Tóm tắt luận án NCS: Trần Thị Thư

Thứ hai - 12/10/2020 22:22

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

 

 
   

 

 

 

 

TRẦN THỊ THƯ

 

 

KỊCH VIỆT NAM (1945 – 1985) VỀ ĐỀ TÀI LỊCH SỬ - TƯ DUY NGHỆ THUẬT VÀ ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI

 

 

 

Chuyên ngành: Lý luận văn học

Mã số: 62.22.01.20

 

 

 

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC

 

 

 

 

 

 

Hà Nội, 2020

 

Công trình được hoàn thành tại:

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

 

Người hướng dẫn khoa học:  PGS.TS. Đoàn Đức Phương

 

Phản biện: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

                          

Phản biện: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

  

Phản biện: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

                          

 

 

Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng cấp Đại học Quốc gia chấm luận án tiến sĩ họp tại . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

vào hồi .......giờ .........ngày..........tháng..........năm 20................

 

 

Có thể tìm hiểu luận án tại:

- Thư viện Quốc gia Việt Nam

- Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài

Đề tài lịch sử luôn là một trong những đề tài hấp dẫn đối với các nhà văn đương đại và trở thành đối tượng nghiên cứu nhận được sự quan tâm rất lớn trong giới nghiên cứu và phê bình văn học. Thông qua cách lí giải và tìm hiểu về những vấn đề trong quá khứ, các nhà văn đã thể hiện được rất rõ góc nhìn cũng như tư duy của mình về các nhân vật, các sự kiện trong quá khứ.

Mỗi tác giả khi tiếp cận đề tài lịch sử đều cố gắng làm mới chất liệu để thể hiện được cái nhìn cá nhân và thời đại đối với quá khứ, nhưng không đơn thuần là một bức tranh minh hoạ mà đằng sau đó, luôn ẩn chứa những dụng ý sâu xa về những vấn đề đương đại. Cũng chính vì thế mà sự thay đổi hình thái xã hội, từ ý thức hệ của thời đại dẫn đến sự khác nhau về đặc trưng của văn học nói chung và kịch nói riêng.

Các thời kỳ phát triển của văn học luôn có sự tương đồng với các giai đoạn của lịch sử dân tộc. Năm 1945 và năm 1986 là hai dấu mốc quan trọng của văn học Việt Nam hiện đại, trước và sau thời kỳ này, văn học có rất nhiều sự khác biệt về quan điểm nghệ thuật, về cảm hứng chủ đạo, về đề tài, về thế giới nhân vật... Do vậy, kịch nói riêng và văn học Việt Nam nói chung giai đoạn 1945 - 1985 sẽ có những đặc trưng riêng.

Với những lí do trên, chúng tôi đã chọn Kịch Việt Nam (1945 - 1985) viết về đề tài lịch sử - tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại làm đề tài nghiên cứu cho luận án của mình.

2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

2.1. Đối tượng nghiên cứu: là tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại của các vở kịch viết về đề tài lịch sử được sáng tác trong giai đoạn 1945 – 1985.

2.2. Phạm vi nghiên cứu:

Bao gồm những vở kịch nói lấy chủ đề chiến tranh cách mạng, giải phóng đất nước, cũng như những vở kịch lấy chủ đề lịch sử phong kiến Việt Nam được sáng tác trong giai đoạn 1945 - 1985 của các tác giả chuyên nghiệp. Trong các vở kịch đó, người viết chọn lựa khảo sát những vở kịch viết về những sự kiện quan trọng đã được ghi chép trong lịch sử, các nhân vật có thật hay các nhân vật lấy nguyên mẫu ngoài đời.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu: Trên cơ sở nghiên cứu các tác phẩm kịch nói viết về đề tài lịch sử, luận án muốn chỉ ra những đặc trưng cơ bản nhất trong các khuynh hướng ứng xử với chất liệu lịch sử của các tác giả. Đồng thời, luận án cũng phân tích tư duy nghệ thuật của những tác phẩm kịch viết trong giai đoạn này có những đặc điểm nổi bật mang tính đặc trưng thể loại khác với các giai đoạn trước và sau để tìm ra những tương đồng và khác biệt. Từ đó, nhìn nhận được giá trị của các tác phẩm kịch nói viết về đề tài lịch sử viết trong giai đoạn này

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu:

Trước hết, tổng quan những vấn đề liên quan đến lí thuyết cũng như thực tiễn nghiên cứu và sáng tác kịch về đề tài lịch sử qua từng giai đoạn khác nhau để thấy được vị trí, vai trò của những tác phẩm kịch viết về đề tài lịch sử trong giai đoạn 1945 - 1985.

Thứ hai, chỉ ra những đặc điểm cơ bản trong các tác phẩm kịch nói dưới góc nhìn về tư duy nghệ thuật thông qua các hướng tiếp cận chất liệu lịch sử, các đối tượng được chọn để phản ánh của tác phẩm.

Thứ ba, luận án phân tích những đặc trưng của hành động, ngôn ngữ, xung đột kịch v.v… của những tác phẩm giai đoạn này có những đặc điểm gì giống và khác với những tác phẩm trước và sau đó.

Thứ tư, luận án lí giải những nguyên nhân hình thành tư duy nghệ thuật và những đặc trưng riêng của kịch viết về đề tài lịch sử giai đoạn này.

4. Phương pháp nghiên cứu

 Đề tài sẽ vận dụng, phối hợp nhiều phương pháp quan trọng (như: Phương pháp lịch sử xã hội, Phương pháp loại hình, Phương pháp nghiên cứu liên ngành, Phương pháp tiếp cận văn hóa học, phương pháp tiểu sử...), cùng các nguyên tắc phương pháp luận của một số lý thuyết hiện đại (như: lí thuyết về bi kịch của Aristot, hệ thống lí thuyết thể hệ của Stanislavski, Athur Miller, Becton Brech…). Ngoài ra, luận án còn sử dụng các các thao tác phân tích, đối chiếu, so sánh, thống kê, tổng hợp để từng bước giải quyết triệt để và hiệu quả nhất các nhiệm vụ đề tài đặt ra.

5. Đóng góp của luận án

Về mặt lý thuyết: Đây là công trình khoa học chuyên biệt đầu tiên nghiên cứu về kịch Việt Nam viết về đề tài lịch sử giai đoạn 1945 - 1985 dưới góc nhìn tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại. Qua đó, luận án bổ sung một cách nhìn nhận, nghiên cứu mới về kịch lịch sử nói riêng và kịch thoại nói chung.

Về mặt thực tiễn: luận án góp phần mở rộng và bổ sung tư liệu cho việc giảng dạy, nghiên cứu, giúp sinh viên tiếp cận được các tư liệu lý luận và thực tiễn về vẫn đề kịch nói cũng như vấn đề văn học nghệ thuật.

6. Cấu trúc luận án

Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận án được triển khai thành 4 chương:

Chương 1. Tổng quan vấn đề nghiên cứu

Chương 2. Kịch Việt Nam viết về đề tài lịch sử trong sự phát triển của văn học và kịch từ 1945 đến 1985

Chương 3. Kịch Việt Nam (1945 - 1985) về đề tài lịch sử - dưới góc nhìn tư duy nghệ thuật

Chương 4. Kịch Việt Nam (1945 - 1985) về đề tài lịch sử - nhìn từ đặc trưng thể loại

Chương 1

TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.1. Khái luận về tư duy và tư duy nghệ thuật

1.1.1. Tư duy

Khái niệm tư duy (được hiểu một cách khái quát nhất): là quá trình hoạt động nhận thức lý tính của con người, nhằm phản ánh bản chất của sự vật hiện tượng.

Tư duy được nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau và có hai kiểu phân biệt tư duy. Theo triết học, chúng ta có phương pháp tư duy siêu hình và phương pháp tư duy biện chứng. Theo hình thái ý thức xã hội, chúng ta có tư duy khoa học - tư duy logic; tư duy nghệ thuật - tư duy ẩn dụ; tư duy tôn giáo.

Tư duy cũng được các nhà khoa học phân biệt với các khái niệm tương tự khác như: ý thức, lí trí, tư tưởng.

1.1.2. Tư duy nghệ thuật

Tư duy nghệ thuật là quá trình người nghệ sĩ tạo ra tác phẩm phản ánh hiện thực dựa trên quan niệm, cảm nhận của cá nhân, nó chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi thế giới quan và nhân sinh quan của người sáng tạo. Tìm hiểu về tư duy nghệ thuật cũng là đi tìm hiểu những tư tưởng, quan niệm nghệ thuật, và các phương tiện nghệ thuật mà người nghệ sĩ đã chọn lựa để sáng tạo nên các tác phẩm của mình.

1.1.3. Tư duy kịch

Để tìm ra được những đặc tính của tư duy kịch, chúng ta cần đặt nó trong tương quan so sánh với tư duy thơ và căn xuôi. Khác với tuy duy tiểu thuyết, truyện ngắn, các nhà văn tiếp cận hiện thực lịch sử ở thì quá khứ, tư duy nghệ thuật kịch cũng hướng tới hiện thực thông qua khám phá số phận cá nhân của nhân vật nhưng tiếp cận hiện thực hiện thực ở thì hiện tại (qua quá trình tái hiện trực tiếp ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật).

Chúng ta có thể hiểu tư duy kịch là một phương thức biểu hiện của tư duy nghệ thuật, mang đặc điểm chung của tư duy nghệ thuật trong văn học, có nhiều nét tương đồng nhưng cũng có nhiều biểu hiện khác với tư duy tiểu thuyết bởi đặc trưng của thể loại. Qua nhiều giai đoạn và quá trình, nó sẽ có sự thay đổi, và ở mỗi nhà viết kịch sẽ có quá trình tư duy khác nhau để từ đó thế giới nghệ thuật họ sáng tạo nên sẽ mang những nét rất riêng.

1.2. Giới thuyết về kịch và đặc trưng thể loại kịch

1.2.1. Khái niệm về kịch

Kịch là thể loại đặc biệt, nó nằm vừa thuộc lĩnh vực sân khấu, vừa thuộc lĩnh vực văn học. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, kịch được hiểu theo hai cấp độ khác nhau, cấp độ loại hình và cấp độ loại thể. Ở cấp độ loại hình, kịch là một trong ba phương thức cơ bản của văn học (kịch, tự sự, trữ tình). Ở cấp độ loại thể, kịch (có thể hiểu là kịch nói) là một thể loại tồn tại bên cạnh các loại hình nghệ thuật sân khấu khác như kịch múa, kịch hát.

1.2.2. Đặc trưng của kịch

1.2.2.1. Xung đột kịch

Có thể xem xung đột là khởi đầu của kịch. Người đầu tiên đưa ra lí thuyết xung đột kịch hoàn chỉnh là Hegel (trước đó Aristole cũng đã nhắc đến nhưng chưa thực sự đầy đủ và rõ ràng, mang tính khu biệt). Sau đó, những tên tuổi gắn bó với lịch sử hình thành và phát triển của thể loại kịch như Stanislavski, Arthur Miller, ... khẳng định vai trò của xung đột trong kịch. Xung đột kịch phải được tổ chức trên cơ sở của phương thức điển hình hóa, nó bao gồm nhiều cặp phạm trù đối lập nhau. Xung đột kịch bắt nguồn từ những mâu thuẫn trong cuộc sống, những những mâu thuẫn đó phải gay cấn và kịch tính, có chiều sâu mới trở thành xung đột và được thể hiện trên sân khấu.

1.2.2.2. Hành động kịch

Hành động trong kịch không chỉ thể hiện tính cách của nhân vật trong qua các cử chỉ, lời nói, động tác mà hành động còn biểu hiện cho sự cảm nhận và tư duy của nhân vật trước các tình huống xảy ra trong cốt truyện. Có hai loại hành động, đó là hành động bên trong (là những yếu tố nội tâm, thường có sự thay đổi do sự tác động của xung đột kịch, tạo nên chiều sâu tâm lý cho nhân vật) và hành động bên ngoài (là điệu bộ, cử chỉ, động tác di chuyển, cách ăn nói… của nhân vật).

1.2.2.3. Ngôn ngữ kịch

Ngôn ngữ là thành phần đầu tiên của văn bản nghệ thuật, là điểm nhấn quan trọng của phong cách viết. Đối với một tác phẩm kịch, tất cả những vấn đề về ngôn ngữ đều được đặt vào ngôn ngữ nhân vật. Đó chính là điểm khác rõ rệt nhất so với với ngôn ngữ tự sự và ngôn ngữ trữ tình. Văn bản kịch là văn bản đối thoại, hoàn toàn không có khái niệm “người kể chuyện” như trong các tác phẩm tự sự.

Lời của các nhân vật gọi là thoại, bao gồm ba dạng: đối thoại, độc thoại và bàng thoại.

1.3. Tổng quan lịch sử nghiên cứu vấn đề

1.3.1.  Nghiên cứu về tư duy nghệ thuật trong văn học 

Vấn đề tư duy nghệ thuật trong văn học đã được nhắc đến trong nhiều công trình nghiên cứu những năm gần đây. Về tư duy thơ, có thể kể đến giáo trình Tư duy thơ Việt Nam của Nguyễn Bá Thành. Tư duy văn xuôi có bài viết Tư duy nghệ thuật Nguyễn Tuân qua các truyện yêu ngôn của Vương Trí Nhàn, Tư duy thơ trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại của Nguyễn Thị Bình. Có một số công trình viết về sự thay đổi tư duy trong sáng tác nghệ thuật, chẳng hạn như: Mấy vấn đề trong quan niệm con người của văn học Việt Nam của Trần Đình Sử, Đôi nét về một tư duy văn học mới đang hình thành của Nguyên Ngọc, Đổi mới tư duy văn học và đóng góp của một số cây bút văn xuôi của Mai Hương v.vv..

1.3.2. Nghiên cứu về lý thuyết thể loại kịch

Ở Việt Nam, có nhiều nghiên cứu về lí thuyết kịch nói chung của các tác giả nước ngoài đã được dịch ra tiếng Việt. Nhà nghiên cứu A. Anhist có các cuốn chuyên đề Lý luận kịch từ Aristote đến LessinLý luận kịch ở phương Tây nửa cuối thế kỷ XIX, B. Brecht có công trình Bàn về sân khấu tự sự…. Nghiên cứu về ảnh hưởng của các lí thuyết và phương pháp biên kịch của nước ngoài đối với sân khấu kịch Việt Nam, các tác giả rất chú ý đến A. Chekhov, Satanislavski và Arthur Miller… Nhà nghiên cứu Hoàng Sự có hai công trình liên quan đến lý luận kịch của Xô Viết là Những vấn đề thi pháp kịch ChekhovPhương pháp sân khấu Stanislavski. Chuyên luận của Trần Yến Chi Nghệ thuật biên kịch Arthur Miller đã nghiên cứu sâu về những đặc điểm của Arthur Miller trong việc thể hiện những vấn đề về con người và phê phán xã hội Mỹ cuối thế kỉ trước. Lý thuyết về kịch cũng được nhiều nhà lý luận, phê bình sân khấu trong nước quan tâm và đặt ra trong quá trình nghiên cứu kịch ngay từ những năm 70, 80 của thế kỉ trước. Có thể điểm tên những công trình đã ghi dấu ấn như thế: Nghệ thuật viết kịch, Xây dựng cốt truyện kịch của Hồ Ngọc; Lý luận kịch, Về thi pháp kịch, Về hình tượng con người mới trong kịch của Tất Thắng; Giao lưu văn học và sân khấu của Phan Trọng Thưởng… Có thể xem đây là những công trình nghiên cứu khá sâu sắc và đầy đủ diện mạo của văn học kịch trên phương diện thể loại.

1.3.3.Tình hình nghiên cứu sáng tác kịch và kịch lịch sử

Có khá nhiều công trình tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của kịch nói những năm đầu thế kỉ XX. Trong các công trình đó, phải kể đến các cuốn sách tương đối sơ khai về kịch Việt Nam như: Bước đầu tìm hiểu lịch sử kịch nói Việt Nam (trước Cách mạng tháng Tám) của Phan Kế Hoành và Huỳnh Lý và Bước đầu tìm hiểu lịch sử kịch nói Việt Nam 1945 – 1975 (Hoạt động sáng tác và biểu diễn) của Phan Kế Hoành và Vũ Quang Vinh); Những nhà văn Việt Nam (1945 - 1975) của Phan Cự Đệ và Hà Minh Đức;  Những vấn đề lịch sử văn học kịch Việt Nam (nửa đầu thế kỉ XX) của Phan Trọng Thưởng.

Trong những năm gần đây, các nghiên cứu về kịch nói thường xoay quanh một giai đoạn phát triển của kịch hoặc tập trung khai thác các tác phẩm kịch của các tác giả tiêu biểu. Trong số những bài viết, bài nghiên cứu về kịch gần đây, chúng tôi nhận thấy có ba tác giả được nghiên cứu nhiều nhất là Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi và Lưu Quang Vũ.

Vấn đề nghiên cứu kịch viết về đề tài lịch sử luôn nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà viết kịch, những người làm sân khấu và những nhà lý luận, phê bình. Các hội thảo lớn đã được tổ chức như: Hội thảo Bàn về đề tài lịch sử (1979); Hội nghị Sân khấu với đề tài lịch sử  (1996); Toạ đàm Nghệ thuật sân khấu sáng tạo về đề tài lịch sử ; Hội thảo khoa học toàn quốc Sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử (2012). Ngoài những công trình kể trên, chúng tôi đã thống kê khá nhiều luận văn, luận án tiến sĩ của các trường đại học, viện nghiên cứu đã đề cập đến những vấn đề liên quan đến lý thuyết và thực tiễn sáng tác, biểu diễn kịch.

Tiểu kết chương 1

Để nghiên cứu những đặc trưng của thể loại kịch được thể hiện trong các tác phẩm kịch (1945- 1985) viết về đề tài lịch sử, người nghiên cứu cần chỉ ra các khái niệm liên quan đến vấn đề. Trong đó, các vấn đề về tư duy nghệ thuật, về đặc trưng của kịch, và kịch về đề tài lịch sử đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề nghiên cứu riêng về tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại kịch viết về đề tài lịch sử từ sau Cách mạng đến trước Đổi mới vẫn chưa được nhắc tới nhiều trong các công trình nêu trên. Đó chính là mục tiêu nghiên cứu mà người viết muốn thực hiện trong luận án này.

 

Chương 2

KỊCH VIỆT NAM VỀ ĐỀ TÀI LỊCH SỬ TRONG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC VÀ KỊCH TỪ 1945 ĐẾN 1985

2.1. Những tác động của bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa đến hoạt động sáng tác văn học.

Các giai đoạn lịch sử cùng với những sự kiện lớn của đất nước đã tác động không nhỏ đến sự thay đổi của văn học thời kỳ này. Đặc biệt là bối cảnh chiến tranh cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ đã tác động lớn đến mục đích, tư tưởng cũng như quan niệm sáng tác của hầu hết các nhà văn, nhà thơ và nhà viết kịch trong giai đoạn này. Đề cương văn hóa năm 1943 trở thành văn kiện lý luận quan trọng cho sự phát triển của văn học. Đề cương không chỉ xác định nội dung, tính chất, nhiệm vụ của nền văn học mà còn nhấn mạnh nguyên tắc vận động của văn học là: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Đó cũng chính là định hướng ảnh hưởng sâu sắc nhất đến toàn bộ tiến trình của nền văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 và thậm chí dư âm của nó kéo dài đến gần cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn học đã trở thành một vũ khí tiên phong, một món ăn tinh thần lớn lao nhằm nâng cao sức mạnh và tình đoàn kết của toàn dân trong chặng đường giải phóng dân tộc.

2.2. Sự thống nhất trong đa dạng và khuynh hướng chủ đạo của văn học 1945 1985

2.2.1. Tính thống nhất của văn học 1945 – 1985

Văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975 chủ yếu là văn học cách mạng, gắn bó mật thiết với vận mệnh chung của dân tộc. Trong hoàn cảnh này, văn học phải đáp ứng nhu cầu lịch sử của đất nước, và nghệ thuật phải làm tròn nhiệm vụ chính là phục vụ cách mạng và cổ động chiến đấu. Khí thế cách mạng và kháng chiến đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần công dân của các nhà văn. Văn chương trước hết phải là vũ khí chiến đấu. Văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1985 tập trung vào đề tài cơ bản: bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tính thống nhất cũng được thể hiện qua tính đại chúng hoá của văn học, do đó quần chúng nhân dân không chỉ là đối tượng thể hiện mà còn là người tiếp nhận văn học và chính quần chúng cũng tham gia nhiều vào quá trình sáng tác văn học. Một đặc điểm thống nhất khác là văn học thời kỳ này chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.

2.2.2. Sự đa dạng trong chỉnh thể thống nhất của văn học 1945 – 1985

Ở mỗi giai đoạn khác nhau (cụ thể qua cac giai đoạn phát triển của văn học 1945 – 1954; 1954 – 1965; 1965 – 1975; 1975 – 1985), văn học có sự thay đổi, tiến bộ để đáp ứng được nhu cầu thực tế và chính bởi lẽ đó, dù có phát triển trong sự thống nhất thì tính đa dạng vẫn là đặc điểm nổi bật trong văn học trong thời kỳ này. Tính đa dạng ở đây được thể hiện bằng diện mạo hoàn chỉnh với tất cả các thể loại cơ bản của văn học. Tính đa dạng cũng được thể hiện qua nội dung và phương thức phản ánh, khuynh hướng tiếp cận chất liệu cuộc sống của văn học.

2.2.3. Khuynh hướng sử thi và lãng mạn cách mạng là khuynh hướng chủ đạo của văn học 1945 – 1985

Đây là cảm hứng đã hình thành trong sáng tác của các tác giả trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đặc biệt lại chi phối mạnh mẽ đến các sáng tác được viết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm có khuynh hướng sử thi là tác phẩm có ý nghĩa lịch sử và dân tộc. Nhân vật chính là những người đại diện cho lý tưởng và phẩm chất của cộng đồng và chiến đấu vì cộng đồng. Cảm hứng lãng mạn cách mạng chủ yếu thể hiện ở chỗ khẳng định lý tưởng cuộc sống mới và vẻ đẹp của con người mới, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước.

2.3. Vị trí của kịch và kịch về đề tài lịch sử trong văn học giai đoạn 1945 1985

2.3.1. Sự phát triển hùng hậu về đội ngũ sáng tác và các đề tài phản ánh của kịch

Đội ngũ sáng tác kịch thời kỳ này phần lớn là các cán bộ tuyên truyền cách mạng và một số ít những nghệ sĩ đã thành danh từ thời kỳ trước.

Giai đoạn đầu cách mạng, do điều kiện và mục đích ý nghĩa của việc sáng tác và trình diễn kịch giai đoạn đó, các vở kịch chủ yếu được sáng tác nhanh và mang tính chất cổ động phong trào.

Ở giai đoạn sau 1954, các vở kịch có nhiều tiến bộ, nhiều vở kịch tập trung phản ánh cuộc đấu tranh của quân và dân ta trong vùng địch tạm chiến.

Hoạt động kịch nói thời kỳ chống Mỹ cứu nước 1965-1975 cũng có nhiều nét đột phá. Sân khấu kịch lúc này thực sự đã trở thành một vũ khí nhạy bén của Đảng trong cuộc cách mạng về văn hóa tư tưởng và chính trị, đây là thời kỳ chứng kiến sự trưởng thành mạnh mẽ của kịch nói cả về chất lượng và số lượng.

Sau năm 1975, kịch nói Việt Nam đã tạo nên một diện mạo mới trong hoàn cảnh lịch sử mới. Kịch nói tập trung vào hai mặt đề tài lớn là tái hiện lại cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và cuộc sống thời hậu chiến, đề tài lịch sử phong kiến đã bắt đầu trở lại trong một số sáng tác của các nhà viết kịch giai đoạn này.

2.3.2. Kịch viết về đề tài lịch sử trong tiến trình phát triển của kịch nói riêng và văn học nói chung

2.3.2.1.Kịch viết về đề tài lịch sử trong mối tương quan giữa văn học và lịch sử

Kịch lịch sử là các tác phẩm viết về đề tài lịch sử nhưng trong đó có các chi tiết, nhân vật hư cấu. Tuy nhiên, các sự kiện và nhân vật chính thường có thực trong lịch sử. Tuy nhiên do chưa có sự thống nhất về cách phân chia các thể loại kịch nên NCS sử dụng cách định danh “kịch về đề tài lịch sử” thay vì cách định danh “kịch lịch sử”.

Có thể thấy kịch viết về đề tài lịch sử trong giai đoạn 1945 - 1985 chủ yếu là những tác phẩm lấy bối cảnh, sự kiện và nhân vật trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những sự kiện trong lịch sử phong kiến cũng được tái hiện, nhưng so với đề tài về chiến tranh cách mạng thì chưa thực sự nổi bật. Trong những tác phẩm viết về lịch sử giai đoạn này, hình tượng nhân vật được xây dựng dựa trên những nhân vật có thật trong lịch sử như Hồ Chí Minh, Phan Đình Giót, Nguyễn Trãi, Trần Thủ Độ…, hoặc dựa trên nguyên mẫu ngoài đời thực và được thay đổi tên tuổi, quê quán nhưng vẫn giữ lại những sự kiện, hành động và biến cố quan trọng trong cuộc đời nhân vật.

2.3.2.2. Kịch viết về đề tài lịch sử trong tiến trình chung của văn học kịch Việt Nam

Giai đoạn đầu tiên của kịch nói (1921-1930), những sáng tác kịch thường dịch, mô phỏng, phóng tác các vở kịch lừng danh của phương Tây, đặc biệt là Pháp. Giai đoạn thứ hai (1930-1945) được xem như là giai đoạn trưởng thành của kịch nói Việt Nam. Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), sân khấu giai đoạn 1940-1945 có sự nở rộ những vở kịch viết về đề tài lịch sử. Giai đoạn sau năm 1945, kịch nói đề tài lịch sử gặt hái được nhiều thành tựu to lớn hơn thời kỳ trước.

Trong tiến trình chung của văn học kịch Việt Nam, kịch viết về đề tài lịch sử đóng một vai trò vô cùng đặc biệt với nhiều tác phẩm mang dấu ấn đậm nét trong hệ thống kịch nói Việt Nam. Ở giai đoạn sơ khai, đề tài lịch sử thường được biết đến với những vở kịch lấy cốt truyện từ văn học và lịch sử Trung Quốc. Tiếp đến những năm 30 của thế kỷ trước, đề tài lịch sử Việt Nam bắt đầu được chú ý với nhiều vở kịch viết về quá khứ, mượn bối cảnh lịch sử xa xưa để đặt mình trong các nhân vật mang nặng tâm tư, nỗi lòng riêng, đặc biệt là nỗi lòng của kẻ sĩ trước hoàn cảnh thực tại. Bước sang giai đoạn mới, đề tài lịch sử phong kiến trong kịch nói giai đoạn 1945 - 1985 có phần khiêm tốn hơn so với các thể loại kịch khác (kịch thơ, kịch hát), mà thay vào đó là sự tập trung và nở rộ của các vở kịch về đề tài chiến tranh cách mạng. Song với những thành tựu riêng, với những đặc trưng thẩm mỹ của loại hình kịch thoại cùng với sự xâm nhập, ảnh hưởng của kịch hát và kịch thơ (giai đoạn đầu của quá trình phát triển), kịch nói về đề tài lịch sử đã hình thành những đặc trưng thi pháp riêng trong việc phản ánh đề tài lịch sử.

Tiểu kết chương 2

Đi từ bối cảnh lịch sử, xã hội trong giai đoạn 1945 - 1985, chúng tôi mong muốn lý giải được những tác động của nó lên diện mạo văn học nói chung và văn học kịch nói riêng. Chính sự tác động này đã tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của các thể loại văn học. Với những tác phẩm mà chúng tôi đã nêu trên, có thể thấy được vai trò của đề tài lịch sử trong tiến trình phát triển chung của văn học cũng như của kịch. Dù đó là đề tài về chiến tranh cách mạng hay đề tài về lịch sử các triều đại phong kiến thì tựu trung lại, chỉ riêng giai đoạn 1945 – 1985, đã có rất nhiều vở kịch để lại dấu ấn đậm nét cho đến ngày nay, được đánh giá cao và được tái hiện nhiều lần trên sân khấu đương đại.

Chương 3

KỊCH VIỆT NAM (1945 - 1985) VỀ ĐỀ TÀI LỊCH SỬ -

DƯỚI GÓC NHÌN TƯ DUY NGHỆ THUẬT

 

3.1. Quan niệm sáng tác kịch về đề tài lịch sử giai đoạn 1945 – 1985

3.1.1. Tư duy về hư cấu lịch sử

Nếu như trong các kịch bản văn học thông thường, hư cấu là kỹ thuật tất yếu của nhà viết kịch nói riêng và của sân khấu nói chung, thì đối với kịch lịch sử, nghệ thuật hư cấu chính là lĩnh vực chủ yếu để nhà văn thể hiện sự sáng tạo của mình, làm cho tác phẩm trở thành một kịch bản lịch sử đúng nghĩa. Trong những vở kịch được viết vào giai đoạn 1945 - 1985, có lẽ vai trò của hư cấu không thực sự nổi bật. Nhưng điều đó không có nghĩa là các vở kịch đó thiếu đi tính hư cấu. Tính hư cấu của mỗi vở kịch lịch sử có thể được thể hiện ở việc hư cấu nhân vật, hư cấu sự kiện, hư cấu chi tiết. Đối với những chi tiết có thật hoặc ngày, tháng, năm lịch sử đều không thể hư cấu.

Nói đến hư cấu nhân vật, rõ ràng đây là xu hướng hư cấu dễ nhận thấy nhất trong kịch lịch sử. Bên cạnh những con người có thật, kịch lịch sử còn có hệ thống những nhân vật hư cấu mà phổ biến nhất là nhân vật người tình của các danh nhân lịch sử. Một dạng hư cấu hấp dẫn nhất, kể cả đối với người viết lẫn người đọc, chính là hư cấu về tâm lý, nội tâm, tình cảm, về chuyện tình yêu của nhân vật. Nhìn chung đối với những vở kịch viết trong giai đoạn này thì tính chất của cơ cấu luôn ở một giới hạn nhất định. Không có chi tiết hư cấu nào vượt quá giới hạn của biên độ hư cấu đối với lịch sử bởi đây là những sáng tác trong bối cảnh lịch sử của cuộc kháng chiến, mục đích của việc sáng tác kịch nói riêng và văn học nói chung là để phục vụ cách mạng, cổ vũ tinh thần chiến đấu.

3.1.2. Quan niệm về tính hiện đại trong kịch viết về đề tài lịch sử

Quan niệm sáng tác kịch về đề tài lịch sử trong giai đoạn này vô cùng chú trọng tính hiện đại, bởi đây là một yêu cầu cơ bản cho mục đích sáng tác kịch cách mạng. Hiện thực của cuộc chiến đấu là chủ đề xuyên suốt trong hầu hết các tác phẩm kịch. Do đó, ở mỗi tác phẩm, tính đương đại, tính thời sự được thể hiện rất rõ. Mỗi người ở mỗi thời đại khác nhau sẽ có thái độ khác nhau đối với tư liệu lịch sử, bởi nó chỉ là một tư liệu thuần túy để các nhà văn tự do sáng tạo dựa trên ý đồ và quan điểm của riêng mình. Và mỗi tư liệu đó được chọn lựa và thể hiện thành công hay không, được đón nhận hay không thì bản thân sự sáng tạo đó phải mang tính hiện đại.

Như vậy, khi nói đến tư duy nghệ thuật trong sáng tác kịch về đề tài lịch sử, tính chất hư cấu và tính hiện đại luôn là những yếu tố được nói đến đầu tiên để người nghiên cứu có thể thấy được khuynh hướng sáng tạo của nhà viết kịch.

3.2. Các khuynh hướng khai thác chủ đề lịch sử

Trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, kịch Việt Nam chủ yếu đi sâu vào mảng đề tài xã hội với nhiều tác phẩm tiêu biểu. Cho đến những năm 1930, kịch lịch sử bắt đầu được chú ý với sự ra đời của hàng loạt các vở kịch lấy những câu chuyện cũ trong lịch sử để làm bài học mới cho người hiện tại. Sau Cách mạng tháng Tám cho đến những năm tám mươi của thế kỷ trước, sân khấu mới thực sự mang ý nghĩa của một thể loại nghệ thuật có tính chất quần chúng. Trong thời kỳ này, chủ đề lịch sử được khai thác phong phú hơn bao giờ hết và được phân hoá thành hai chủ đề chính: lịch sử chiến tranh cách mạng và lịch sử phong kiến Việt Nam.

3.2.1. Khai thác chủ đề lịch sử chiến tranh cách mạng

Từ thành công của vở Bắc Sơn, các tác phẩm lấy chủ đề lịch sử cách mạng tiếp nối nhau ra đời. Những tác phẩm này mở rộng đối tượng để phản ánh những sự kiện lớn lao của dân tộc: Hà Nội trong khói lửa chiến tranh, những chiến dịch lớn với thắng lợi vẻ vang của quân đội ta, công cuộc cải cách ruộng đất và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các vở kịch tiêu biểu khai thác chủ đề này: Những người ở lại của Nguyễn Huy Tưởng, Trước giờ chiến thắng của Đào Hồng Cẩm và Sỹ Hanh, Cách mạng của Nguyễn Khải; Bài ca Điện Biên của Tất Đạt, Lửa cháy lên rồi của Phan Vũ; Người công dân số một của Vũ Đình Phòng và Hà Văn Cầu, tác phẩm Đêm trắng của Lưu Quang Hà, Nhân chứng và lịch sử của Hoài Giao…

3.2.2. Khai thác đề tài lịch sử phong kiến

Kịch viết về thời kỳ phong kiến thường có xu hướng lấy những sự kiện trong chính sử cũng như trong dã sử thành đề tài khai thác trong tác phẩm của mình. Nhưng trước thời kỳ Đổi mới, đề tài này thường xuất hiện nhiều hơn trong các vở kịch hát. Riêng về kịch nói, đề tài lịch sử phong kiến còn khá khiêm tốn về số lượng, nhưng đã để lại những dấu ấn đặc biệt trong tiến trình phát triển của kịch về đề tài lịch sử 40 năm. Có thể kể đến những tác phẩm Quán Thăng Long của Lưu Quang Thuận, Tiếng trống Hà Hồi của Hoàng Như Mai, Năm một ngàn bốn trăm của Đặng Hồng Nam, Nguyễn Trãi ở Đông Quan và đặc biệt là Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi. Với tính chất là nền văn học theo hướng đại chúng hoá, dân tộc hoá, các vở kịch đó thường lấy chủ đề lịch sử phong kiến nhưng có nhiều nhân vật chính trong kịch hoàn toàn không phải là nhân vật được ghi danh trong sử sách hoặc chỉ lấy các nguyên mẫu có thật trong chính sử, các nhân vật như Nguyễn Trãi, Lý Chiêu Hoàng, Trần Thủ Độ, Trần Cảnh mới được nhắc đến trong các tác phẩm kịch viết sau năm 1975.

3.3. Những khuynh hướng khai thác sự kiện lịch sử

3.3.1. Khuynh hướng mô phỏng, tái hiện trung thực sự kiện lịch sử dựa trên nguyên tắc tôn trọng chính sử

Kịch viết về lịch sử trong khoảng ba mươi năm đầu của cuộc kháng chiến đã ghi dấu ấn của những cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong những thời khắc lịch sử quan trọng. Những trận chiến lừng lẫy, những cuộc khởi nghĩa đầy cam go được tái hiện và mô phỏng khá chi tiết, đầy đủ với tinh thần đầy tự hào. Viết về những sự kiện lịch sử có thật trong hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, các nhà soạn kịch đều có xu hướng dựa trên nguyên tắc tôn trọng lịch sử, ở đây, tính chân thật trong việc phản ánh những sự kiện lịch sử được đặt lên hàng đầu.

3.3.2. Khuynh hướng tái hiện lịch sử nhiều chiều và nhận thức lại sự kiện lịch sử

Nếu như những vở kịch hướng đến chủ đề chiến tranh cách mạng thường có xu hướng tái hiện chân thực lại những sự kiện lịch sử đã diễn ra trên tinh thần tôn trọng chính sử thì những vở kịch lấy bối cảnh triều đại phong kiến lại có xu hướng tái hiện, tái tạo và nhận thức lại sự kiện lịch sử. Những tác phẩm có xu hướng tiếp cận lịch sử mang tính đối thoại với chính sử như vậy lại mang đến những giá trị nhân văn sâu sắc và cũng có tác động không nhỏ đến cách nhìn nhận của hậu thế về những sự kiện đã qua.

3.4. Nhân vật và những khuynh hướng khai thác nhân vật lịch sử

3.4.1. Nhân vật và các kiểu nhân vật

3.4.1.1. Nhân vật

Nhân vật kịch là nơi để tác giả thể hiện tư tưởng quan niệm của mình qua các hành động, cảm xúc của nhân vật. Có thể nói nhân vật là yếu tố đóng vai trò vô cùng quan trọng, là nơi trực tiếp khắc họa hình tượng mà tác giả muốn hướng tới, cũng là nơi thể hiện được những xung đột, những mâu thuẫn gốc rễ để hình thành nên tác phẩm, được truyền tải bằng tư tưởng và quan niệm sáng tác của tác giả. Đi sâu khai thác những hình tượng nhân vật trong kịch cũng là hiểu rõ được cảm quan về thế giới và con người của nhà văn, được coi là cửa ngõ để người đọc có thể nhìn thấu được tư tưởng, tài năng cũng như quan niệm của tác giả về một vấn đề lịch sử.

3.4.1.2. Các kiểu nhân vật

Có rất nhiều phương cách để phân loại nhân vật trong văn học. Đứng trên góc độ là một thể loại văn học viết về lịch sử, ngoài những đặc điểm chung như đã nêu, chúng tôi thấy, nhân vật trong kịch về đề tài lịch sử thường được xây dựng thông qua quá trình hư cấu và sáng tạo trên cơ sở khái quát hoá các hiện tượng trong đời sống hiện thực. Thứ nhất, những nhân vật có thật, nhưng được hư cấu tính cách, hành động. Thứ hai, các nhân vật hư cấu theo nguyên mẫu có thật, được các tác giả thay đổi thời gian, bối cảnh, địa điểm, tên gọi nhưng vẫn giữ lại những sự kiện, hành động, biến cố quan trọng. Thứ ba là kiểu nhân vật hoàn toàn hư cấu (kiểu này chiếm đa số).

Ngoài ra, luận án đã phân loại các nhân vật dựa trên mối quan hệ với lịch sử, có thể phân chia thành ba kiểu nhân vật: Nhân vật - chủ thể làm nên lịch sử; Nhân vật - từ nạn nhân của lịch sử đến người làm nên lịch sử; Nhân vật - từ chứng nhân lịch sử đến người làm nên lịch sử. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhân vật đều có thể phân định rạch ròi trong mối quan hệ với lịch sử, có những lúc, họ vừa là nạn nhân vừa là những người làm nên lịch sử, có lúc họ là những người chỉ muốn chứng kiến lịch sử nhưng lại trở thành những con người tham gia vào sự kiến tạo nên lịch sử.

3.4.2. Những khuynh hướng tiếp cận và xây dựng nhân vật lịch sử

Mỗi nhà soạn kịch có những phương thức ứng xử khác nhau đối với chất liệu lịch sử. Trong diễn trình sân khấu kịch ở Việt Nam hiện nay nói chung và ở mảng kịch nói sân khấu nói riêng, tồn tại song song cả ba khuynh hướng ứng xử với chất liệu lịch sử: thứ nhất là tiếp cận nhân vật lịch sử theo nguyên tắc tôn trọng chính sử tuyệt đối, thứ hai là tiếp cận nhân vật lịch sử theo tư duy đa chiều và thứ ba là tiếp cận nhân vật lịch sử bằng tư duy đối thoại, nhận thức lại.

3.4.2.1. Khuynh hướng tái hiện nhân vật lịch sử trên nguyên tắc lý tưởng hoá, thuận chiều với chính sử

Đây là cách tiếp cận đối với những vật đã trở thành danh nhân lịch sử, những nhân vật chiến sĩ cách mạng với người chị người mẹ nơi hậu phương và tiền tuyến.

3.4.2.2. Khuynh hướng khai thác nhân vật lịch sử bằng cái nhìn đa chiều, mang tính nhận thức lại lịch sử

Cách tiếp cận đa chiều thường được đặt vào cách nhìn đối với những nhân vật ở bên kia chiến tuyến và một số nhân vật trong lịch sử phong kiến. Một cái nhìn đa chiều không phải lúc nào cũng đi ngược lại với chính sử mà điều chúng tôi muốn nói ở đây là cách tiếp cận nhân vật từ những điểm nhìn khác nhau, những điều mà chúng ta không thể tìm thấy trong những trang sách sử.

3.4.2.3. Khuynh hướng nội tâm hoá nhân vật lịch sử

Với những vở kịch mà chúng tôi khảo sát, hầu như khuynh hướng này xuất hiện rất ít và thường có trong các vở kịch viết về nhân vật trong bối cảnh lịch sử phong kiến, đặc biệt trong các tác phẩm kịch được viết sau năm 1975. Trong một số vở kịch viết về chiến tranh cách mạng cũng có một số chi tiết thể hiện được nội tâm của nhân vật khi phải lựa chọn chọn quyết định một vấn đề nào đó. Chủ yếu khuynh hướng này tập trung vào một số nhân vật trong lịch sử phong kiến như Nguyễn Trãi trong Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Năm một nghìn bốn trăm, Lý Chiêu Hoàng trong Rừng trúc, Thoát Hoan trong Quán Thăng Long

Tiểu kết chương 3

Có thể nói, quan niệm sáng tác kịch lịch sử thời kỳ này được thể hiện thông qua tư duy về tính chân thật và hư cấu, cũng như tính hiện đại trong các tác phẩm. Qua đó, chúng ta có thể thấy được cách ứng xử của nhà văn đối với việc sáng tạo lịch sử. Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, kịch viết về đề tài lịch sử đã có những thay đổi trong tư duy sáng tác cũng như trong xu hướng tiếp cận lịch sử. Những vấn đề thể loại như: tiếp cận chủ đề, nhân vật, sự kiện trong các vở kịch viết về đề tài lịch sử giai đoạn này cũng có nhiều đặc điểm riêng, khác với sự thể hiện của những yếu tố đó trong các tác phẩm kịch viết trước Cách mạng.

Chương 4

KỊCH VIỆT NAM (1945 - 1985) VỀ ĐỀ TÀI LỊCH SỬ  -

NHÌN TỪ ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI

4.1. Đặc trưng xung đột kịch

Nhìn chung, xung đột trong kịch nói về đề tài lịch sử thường xoay quanh những cặp đối lập trong mối quan hệ giữa người với người giữa nhân vật sự kiện lịch sử với hoàn cảnh thời đại lịch sử. Xung đột lịch sử trong thời kỳ này ngày thường được phản ánh qua các cặp xung đột như là xung đột dân tộc với phong kiến/thực dân. Xung đột giữa việc nước - việc nhà; việc chung - việc riêng. Hay xung đột trong bản thể mỗi con người. Và trong tất cả những cặp xung đột này, các mâu thuẫn thường có hướng giải quyết khá thuận lợi I và có kết thúc tốt đẹp. coi cười những xung đột đã được đặt ra và giải quyết thì chỉ viết về đề tài lịch sử đã làm tròn vai trò của mình trong giai đoạn lúc bấy giờ.

4.1.1. Xung đột Dân tộc - Phong kiến/Thực dân

Xung đột giữa dân tộc Việt Nam với phong kiến xâm lược và vua chúa thối nát cũng như với đế quốc, thực dân là một trong những xung đột cơ bản nhất. Kịch lịch sử từ sau Cách mạng tháng Tám khai thác mâu thuẫn dân tộc và vấn đề quốc gia nằm trong khuynh hướng văn học yêu nước đương thời. Đó là những xung đột nền tảng và trở thành cảm hứng chung cho toàn bộ các sáng tác thời kỳ 1945 - 1985… Sở dĩ nội dung phản ánh của văn học kịch giai đoạn này có tính chất đặc biệt như vậy là bởi văn học liên quan mật thiết tới hoàn cảnh xã hội. Nhiều nhà văn đã lấy cảm hứng từ những cuộc nổi dậy, khởi nghĩa chống xâm lược làm cơ sở cho những tác phẩm của mình.

Những xung đột giữa dân tộc và phong kiến xâm lược được thể hiện rất rõ giữa một bên là dân tộc Việt Nam với tinh thần yêu nước và luôn ý thức giữ gìn nền văn hóa từ lâu đời với một bên là sự độc ác, tàn bạo của quân giặc phong kiến phương Bắc, của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đó chính là mâu thuẫn mang tính xung đột giữa một bên là sự tàn ác của quân giặc, một bên là sức chiến đấu, tính kỷ luật và cả tinh thần nhân đạo của dân tộc ta. Chính những điều đó đã làm nên sức mạnh để quân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh (được thể hiện qua Bắc Sơn, Những người ở lại, Bài ca Điện Biên, Quán Thăng Long, Lửa cháy lên rồi, Trên nớ…)

Những xung đột ấy còn được thể hiện ngay trong hàng ngũ những người làm cách mạng, một bên là những người làm cách mạng chân chính, không quản ngại đói rét, khó khăn, cũng chẳng sợ hi sinh, một bên là những kẻ ăn chơi trác tác, tham ô trên đồng tiền xương máu của nhân dân và cả những kẻ hèn nhát mà lùi bước trước kẻ thù (được thể hiện qua Đêm Trắng, Trước giờ chiến thắng, Lịch sử và nhân chứng…)

4.1.2. Xung đột Việc nước – Việc nhà; Việc chung - Việc riêng

Kiểu xung đột này thường được các tác giả kịch thể hiện trong bối cảnh những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Họ đặt xung đột trong mỗi gia đình, nơi mà có những người con trong cùng một nhà lại nằm ở hai chiến tuyến, và xung đột đó cũng được đặt lên trên số phận của những con người cá nhân - những con người phải lựa chọn giữa “đi và ở”. Với những tác phẩm viết sau 1975, xung đột việc nước/ việc người vẫn tiếp tục được phản ánh trong các vở kịch về đề tài lịch sử nhưng được thể hiện ở khía cạnh khác,đó thường là xung đột giữa quyền lực vương triều và vận mệnh dân tộc. Kiểu xung đột này được thể hiện rất sâu sắc trong tác phẩm của Nguyễn Đình Thi.

4.1.3. Xung đột trong bản thể mỗi con người

Đối với những vở kịch viết về đề tài lịch sử, trước hết, xung đột không chỉ riêng vấn đề mâu thuẫn dân tộc, giai cấp, mà hơn hết, nó còn có giá trị đến ngày nay bởi nhà văn đi sâu vào khai thác những vấn đề xung đột trong chính bản thể cá nhân và số phận con người. Đó là mâu thuẫn giữa việc ở lại trong thành cùng tham gia kháng chiến hay di tản khỏi thủ đô của gia đình bác sĩ Thành (Những người ở lại). Đó cũng là câu chuyện an phận hay từ bỏ tình riêng để đi theo phong trào của Thơm trong Bắc Sơn. Xung đột trong bản thể mỗi con người còn được thể hiện qua hình ảnh của Xuân, một người lính trong chiến dịch Điện Biên trong vở kịch Trước giờ chiến thắng. Với những sáng tác về sau, đặc biệt là sau năm 1975, có lẽ những xung đột trong nội tâm, trong bản thể mỗi con người trở thành yếu tố được thể hiện đậm nét nhất trong kịch qua các xung đột của nhân vật Lý Chiêu Hoàng, Trần Cảnh, Nguyễn Trãi.

4.2. Đặc trưng ngôn ngữ kịch

4.2.1. Sự thể hiện dạng thức độc thoại trong kịch

Trong những năm đầu của cuộc Cách mạng, sự ảnh hưởng của dòng kịch tâm lý giai đoạn đầu thế kỉ vẫn ảnh hưởng đến cách thể hiện của các tác giả. Vai trò của độc thoại tương đối rõ nét trong tác phẩm kịch Quán Thăng Long của Lưu Quang Thuận (1945) và Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng (1946) đến những vở kịch của Nguyễn Đình Thi, số lượng ngôn ngữ độc thoại đã tăng lên đáng kể, chẳng hạn như Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979) có khoảng 7/550 và Rừng trúc (1978) xuất hiện đến 15 lời độc thoại. Trong vở kịch Năm một nghìn bốn trăm của Đặng Hồng Nam cũng xuất hiện màn độc thoại rất dài của nhân vật Nguyễn Trãi. Như vậy, có thể nói, các tác phẩm kịch viết về đề tài lịch sử đã có sự giao thoa trong việc sử dụng dạng câu độc thoại, dạng thức thường xuất hiện nhiều hơn trong các vở kịch tâm lý - xã hội. Đi sâu, khám phá và thể hiện xung đột thế giới nội tâm con người, độc thoại trong kịch nói đề tài lịch sử chiếm ưu thế lớn về số lượng và thể hiện hiệu quả nghệ thuật vượt trội về chất lượng. Sự xuất hiện khá dày những màn độc thoại đã diễn đạt sâu sắc và có sức nặng về những giằng xé quyết liệt trong khối óc con tim, trong tình cảm và lí trí của nhân vật trước những bước ngoặt lớn trong cuộc đời, mà bước ngoặt ấy ảnh hưởng sâu nặng đến số phận không chỉ của cá nhân người đưa ra quyết định mà trên hết còn là số phận của quốc gia, dân tộc. Xung đột nội tâm đưa nhân vật lịch sử vốn tràn đầy những khoảng cách sử thi đến gần hơn với công chúng, với nỗi niềm nhân sinh của kiếp người.

4.2.2. Xây dựng tính chất của ngôn ngữ kịch

4.2.2.1.Ngôn ngữ thể hiện chân dung nhân vật lịch sử

Với hai mảng chủ đề chính trong kịch lịch sử là chiến tranh cách mạng và lịch sử phong kiến, ngôn ngữ kịch cũng được phân hoá thành hai màu sắc khác nhau: một bên là ngôn ngữ gần gũi, hiện đại và quen thuộc, một bên là màu sắc ngôn ngữ cổ xưa, trau chuốt. Có thể nói, xét về mặt tính chất ngôn ngữ, kịch viết về đề tài lịch sử có xu hướng xây dựng những tính chất rất riêng và giàu tính nghệ thuật để thể hiện đặc trưng của nhân vật. Các tính chất của ngôn ngữ cũng được thể hiện rất linh hoạt, giàu biểu cảm và gắn liền với tính cách, xuất thân của nhân vật. Điều này càng rõ nét hơn trong kịch, nó hoàn toàn được chi phối bởi ngôn ngữ thoại của nhân vật, chứ không thông qua ngôn ngữ của người kể chuyện như trong truyện ngắn hay tiểu thuyết.

4.2.2.2. Tính chất triết lý, tính luận đề

Đối với kịch viết vào thời kỳ này, việc các tác giả truyền tải được thông điệp cá nhân ẩn sau những hình tượng nghệ thuật là điều cần thiết. “Mượn chuyện xưa để nói hôm nay” dường như là phương thức cơ bản để các nhà viết kịch thể hiện một vấn đề tư tưởng triết học cụ thể khi sáng tác về lịch sử. Hoặc có những nhà viết kịch chỉ mượn nhân vật lịch sử để khám phá những vấn đề hiện sinh đương thời. Triết lý về quyền lực, địa vị chính trị là hai khía cạnh liên quan gần gũi nhất đến kịch lịch sử, bởi đơn giản, kịch lịch sử chịu sự chi phối của thời đại phong kiến, thời đại đấu tranh cách mạng, thời đại kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

4.2.2.3. Sự xâm lấn, giao thoa của thơ trong kịch lịch sử

Trong loại hình kịch nói, tưởng chừng chỉ có những câu thoại khô khan, thì nay, trong rất nhiều vở kịch cũng thấm đẫm chất thơ. Có những đoạn kịch, những câu kịch chúng ta có thể hình dung như những câu trữ tình, có những câu thoại đan xen trong đó nhiều bài thơ, câu ca dao, câu tục ngữ. Điều này làm nên mối quan hệ liên văn bản giữa thơ và kịch, giữa kịch với văn học dân gian (ca dao, dân ca), giữa kịch bản với các hình tượng thẩm mỹ (nhân vật lịch sử Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Ưng Uý,...). Đọc các tác phẩm kịch của các nhà văn thời này, người đọc nhận thấy có nhiều câu thoại được viết dưới dạng thơ, với những từ ngữ trùng lặp, điệp câu cú, tạo nên tính trữ tình.

4.3. Đặc trưng hành động kịch

Ra đời trong giai đoạn 1945 - 1985, hầu hết các vở kịch đều ảnh hưởng những kết quả thành tựu của kịch hiện thực Xô Viết và những lý thuyết lý luận khác nhau về hành động kịch. Nhưng trong đó, chúng tôi nhận thấy lý thuyết về kịch của Aristotle và Stanislavski tương đối phù hợp khi tiếp cận đặc trưng của các tác phẩm kịch mà chúng ta đang nói tới.

4.3.1. Sự thể hiện hành động xuyên/chuỗi hành động

Trong các vở kịch viết về đề tài lịch sử như chúng tôi đã trình bày ở trên, nhân vật hầu hết đều là những chiến sĩ cách mạng, những anh bộ đội Cụ Hồ. Họ là những nhân vật  có tính cách tiêu biểu cho những con người mang lý tưởng cách mạng. Họ thường là những nhân vật tính cách, nhân vật hành động hơn là những nhân vật tâm lý. Do đó, hầu hết các hành động của họ đều là hành động xuyên, trong đó hành động bên ngoài và hành động bên trong đều thể hiện trong mối quan hệ nguyên nhân - kết quả hoặc hình thức - nội dung.

4.3.2. Sự thể hiện “phản hành động”

Với những hành động của nhân vật trong các tác phẩm kịch như chúng tôi đã phân tích ở trên, vẫn có một vài biến cố dẫn đến những hành động mang tính quyết định của các nhân vật đó. Nhưng tính chất phản hành động chưa thực sự rõ ràng, bởi cuối cùng những hành động của nhân vật vẫn là minh họa rõ hơn tính cách mà họ đã thể hiện ngay từ đầu. Với cách thể hiện những “phản hành động”, các tác phẩm kịch viết trong giai đoạn này hoàn toàn thoát khỏi khuynh huớng của một vở bi kịch mà thay vào đó là một vở kịch tiêu biểu cho tinh thần giác ngộ của tầng lớp trí thức những năm đầu của cuộc kháng chiến.

Tiểu kết chương 4

Với đặc trưng của thể loại là xung đột kịch, những vấn đề thuộc phạm trù lịch sử đã được khai thác một cách sâu sắc và thể hiện rõ ràng nhất. Về mặt ngôn ngữ, kịch 1945 - 1985 về đề tài lịch sử không sử dụng nhiều dạng thức độc thoại, tính chất ngôn ngữ thể hiện sự xâm nhập của thơ ca và tính triết lý trong ngôn ngữ kịch đã góp phần thể hiện rõ nét những biến động của lịch sử và tính cách, hành động của nhân vật lịch sử. Một yếu tố không thể không nhắc đến khi nói về đặc trưng của kịch là hành động kịch. Hành động kịch của các nhân vật trong các tác phẩm này chủ yếu là chuỗi hành động xuyên, thể hiện tính cách một chiều của các nhân vật.

KẾT LUẬN

1. Trong diễn trình của văn học Việt Nam nói chung và văn học kịch nói riêng, kịch Việt Nam (1945 - 1985) về đề tài lịch sử đã có một vai trò rất đặc biệt trong việc góp thêm tiếng nói của cách mạng và miêu tả được bình diện sâu rộng của cuộc sống, nhưng vẫn thể hiện được chiều kích tâm lý phức tạp của con người. Sự kết hợp giữa cá nhân và xã hội, giữa số phận cá nhân và số phận của đất nước một cách hài hòa đã tạo nên sự hấp dẫn độc đáo mà không quá khiên cưỡng. Nằm trong sự phát triển chung của nền văn học cách mạng, kịch cũng mang trong mình tính thống nhất trong đa dạng và khuynh hướng sử thi, lãng mãn cách mạng. Trải qua nhiều bước đi thăng trầm, kịch về đề tài lịch sử được viết trong giai đoạn 1945 – 1985 đã định hình cho mình một phong cách, một xu hướng khá riêng biệt. Không tìm về quá khứ xa xưa hay những câu chuyện lịch sử Trung Quốc như giai đoạn đầu tiên của kịch nói, cũng không quá đi sâu vào thân phận và những xung đột cá nhân của mỗi con người trong sự nhận thức trái chiều với chính sử, hầu hết các vở kịch này đã thành công trong việc thể hiện được sự tác động qua lại giữa cá nhân và xã hội, giữa con người và lịch sử nhưng đều hướng chung đến vấn đề của đất nước, quốc gia, dân tộc. Trong quá trình thể hiện đó, kịch nói đã vươn tới những biểu hiện của cảm hứng sử thi nhằm phản ánh sức mạnh chiến công lừng lẫy của dân tộc. Khi kịch nói lên được tiếng nói của thời đại, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và đem đến niềm tin đối với Đảng, với cách mạng thì kịch và nghệ thuật nói chung và quần chúng sẽ trở nên gắn bó với nhau. Sân khấu kịch lúc này được sử dụng như một nơi để truyền tải một cách hiệu quả nhất đến quần chúng những tư tưởng, lý tưởng của cách mạng và kháng chiến.

2. Chính bởi vai trò đặc biệt đó, kịch 1945 - 1985 viết về đề tài lịch sử dưới góc nhìn tư duy nghệ thuật đã có những quan niệm sáng tác rất đặc trưng, trong đó chú trọng vai trò của tính hư cấu và tính hiện đại trong các tác phẩm. Ngay cả đối với cùng một chất liệu lịch sử (nhân vật, sự kiện, chủ đề), mỗi một kịch gia sẽ có những thái độ ứng xử, những cách thức hư cấu khác nhau. Và tính hiện đại trong các tác phẩm viết về lịch sử cũng là điều mà các nhà văn cần hướng đến để những chủ đề đó trở nên có giá trị hơn bao giờ hết, trở thành những bài học quý giá cho thế hệ ngày hôm nay. Những yếu tố lịch sử và xã hội có những tác động không nhỏ đến tư duy nghệ thuật của mỗi nhà văn để hình thành nên khuynh hướng sáng tác và khai thác những chất liệu lịch sử xã hội. Trong đó, mục đích sáng tác (để tuyên truyền, phục vụ chính trị hay để rút ra những bài học trong các vấn đề đương đại…) sẽ quyết định hướng tiếp cận chất liệu và hướng thể hiện chất liệu lịch sử như thế nào. Tư duy nghệ thuật cũng chi phối cách tiếp cận các chất liệu lịch sử của các nhà văn. Nhìn chung, qua quá trình thống kê, phân tích các quan niệm nghệ thuật và tư duy của kịch nói về tài lịch sử, chúng tôi hướng đến việc chỉ ra một số khuynh hướng khai thác chất liệu lịch sử: 1. Khuynh hướng mô phỏng, tái hiện trung thực lịch sử dựa trên nguyên tắc tôn trọng lịch sử tuyệt đối; 2. Khuynh hướng tái tạo, đối thoại lịch sử. 3. Khuynh hướng hư cấu lịch sử. Tất cả những khuynh hướng đó đều được thể hiện qua cách xây dựng và tiếp cận nhân vật, chủ đề và sự kiện. Nhưng dù tiếp cận chất liệu ở góc độ nào thì tư duy nghệ thuật vẫn hướng đến việc lấy lịch sử làm điểm mốc để thấy mối quan hệ của các yếu tố được thể hiện trong tác phẩm với nó, chẳng hạn như, các kiểu nhân vật trong kịch thời kỳ này cho thấy vai trò khác nhau của con người đối với lịch sử. Có những nhân vật từng là nạn nhân của lịch sử, mất mát trong chiến tranh loạn lạc, có những nhân vật vốn là tầng lớp quý tộc, không màng danh lợi, cũng không dám đứng về phía nhân dân lao động nhưng tất cả các nhân vật này đều được cách mạng soi đường, được chính nghĩa thức tỉnh giúp họ có cái nhìn sáng suốt và sức mạnh để buông bỏ tất cả, đi theo ánh sáng của cuộc đấu tranh vì chính nghĩa, vì độc lập.

3. Nhìn từ đặc trưng của kịch, những đòi hỏi hỏi khắt khe về kỹ thuật, về biểu diễn cũng như bối cảnh không gian - thời gian trở thành yếu tố phụ để nhường bước cho mục đích cổ vũ quần chúng trong không khí sục sôi của cách mạng nên sự thể hiện trong đặc trưng kịch thời kỳ này thường có xu hướng một chiều. Tuy nhiên vẫn có nhiều sáng tác kịch vừa đáp ứng được yêu cầu thời sự, chính trị, vừa đáp ứng được những tiêu chuẩn nghệ thuật cơ bản. Xung đột quan trọng nhất được thể hiện trong các vở kịch giai đoạn này là xung đột giai cấp, xung đột dân tộc và xung đột cá nhân con người. Với tính chất của nó, “Một kiểu xung đột mới rất đặc trưng cho kịch nói riêng đã hình thành. Nếu như trong giai đoạn 1945 - 1954, xung đột mang màu sắc giai cấp là chủ yếu thì sang giai đoạn này xung đột giai cấp mờ đi so với xung đột địch - ta và xung đột trong nội bộ nhân dân. Xung quanh các xung đột cơ bản này các nhà văn và các nhà viết kịch đã triển khai xung đột và hành động kịch theo các tuyến phẩm chất, tuyến lý tưởng như: tiến bộ - lạc hậu; anh hùng - hèn nhát; riêng - chung; tốt - xấu; tích cực- tiêu cực; chính diện - phản diện; tiến- lùi". Và các kiểu xung đột như Phan Cự Đệ đã nhận định đã được chúng tôi phân tích trong các vở kịch ở trên. Ở giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xung đột được thể hiện nhiều nhất trong kịch chính là xung đột giữa dân tộc - phong kiến/thực dân. Những biểu hiện khác nhau trong cách thể hiện xung đột đều hướng đến những vấn đề được đặt ra giữa hai bên chiến tuyến, về cách hành xử giữa những người yêu nước và những kẻ xâm lăng. Tuy nhiên, xung đột giữa cá nhân/việc riêng – cộng đồng/việc chung được coi là kiểu xung đột gay gắt hơn cả, và chính những xung đột này đã khiến cho diễn biến cốt truyện kịch được đẩy lên cao trào, khiến người xem bị cuốn hút. Một kiểu xung đột khác là xung đột trong bản thể mỗi con người cũng được các nhà viết kịch thể hiện trong các tác phẩm chúng ta đang nói đến. Đây là kiểu xung đột có thể nói là khó khăn nhất, phức tạp nhất để nhân vật có thể chọn lựa cách giải quyết, và so với những vở kịch viết sau Đổi mới, kiểu xung đột này xuất hiện không nhiều trong kịch viết vào giai đoạn 1945 – 1985. Về mặt ngôn ngữ, kịch nói 1945 – 1985 về đề tài lịch sử đã thể hiện rõ khuynh hướng khái quát và chiêm nghiệm, ngôn ngữ kịch có vai trò thể hiện được chân dung của các nhân vật, đồng thời ngôn ngữ cũng thể hiện được tính chất riêng của thể loại. Mỗi kiểu nhân vật đều được các tác giả xây dựng nên một trường ngôn ngữ riêng biệt, bởi ngôn ngữ nhân vật là hình thái đặc biệt chủ đạo của kịch nên hầu hết qua các câu đối thoại, người đọc hoàn toàn có thể hình dung ra tính cách của con người đó ra sao, thậm chí có thể biết họ đến từ đâu, xuất thân như thế nào. Bên cạnh đó, tính chất ngôn ngữ thường gắn với diễn ngôn trần thuật của con người đời thường, đậm nét thơ, ca dao, và đôi khi là cả tính triết lý, luận đề. Hành động kịch cũng là yếu tố thể hiện được rất rõ nét đặc trưng của kịch lịch sử giai đoạn này. Bởi những nhân vật trong kịch hầu hết là những con người cách mạng nên hành động kịch chủ yếu thông qua chuỗi hành động xuyên mang tính nhất quán, thể hiện đúng bản chất của con người thời đại. Hành động bên trong và hành động bên ngoài của các nhân vật cũng không có nhiều mâu thuẫn, rất ít khi xuất hiện sự đối lập giữa hai hành động này trong các tác phẩm kịch mà chúng ta đang nói đến. Nhưng cũng có không ít những “sự biến” được đưa vào, tạo nên được bước ngoặt trong nhận thức của những nhân vật đang còn trăn trở tìm đường. Tất nhiên, do ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội và quan điểm sáng tác, hành động kịch ở đây cuối cùng đều hướng đến “nhiệm vụ tối cao” là thể hiện được tinh thần cách mạng dù trong mọi hoàn cảnh, và mọi biến cố.

4. Tóm lại, nghiên cứu kịch Việt Nam (1945 - 1985) về đề tài lịch sử từ góc nhìn tư duy nghệ thuật và đặc trưng thể loại với những đặc điểm như chúng tôi đã phân tích ở trên, một lần nữa chúng tôi mong muốn đóng góp một phần tư liệu trong việc khẳng định những giá trị nội dung cũng như nghệ thuật của mảng sáng tác đặc biệt này. Từ đó, chúng ta thấy được vị trí, vai trò của những sáng tác kịch 1945 - 1985 về đề tài lịch sử trong tiến trình phát triển của kịch nói riêng và văn học nói chung.

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

1. Trần Thị Thư (2018), “Kịch viết về đề tài lịch sử sau năm 1945 – nhìn từ phương diện ngôn ngữ kịch”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Thủ đô (22), tr.55-tr.63.

2. Trần Thị Thư (2018), “Khuynh hướng khai thác sự kiện lịch sử trong kịch viết về đề tài lịch sử từ 1945 đến nay”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia Giảng dạy, Nghiên cứu Việt Nam học và tiếng Việt – Những vấn đề lí luận và thực tiễn, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, tr.694 – tr.700.

3. Trần Thị Thư (2018), “Những hình thái xung đột kịch trong kịch nói đề tài lịch sử”, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật (410), tr.90-tr.94.

4. Trần Thị Thư (2018), “Kịch lịch sử ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay - chủ đề và đặc điểm xây dựng nhân vật”, Tạp chí Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh (10+11), tr.108-tr.116.

5. Trần Thị Thư (2019), “Những khuynh hướng tiếp cận nhân vật lịch sử trong kịch nói Việt Nam về đề tài lịch sử từ 1945 đến nay”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế Nghiên cứu, giảng dạy Tiếng Việt và Việt Nam học trong trường đại học, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội, tr.659-tr.669.

Tác giả: Vũ Ngà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây