Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo phòng Đào tạo, Chính trị và Công tác HSSV và 120 cán bộ, giảng viên là cố vấn học tập và giáo viên chủ nhiệm lớp của tất cả các lớp thuộc 17 khoa/viện/bộ môn trong trường.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo phòng Đào tạo đã nhấn mạnh những nội dung trọng tâm và một số điều chỉnh trong quy chế, hướng dẫn của Nhà trường về công tác đào tạo năm học 2024-2025. ThS Phạm Văn Huệ (Phó phòng Đào tạo) chia sẻ: Cũng như những năm học trước, Nhà trường triển khai Portal giảng viên, mỗi cố vấn học tập, giáo viên chủ nhiệm đều có một tài khoản có thể theo dõi toàn bộ danh sách sinh viên theo lớp, bậc, hệ, lịch học, lịch thi, bảng điểm của từng sinh viên,... Các thầy cô là cố vấn học tập, giáo viên chủ nhiệm cần nắm rõ đầy đủ quy định, quy chế, đặc biệt là những điểm mới, điều chỉnh trong quy chế để hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ sinh viên kịp thời, giúp các em thực hiện đúng lịch trình đào tạo, phát huy tối đa năng lực của mình và đạt được kết quả học tập, rèn luyện tốt nhất sau mỗi kì, mỗi năm và toàn khoá học.
Đại diện phòng Đào tạo cũng bày tỏ mong muốn đội ngũ cố vấn học tập và giáo viên chủ nhiệm tích cực truyền thông về công tác tuyển sinh, tư vấn định hướng học sinh lựa chọn ngành phù hợp ngành hai với năng lực, điều kiện của học sinh, về tuyển sinh bậc thạc sĩ, tiến sĩ của Nhà trường.
ThS Phạm Văn Huệ chia sẻ tại hội nghị
Đại diện phòng Chính trị và Công tác HSSV một lần nữa khẳng định: vai trò, vị trí của công tác chăm sóc người học. Trong những năm qua, trường ĐH KHXH&NV không ngừng đổi mới nội dung, hình thức hoạt động công tác quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người học và đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của sinh viên trong quá trình học tập tại trường. Nhà trường cũng đã ban hành hướng dẫn mới, khẳng định và nêu bật hơn nữa vai trò của đội ngũ cố vấn học tập và giáo viên chủ nhiệm là sứ giả lan toả thương hiệu, thành tựu của Nhà trường đến với mỗi sinh viên. Và trong năm học qua, đội ngũ cố vấn học tập và giáo viên chủ nhiệm đã nỗ lực, cố gắng, nhiều sáng kiến đổi mới hoạt động đã được đề xuất và thực hiện hiệu quả, góp phần vào thành tựu chung của Nhà trường.
Tuy nhiên, bối cảnh mới với những thay đổi lớn trong quan điểm, nhận thức, tâm lí, nhu cầu được khẳng định mình của thế hệ sinh viên gien Z, đòi hỏi mỗi thầy cô cần có sự am hiểu về đặc điểm thế hệ, lắng nghe, chia sẻ tâm tư tình cảm của các em để có sự tiếp cận, hỗ trợ phù hợp.
TS Nguyễn Thị Tuyết Mai (Phó phòng CT&CTHSSV) chia sẻ nhấn mạnh về những điểm lưu ý, đổi mới trong đánh giá điểm rèn luyện, khen thưởng, kỷ luật, bảo hiểm y tế, sinh hoạt công dân, học bổng… để các thầy cô cố vấn học tập, chủ nhiệm lớp thông tin đầy đủ kịp thời cho sinh viên có thể được hưởng tối đa sự hỗ trợ từ phía Nhà trường. Trong 4 năm học tập tại VNU-USSH, các em sinh viên có cơ hội thụ hưởng nguồn học bổng, hỗ trợ học tập phong phú và giá trị từ Nhà trường cũng như các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vì vậy, các thầy cô là cố vấn học tập, giáo viên chủ nhiệm cần thông tin đầy đủ, rộng rãi, kịp thời đến tất cả các em sinh viên và hỗ trợ các em hoàn thành hồ sơ xét học bổng nhanh chóng, đúng quy định.
TS Nguyễn Thị Tuyết Mai chia sẻ tại hội nghị
Để trực tiếp nắm bắt, giải đáp kịp thời những băn khoăn thắc mắc của sinh viên, Nhà trường xây dựng link trực tuyến qua địa chỉ
https://forms.gle/VRHnJzq61i9Bhbbv8 để tiếp nhận mọi phản hồi của sinh viên về tình trạng dạy và học; phòng Đào tạo cũng tổ chức định kì 1 tháng 2 buổi gặp gỡ, giao lưu trực tuyến với sinh viên qua phần mềm zoom. Các cố vấn học tập và giáo viên chủ nhiệm, nhất là các lớp sinh viên năm thứ nhất mới nhập trường, sinh viên lớp ngành 2, chia sẻ rộng rãi qua các kênh của lớp, khoa, đoàn thanh niên, hội sinh viên hoặc trong các buổi sinh hoạt trực tiếp để các em biết được và trao đổi, phản hồi khi cần thiết.
Cũng tại hội nghị, các cán bộ là cố vấn học tập, giáo viên chủ nhiệm từ trao đổi rất cởi mở về kinh nghiệm thực hiện cũng như một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai công tác cụ thể tại khoa, tại lớp mình phụ trách.
Kết thúc hội nghị, các đại biểu tham dự cùng thảo luận và đưa ra một số giải phải để nâng cao hiệu quả công tác cố vấn học tập và giáo viên chủ nhiệm, hướng tới một năm học mới thật thành công và cùng chung tay xây dựng một Nhân văn Hà Nội “Phong cách, Duyên dáng, Chuyên nghiệp và Ấn tượng” (PDCA):
- Phối hợp/kết nối thường xuyên, chặt chẽ công tác sinh viên giữa Nhà trường với các đơn vị;
- Tăng cường tổ chức các chương trình hoạt động ngoại khóa để tập huấn nâng cao kỹ năng, tăng cường tính kết nối giữa đội ngũ cố vấn học tập giữa các đơn vị trong trường, giữa thầy cô với cho sinh viên và sinh viên với nhau;
- Xây dựng kênh kết nối trực tiếp (như nhóm zalo, mesenger) giữa giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và sinh viên.
>>>> Tin bài liên quan:
Hơn 1.000 cán sự lớp và sinh viên khóa QHX2021-2022-2023 tham gia gặp mặt đầu năm học
VNU-USSH mang tới những giá trị tốt nhất cho người dạy, người học