Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV đối thoại với gần 150 cán bộ khoa học Nhà trường

Thứ tư - 21/12/2022 02:55
Ngày 14/12 vừa qua, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn đã chủ trì phiên đối thoại với gần 150 cán bộ khoa học của Nhà trường. Cùng tham dự còn có các Phó Hiệu trưởng, đại diện lãnh đạo các đơn vị đào tạo, các phòng ban trong trường.
Thông qua buổi đối thoại, Hiệu trưởng mong muốn trực tiếp lắng nghe nguyện vọng và ý kiến tư vấn nhằm điều chỉnh một số chính sách đầu tư cho đội ngũ chuyên gia – nhà khoa học của Nhà trường theo hướng “trực diện” và “vun cao” hơn, hướng đến mục tiêu hỗ trợ để cán bộ khoa học hoàn thiện học hàm trong những năm tới.
MG 7195
 Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn trực tiếp chủ trì phiên đối thoại
Tại buổi gặp, các nhà khoa học của Nhà trường đã chia sẻ các quan điểm và góc nhìn về nhiều mảng công tác của Nhà trường.
MG 7213
 
MG 7216
 
MG 7228
 
MG 7231
Một số cán bộ khoa học của Trường trao đổi trong buổi đối thoại
Các vấn đề trọng tâm được các nhà khoa học thảo luận bao gồm: giảm tải các công việc hành chính đối với đội ngũ cán bộ khoa học (giảng viên và nghiên cứu viên); các giải pháp đột phá nhằm hỗ trợ đội ngũ các nhà khoa học trẻ hoàn thiện học hàm phó giáo sư, giáo sư theo các tiêu chuẩn “quốc tế hóa”; các giải pháp nâng cao năng lực ngoại ngữ thực dùng cho cán bộ; kiến tạo các không gian học thuật và cộng đồng chuyên môn “mở” trong Nhà trường…
Trên cơ sở các ý kiến đề xuất của các nhà khoa học, ý kiến phát biểu của các phó hiệu trưởng và lãnh đạo phòng chức năng, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn kết luận một số điểm trọng tâm sau đây:
1. Ban hành văn bản hướng dẫn quy đổi giờ khoa học – giờ giảng dạy theo hướng đảm bảo quy định tại văn bản 4326/QĐ-ĐHQGHN ngày 27 tháng 12 năm 2021 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng cần có những chính sách đột phá, xem xét các yếu tố đặc thù của Nhà trường (khoa học cơ bản, định hướng nghiên cứu, thúc đẩy liên ngành – liên lĩnh vực). Quan điểm chỉ đạo chung là tạo điều kiện để cán bộ khoa học có thể linh hoạt quy đổi giờ nghiên cứu khoa học – giờ giảng trên cơ sở đảm bảo quy định hiện hành.
2. Tiếp tục tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính cho hoạt động khoa học quốc gia và công bố quốc tế theo hướng đảm bảo các định mức đầu tư kinh phí tối ưu như hiện nay; Điều chỉnh phương thức quản lý, tạo điều kiện thuận lợi về quy trình, thủ tục cho chuyên gia - nhà khoa học song vẫn bảo đảm chặt chẽ theo quy định hiện hành.
a. Tiếp tục đầu tư kinh phí để xuất bản các ấn phẩm quan trọng như sách chuyên khảo và giáo trình.
b. Giữ ổn định mức đầu tư tối đa 70 triệu với các bài báo khoa học theo “tứ phân vị” SCImago (theo Quyết định số 2981/QĐ-XHNV-KH ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN).
c. Quy định cụ thể về “nhóm tác giả” trong công bố khoa học để đảm bảo “liêm chính học thuật”: chỉ tài trợ 100% định mức nếu là tác giả duy nhất hoặc tất cả thành viên trong nhóm tác giả đều là cán bộ Nhà trường; giảm dần định mức tài trợ nếu có tác giả là người ngoài trường (tác giả đứng đầu hoặc tác giả liên hệ phải là cán bộ Nhà trường).
e. Quán triệt sâu sắc quan điểm: Đầu tư nguồn lực tài chính là để nâng cao năng lực khoa học thực sự cho cán bộ Nhà trường, không nhằm gia tăng cơ học số lượng ấn phẩm quốc tế.
3. Đẩy nhanh tiến độ các nhà khoa học trẻ đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư/Phó giáo sư; Tiếp tục đầu tư kinh phí để đội ngũ nhà khoa học trẻ thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp cơ sở; Đảm bảo mỗi cán bộ khoa học hoàn thành 2 đề tài các cấp để đáp ứng điều kiện tối thiểu về nhiệm vụ khoa học xét đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư/Phó giáo sư, cụ thể:
a. Tiến sỹ đã đủ 3 bài báo thuộc “tứ phân vị SCImago” nhưng chưa đủ 2 đề tài cơ sở thì sản phẩm đề tài cơ sở có thể chưa cần yêu cầu công bố quốc tế
b. Tiến sỹ chưa đủ 3 bài báo thuộc “tứ phân vị SCImago” thì sản phẩm đầu ra bắt buộc phải có bài báo công bố nằm trong “tứ phân vị SCImago”.
c. Kinh phí đầu tư cho đề tài cơ sở sẽ tùy thuộc vào cấp độ sản phẩm nằm trong “tứ phân vị SCImago” nhà khoa học đăng ký.
4. Triển khai thí điểm 10 đề tài cấp ĐHQGHN sử dụng kinh phí của Nhà trường nhằm hỗ trợ cán bộ phát triển chuyên môn, đồng thời hoàn thiện các điều kiện về thăng hạng chức danh, chuẩn hóa chức danh khoa học, thi đua khen thưởng.
5. Đẩy mạnh và cải tiến việc đầu tư nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ khoa học Nhà trường theo hướng “thực dùng":
a. Tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho cán bộ đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL, TOEIC; Phân loại định mức hỗ trợ tương ứng với mức điểm đạt được.
b. Khai thác tối đa các mối quan hệ với các đối tác quốc tế để tạo điều kiện cho cán bộ đạt ngưỡng (hoặc cận ngưỡng) ngoại ngữ 6.5 IELTS (hoặc các chứng chỉ khác tương đương 6.5 IELTS) được đi thực tập ở nước ngoài từ 03 đến 06 tháng nhằm nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ; Nhà trường thí điểm đầu tư một phần kinh phí để hỗ trợ cán bộ khoa học nâng cao năng lực ngoại ngữ tại cơ sở ở nước ngoài.
6. Tiếp tục hỗ trợ kinh phí để cán bộ khoa học tham dự các hội thảo chuyên môn ở trong và ngoài nước; Cần điều chỉnh định mức hỗ trợ và các quy định về sản phẩm theo hướng:
a. Tham dự hội thảo ở nước ngoài: ngoài có bài viết bằng ngôn ngữ quốc tế, nếu tác giả cam kết (sẽ) có sản phẩm đầu ra (từ kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế có chỉ số xuất bản trở lên), mức hỗ trợ từ 300 USD đến 1,000 USD tùy theo khu vực địa lý;
b. Tham dự Hội thảo khoa học quốc tế được phối hợp tổ chức trong nước (ngoài khu vực Hà Nội): nếu tác giả cam kết (sẽ) có sản phẩm đầu ra được in ở nước ngoài (từ kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế có chỉ số xuất bản trở lên), mức hỗ trợ từ 02 triệu đến 05 triệu đồng, tùy theo khu vực địa lý.
7. Rà soát, cập nhật thông tin để xây dựng hồ sơ năng lực cán bộ khoa học và lộ trình chuẩn hóa chức danh khoa học theo hướng “cá thể hóa” đến từng cán bộ. Lưu ý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học theo hướng cả vun cao (hoàn thiện học vị, chức danh khoa học) và mở rộng (phát triển chuyên môn theo hướng liên ngành, liên lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu phát triển các hướng đào tạo và nghiên cứu mới).
8. Nhà trường có văn bản kiến nghị chính thức đến các cơ quan quản lý khoa học – giáo dục về khái niệm “bài báo khoa học quốc tế” theo hướng: bài báo khoa học quốc tế không chỉ là “bài tạp chí quốc tế” mà bao gồm cả “chương sách quốc tế” (Mức độ uy tín của chương sách quốc tế được tính theo mức độ uy tín của nhà xuất bản quốc tế đã được xếp hạng bởi các tổ chức xếp hạng quốc tế).
9. Sắp xếp, bố trí một “không gian làm việc chung” để các nhà khoa học của Nhà trường có thể đến làm việc, trao đổi chuyên môn.
 
Dự kiến, trên cơ sở đề xuất của các phòng chức năng, Ban Giám hiệu sẽ báo cáo tập thể lãnh đạo và Đảng ủy Nhà trường để bắt đầu triển khai từ đầu năm 2023.
Trân trọng gửi tới các các bộ, giảng viên của nhà trường toàn văn Thông báo kết luận Phiên đối thoại giữa Hiệu trưởng và cán bộ khoa học Nhà trường: /uploads/ussh/news/2022_12/ket-luan-phien-doi-thoai-giua-hieu-truong-va-can-bo-khoa-hoc-tre.pdf

Tác giả: Đào Đức Thuận. Ảnh Xuân Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây