.2.1.Tác giả Việt Nam:
Nguyễn Sĩ Tuấn (2004), Nguyễn Thị Phương Nam (2005), Phạm Văn Vang chủ biên (2009), Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (2009), Trần Quang Quý (2012), Lê Quang Mạnh (2017)...;
1.1.2.2.Tác giả nước ngoài:
Ních Khăm (2003), Bulma Ketkesone (2003), Khămphăn Vôngpha chăn (2009), Touxiong Bouasytongsue (2013) Đề cập đến hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực đào tạo còn có một số bài viết ở vài tạp chí và các công trình công bố khác.
1.2. Nhận xét, đánh giá tình hình nghiên cứu và những vấn đề liên quan đến luận án
1.2.1. Những kết quả đạt được
Thứ nhất, khẳng định cội nguồn quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Lào được sinh ra từ hợp tác chính trị đặc biệt thời chiến giữa hai nước, có nhiều khác biệt so với quan hệ hợp tác với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Củng cố và phát triển mối quan hệ chiến lược này luôn là sự nghiệp chung của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Thứ hai, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cayxỏn Phômvihẳn và các lãnh tụ của hai Đảng, hai Nhà nước được phản ánh đậm nét trong quá trình xây đắp mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào.
Thứ ba, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có quan hệ hết sức thân thiết, là chỗ dựa vững chắc cho nhau khi cả hai nước cùng tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập. Hợp tác Việt Nam-Lào nói chung, trong lĩnh vực đào tạo cán bộ nói riêng đã đạt được những thành tựu nổi bật, song trong bối cảnh mới đang diễn ra phức tạp, khó lường đang đặt ra những thách thức mới cần phải có sự điều chỉnh và thực thi các giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả hợp tác, nhất là trong đào tạo cán bộ.
Thứ tư, hợp tác giáo dục và đào tạo với các nước trong khu vực vừa phù hợp với xu thế chung, tạo lợi thế cho các nước phát huy nội lực, tăng cường đối thoại,vừa thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực, đem lại lợi ích to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, phù hợp với đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế.
1.3. Những vấn đề luận án cần tiếp tục làm rõ
Những vấn đề các công trình nghiên cứu chưa làm rõ:
Thứ nhất, vẫn chưa có công trình nào tiếp cận từ khía cạnh quan hệ quốc tế để nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện, sâu sắc và cập nhật, đề cập trực diện đến hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai nước ở cấp độ quốc gia, quốc tế trong khoảng thời gian dài (2001-2015), đây thực sự là một khoảng trống trong nghiên cứu về mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung, lĩnh vực đào tạo cán bộ nói riêng.
Thứ hai, hợp tác đào tạo cán bộ là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Lào. Song, nghiên cứu về lĩnh vực hợp tác này trên thực tế chỉ được đề cập ở một số bài tạp chí, hội thảo hay luận án, còn rất tản mạn và sơ lược, chỉ phần nào khái quát được sự cần thiết trong hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là giai đoạn 2001-2015.
Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các kết quả nghiên cứu liên quan, luận án cố gắng tập trung làm rõ và giải quyết những nhiệm vụ sau:
Một là: Tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của hợp tác đào tạo cán bộ giúp Lào, một nhiệm vụ chính trị quan trọng chiến lược, góp phần vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Lào.
Hai là: Phân tích đầy đủ, sâu sắc hơn thực tiễn hợp tác hai nước trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng và Nhà nước Lào, từ các ban, bộ, ngành, tại hệ thống các trường đoàn thể trung ương và các cơ sở đào tạo, các trường hữu nghị, hệ thống trường Đảng, các tỉnh, thành phố và các địa phương từ năm 2001-2015.
Ba là: Nhận xét, đánh giá, phát hiện những vấn đề mang tính khách quan, đưa ra các giải pháp đồng bộ, toàn diện đối với các bên liên quan để khắc phục tồn tại hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Lào trong thời gian tới.
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ HỢP TÁC ĐÀO TẠO CÁN BỘ GIỮA VIỆT NAM – LÀO
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.1. Các lý thuyết quan hệ quốc tế liên quan đến đề tài
2.1.1.1.Chủ nghĩa Hiện thực
Theo cách lý giải của Chủ nghĩa Hiện thực, hợp tác giáo dục đào tạo giúp các nước liên minh, liên kết, tạo nên sức mạnh quyền lực mềm, thêm thế và lực khi đàm phán, nhằm đạt được mục tiêu trong quan hệ quốc tế. Việt Nam và Lào là hai chủ thể trong quan hệ quốc tế, hai nước láng giềng có quan hệ đặc biệt gắn bó keo sơn trong suốt chiều dài lịch sử. Hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai nước là hành vi hợp tác tự nguyện ở cấp độ quốc gia giữa hai Chính phủ, để giữ vững an ninh, chính trị, tiếp tục xây dựng lòng tin, tạo sức mạnh tổng hợp quan trọng chống lại âm mưu diễn biến hòa bình và những tác động tranh giành ảnh hưởng từ các nước láng giềng, phương Tây tại Lào. Hợp tác đào tạo cán bộ góp phần củng cố quá trình hội nhập và phát triển bền vững của mỗi nước, tăng cường gắn kết, sự hiểu biết sâu đậm giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
2.1.1.2. Chủ nghĩa Tự do
Dưới lăng kính Chủ nghĩa Tự do, các nước quan tâm hơn đến lợi ích với cái nhìn lâu dài, hợp tác để tối đa hóa lợi ích. Việt Nam và Lào là hai quốc gia độc lập và tự chủ. Trong suốt tiến trình lịch sử, quan hệ Việt Nam - Lào trở nên gắn bó đều vì lợi ích sống còn của hai nước. Đào tạo cán bộ giúp Lào là lĩnh vực hợp tác truyền thống, lâu dài giữa hai nước. Tương lai mỗi nước tuy đều có chính sách đối ngoại riêng, hơn ai hết, hai nước luôn nhận thức lợi ích chung để tiếp tục chia sẻ và cùng nhau hợp tác. Trong quá trình hội nhập, dù chính sách đối ngoại hai nước có thay đổi cho phù hợp với bối cảnh khu vực và thực tiễn mỗi nước, cho dù lãnh đạo hai nước trải qua các thời kỳ có thay đổi, song quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Lào vẫn luôn được chú trọng, để bảo vệ chủ quyền và lợi ích, cũng như đảm bảo sự tồn tại lâu dài của hai nước. Hợp tác đào tạo cán bộ giúp Lào góp phần bảo đảm lợi ích, lan tỏa, tạo sức mạnh mềm tác động hài hòa đến các lĩnh vực hợp tác khác…vì lợi ích chung cũng như của mỗi bên, góp phần phát triển quan hệ bền vững, vun đắp hòa bình, ổn định và an ninh khu vực nói chung và các nước láng giềng nói riêng.
2.1.1.3. Chủ nghĩa Kiến tạo
Theo quan điểm trên của Chủ nghĩa Kiến tạo, quan hệ Việt Nam - Lào là một mối quan hệ đặc biệt, có hoạt động hợp tác hết sức chặt chẽ, vì các mục đích chiến lược, vượt qua những quan hệ đối tác thông thường cùng hướng tới mục tiêu chiến lược chung. Mối quan hệ này thực chất được kiến tạo trong quá trình lịch sử, sự gắn bó khăng khít về vận mệnh giữa hai dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và sự nghiệp phát triển phồn vinh hiện nay; được kiến tạo trong nhận thức, quan điểm lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước…tạo nên sự nhất trí chung vì mục tiêu phát triển của hai đất nước, hai dân tộc.
Dưới góc nhìn của Chủ nghĩa Kiến tạo, hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực đào tạo cán bộ đề cao con người, tập trung đào tạo tầng lớp có nhận thức, có tiếng nói trong xã hội, giúp hai nước tăng cường hiểu biết lẫn nhau, vì sự phát triển của mỗi nước cũng như sự ổn định hòa bình của khu vực, quốc tế. Trải qua quá trình lịch sử, đội ngũ cán bộ được đào tạo sẽ có tình cảm gắn bó với Việt Nam, là cầu nối bền chặt gắn kết mối quan hệ đồng chí, láng giềng, anh em. Theo Chủ nghĩa Kiến tạo, hợp tác đào tạo cán bộ Lào góp phần hình thành những giá trị, chuẩn mực và bản sắc chung giữa hai nước, mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào cùng chung cội nguồn lại ngày càng phát triển tốt đẹp, đơm hoa kết trái.
2.1.1.4. Chủ nghĩa Mác-Lênin
Chủ nghĩa Mác - Lênin làm cơ sở lý luận cho sự cần thiết tăng cường đoàn kết, tình nguyện giúp đỡ nhau, hợp tác trên tinh thần anh em, đồng chí của hai nước Việt Nam - Lào. Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đào tạo cán bộ thể hiện tình đoàn kết keo sơn, giúp đỡ nhau trên tinh thần quốc tế vô sản. Đây cũng là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, góp phần quan trọng vào việc ổn định, giữ vững an ninh, chính trị, bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, xây dựng môi trường quốc tế hòa bình, hợp tác, phát triển, tin cậy lẫn nhau; tạo nguồn lực quan trọng từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa mỗi nước.
2.1.2. Các khái niệm liên quan đến hợp tác đào tạo cán bộ cho Lào
2.1.2.1. Khái niệm Cán bộ
Luận án đưa ra quan niệm về cán bộ của các nhà kinh điển Các Mác, Ănghen, Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihẳn, từ khái niệm cán bộ Lào xuất hiện ở vùng giải phóng của Mặt trận Lào yêu nước, đến khái niệm cán bộ ngày nay cũng như trong mối quan hệ hợp tác đào tạo giữa hai nước Việt Nam - Lào, tạo nên sự nhất quán về vai trò của cán bộ và tầm quan trọng của hợp tác đào tạo cán bộ ở từng bối cảnh lịch sử cụ thể.
Thuật ngữ “cán bộ” được nhắc đến trong luận án ngày nay được hiểu đồng nghĩa với công chức, nhà chức trách. Đó là những người được tuyển chọn, bổ nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên ở các bộ, cơ quan trung ương, địa phương hoặc ở cơ quan đại diện CHDCND Lào ở nước ngoài, được hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước, được cử sang đào tạo, bồi dưỡng tại các trường cao đẳng, đại học, các chương trình đào tạo Thạc sĩ (Ths), Nghiên cứu sinh (NCS); bồi dưỡng nâng cao trình độ, ngắn hạn…tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam. Luận án còn làm rõ các đối tượng cán bộ diện Hiệp định, diện ngoài Hiệp định, diện tự túc, các đối tượng cán bộ được nhận học bổng toàn phần, bán phần…
2.1.2.2. Khái niệm Hợp tác trong quan hệ quốc tế
“Hợp tác quốc tế là sự phối hợp hòa bình giữa các chủ thể quan hệ quốc tế nhằm thực hiện các mục đích chung” [173, tr.14]. Đoàn kết quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển là đặc trưng quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Sau khi đất nước thống nhất, tuyên bố độc lập, chủ quyền, trong Lời kêu gọi Liên Hợp Quốc, Hồ Chí Minh đã nêu rõ chính sách đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (12/1946): “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực” [165, tr 470].
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.1.Các nhân tố tạo nên hợp tác đào tạo cán bộ giữa Việt Nam - Lào
2.2.1.1. Các nhân tố tạo nên mối quan hệ Việt – Lào
Quan hệ đoàn kết truyền thống đặc biệt Việt Nam-Lào bắt nguồn từ các nhân tố địa chiến lược, địa lịch sử, địa chính trị, địa văn hóa, địa kinh tế của hai nước. Nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò các nhân tố, hợp tác đào tạo cán bộ, gia tăng sức mạnh nội tại mỗi nước là vấn đề có tính chiến lược to lớn. Chú trọng hợp tác đào tạo cán bộ cho cho Đảng và Nhà nước Lào, phát huy tích cực lợi thế các nhân tố, tăng cường trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến quốc tế và khu vực là giải pháp tiếp tục duy trì, củng cố, vun đắp quan hệ đặc biệt ngày càng phát triển.
2.2.1.2. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đặt nền móng cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào và công tác đào tạo cán bộ Lào
Nguyễn Ái Quốc là người đặt đã nền móng cho mối quan hệ Việt-Lào chuyển từ quan hệ truyền thống thành quan hệ đặc biệt. Người đã chủ động sáng lập ĐCSVN, tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, lãnh đạo cách mạng Đông Dương giải phóng dân tộc. Tuyên bố độc lập, thành lập Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 02/9/1945, Chính phủ Lào Ítxala (Lào tự do) ngày 12/10/1945 là kỳ tích đầu tiên trong mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào.
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh rất quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng. Người cũng tiến hành mở các khóa đào tạo, huấn luyện cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc), gửi cán bộ Lào đi học Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản tại Liên Xô. Giữa năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân công đồng chí Võ Nguyên Giáp gặp đồng chí Cayxỏn Phômvihản để truyền kinh nghiệm đào tạo cán bộ, vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị [103, tr 341]. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng thực lực cho cách mạng Lào. Người còn thường xuyên gặp gỡ, làm việc trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo cách mạng Lào (như Xuphanuvông, Cayxỏn Phômvihẳn...) để triển khai nhiệm vụ đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở cách mạng.
2.2.1.3. Chính sách đối ngoại của Việt Nam-Lào về mối quan hệ hai nước
Quan hệ Việt Nam và Lào là mối quan hệ hữu nghị truyền thống đoàn kết đặc biệt, trải dài trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc Xã hội chủ nghĩa ngày nay. Tăng cường hợp tác Việt-Lào là nhu cầu tự thân, tinh thần tự nguyện của hai dân tộc, hợp tác để phát triển đất nước. Lãnh đạo hai Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào luôn khẳng định quyết tâm tiếp tục giữ gìn, bảo vệ và phát triển mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Điều đó càng thể hiện rõ quan điểm nhất quán, lâu dài của hai Đảng cũng như trong các văn kiện của Đảng qua các kỳ Đại hội từ trước đến nay, và gần đây là Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của ĐCSVN và Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ X của ĐNDCM Lào.
Thế kỷ 21 thế giới tiếp tục chứng kiến nhiều biến đổi phức tạp và khó lường. Toàn cầu hoá tiếp tục phát triển sâu rộng và tác động tới tất cả các nước. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, cả Việt Nam và Lào không nằm ngoài xu thế đó. Là thành viên của ASEAN, hai nước đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, hợp tác tốt trong các vấn đề liên quan đến khu vực, thúc đẩy hợp tác song phương trong khuôn khổ ASEAN, tại các diễn đàn quốc tế như ASEAN +3, AIPA, Liên Hợp quốc, phong trào không liên kết, hành lang kinh tế Đông Tây, Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, Tiểu vùng sông Mê Kông...Dù tình hình thế giới có thay đổi, song đường lối đối ngoại của hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào luôn nhất quán. Hai nước tiếp tục kề vai sát cánh, cùng nhau vun đắp, phát triển mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết tiến lên một bước mới, ở các lĩnh vực, các tổ chức Đảng, Nhà nước, tổ chức quần chúng, từ trung ương đến địa phương.
2.2.2. Quan điểm về hợp tác đào tạo cán bộ cho Đảng và Nhà nước Lào
Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, để hội nhập và phát triển, tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng Cayxỏn Phômvihản, hai nước chú trọng hợp tác đào tạo cán bộ, để đội ngũ cán bộ Lào có đủ năng lực lãnh đạo đất nước, thực hiện mục tiêu của CHDCND Lào, xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thịnh vượng, đủ khả năng hội nhập và cạnh tranh quốc tế, tạo thế và lực tiếp tục củng cố và vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, từng bước khẳng định vị thế hai nước trong khu vực và trên thế giới.
ĐCSVN luôn giữ quan điểm coi việc đào tạo cán bộ giúp Lào là một nhiệm vụ quốc tế đặc biệt có tính lịch sử kế thừa, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng của mình. Trong mọi thời kỳ lịch sử, ưu tiên quan tâm công tác đào tạo cán bộ Lào là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, góp phần vun đắp mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai.
2.2.3. Thực trạng cán bộ Lào và nhu cầu đào tạo cán bộ cho Lào
Thực tế hiện nay nguồn nhân lực của Lào đang thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, bất cập về cơ cấu, trình độ năng lực thực tế chưa tương xứng với văn bằng. Cán bộ chuyên gia hoạch định chính sách vĩ mô còn rất thiếu, cơ cấu độ tuổi, giới tính chưa hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước[250]. Từ những tồn tại này đòi hỏi tính cấp thiết của việc nghiên cứu đổi mới công tác cán bộ cho ĐNDCM Lào giai đoạn hiện nay. Phải có những giải pháp hữu hiệu để xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước Lào.
Nhu cầu hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực đào tạo cán bộ cho Đảng, Nhà nước Lào là rất lớn. Từ khi Lào gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, việc thay đổi mục tiêu đào tạo cán bộ công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chính trị, quản lý kinh tế lại cần thiết hơn bao giờ hết. Thời gian tới, Lào cần tập trung đào tạo, tăng cường nâng cao chất lượng cán bộ, nguồn nhân lực công nghệ cao, đón đầu cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.
Tiểu kết chương 2:
Hợp tác đào tạo cán bộ Việt Nam -Lào được hình thành và phát triển trên nền tảng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước, từ những trùng hợp lợi ích, sự tương đồng về ý thức hệ, trên cơ sở các nhân tố địa chiến lược, chính trị, lịch sử, kinh tế, văn hóa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng, cùng với Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản và các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp. Bốn lý thuyết quan hệ quốc tế được đề cập góp phần làm rõ các khía cạnh của quan hệ hai nước, làm sâu sắc thêm bản chất hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực đào tạo cán bộ. Bối cảnh quốc tế và mỗi nước đang thay đổi, song, hợp tác đào tạo cán bộ Việt Nam-Lào tiếp tục là nhiệm vụ chính trị chiến lược, đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ của Lào, góp phần vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước ngày một phát triển.
CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG HỢP TÁC VIỆT NAM - LÀO
TRONG LĨNH VỰC ĐÀO TẠO CÁN BỘ (2001-2015)
3.1.Nhìn lại quá trình Việt Nam hợp tác đào tạo cán bộ giúp Lào trước năm 2001
3.1.1. Giai đoạn 1954-1975
Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, cả hai nước Việt Nam và Lào cùng tiến hành cuộc cách mạng dân tộc, giành độc lập, tự do. Đảng Lao động Việt Nam đã cố gắng đào tạo các cán bộ chính trị cho Lào, đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và chất lượng. Các cán bộ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đảng ủy, Ban Chỉ huy tỉnh, khu đều được bồi dưỡng ngắn hạn về lý luận Mác-Lênin, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Cán bộ chiến sỹ và một số thanh thiếu niên Lào đầu tiên được sang Việt Nam học phổ thông tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Hợp tác đào tạo cán bộ lý luận chính trị, cán bộ giảng viên chính trị giữa hai nước được khởi đầu bằng hoạt động của Trường Đảng miền Tây Trung ương, sau thành trường Nguyễn Ái Quốc X... Thông qua nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng khác nhau, hàng ngàn cán bộ Lào được trang bị kiến thức cơ bản về chính trị và chuyên môn, bổ sung kịp thời đội ngũ cán bộ nòng cốt, đa số là cán bộ chủ chốt, cao cấp, góp phần không nhỏ tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cách mạng Lào, đưa cách mạng Lào đi đến thành công.
3.1.2. Giai đoạn 1975- 2000
Sau thắng lợi 30/4/1975 ở Việt Nam, 02/12/1975 ở Lào, cách mạng hai nước chuyển sang giai đoạn xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhu cầu đào tạo cán bộ trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Từ năm 1975-1990, ĐCSVN đã giúp Lào đào tạo 15.127 cán bộ đảng, đoàn thể, quần chúng, cán bộ an ninh, quốc phòng, cán bộ khoa học kỹ thuật [20]. Từ năm 1991-1995, Việt Nam đào tạo 1.540 học viên Lào [93, tr.192]. Từ năm 1996-2000, Việt Nam đào tạo 2.256 học viên Lào [225, tr.15]. Từ năm 1991-2000, Việt Nam đã đào tạo 3.642 học viên Lào đại học và sau đại học.[225, tr 15].
3.2. Khung pháp lý về hợp tác đào tạo cán bộ Việt Nam-Lào (2001-2015)
Trong vòng 15 năm, từ 2001- 2015, Việt Nam và Lào đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến hợp tác đào tạo cán bộ Lào. Trên cơ sở thực hiện thỏa thuận cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã ký kế hoạch hợp tác hằng năm cũng như chương trình hợp tác trung hạn và dài hạn. Hai bên lần lượt ký các Hiệp định về Hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Khoa học kỹ thuật 5 năm (2001-2005, 2006-2010, 2011-2015, 2016-2020), Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật 10 năm (2001-2010, 2011-2020) và hàng loạt các hiệp định, nghị định thư, thỏa thuận hợp tác khác.
Bên cạnh những thỏa thuận Chiến lược hợp tác, Hiệp định, Nghị định thư giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai Chính phủ, các ban, bộ, ngành, nhiều tỉnh, thành phố, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, các cơ sở đào tạo...đã ký biên bản ghi nhớ, thỏa thuận, kế hoạch, cam kết riêng trong khuôn khổ hợp tác để đào tạo trực tiếp hoặc tiếp nhận đào tạo Lào theo chế độ tự túc. Các tỉnh dọc biên giới hai nước cũng kết nghĩa, ký kết các văn bản, cùng nhau hợp tác trong nhiều lĩnh vực, giúp đỡ đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh bạn..
3.3. Tiêu chuẩn đối với cán bộ Lào học tại Việt Nam
3.3.1. Tiêu chuẩn chung đối với cán bộ Lào học Việt Nam
Cán bộ Lào sang Việt Nam học tập cần đạt các tiêu chí về trình độ học vấn, chuyên môn, về trình độ tiếng Việt, về sức khỏe, độ tuổi…
3.3.2. Tiêu chuẩn riêng đối với cán bộ Lào học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Các cán bộ CHDCND Lào học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ngoài việc đạt những tiêu chuẩn quy định chung đối với cán bộ Lào sang học tại Việt Nam, còn có những quy định riêng đối với từng hệ đào tạo (bồi dưỡng nghiệp vụ, cao cấp lý luận chính trị (hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính), cao học, NCS...
3.4. Công tác đào tạo cán bộ cho Đảng, Nhà nước Lào tại Việt Nam
3.4.1.Tại một số bộ ngành trung ương
Đến nay đã có nhiều bộ, ngành triển khai nhiệm vụ đào tạo cán bộ giúp Lào, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ quản và một số bộ, ngành khác như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...
3.4.2. Tại hệ thống trường Đảng
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho ĐNDCM Lào là nhiệm vụ quan trọng mà Bộ Chính trị, ban Bí thư Trung ương Đảng giao cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trong những năm qua, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trung tâm đào tạo cán bộ chính trị, ngôi trường cao cấp nhất của ĐCSVN đã thường xuyên tiếp nhận, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý cho CHDCND Lào theo Hiệp định đào tạo giữa các bên.
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giúp Lào: từ trung cấp, cao cấp lý luận chính trị, đại học chính trị, hoàn chỉnh kiến thức đại học chính trị và một số chuyên ngành khác ở các Học viện trực thuộc, đào tạo cao học, NCS, bồi dưỡng cán bộ các chuyên ngành đối ngoại, kiểm tra, tổ chức, tuyên huấn, đối ngoại, báo chí, xuất bản, đào tạo giảng viên lý luận chính trị, đặc biệt là cán bộ giảng dạy của Học viện Chính trị -Hành chính Quốc gia Lào và các trường chính trị tỉnh, thành phố của Lào...Ngoài đào tạo TS hệ tập trung dài hạn, Học viện đã đào tạo thêm TS hệ không tập trung cho các cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước Lào và hệ hoàn chỉnh kiến thức đại học chính trị cho các cán bộ Lào đã từng học tập tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Trường Nguyễn Ái Quốc X và Trường Nguyễn Ái Quốc Đặc biệt trong các thời kỳ trước đây.
3.4.3. Tại các trường đoàn thể trung ương và các trường Hữu nghị
3.4.3.1. Tại các trường đoàn thể trung ương
Các trường đoàn thể trung ương (do các Đoàn thể chính trị xã hội giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo của ngành) tham gia đào tạo giúp Lào, gồm có: Trường Đại học Công đoàn (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Học viện Phụ nữ Việt Nam (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam (thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh). Đối tượng tham gia các khoá học là cán bộ đoàn thể cấp huyện, tỉnh và trung ương của Lào. Kết quả đã đào tạo và bồi dưỡng được hàng nghìn cán bộ đoàn thể các cấp cho Lào.
3.4.3.1. Tại các trường Hữu nghị
Trường Hữu nghị T78 thường gọi là “trường Lào”, chủ yếu đào tạo tiếng Việt tại Việt Nam cho cán bộ chủ chốt Lào để tiếp tục học tại hệ thống trường Đảng (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề khác. Bên cạnh cán bộ diện Hiệp định, trường còn tiếp nhận diện hợp tác liên kết các ngành, địa phương Việt Nam kết nghĩa với Lào tài trợ, số ít là diện tự túc kinh phí.
Trường Hữu nghị 80 tiền thân từ Trường Phổ thông Hữu Nghị 80, đào tạo Tiếng Việt và dự bị đại học cho học viên Lào đã tốt nghiệp phổ thông trung học, để đủ điều kiện vào học năm thứ nhất tại các trường đại học ở Việt Nam. Số đông từ con em các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước Lào, một số là học sinh có đạt kết quả học tập xuất sắc. Trường Hữu nghị 80 còn bồi dưỡng tiếng Việt cho học viên Lào trình độ sau đại học; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn từ 2-3 tháng cho giáo viên các tỉnh của Bạn.
3.4.4. Tại các tỉnh, thành phố và các địa phương
Một số tỉnh, thành phố đã chủ động hợp tác đào tạo cho các địa phương Lào, bao gồm chính quy, bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn, đào tạo tiếng Việt, đại học và sau đại học; cao đẳng, trung học nghề, dạy nghề, theo khả năng, thế mạnh của từng địa phương và nhu cầu của Bạn. Đối tượng là cán bộ đang công tác tại các cơ quan, ban, ngành, tỉnh thành của Lào, học sinh đã tốt nghiệp phổ thông, tự túc kinh phí hoặc được giúp đỡ của các tổ chức quốc tế dành cho Lào.
Nhiều tỉnh, thành phố, địa phương Việt Nam, chủ yếu các tỉnh giáp biên, kết nghĩa với các địa phương Lào và triển khai hợp tác đào tạo cán bộ có hiệu quả với các địa phương Lào như: Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Nghệ An Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh.
3.5. Thực trạng hợp tác đào tạo cán bộ Lào tại Việt Nam (2001-2015)
3.5.1.Giai đoạn 2001-2005
Từ năm 2001-2005, Việt Nam đã đào tạo 3.360 cán bộ Lào gồm 2.434 hệ dài hạn và 926 hệ ngắn hạn, tăng 12, 94% so với thỏa thuận Hiệp định đã ký [94, tr.193]. Hai bên tiếp tục nâng cao chất lượng, mở rộng đào tạo Lào hệ đại học, sau đại học, bồi dưỡng cán bộ chính trị, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cán bộ đang làm việc tại các chương trình, dự án, tập trung ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị, lãnh đạo, quản lý, tăng từ 130 người năm 2001 lên 225 người năm 2005 [26, tr.57]. Trong 5 năm, hàng ngàn cán bộ tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Việt Nam đã đào tạo, bồi dưỡng 586 cán bộ chính trị Lào, trong đó có 40 cán bộ cao cấp, 105 cán bộ cấp vụ và tương đương. Đã đào tạo 215 Ths và TS, 1008 cử nhân kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, an ninh, quốc phòng. [94, tr. 193]
Chế độ chính sách giai đoạn này thực hiện theo Thông tư 91/2001/ TTLB TC-KHĐT ngày 09/11/2001 của liên Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn chế độ chính sách đối với học sinh Lào và Campuchia học tại Việt Nam; tăng so với thời kỳ 1996-2000 theo Thông tư liên bộ số 68/TTLB-TC-KH ngày 04/11/1996 của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 20% ở bậc đại học; 35% ở bậc cao học và 61% hệ bồi dưỡng ngắn hạn. Suất chi phí đào tạo được điều chỉnh chủ yếu cho sinh hoạt phí mà cán bộ Lào được hưởng. Tỷ lệ phần kinh phí chi tiêu và được hưởng của cán bộ Lào đã chiếm tới 47,6% trong suất chỉ đào tạo hàng năm.
3.5.2. Giai đoạn 2006-2010
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào lên một bước mới, giai đoạn 2006-2010. Trước yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Lào, theo đề nghị của Bạn, hằng năm Việt Nam đã tăng số lượng học bổng dành cho Lào, tiếp nhận vượt chỉ tiêu thỏa thuận để đào tạo dài hạn đại học, sau đại học, hệ chính quy, tập trung, tại chức, bồi dưỡng ngắn hạn (các ngành kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, quốc phòng, an ninh, đoàn thể, chính trị xã hội...).
Giai đoạn 2006-2010, Việt Nam cấp mới 3.518 suất học bổng cho cán bộ Lào. Bình quân lượng cán bộ Lào học tại Việt Nam diện Hiệp định là 2398 người/năm, tăng 27,2% so với 2001-2005. Trong 5 năm (2006-2010) Việt Nam tiếp nhận 973 lượt cán bộ Lào sang học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, quản lý. So với 5 năm trước, số lượng cán bộ Lào tăng gấp 1,78 lần, vốn dành cho đào tạo tăng 2,31 lần. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong vốn kinh phí viện trợ không hoàn lại giúp Lào thực hiện các chương trình mục tiêu thì 62,1% nguồn vốn dành đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo cán bộ Lào tại Việt Nam (43,17% vốn để đào tạo cán bộ Lào tại Việt Nam, 18,9% vốn xây dựng cơ sở vật chất đào tạo tại Lào).
Về chế độ chính sách hợp tác đào tạo cán bộ Lào giai đoạn 2006-2010: Năm 2006, Thông tư số 16/2006/TT-BTC ngày 07/3/2006 của Bộ Tài chính được ban hành thay thế Thông tư 91, trong đó quy định chế độ suất chi đào tạo cán bộ Lào học tập tại Việt Nam, phần học bổng học viên được nhận trực tiếp (gồm tiền ăn, tiền mặc và tiêu vặt). Theo Thông tư số 16, cán bộ Lào diện Hiệp định được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi như được cấp học bổng, sinh hoạt phí, ở ký túc xá, được trang cấp ban đầu, tài liệu, giáo trình học tập theo quy định; được chăm sóc sức khỏe, mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ phương tiện đi lại, kinh phí đi về vào các dịp nghỉ hè, lễ Tết, các thủ tục tạm trú, xuất nhập cảnh,v.v…Học bổng tăng khoảng 160% so với trước đây, điều kiện sinh hoạt và học tập của cán bộ Lào tại Việt Nam dần được cải thiện.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Thông tư 16 còn có nhiều bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ kinh phí học tập và sinh hoạt tại các cơ sở đào tạo Bộ Công an Việt Nam, đặc biệt tiền ăn của học viên Lào còn thấp hơn mức của học viên Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ an ninh Lào. Sau hai năm thực hiện Thông tư 16, Bộ Tài chính đã bước đầu điều chỉnh tiền ăn cho học viên Lào tại Việt Nam theo Thông tư số 41/2008/TT-BTC ngày 22/5/2008, hỗ trợ tiền thêm khoảng 50% so với quy định tại Thông tư số 16.
3.5.3. Giai đoạn 2011-2015
Theo số liệu thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2011-2015, số cán bộ Lào được đào tạo theo diện Hiệp định là 2.606 người. Mỗi năm Việt Nam tăng từ 10% học bổng trở lên, trong đó một số chỉ tiêu thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, duy trì đến năm 2020, gồm tập huấn ngắn hạn cho cán bộ các ban Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, an ninh, quốc phòng, bộ, ngành địa phương; đào tạo TS, Ths, Cử nhân.
Trong 5 năm giai đoạn (2011-2015) số lượng cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng tăng khá nhanh. Hết năm 2011, Việt Nam có 127 cơ sở giáo dục đào tạo Lào với số lượng 5.507 người [206] (gần 4000 học viên diện ngoài Hiệp định), thì đến đầu năm 2015, đã có 150 cơ sở đào tạo 9.295 người, trong đó: Diện Hiệp định là 3.780 người, hợp tác giữa các địa phương, bộ ngành: 3.090 người, các tổ chức quốc tế tài trợ: 20 người, các doanh nghiệp tài trợ: 110 người; diện tự túc là 2.295 người.
Chế độ chính sách đào tạo cán bộ Lào giai đoạn 2011-2015 tiếp tục áp dụng Thông tư có hiệu lực đang thực hiện từ giai đoạn 2006-2010 cho đến khi ban hành Thông tư mới, Thông tư 120/2012/TT-BTC ngày 24/7/2012 của Bộ Tài chính về chế độ suất chi đào tạo học sinh Lào và học sinh Campuchia (diện Hiệp định) học tập tại Việt Nam. Ngoài phần học bổng được nhận trực tiếp (gồm tiền ăn, tiền trang phục và tiêu vặt), các chế độ ngày lễ, Tết, trang cấp ban đầu, tiền thực tế, tiền chi phí luận văn, luận án, tiếp khách, chế độ đi lại, các hoạt động thể thao, văn nghệ... được trang cấp theo định mức, bảo đảm các điều kiện sinh hoạt và học tập tại Việt Nam. Đến ngày 24/9/2014, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư số 140/2014/TT-BTC, sửa đổi một số điều của Thông tư số 120, có hiệu lực thi hành vào ngày 01/12/2015, trong đó học bổng cho học viên Lào tăng thêm 25%.
3.6. Đánh giá kết quả hợp tác đào tạo cán bộ Việt Nam - Lào (2001-2015)
3.6.1. Những thành tựu đạt được
Trong những năm qua, hợp tác giáo dục, đào tạo là một trong những lĩnh vực hợp tác hiệu quả nhất giữa hai nước. Điểm lại quá trình hợp tác đào tạo cán bộ giúp Lào, trên tinh thần đoàn kết đặc biệt Việt - Lào, qua các giai đoạn, từ năm 2001-2015, hợp tác đào tạo cán bộ cho CHDCND Lào đạt được những thành tựu đáng kể với : quy mô hợp tác ngày càng phát triển, hình thức ngày càng đa dạng, phạm vi hợp tác được mở rộng, đối tượng, số lượng cán bộ Lào được đào tạo ngày một tăng, loại hình hợp tác ngày càng phong phú.
Việt Nam đã chủ động từng bước điều chỉnh những bất cập, nhằm nâng cao chất lượng hợp tác đào tạo cán bộ Lào. Với sự nỗ lực của hai bên, trên tinh thần quan hệ đặc biệt, hợp tác giáo dục và đào tạo hai nước có nhiều chuyển biến, trong quá trình thực hiện, chất lượng đào tạo cán bộ từng bước được cải thiện, cụ thể: Việc tuyển chọn cán bộ đầu vào diện Hiệp định có chuyển biến tốt hơn. Vấn đề đảm bảo chất lượng đào tạo tiếng Việt học viên Lào cũng được chú trọng với việc điều chỉnh chương trình, phương pháp đào tạo cho phù hợp hơn với điều kiện thực thực tiễn hai nước. Công tác tổ chức, quản lý đào tạo Lào dần thực hiện nghiêm túc. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy và học được đầu tư nâng cấp. Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, truyền thống được chú trọng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, các các cơ sở đào tạo Lào tại Việt Nam đã cố gắng, nỗ lực, dần cải thiện điều kiện sinh hoạt, học tập, cơ sở vật chất, đời sống cán bộ Lào ngày càng được quan tâm hơn. Hàng năm, các cán bộ Lào đều được đi thăm quan, dã ngoại, tham dự lễ, tết; tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, nhằm tăng thêm hiểu biết về truyền thống đất nước, con người Việt Nam cũng như mối quan hệ đặc biệt của hai nước.
Việt Nam không ngừng tăng viện trợ để đào tạo cán bộ cho Lào. Bên cạnh nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước qua những Hiệp định, thỏa thuận hợp tác cấp Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố và các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã ký kết các dự án hợp tác đào tạo, bồi dưỡng của các bộ, ngành, chương trình kết nghĩa, đào tạo trực tiếp với các đối tác Lào, tiếp nhận cán bộ Lào qua các nguồn tài trợ khác theo chế độ tự túc kinh phí. Hầu hết các tỉnh, thành phố, các địa phương Việt Nam kết nghĩa, hợp tác song phương với các địa phương Lào đều dành kinh phí cấp học bổng đào tạo cán bộ cho Lào.
3.6.2. Những hạn chế tồn tại
3.6.2.1.Về cơ chế phối hợp giữa hai bên
Cơ chế phối hợp giữa hai bên chưa chặt chẽ, đồng bộ trong việc thực hiện Nghị định thư, các cam kết, thỏa thuận, quy chế, quy định đào tạo. Đối với các chương trình hợp tác kết nghĩa giữa các địa phương, một số nội dung hợp tác còn theo ý muốn chủ quan từ phía Lào, vượt quá cam kết giữa hai Chính phủ và khả năng của các bộ, ngành, địa phương mỗi bên. Khi chọn cử cán bộ đi học, có lúc Bạn chưa thực hiện tốt các quy định điều kiện với từng bậc học, cán bộ học sau đại học có chuyên ngành không phù hợp. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành chức năng cũng như các cơ quan quản lý học viên Lào hai nước chưa thường xuyên và đồng bộ, đặc biệt là diện tự túc kinh phí.
3.6.2.2. Về công tác quản lý đào tạo
Công tác quản lý đào tạo cán bộ Lào còn chưa chặt chẽ. Tại các địa phương chưa có sự quản lý chung, thống nhất về kế hoạch, nội dung chương trình, thời gian đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Lào. Công tác quản lý, chăm lo tổ chức cuộc sống vật chất, tinh thần cho Bạn có lúc chưa chu đáo. Chưa có quy định chế độ khen thưởng riêng đối với cán bộ Lào có thành tích cao trong quá trình đào tạo...
3.6.2.3. Về công tác tuyển sinh
Công tác tuyển sinh còn chưa chặt chẽ, chất lượng chưa cao, trình độ tiếng Việt còn hạn chế. Diện cử tuyển đôi khi Bạn chưa phân loại, sàng lọc đối tượng dựa trên năng lực, khả năng học tập thực tế. Hồ sơ gửi sang Việt Nam còn chậm, gây khó khăn cho quá trình tuyển sinh, đào tạo, quản lý, cấp văn bằng...
3.6.2.4. Về chất lượng đào tạo
Chất lượng đào tạo vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục: về chương trình đào tạo, về giáo trình, tài liệu học tập, đội ngũ giáo viên, đào tạo tiếng Việt, về điều kiện cơ sở vật chất, tổ chức nghiên cứu thực tế....
3.6.2.5. Về chế độ chính sách
Chế độ chính sách còn nhiều bất cập cần cải thiện. Kinh phí dành cho nghiên cứu thực tế còn hạn hẹp. Công tác phiên dịch tiếng Lào gặp khó khăn cả về lực lượng lẫn chế độ thù lao, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Kinh phí do đơn vị đào tạo quản lý và cá nhân học viên được hưởng chưa được phân định rõ ràng, không thống nhất nên khó thực hiện... Về phía Lào, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ Lào được đi học Việt Nam còn ít.
Tiểu kết chương 3
Tiếp nối chặng đường đào tạo cán bộ giúp Lào trước năm 2001, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, các chiến lược hợp tác, thỏa thuận, hiệp định hợp tác giữa Việt Nam-Lào, từ năm 2001-2015, mặc dù còn nhiều khó khăn, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương vẫn tiếp tục dành ưu tiên cho hợp tác đào tạo cán bộ với Lào. Xác định đào tạo cán bộ Lào là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, tùy theo tính chất, chức năng, nhiệm vụ và khả năng của mình, các ban bộ ngành, các tỉnh thành phố, địa phương, các cơ sở đào tạo đều cố gắng đóng góp vào sự nghiệp đào tạo cán bộ giúp Bạn, củng cố và phát triển quan hệ láng giềng, hữu nghị đặc biệt, lâu dài và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Với việc thực hiện các chiến lược, hiệp định hợp tác ký kết giữa hai Chính phủ cũng như kế hoạch hợp tác mỗi năm, ở từng lĩnh vực, hợp tác đào tạo cán bộ Việt Nam - Lào đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về cán bộ cho Đảng và Nhà nước Lào. Dù Việt Nam đã có nhiều cố gắng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo cho phù hợp với thực tế,, hợp tác đào tạo cán bộ giúp Lào giai đoạn 2001-2015 vẫn còn những hạn chế tồn tại cần khắc phục, rút kinh nghiệm cho thời gian tới.
CHƯƠNG 4: ĐỊNH HƯỚNG GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC VIỆT NAM – LÀO TRONG LĨNH VỰC ĐÀO TẠO CÁN BỘ
4.1. Mục tiêu, phương hướng, triển vọng hợp tác đào tạo cán bộ Lào
4.1.1. Mục tiêu
Tiếp tục khẳng định hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giúp CHDCND Lào là nhiệm vụ chính trị đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Đây chính là hạt nhân góp phần cũng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, bảo đảm cho mối quan hệ Việt Nam - Lào tiếp tục phát triển bền vững giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong tương lai.
4.1.2. Phương hướng
Trong những năm tới, cả Việt Nam và Lào cần có tầm nhìn chung dài hạn, một tầm nhìn chiến lược được xây dựng và thực hiện trong bối cảnh khu vực và từng nước có những thuận lợi, khó khăn đan xen, cùng những chuyển biến rất mau lẹ, hai nước Việt Nam–Lào đang phấn đấu nâng tầm quan hệ hữu nghị lên tầm cao mới theo phương châm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là lĩnh vực đào tạo cán bộ.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong công tác đổi mới đào tạo cán bộ cho Lào. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ căn bản, toàn diện công tác đào tạo cán bộ Lào trong hệ thống chính trị, trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và trong toàn xã hội.
Tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ của Đảng - Nhà nước. Tập trung bồi dưỡng, đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý trung và cao cấp trong hệ thống chính trị, cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước. Ưu tiên tuyển chọn cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ nguồn trong hệ thống chính trị Lào, chú trọng đào tạo con em cán bộ cao cấp, gia đình có công với cách mạng, những sinh viên, thanh niên có thành tích xuất sắc trong học tập và công tác sang đào tạo cán bộ nguồn tại Việt Nam Chú trọng đào tạo các thế hệ cán bộ trẻ để chuẩn bị tốt cho sự chuyển giao quyền lực trong tương lai, coi đây là một trong những chính sách quan trọng nhất để tiếp tục xây dựng phương hướng hợp tác đào tạo cán bộ giúp Lào, nhằm củng cố và phát huy quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
Luôn nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của hợp tác đào tạo cán bộ trong mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đối với an ninh, chính trị mỗi nước. Giữ gìn, phát triển và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ chính trị đặc biệt hiếm có này không chỉ ở lãnh đạo cấp cao mà thấm sâu xuống các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Trong thời gian tới nên đổi mới trong công tác thông tin và truyền thông để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng học viên Lào. Coi trọng công tác giáo dục chính trị,tư tưởng về đào tạo cán bộ Lào.
4.1.3. Triển vọng
Hợp tác giáo dục - đào tạo trong thời gian tới vẫn là lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ Việt Nam - Lào, nhằm thắt chặt tình đoàn kết, tăng cường vun đắp, không ngừng củng cố và phát triển quan hệ song phương hai nước cả về bề rộng và chiều sâu.
Các cơ hội cho công tác đào tạo là khả quan: phía Lào đang có như cầu và mong muốn Việt Nam hỗ trợ, phía Việt Nam đủ điều kiện và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Bạn. Kinh nghiệm trong quá trình đào tạo sẽ giúp rút ra các bài học bổ ích để tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng, gia tăng số lượng, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, thực hiện tốt công tác quản lý... Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức đòi hỏi sự nỗ lực của cả hai phía: khó khăn về kinh tế (ảnh hưởng đến kinh phí hỗ trợ đào tạo), lựa chọn cán bộ và các hình thức đào tạo cho phù hợp với giai đoạn mới, sự cạnh tranh và các yếu tố quốc tế không thuận lợi...sẽ tác động tiêu cực đến việc tăng cường hợp tác nói chung, lĩnh vực đào tạo cán bộ nói riêng giữa Việt Nam và Lào.
4.2. Giải pháp tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ Việt Nam-Lào
Nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đào tạo cán bộ Việt Nam - Lào, vấn
đề nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ cho Lào là một trong những nội dung trọng tâm cần tập trung hướng tới, với tổng thể những giải pháp sau:
4.2.1. Thúc đẩy cơ chế phối hợp từ cả hai phía trong hợp tác đào tạo
Hai Đảng, hai Nhà nước và các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai hợp tác đào tạo cán bộ cho Lào cho sát quy hoạch cán bộ, quy hoạch đào tạo cán bộ của Bạn. Hai bên cần phối hợp tốt khâu từ xây dựng kế hoạch hợp tác, mở rộng quy mô đào tạo, đến quản lý và xử lý tốt các vấn đề phát sinh trong công tác đào tạo cán bộ, quản lý học viên Lào. Cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ chủ quản, cơ sở đào tạo với Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý cán bộ giúp Bạn trong thời gian tới.
4.2.2. Tăng cường công tác quản lý hợp tác đào tạo cán bộ Lào
- Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, đánh giá công tác quản lý hợp tác đào tạo. Cần tổng kết, đánh giá về kết quả hợp tác đào tạo cán bộ cấp quốc gia đối với lãnh đạo, quản lý tất các ngành, các cấp.
- Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, thường xuyên quan tâm, hỗ trợ cán bộ Lào.
4.2.3. Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ cho Lào
4.2.3.1. Không ngừng mở rộng quy mô, loại hình đào tạo cán bộ Lào
4.2.3.2. Đa dạng hóa đối tượng và phương thức hợp tác đào tạo cán bộ
4.2.3.3. Nâng cao chất lượng nội dung chương trình, giáo trình
4.2.3.4. Chú trọng đào tạo tiếng Việt cho học viên Lào.
4.2.3.5 .Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học.
4.2.3.6. Tăng cường giáo dục ý thức học tập, rèn luyện cho học viên Lào
4.2.4. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên
4.2.5. Nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật các cơ sở đào tạo
4.2.6. Tăng cường đầu tư kinh phí cho việc hợp tác đào tạo cán bộ Lào
4.3. Kiến nghị về hợp tác đào tạo cán bộ cho Lào
4.3.1. Đối với Việt Nam
4.3.1.1. Với Đảng và Nhà nước
Ban Tổ chức Trung ương cần phát huy vai trò đầu mối, chịu trách nhiệm trao đổi, thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương ĐNDCM Lào về chủ trương, kế hoạch hợp tác, chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị giúp Bạn. Đồng thời chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương có liên quan điều chỉnh kinh phí, cơ sở vật chất và các chế độ chính sách cho phù hợp với thực tế.
4.3.1.2. Đối với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo: quy mô, nội dung, các hình thức và cơ sở vật chất, cán bộ quản lý, phiên dịch...nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; Mở rộng quy mô, loại hình đào tạo cán bộ chính trị, tăng cường các lớp cập nhật kiến thức ngắn ngày, tiếp tục thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chính trị cho các trường chính trị hành chính tỉnh, thành phố giúp Bạn.
4.3.1.3.Đối với các Bộ, ngành, địa phương
Kiến nghị các nội dung đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các địa phương để nâng cao hiệu quả hợp tác đào tạo cán bộ Lào.
4.3.2. Đối với CHDCND Lào
- Cần đổi mới hợp tác đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý từ khâu xây dựng quy hoạch, có định hướng chiến lược đào tạo tổng thể thích hợp mỗi giai đoạn.
- Lào cần rà soát, tuyển chọn đúng đối tượng đi học đối với cán bộ nguồn ở trung ương và địa phương. Nên bồi dưỡng tài năng trẻ, chủ động tạo nguồn lưu học viên sang Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác từng cán bộ về trước mắt cũng như lâu dài.
- Bạn nên quan tâm đúng mức và thực hiện nghiêm túc tuyển chọn đầu vào, đảm bảo chất lượng theo đúng cam kết đã thỏa thuận về văn bằng, chứng chỉ, để đạt chuẩn cho từng hệ đào tạo.
- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giúp Lào phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước Lào, chú ý cả 3 thế hệ (già, trung bình và trẻ). Tiếp tục đào tạo chuyên gia có trình độ cao và lực lượng dự bị, cân đối được các thế hệ .
Tiểu kết chương 4
Nhằm phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được, cần dự báo mục tiêu, phương hướng và triển vọng hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho nước bạn Lào, rút ra những bài học kinh nghiệm, hoàn thiện những giải pháp tổng thể, cơ bản nhất, để các giải pháp, kiến nghị có tính khả thi. Việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ giúp Lào là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các cơ sở đào tạo cán bộ Lào. Đến nay, Việt Nam vẫn đang nỗ lực hết sức mình nâng cao chất lượng, hiệu quả quá trình hợp tác. Công tác đào tạo cán bộ cho Lào vẫn là nhiệm vụ ưu tiên và những kết quả hợp tác trong lĩnh vực này sẽ góp phần tích cực vào việc củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
KẾT LUẬN
Quan hệ Việt Nam - Lào là mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, được tôi luyện, khẳng định trong thực tiễn và hun đúc bằng xương máu của đồng bào, chiến sỹ, bằng sự hy sinh phấn đấu của nhiều thế hệ người Việt Nam và Lào, trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng, là tài sản vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, một trong những nhân tố đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mỗi nước. Củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào là đường lối chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Lào là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với từng thời kỳ lịch sử cách mạng của mỗi nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay. Trong điều kiện hòa bình, phục hưng lại đất nước, vấn đề nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định đối với khả năng đột phá, phát triển của mỗi nước. Quan điểm nhất quán trước sau như một của Đảng và Chính phủ Lào dựa vào sự giúp đỡ truyền thống của Việt Nam để đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ chuyên môn trong từng giai đoạn giúp Lào, cùng nhau tiến theo con đường Xã hội chủ nghĩa. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý giúp bạn có vị trí đặc biệt quan trọng, là minh chứng cụ thể cho tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước, một trong những cơ sở đảm bảo cho mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào ngày càng gắn bó và phát triển bền vững. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tích cực đào tạo bồi dưỡng cán bộ cho Lào, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được Bạn tin tưởng, đánh giá cao.
Tiếp tục tiếp nối truyền thống đào tạo cán bộ giúp Lào, theo đề nghị của Bạn, từ năm 2001- 2015, Việt Nam đã đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng và Nhà nước Lào với nhiều loại hình phong phú, thiết thực. Mặc dù còn nhiều khó khăn, Đảng, Chính phủ và Nhà nước Việt Nam luôn dành những tình cảm chân thành, tốt đẹp và những điều kiện học tập tốt nhất cho Lào.
Trong những năm qua, về cơ bản Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng và sứ mệnh quốc tế đặc biệt, góp phần bổ sung đội ngũ cán bộ vững về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu thực hiện đường lối đổi mới của Lào, xây dựng thành công đất nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất thịnh vượng. Đây là cơ hội nêu cao tinh thần tự chủ trong việc chống lại âm mưu diễn biến hòa bình, nhằm giữ gìn, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng mà hai nước đã dày công gây dựng. Đây cũng là dịp cho các cán bộ, nhất là thế hệ cán bộ trẻ của Lào được giáo dục, bồi dưỡng để nhận thức rõ, tiếp tục bảo vệ và xây dựng tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước ngày càng vững chắc, sâu sắc hơn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, CHDCND Lào đang thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam đang chấp nhận cạnh tranh về đào tạo nguồn nhân lực trước các nước muốn gây ảnh hưởng đến Lào (đặc biệt là Trung Quốc), đòi hỏi sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành phố từ trung ương đến địa phương, từ mỗi cơ sở đào tạo phải đổi mới mạnh mẽ để đào tạo cán bộ Lào một cách phù hợp.
Nghiên cứu Hợp tác Việt Nam-Lào trong lĩnh vực đào tạo cán bộ (2001-2015) cho Đảng và Nhà nước Lào, dựa trên quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và thực tiễn triển khai thực hiện, từ chỗ chỉ ra những thành tựu chủ yếu đạt được và những hạn chế tồn tại, luận án đã đưa ra kiến nghị, giải pháp nhằm tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ cho Lào trong thời gian tới.
Để thực hiện nhiệm vụ quốc tế mang tính chiến lược lâu dài, cần phải có sự phối kết hợp của ban, bộ, ngành, các cơ quan chức năng hai nước, cũng như sự nỗ lực của các cán bộ Lào được đào tạo. Tuy nhiên, giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng quả đào tạo cán bộ Lào vẫn là từ chính các cơ sở đào tạo. Để công tác đào tạo cán bộ Lào đạt hiệu quả cao, vai trò của học viên Lào cũng vô cùng quan trọng. Sự nỗ lực lớn của chính những người học, kết quả học tập các cán bộ Lào được đào tạo tại Việt Nam góp phần không nhỏ, đem lại hiệu quả hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Lào trong lĩnh vực truyền thống này.
Triển vọng của mối quan hệ hợp tác Việt-Lào nói chung và hợp tác trên lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng là rất lớn. Phát huy truyền thống đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trước đây cũng như tiềm năng thế mạnh của mỗi nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, với sự nỗ lực của cả hai bên, tin chắc rằng hợp tác trên lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giúp Lào tại Việt Nam sẽ được tăng cường và phát triển.
Việt Nam không chỉ coi công tác đào tạo cán bộ giúp Lào là trách nhiệm, nghĩa vụ để xây đắp tình đoàn kết Việt Nam - Lào mà còn là tình cảm, tình nghĩa thủy chung đối với CHDCND Lào, hết mình cống hiến trí tuệ, sức lực của mình vào sự nghiệp lãnh đạo và bồi dưỡng cán bộ cho cách mạng Lào, đáp ứng lợi ích căn bản và lâu dài của chính nhân dân hai nước, góp phần củng cố hoà bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á và trên thế giới.
[1]Phănđuông Chítvôngsả (2002), Bounthan Kousonnong (2006), Trương Duy Hòa (2008, 2010, 2012, 2013, 2018), Hoài Nguyên (2008),...
[2] “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam -Lào, Lào-Việt Nam (1930-2007)” (2012),“Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào (1930-2017)” (2017)...; Nguyễn Hào Hùng (2004), Phạm Đức Thành (2004), Lê Đình Chỉnh (2007), Vũ Dương Huân (2007), Nguyễn Thị Phương Nam (2007), Chu Đức Tính (2007), Nguyễn Văn Khoan (2008), Nguyễn Duy Dũng (2012), Trương Duy Hòa (2017), Nguyễn Ngọc Lan (2017), Lê Đình Chỉnh (2017), Nguyễn Phương Liên (2017)...; Xỉlửa Bunkhăm (2005), Xamản Vinhakệt (2010), Xổmphon Xỉchạlơn (2014)...
Tác giả: ussh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn