Đến dự buổi sinh hoạt chuyên đề của Hội Cựu chiến binh trường, có PGS.TS Đặng Thị Thu Hương (Phó Hiệu trưởng Nhà trường), các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Hội, đại diện BCH Công đoàn trường, đại diện lãnh đạo các khoa, phòng ban chức năng và đông đảo các em sinh viên trong trường. Đặc biệt, sự kiện có sự tham gia của báo cáo viên là Đại tá Tô Quang Hanh (Trưởng phòng Báo cáo viên, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, hiện là Cán bộ Ban Tuyên giáo, Hội Cựu chiến binh Việt Nam).
Phát biểu chào mừng, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương đã nhấn mạnh: Hội Cựu chiến binh là một tổ chức quan trọng, bao gồm những thầy cô đã từng là những người chiến sĩ tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, và khi hòa bình lặp lại đã quay trở về trường tiếp tục công tác giảng dậy. Dù mái đầu đã bạc, đa số các thầy cô đã ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe có phần giảm sút nhưng các thầy cô vẫn là “đội quân tiên phong”, gương mẫu đi đầu mọi trên mọi hoạt động từ công tác chuyên môn đến hoạt động xã hội, vẫn tích cực tham gia và đóng góp quan trọng trong những thành công chung của Trường ĐHKHXH&NV.
Phó Hiệu trưởng Đặng Thị Thu Hương chia sẻ: Đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa, không chỉ là dịp tìm hiểu, khẳng định và tôn vinh giá trị, ý nghĩa vĩ đại của chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” trong lịch sử chiến tranh của dân tộc Việt Nam, mà còn là dịp thế hệ trẻ, những sinh viên, học sinh của Nhà trường có những bài học lịch sử hết sức trực quan, sinh động, hấp dẫn, bồi dưỡng thêm tình yêu, sự tự hào về những chiến thắng lẫy lừng của cha ông.
Phó Hiệu trưởng Đặng Thị Thu Hương phát biểu chúc mừng và thay mặt Ban Giám hiệu gửi bó hoa tươi thắm đến BCH Hội Cựu chiến binh Nhà trường
Phó Hiệu trưởng Đặng Thị Thu Hương trân trọng gửi bó hoa và lời cảm ơn của Nhà trường và Hội Cựu chiến binh tới Đại tá Tô Quang Hanh
Đại tá Tô Quang Hanh chia sẻ: Tròn nửa thế kỉ chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, nhưng đến nay sự kiện đó vẫn còn nguyên giá trị, không chỉ là một sự kiện lịch sử vĩ đại của Hà Nội mà của dân tộc Việt Nam, để lại những bài học vô cùng quý giá. Hoạt động sinh hoạt chuyên đề của Hội Cựu chiến binh trường như buổi ngày hôm nay có ý nghĩa rất lớn, là dịp chúng ta cùng nhau ôn lại ý nghĩa lịch sử, tầm vóc của sự kiện, trao đổi một số vấn đề quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong bối cảnh hiện nay; bồi dưỡng cho thế hệ trẻ tình yêu nước, niềm tự hào về những trang sử vẻ vang của thế hệ cha ông, nâng cao ý thức trách nhiệm xây dựng Việt Nam hòa bình, hùng cường.
Có thể nói, trong bối cảnh những ngày cuối cùng năm 1972, Chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định sử dụng một trong ba trụ cột của quân đội Mĩ, biểu tượng sức mạnh không quân Hoa Kỳ (vũ khí B.52) để có thể dùng chiến thắng quân sự quyết định nhằm giành thế có lợi trên bàn đám phán ở Hội nghị Pari. Và thời điểm đó Mĩ tự tin chắc chắn sẽ giành chiến thắng hoàn toàn, mục tiêu “đưa Miền Bắc Việt Nam trở về thời kì đồ đá, buộc Việt Nam phải kí Hiệp định Pari theo nội dung có lợi”. Mĩ đã huy động lực lượng không quân chưa từng có từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 (gần 50% tổng số máy bay Mĩ có lúc đó), được trang bị những thiết bị hiện đại nhất “bất khả xâm phạm”. Việc Việt Nam có thể bắn rơi B.52 là điều mà nước Mĩ và cả thế giới không thể tưởng tượng trước đó, kỉ lục duy nhất chỉ được lập ở Việt Nam đến thời điểm đó.
Bằng một giọng nói truyền cảm, đầy hào sảng, Đại tá Tô Quang Hanh đã say sưa nói về những kì tích của quân dân Việt Nam trong 12 ngày đêm với những con số, minh chứng lịch sử vô cùng sinh động, thuyết phục: Có những huyền thoại viết nên từ chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: bộ đội đặc công (lực lượng mặt đất) mà lại có thể chiến đấu chống lại B52 của Mĩ, đánh thẳng vào sân bay Utapao (căn cứ không quân Mĩ cho rằng bất khả xâm phạm). Chỉ 2 chiến sĩ tình báo của lực lượng đặc công Việt Nam nhưng đã tiêu hủy 8 chiếc B.52 trước khi cất cánh; trong 12 ngày đêm (từ 18 đến 29/12/1972) quân và dân Việt Nam đã 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B.52 (riêng Hà Nội bắn rơi 25 chiếc B.52), 5 máy bay F.111, 42 máy bay chiến thuật các loại,… Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và một số khu vực ở miền Bắc kéo dài 12 ngày đêm đã bị thất bại hoàn toàn. Một thất bại đau đớn, thảm hại và buộc Mĩ phải ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pari, tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam. Chiến thắng là tiền đề quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại tá Tô Quang Hanh khẳng định: Việt Nam đã chiến đấu và chiến thắng Mĩ không phải bằng vũ khí tối tân hiện đại, mà bằng sức mạnh trí tuệ, bản lĩnh, lòng quả cảm của lực lượng quân đội và của cả dân tộc.
Đại tá Tô Quang Hanh say sưa kể về những kì tích của bộ đội Việt Nam trong 12 ngày đêm ác liệt trên bầu trời Hà Nội
Trong tình hình mới, quan hệ Việt – Mĩ vẫn phải phù hợp với xu thế nói chung của thế giới hiện đại, nhưng thế hệ cũng không bao giờ được lãng quên những hi sinh sương máu của lớp lớp thế hệ cha ông để có những cách ứng xử phù hợp, linh hoạt.
Trong phát biểu bế mạc, PGS.TS Phạm Công Nhất đã thay mặt Hội Cựu chiến binh trường cảm ơn Đại tá Tô Quang Hanh: Qua buổi nói chuyện Đại tá Tô Quang Hanh đã đem đến một không khí vô cùng háo sảng về những giây phút chiến đấu vô cùng ác liệt nhưng cũng hết sức hào hùng của lịch sử dân tộc trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, không chỉ là thông tin lịch sử cập nhật, có tính thời sự, hấp dẫn, phân tích sâu sắc, mà còn truyền đến cho những người nghe cảm xúc, niềm tự hào sâu sắc về những chiến công hiển hách của cha ông,... PGS.TS Phạm Công Nhất mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận được sự đồng hành của Đại tá Tô Quang Hanh trong nhiều hoạt động của Hội.