Ngôn ngữ
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-----------------------
TRẦN THỊ HẰNG
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO
VIỆT NAM HIỆN NAY
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ TÔN GIÁO HỌC
Hà Nội, 2020
Công trình được hoàn thành tại:
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
__________
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh
Phản biện 1: ........................................................................
Phản biện 2: .........................................................................
Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm Luận án Tiến sĩ họp tại Trường Đại học KHXH-NV, ĐHQGHN
Vào hồi: ...... giờ ...... ngày ...... tháng .... năm 20....
Có thể tìm hiểu Luận án tại:
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong quá trình tồn tại và phát triển gần hai nghìn năm trên đất nước Việt Nam, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành, gắn bó hài hòa với dân tộc, góp phần thắp lên ngọn lửa mãnh liệt về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu dân tộc, giống nòi. Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã trải qua rất nhiều những thời kỳ khác nhau, ở mỗi thời kỳ dù có khác nhau về hình thức tổ chức nhưng sự nghiệp xuyên suốt của Phật giáo Việt Nam vẫn là “hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh”.
Về tổ chức, những ngày đầu vào Việt Nam, Phật giáo mới có những sinh hoạt tôn giáo thô sơ, chứ chưa “có sự học hỏi kinh điển và chế độ Tăng sĩ”. Những thời kỳ tiếp nối sau đó là thời kỳ du nhập và phát triển của những dòng thiền, Phật giáo Việt Nam lúc này sinh hoạt chủ yếu theo tổ chức các sơn môn, tổ đình.
Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ ở thời kỳ Lý – Trần, thời Trần bao trùm lên Phật giáo Việt Nam là không khí thiền Trúc Lâm, Phật giáo thời Trần ở Việt Nam có vẻ “rất thống nhất” về mặt tổ chức, tuy nhiên nhìn chung các sơn môn thời kỳ này vẫn hoạt động độc lập.
Những thời kỳ sau đó, Phật giáo Việt Nam trải qua những thăng trầm của lịch sử, có thời kỳ Phật giáo “bùng nổ” về việc thành lập các tổ chức, như giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX.
Sau ngày 30/4/1975, hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Đây chính là điều kiện thuận lợi của sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trên thực tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua gần 40 năm hình thành và phát triển đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, hệ thống tổ chức ngày càng được hoàn thiện, chuyên môn hóa; các hoạt động nội bộ phục vụ tín ngưỡng của Phật giáo ngày càng đi vào nề nếp, các hoạt động xã hội cũng ngày càng được đa dạng hóa, mở rộng phạm vi, hiệu quả ngày càng được nâng cao. Các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đóng góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế có thể thấy, hiệu quả các hoạt động so với quy mô, tổ chức của Giáo hội thì chưa thật sự tương xứng. Với những tiềm năng to lớn của mình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn có thể làm tốt hơn nữa, tạo được những tác động xã hội lớn hơn nữa, vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn có thể phát huy tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó đặt ra vấn đề tổ chức, hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay ra sao, làm sao để phát huy được vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, để Giáo hội Phật giáo Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Hiểu được tầm quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam hiện nay, và thấy được những đóng góp to lớn của các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng tôi muốn đi sâu vào tìm hiểu cơ cấu tổ chức, hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam giai đoạn hiện nay và các vấn đề xoay quanh. Chính vì vậy, tôi lựa chọn đề tài: Tổ chức và hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay làm đề tài nghiên cứu cho luận án của mình. Hy vọng những kết quả nghiên cứu của luận án sẽ góp phần nhỏ vào công tác nghiên cứu Tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng.
2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
+ Mục đích của luận án: Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, luận án phân tích để làm rõ kết cấu tổ chức hành chính và hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đồng thời đưa ra một số khuyến nghị từ những vấn đề còn tồn đọng nhằm phát huy vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong tình hình mới hiện nay.
+ Nhiệm vụ của luận án: Để đạt được mục đích trên, luận án thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
+ Đối tượng nghiên cứu của luận án: Phật giáo Việt Nam nghiên cứu dưới khía cạnh kết cấu tổ chức, hoạt động của Giáo hội
+ Phạm vi nghiên cứu của luận án:
4. Đóng góp của luận án
+ Về mặt lý luận:
Luận án góp phần làm sáng tỏ thêm về nghiên cứu tôn giáo dưới góc độ thực thể tổ chức tôn giáo.
Luận án góp phần làm sáng tỏ chỉ ra những tác động xã hội từ hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, qua đó cho thấy rõ hơn quan điểm có thể coi tôn giáo là một nguồn lực của xã hội
+ Về mặt thực tiễn:
Những kiến nghị đưa ra trong luận án có thể góp phần phát huy hơn nữa vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu và giảng dạy về tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng.
5. Cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu, lý thuyết nghiên cứu của luận án
5.1. Cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu của luận án
+ Cơ sở lý luận của luận án
Luận án được hoàn thành dựa trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính sách của Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo; luận án cũng dựa trên một số quan điểm khoa học về tôn giáo của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
+ Phương pháp nghiên cứu của luận án
Luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành của tôn giáo học và một số phương pháp của các ngành khoa học cụ thể khác, đó là:
Phương pháp cấu trúc chức năng, Phương pháp lịch sử cụ thể, Phương pháp tổng hợp tài liệu, Phương pháp điều tra xã hội học và phỏng vấn sâu, Phương pháp phân tích, đánh giá....
5.2. Câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu và lý thuyết nghiên cứu của luận án
+ Câu hỏi nghiên cứu
+ Giả thuyết nghiên cứu
+ Lý thuyết nghiên cứu
Tôn giáo là một hiện tượng lịch sử xuất hiện từ thời kỳ bình minh của lịch sử loài người, khi con người có khả năng “tự ý thức” được về bản thân mình. Tôn giáo cũng là một hiện tượng xã hội có khả năng tác động lớn, lâu dài trong đời sống con người. Chính vì vậy, có nhiều quan điểm khác nhau trong vấn đề nhìn nhận về tôn giáo. Đối với vấn đề tổ chức tôn giáo nói chung, Giáo hội Phật giáo nói riêng, chúng tôi sử dụng các lý thuyết nghiên cứu chính sau:
1. Lý thuyết về kết cấu tôn giáo
Như vậy trong định nghĩa này, kết cấu tôn giáo đã đề cập đến các yếu tố: tín ngưỡng, thực hành tín ngưỡng, cộng đồng tín đồ.
Sau này, khi nghiên cứu về kết cấu của tôn giáo hiện đại, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng kết cấu đó gồm: ý thức tôn giáo, sự thờ cúng tôn giáo và tổ chức tôn giáo. Như vậy, theo nội dung của lý thuyết kết cấu tôn giáo thì tổ chức tôn giáo là một thành tố cấu thành của tôn giáo hiện đại.
2. Lý thuyết thực thể tôn giáo:
Lý thuyết thực thể tôn giáo là một lý thuyết tiếp cận tôn giáo dưới góc độ xã hội học. Những tên tuổi tiêu biểu của cách tiếp cận này là: M. Weber, E. Dur’kheim,…
Tôn giáo được tiếp cận dưới góc độ là một “thực thể xã hội”, xuất phát từ hai đặc tính của tôn giáo là tính “cộng đồng” và tính “xã hội”
Tác giả tán đồng với quan điểm của lý thuyết thực thể tôn giáo, trong nghiên cứu của mình, tác giả áp dụng lý thuyết nghiên cứu với việc nghiên cứu Phật giáo với tư cách một thực thể xã hội, trong đó Giáo hội là một trong những yếu tố cấu thành thực thể tôn giáo.
3. Lý thuyết chức năng của tôn giáo
Khi nghiên cứu về tôn giáo, chủ nghĩa Mác, Lênin chỉ ra rằng, tôn giáo có một hệ thống các chức năng xã hội của nó, chức năng xã hội đó bao gồm: chức năng đền bù hư ảo (hay còn gọi là chức năng “bù đắp tinh thần”); chức năng thế giới quan, chức năng điều chỉnh, chức năng giao tiếp, chức năng liên kết,…
Lý thuyết này nhìn nhận sự tồn tại xã hội là một thực thể hữu cơ đặc biệt, với hệ thống gồm các thành phần, mỗi thành phần có chức năng nhất định, giữa các thành phần có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tạo thành một chỉnh thể ổn định. Tôn giáo là một thành phần trong chỉnh thể xã hội hiện nay, nó có vai trò, chức năng nhất định.
4. Lý thuyết công tác xã hội của tôn giáo
Trên thế giới, Công tác xã hội đã xuất hiện với tư cách một ngành khoa học độc lập, được khoảng một vài thế kỷ nay. Nguồn gốc của ngành công tác xã hội hiện đại đều chủ yếu xuất phát từ các hoạt động từ thiện mang màu sắc tôn giáo.
Đối với Phật giáo, ở một số quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan đã xuất hiện nhiều mô hình công tác xã hội gắn liền với Phật giáo.
Lý thuyết này cho thấy, Phật giáo Việt Nam, cụ thể là Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể làm tốt hơn nữa các hoạt động xã hội của mình, có thể hướng đến xây dựng một mô hình công tác xã hội Phật giáo ở Việt Nam để những đóng góp của các hoạt động của Phật giáo sẽ nhiều hơn, sâu hơn trong đời sống xã hội.
6. Kết cấu của luận án
Ngoài các phần Mục lục, Mở đầu, Kết luận, Danh mục các công trình khoa học của tác giả đã công bố liên quan đến luận án, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, Nội dung của luận án gồm 4 chương, 11 tiết.
Chương 1.
TỔNG QUAN TÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.1 Lịch sử nghiên cứu vấn đề
1.1.1. Tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Trước tiên đi vào Phật giáo Việt Nam, chúng tôi muốn đề cập đến một số công trình viết về Lịch sử Phật giáo thế giới, để dựa trên những căn cứ tri thức đó, chúng tôi đi vào tìm hiểu lịch sử Phật giáo Việt Nam và tổ chức Phật giáo Việt Nam theo dòng lịch sử, và có những đối chiếu nhất định.
Andrew Skilton (Nguyễn Văn Sáu dịch) (2003), Đại cương lịch sử Phật giáo thế giới, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, cuốn sách viết về lịch sử Phật giáo ra đời trên đất nước Ấn Độ và sự ra đời của Tăng già đầu tiên, sự phát triển của tổ chức Tăng già,… và một phần viết về Phật giáo ngoài Ấn Độ với các khu vực tiêu biểu: Sri Lanka, Trung Á và Kashmir, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Tây Tạng, Mông Cổ, Nêpal, Ba Tư và khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Tác giả Đoàn Trung Còn (2015) có công trình Lịch sử Nhà Phật, Nxb Tôn giáo. Pháp sư Thánh Nghiêm, pháp sư Tịnh Hải (2008) có tác phẩm Lịch sử Phật giáo thế giới, Nxb Khoa học Xã hội. Công trình là những nghiên cứu công phu của các tác giả về sự ra đời của Phật giáo, Phật giáo thời kỳ nguyên thủy, các bước lan truyền, phát triển của Phật giáo ra các vùng đất khác nhau trên thế giới, trong đó chủ yếu là các nước phương Đông.
Phật giáo là một tôn giáo lớn ở Việt Nam với số lượng tín đồ lớn, có ảnh hưởng rộng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam, nên các vấn đề liên quan đến Lịch sử Phật giáo Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, xoay quanh chủ đề này có nhiều công trình lớn:
Ủy Ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Triết học (1989) có cuốn sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội; Tác giả Nguyễn Lang có bộ Việt Nam Phật giáo sử luận (3 tập: I, II, III), đây là công trình nghiên cứu công phu của tác giả về về vấn đề lịch sử Phật giáo Việt Nam; Tác giả Nguyễn Cao Thanh (2008) có tác phẩm Khái lược Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo. Tác phẩm điểm lại các sự kiện quan trọng trong quá trình Phật giáo du nhập vào Việt Nam; Hòa thượng Thích Chơn Thiện có tác phẩm Tăng già thời Đức Phật, Nxb Phương Đông.
Cuốn “Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam” (2004) của Hòa thượng Thích Trí Hải, nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội đã đề cập đến tiến trình hình thành hội đoàn, tổ chức Phật giáo trước khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập. Cuốn sách cũng dành phần lớn nội dung đề cập đến quá trình vận động thành lập Hội Phật giáo Việt Nam.
Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX nhân vật và sự kiện của tập thể tác giả Lê Tâm Đắc và Nguyễn Đại Đồng (2013), Nxb Chính trị Quốc gia trong đó có các bài viết cụ thể về vấn đề này như: “ Vai trò của phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX” “Nhìn lại tiến trình thống nhất Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX”,... và các bài viết về các hội Phật giáo trước khi thống nhất...
Nghiên cứu về tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cuốn “Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ 1986 đến nay” (2014) của Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc, nhà xuất bản Phương Đông đã đưa ra bức tranh cụ thể về quá trình hình thành và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ.
Nguyễn Tất Đạt trong cuốn sách Mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề cập đến sự thành lập, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tuy nhiên còn khá sơ lược, mục đích chủ yếu là tác giả đi sâu vào thực trạng mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và tác giả cũng đưa ra một số bài học kinh nghiệm, những vấn đề đặt ra và một số khuyến nghị cho mối quan hệ trên.
Cũng có nhiều bài viết trên một số tạp chí nghiên cứu đề cập đến vấn đề này như: Thích Hiển Pháp (2002), Sự ổn định và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5 (17), tr. 22 -24. Nguyễn Đại Đồng (2008), Nhìn lại tiến trình thống nhất Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo (số 4)... Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2002) có bài viết Giáo hội Phật giáo Việt Nam 20 năm thành lập và phát triển, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1, tr. 21 - 22.
1.1.2. Hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Tác giả Dương Quang Điện (2017) có cuốn sách Quá trình hình thành và phát triển của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (giai đoạn từ 1981 đến nay), Nxb Tôn giáo. Về hoạt động báo chí, truyền thông của Phật giáo, tác giả Nguyễn Đại Đồng có tác phẩm: Lược khảo Báo chí Phật giáo Việt Nam (1929 - 2008), cuốn sách viết rất rõ về các giai đoạn phát triển của Báo chí Phật giáo Việt Nam, từ những ngày đầu thành lập đến nay với đầy đủ các thông tin về từng bước phát triển, sự ra đời của các tờ báo, nguyệt san,...
Về Hoạt động từ thiện, có nhiều bài viết, như: Hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo với những vấn đề xã hội của Việt Nam hiện nay của Dương Hoàng Lộc, kỷ yếu hội thảo khoa học Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện.
Về Giáo dục đào tạo có các tác phẩm như: Hoàng Văn Năm (2016), Giáo dục đào tạo Tăng Ni sinh Phật giáo Việt Nam ở miền Bắc từ năm 1981 đến nay,... Tác phẩm đã đi sâu vào các vấn đề giáo dục đào tạo của Phật giáo, đặc biệt của miền Bắc Việt Nam từ năm 1981 (thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam) đến nay.
1.1.3. Vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Về vai trò Phật giáo trong một giai đoạn lịch sử cụ thể có cuốn Đặc điểm và vai trò của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX của tác giả Nguyễn Quốc Tuấn (2012), Nxb Từ điển Bách khoa. Cuốn sách Tôn giáo trong văn hóa Việt Nam của tác giả Nguyễn Hồng Dương, đã dành một phần viết về Phật giáo trong văn hóa và phát triển ở Việt Nam, tác giả phân tích, đánh giá những đóng góp của Phật giáo trên nhiều phương diện khác nhau: lĩnh vực tư tưởng thể hiện rõ nét và đỉnh cao ở thời kỳ Lý – Trần, thời kỳ Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ, là nền tảng căn bản của hệ tư tưởng của nhà nước phong kiến Việt Nam; trên lĩnh vực văn học nghệ thuật: những đóng góp thể hiện ở các khía cạnh: lực lượng sáng tác, thể tài, nội dung sáng tác; trên lĩnh vực kiến trúc – điêu khắc...
Về khía cạnh đạo đức, tác giả Đặng Thị Lan trong cuốn sách Đạo đức Phật giáo với đạo đức con người Việt Nam, 2006, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội, Tác giả Hoàng Thị Lan (2001) có bài viết Phật giáo với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Tác giả này còn có tác phẩm Ảnh hưởng của Phật giáo đối với lối sống người Việt Nam hiện nay, đã nêu lên những ảnh hưởng của Phật giáo đối với lối sống, cách thức lao động, tổ chức cuộc sống, phong tục tập quán, giao tiếp ứng xử, nhân cách của người Việt Nam,... Lê Hữu Tuấn có bài viết: Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo với việc xây dựng đạo đức của chúng ta hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Phật học,...
Về khía cạnh văn hóa, tác giả Nguyễn Đăng Duy có tác phẩm: Phật giáo với văn hóa Việt Nam, Nguyễn Hồng Dương có bài viết: Nghiên cứu và ứng dụng các giá trị văn hóa Phật giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay,...
Về hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo, năm 2017, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện. Hội thảo đã bàn rất nhiều các vấn đề cấp bách như thực trạng hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo hiện nay, những thành tựu, hạn chế trong quản lý nhà nước về vấn đề này,... Cuốn kỷ yếu Hội thảo là công trình rất có ý nghĩa cả về mặt thực tiễn và lý luận...
Về khía cạnh góp phần gìn giữ hòa bình, Tác giả Thích Nhật Từ Thích Đức Thiện (2014): Phật giáo xây dựng hòa bình thế giới, cuốn sách là kết quả của cuộc hội thảo khoa học Quốc tế: Phật giáo góp phần thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ, Phật giáo với những triết lý nhân bản của mình có đầy đủ khả năng để góp phần quan trọng xây dựng nền hòa bình thế giới, hàn gắn và xoa dịu những xung đột.
1.2. Nhận xét, đánh giá và những vấn đề đặt ra đối với luận án
1.2.1. Nhận xét, đánh giá
Các vấn đề liên quan đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam được nhiều nhà nghiên cứu trong nước quan tâm và đề cập đến trong một số công trình nghiên cứu với những kết quả cơ bản đạt được như sau:
Nhìn chung, mỗi một công trình nghiên cứu đề cập đến các vấn đề khác nhau của Giáo hội Phật giáo Việt Nam dưới những khía cạnh tiếp cận nghiên cứu khác nhau, ví như nghiên cứu lịch sử Giáo hội dưới góc độ sử học, nghiên cứu về các hoạt động của Giáo hội Phật giáo dưới góc độ xã hội học,… Những thành tựu trên đây là những nền tảng cơ bản để luận án kế thừa và tiếp tục nghiên cứu.
1.2.2. Những vấn đề đặt ra đối với luận án
Nếu coi nghiên cứu về Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một bức tranh tổng thể thì mỗi một tác phẩm kể trên sẽ là một mảng ghép, một chi tiết trong bức tranh đó. Nhưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một thực thể sống động vẫn luôn vận động và biến đổi để đi đến hoàn thiện toàn diện, chính vì vậy, bức tranh ấy vẫn chưa hoàn thiện, vẫn còn những khoảng trống cần được lấp đầy. Vẫn còn những vấn đề cần được nghiên cứu, làm rõ, luận án sẽ đi vào một số những vấn đề trọng tâm như sau:
- Tổ chức và hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay như thế nào?
- Những vấn đề đặt ra với các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay là gì? Và cần làm gì để phát huy vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam giai đoạn hiện nay.
1.3. Một số khái niệm sử dụng trong luận án
Trong nghiên cứu này, tác giả đề cập đến các khái niệm nghiên cứu với các nội hàm:
Tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của Phật giáo được tổ chức theo một kết cấu nhất định, đã được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo của Phật giáo.
Hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là hoạt động truyền bá Phật giáo, sinh hoạt tôn giáo, và quản lý tổ chức tôn giáo.
Tuy nhiên trong nghiên cứu này, chúng tôi không đi sâu vào quản lý tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà các hoạt động chúng tôi chủ yếu đi vào các mảng nội dung: hoạt động Phật sự và hoạt động Hộ quốc an dân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Chương 2.
TỔ CHỨC CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HIỆN NAY
2.1. Sự hình thành và phát triển tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
2.1.1. Quá trình hình thành tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (từ khi du nhập đến năm 1980)
Ngay từ khi Đức Phật còn tại thế, trong hệ thống Tăng đoàn của Ngài đã có những mầm mống của các bộ phái. Đức Phật là người trực tiếp điều hành Tăng già. Đến lần kết tập đầu tiên ở thành Vương Xá đã bắt đầu chính thức có dấu hiệu của sự xuất hiện môn phái. Sự khác nhau về tư tưởng, đã dẫn đến sự phân chia ngày càng sâu sắc hơn trong Phật giáo ở các thời kỳ sau.
Phật giáo đã đến Việt Nam khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch, chính vì thế, ngay từ rất sớm, ở Giao Chỉ đã hình thành nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu, nhưng ở thế kỷ đầu, Phật giáo ở Giao Châu vẫn mới chỉ dừng lại ở những sinh hoạt thô sơ. Thế kỷ thứ II, tăng đoàn Giao Chỉ đã có hơn 500 vị, các kinh sách được dịch và truyền đầu tiên ở Giao Chỉ là Tứ Thập Nhị Chương.
Đến thế kỳ thứ III, thiền học Việt Nam đã bắt đầu khởi xướng và người khởi xướng là Khương Tăng Hội (là người nước Khương Cư nhưng cùng gia đình cư trú ở Giao Chỉ). Các thời kỳ sau đó, các thiền phái ở Việt Nam phát triển mạnh.
Trong thời Lý, Phật giáo Việt Nam đã có các chức vụ tăng thống, tăng lục, tăng chính, đại hiền quan. Các chức vụ này có giá trị về mặt tổ chức để liên hệ với chính quyền và xã hội. Còn trong đời sống tu tập Phật pháp lại chia thành các cấp bậc: hòa thượng, yết ma, giáo thụ, giám viện, trụ trì… Đến thời nhà Trần, Phật giáo Việt Nam đã phát triển cực thịnh. “Phật giáo đời Trần là Phật giáo một tông phái hợp nhất và căn cứ quy tụ là núi Yên Tử. Đến thời Nhà Trần, tổ chức của Phật giáo Việt Nam có vẻ rất thống nhất, bởi thời kỳ đó Phật giáo Trúc Lâm phát triển mạnh mẽ, gần như bao trùm, Phật giáo Việt Nam lúc này.
Nói chung từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, XIX, lịch sử Phật giáo Việt Nam trải qua nhiều biến động thăng trầm, về hình thức, Phật giáo bị thu hẹp phạm vi ảnh hưởng đặc biệt với đời sống cung đình, với các triều đại phong kiến Việt Nam, tuy nhiên về thực chất Phật giáo tìm được một lối đi mới: len lỏi và thấm sâu vào đời sống nhân dân, vẫn xuất hiện nhiều thiền phái mới như: Tào Động, Lâm Tế, Liên Thông,… đặc biệt khu vực đồng bào Khmer Nam Bộ, Phật giáo đã bén rễ sâu trong đời sống nhân dân, trở thành đặc trưng Phật giáo Khmer.
Đầu thế kỷ XX, Phong trào Chấn hưng Phật giáo diễn ra ở nhiều nước trên thế giới: Nhật Bản, Trung Quốc,… Lúc này ở Việt Nam, cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho phong trào chấn hưng Phật giáo.
Nửa đầu thế kỷ XX đối với Phật giáo Việt Nam là thời kỳ bùng nổ của các tổ chức, mỗi tổ chức ra đời có những đặc điểm, đặc trưng rất riêng.
Về cơ bản có thể coi là có bốn cuộc vận động thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Cuộc vận động lần thứ nhất năm 1951, cuộc vận động lần thứ hai năm 1957 – 1958, cuộc vận động lần thứ ba năm 1964, và cuộc vận động lần thứ 4 năm 1981.
Khi các công việc chuẩn bị đã hoàn tất kỹ càng, các yếu tố chủ quan, khách quan đã chín muồi, sự kiện trọng đại của Phật giáo Việt Nam diễn ra như một tất yếu của lịch sử, đó là sự kiện Đại hội Thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Với sự kiện thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bắt đầu quá trình phát triển của mình.
2.1.2. Quá trình phát triển về mặt tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (từ năm 1981 đến nay)
Sự kiện thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981, bắt đầu quá trình phát triển tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Nhà nước đã công nhận tư cách pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phê duyệt Hiến chương, công nhận giáo sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, công nhận Ban lãnh đạo của Giáo hội, tạo điều kiện để Giáo hội xây dựng bộ máy hành chính đạo các cấp.
Sự kiện thống nhất Phật giáo Việt Nam, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam không phải là kết quả của một phong trào bột phát mà là kết quả của một quá trình hoạt động, vận động, đấu tranh của đông đảo các Tăng Ni, Phật tử, là mục tiêu hướng đến của sự mong mỏi, đoàn kết, nỗ lực của Tăng Ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam trong một thời gian dài.
Tính đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang ở nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022), vậy trước đó, Giáo hội đã trải qua 7 nhiệm kỳ. Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi phân chia 7 nhiệm kỳ từ 1 đến 7 đó của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành ba giai đoạn phát triển: Giai đoạn xây dựng nền móng cơ sở tổ chức, Giai đoạn củng cố tổ chức, Giai đoạn phát triển mở rộng.
2.2. Kết cấu tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay
Thành phần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm các hệ phái Phật giáo Việt Nam, các tu sĩ và các cư sĩ thuộc các hệ phái Phật giáo Việt Nam, gia nhập và chấp hành bản Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thứ nhất, theo chiều dọc: Đến nay tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có ba cấp: Cấp Trung ương; Cấp Tỉnh, Thành phố; Cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Trong cơ cấu quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn tồn tại song song hai hệ thống quản lý, một hệ thống lãnh đạo về Đạo pháp và giới luật, một hệ thống điều hành, quản lý về mặt hành chính.
Tính đến nay, GHPGVN đã thành lập được đầy đủ 63 đơn vị Ban Trị sự cấp tỉnh, thành phố. Cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện cơ cấu Ban Trị sự ở cấp này. Ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn rất nhiều tỉnh chưa kiện toàn được hết Ban trị sự Phật giáo cấp huyện, ví như Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên,…
Thứ hai, theo chiều ngang:
Theo lát cắt chiều ngang, cơ cấu tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là các Ban, Viện thuộc Hội đồng Trị sự GHPGVN, gọi tắt chung là Ban, Viện Trung ương. Hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 13 Ban, Viện Trung ương. Mỗi Ban, Viện chuyên môn trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ riêng. Trong mỗi ban lại có thể phân chia thành các phân ban nhỏ hơn để tiện cho việc triển khai các hoạt động.
2.3. Vai trò tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Nghiên cứu Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tư cách là một thực thể xã hội. Thực thể ấy là một phần của xã hội, nằm trong các mối quan hệ xã hội đa dạng. Để thấy được vai trò tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi tìm hiểu vai trò đó trong các mối quan hệ và dựa trên sự đối chiếu so sánh với các thời kỳ trước đó.
Trước khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ở Việt Nam có rất nhiều các tổ chức giáo hội khác nhau, mỗi tổ chức giáo hội hình thành cơ cấu tổ chức riêng, tổ chức các hoạt động tương đối độc lập. Từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đây là tổ chức quản lý, điều hành, chi phối mọi mặt của Phật giáo Việt Nam.
Đối với mối quan hệ với các Ban ngành, các cấp chính quyền nhà nước: GHPGVN là tổ chức đại diện cho Phật giáo Việt Nam trên phương diện hành chính với nhà nước.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đại diện tư cách cho Phật giáo Việt Nam tham gia các tổ chức Phật giáo quốc tế và thiết lập quan hệ với các tổ chức Phật giáo các nước.
2.4. Đặc trưng tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thứ nhất: Tính đồng hành cùng dân tộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thứ hai, Tính thống nhất trong tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thứ ba, Tính hòa đồng đối với các tổ chức tôn giáo khác của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Tiểu kết chương 2
Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981, trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành đến nay đã gần tròn 40, Giáo hội từng bước mở rộng, xây dựng về mặt tổ chức.
Về tổ chức hành chính của Giáo hội có thể xét theo hai khía cạnh, chiều dọc và chiều ngang. Trong đó, chiều dọc chia thành 3 cấp hành chính: cấp Trung ương, cấp Tỉnh, thành phố, và cấp Quận, huyện, thị xã thành phố thuộc tỉnh. Chiều ngang, phân chia thành các ban ngành chuyên môn, các ban ngành cũng xây dựng chiều dọc của mình theo các cấp. Giữa các cấp, các ban ngành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Kể từ khi thành lập và từng bước trưởng thành, GHPGVN đã từng khẳng định được vai trò của mình không chỉ với Phật giáo Việt Nam mà cả với xã hội, vai trò đó thể hiện qua nhiều khía cạnh: vai trò quản lý, tổ chức đối với các cấp hành chính, thể hiện qua các mối quan hệ bên trong và bên ngoài của GHPGVN.
Tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có những đặc trưng rất nổi bật, thể hiện ở: tính đồng hành cùng dân tộc, tính thống nhất, tính hòa đồng đối với các tổ chức tôn giáo khác.
Chương 3.
HOẠT ĐỘNG CƠ BẢN CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO
VIỆT NAM HIỆN NAY
3.1. Hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
3.1.1. Hoạt động hoằng pháp
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác Hoằng pháp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất chú trọng đến công tác này.
Hiện nay, Công tác Hoằng pháp của GHPGVN diễn ra dưới nhiều hình thức, phương pháp đa dạng và phong phú như: tổ chức thuyết giảng vào các dịp quan trọng của Phật giáo, có đông tín đồ tập trung như các ngày lễ, tổ chức thường xuyên tại các giảng đường trong cả nước, kết hợp thuyết giảng với các công tác xã hội như từ thiện xã hội. Trong hoạt động Hoằng pháp của GHPGVN giai đoạn hiện nay, nổi bật lên hai vấn đề mà luận án sẽ đi sâu vào phân tích kỹ hơn là vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong hoạt động hoằng pháp thời đại công nghệ 4.0 và vấn đề truyền bá Phật giáo đến với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
3.1.2. Hoạt động nghi lễ
Viết về hoạt động nghi lễ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nghiên cứu đi sâu vào triển khai hai vấn đề: những điểm nhấn trong hoạt động nghi lễ Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thời gian qua và vấn đề gìn giữ bản sắc văn hóa nghi lễ Phật giáo Việt Nam.
3.1.3. Hoạt động giáo dục
Trong một bài phát biểu của mình, HT Thích Trí Quảng đã khẳng định: “Giáo dục Tăng Ni là Phật sự quan trọng hàng đầu của Giáo hội”.
Nhìn chung, công tác Giáo dục của GHPGVN hiện nay hoàn thiện với 6 cấp đào tạo: Sơ cấp Phật học, Trung cấp Phật học, Cao đẳng Phật học, Cử nhân Phật học, Thạc sĩ Phật học và Tiến sĩ Phật học. Mỗi cấp có những quy định khá chặt chẽ về đối tượng tuyển sinh, chương trình đào tạo, công tác tổ chức đào tạo,… thể hiện tính xuyên suốt, thống nhất trong cả hệ thống đào tạo. Chú trọng đến các vấn đề cấp thiết: biên soạn sách giáo khoa, dịch kinh điển,…
3.1.4. Hoạt động hướng dẫn Phật tử
Hiện nay, hoạt động Hướng dẫn Phật tử của GHPGVN diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú và đa dạng: Trước tiên là các hoạt động hướng dẫn rất chi tiết cho các tín đồ Phật tử hiểu rõ, hiểu đúng về bản chất, ý nghĩa của các hoạt động của Phật giáo, khi họ hiểu đúng, hiểu rõ thì mới có thể làm đúng được. GHPGVN thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, khóa tu cho Tăng Ni và Phật tử, tổ chức các hội trại, trại hè, tiếp sức mùa thi, sinh hoạt các đạo tràng, sinh hoạt gia đình Phật tử,…
3.2. Hoạt động Hộ quốc an dân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
3.2.1. Hoạt động Hộ quốc an dân thể hiện trong công tác từ thiện xã hội
Phật giáo là một tôn giáo luôn ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong con đường xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam.
Với tinh thần dân tộc Việt Nam cùng giống nòi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thể hiện tình đoàn kết, hòa hợp với các dân tộc anh em, các dân tộc ít người.
Giáo hội Phật giáo luôn quan tâm, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, nhằm đem lại cho người dân một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.
3.2.2. Hoạt động hộ quốc an dân thể hiện trong quan hệ quốc tế
Hoạt động quan hệ quốc tế là hoạt động rất được GHPGVN quan tâm trong thời gian hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ về mọi mặt. Có thể khẳng định các hoạt động quan hệ quốc tế của GHPGVN không chỉ có ý nghĩa ngoại giao đối với Giáo hội mà còn góp phần quan trọng vào chính sách ngoại ngoại giao của Nhà nước Việt Nam
Tiểu kết chương 3
Trong suốt gần 40 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng hoàn thiện cơ cấu tổ chức của mình và ngày càng đa dạng hóa các hoạt động. Phật giáo luôn song hành cùng dân tộc, có lúc khơi nguồn cho lý tưởng, định hướng kinh tế và xã hội chủ nghĩa, luôn cùng đồng cam cộng khổ cùng dân tộc. Giáo hội luôn là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều Tăng Ni, Phật tử của Giáo hội tích cực tham gia công tác Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhằm đóng góp sức mình trong công tác vì nước, vì dân, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân.
Thành quả tốt đẹp của những hoạt động phụng đạo yêu nước của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội, đem lại cuộc sống bình an, hạnh phúc cho nhân dân. Phật giáo chứng minh mình là một tôn giáo gần gũi, có nhiều đóng góp đáng ghi nhận tạo nên lịch sử hào hùng của dân tộc và góp phần không nhỏ vào xây dựng bản sắc văn hóa Việt Nam.
Từ sự phân tích về các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, có thể đi đến khái quát một vài nhận xét sau:
Thứ nhất, những hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong các lĩnh vực tương đối phong phú và đa dạng.
Thứ hai, Những hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những ảnh hưởng nhất định đến xã hội Việt Nam trên nhiều khía cạnh khác nhau.
Thứ ba, Từ những nhận xét trên có thể rút ra tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng có thể được coi là một nguồn lực phát triển xã hội.
Thứ tư, Cần có những biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam để phát huy nhiều hơn nguồn lực đó vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước giai đoạn hiện nay.
Chương 4.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ KHUYẾN NGHỊ NHẰM
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
4.1. Một số vấn đề đặt ra đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, Để nâng cao hiệu quả các hoạt động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa về tổ chức.
Thứ hai về nội dung các hoạt động:
- Các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn thiếu nhân lực trình độ cao và nguồn lực để duy trì ổn định và phát triển.
- Các hoạt động chủ yếu vẫn diễn ra riêng lẻ, tự phát chưa theo hệ thống đã dẫn đến tình trạng một số hoạt động kém hiệu quả, sức kêu gọi hỗ trợ còn hạn chế, các đơn vị nhỏ lẻ, tự phát nên quản lý chưa tốt, hiệu quả chưa cao.
4.2. Một số khuyến nghị nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thứ nhất: Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa về mặt tổ chức, nâng cao hiệu quả các hoạt động xứng đáng với quy mô, vị thế.
Để làm được điều này, GHPGVN cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như:
Tiếp tục giữ vững kỷ cương, giới luật tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm soát các hoạt động, sinh hoạt của Tăng Ni đảm bảo thực hiện đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật của Nhà nước.
Hoàn thiện tổ chức Giáo hội ở tất cả các địa phương, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả điều hành, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp Giáo hội để vận hành trơn tru bộ máy hành chính đạo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần đổi mới phương thức các hoạt động để tăng tính hiệu quả và phù hợp hơn với bối cảnh thời đại mới.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải hướng các hoạt động của mình đến tính cơ bản, lâu dài, chuyên nghiệp.
Thứ hai, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với chính quyền, Ban Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc và các Ban ngành hữu quan các cấp
Thứ ba, phải nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng trong sự nghiệp xây dụng và bảo vệ đất nước hiện nay.
Thứ tư, Nhà nước cần tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế chính sách để các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng với đại diện là Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát huy được hết vai trò của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.
Tiểu kết chương 4
Tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981 đến nay đã gần 40 năm xây dựng và trưởng thành. Trải qua rất nhiều khó khăn, đến nay GHPGVN đang dần hoàn thiện về mặt tổ chức, chất lượng các hoạt động ngày càng được nâng cao. Bên cạnh những thành tựu đạt được, còn rất nhiều khó khăn, vấn đề tồn tại cả về mặt tổ chức lẫn hoạt động.
Để phát huy được vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, cần sự nỗ lực, thực hiện đồng bộ nhiều phương pháp: đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa về mặt tổ chức, nâng cao chất lượng các hoạt động, tăng cường các mối quan hệ với các cấp chính quyền đoàn thể để gắn kết hơn nữa, nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa; cần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của tôn giáo, có thể coi tôn giáo là một nguồn lực phát triển xã hội và sự tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế chính sách đối với các hoạt động từ phía Nhà nước.
Các khuyến nghị đưa ra trong luận án nhằm mục đích phát huy hơn nữa vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, để Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tư cách là tư cách đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt khẳng định được vị thế xứng đáng của mình, chèo lái con thuyền đưa Phật giáo Việt Nam phát triển hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước giai đoạn hiện nay và những giai đoạn sau.
KẾT LUẬN
Phật giáo là tôn giáo ngoại nhập nhưng luôn hòa mình cùng dân tộc và đến nay đã trở thành tôn giáo của dân tộc. Các tín đồ Phật tử là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc. Tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trải qua quá trình hình thành và phát triển cũng là cả một quá trình vận động, đấu tranh không ngừng, trải dài các thời kỳ lịch sử dân tộc. Năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước cả nước chung tay xây dựng đất nước theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa, tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đủ cơ duyên để thực hiện nguyện vọng thống nhất một mối từ ý chí hành động cho đến lãnh đạo tổ chức, nhưng vẫn đảm bảo truyền thống hệ phái cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành trên cơ sở tôn trọng và duy trì chính pháp. Nhìn chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức duy nhất của Tăng, Ni Phật tử Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn hành động theo hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chù nghĩa Việt Nam.
Trải qua một quá trình phát triển, đến nay đã gần 40 năm, qua 8 kỳ Đại hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ngày càng hoàn thiện về kết cấu tổ chức từ Trung ương xuống địa phương theo cả hai chiều. Chiều dọc là hệ thống các cấp theo hành chính: Cấp Trung ương – Tỉnh/ thành phố – Cấp Quận/ Huyện/ Thị xã/ Thành phố thuộc tỉnh; chiều ngang là các ban ngành chuyên môn tương ứng theo các cấp.
Với tư cách là một tổ chức thống nhất với lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp chúng, hòa bình và từ bi trí tuệ của giáo lý Phật giáo, nhằm phục vụ dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh là lập trường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Với trách nhiệm đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực và chủ động tổ chức và tham gia không chỉ các hoạt động Phật sự mà còn cả những hoạt động xã hội, thể hiện tính hội nhập sâu rộng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời minh chứng sức mạnh của thống nhất tinh thần, hòa hợp, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng đất nước. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang thực hiện công cuộc đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế, bằng những hoạt động cụ thể của mình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với phương châm: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.
Tác giả: Vũ Ngà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn