Trường ĐHKHXH&NV luôn khuyến khích và đồng hành cùng hoạt động thực tập thực tế của sinh viên
Thay mặt cho Đoàn công tác của Nhà trường tới thăm các em sinh viên đang thực tập ,ThS. Kim Thị Diệp Hà - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính phát biểu: Thực tập thực tế không chỉ là một môn học, giúp các em trau dồi thêm kiến thức chuyên môn mà đây còn là quãng thời gian để các em gắn kết, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Công việc và tính chất chuyên môn học phần có thể không dễ dàng, nhất là với nhiều bạn sinh viên năm thứ nhất lần đầu tiên xa gia đình, sẽ có nhiều bỡ ngỡ; nhưng hoạt động thực tập thực tế sẽ giúp các em nâng cao khả năng áp dụng các kiến thức đã được học vào thực tiễn, trở thành những kinh nghiệm đi theo các bạn vào đời. Thời gian tuy không dài nhưng chắc chắn nhiều em sẽ trưởng thành lên rất nhiều cả về nhận thức lẫn kĩ năng.
BGH Nhà trường rất quan tâm và đẩy mạnh các nội dung thực hành, nghiên cứu thực tế trong quá trìnhđào tạo. Chính vì vậy, Nhà trường luôn ủng hộ và sẵn sàng đồng hành, chia sẻ với các em trong hành trình học tập tại Trường cũng như các chuyến đi nghiên cứu, thực tập thực tế tại địa phương.
(Ảnh ThS Kim Thị Diệp Hà trao món quà động viên của Nhà trường với lời chúc tất cả thầy cô và các em sinh viên tham gia chuyến thực tập thật dồi dào sức khoẻ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình)
TS Đinh Tiến Hiếu – Phó Trưởng phòng phụ trách phòng CT&CTHSSV cùng các thầy cô đến từ phòng Đào tạo, phòng CT&CTHSSV, Khoa Lịch sử cũng gửi lời chúc và món quà nhỏ đến các em sinh viên đang tham gia khai quật tại di tích Thành Quèn (thôn Cổ Hiền, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội).
Đại diện Khoa LS trao quà cho sinh viên tham gia thực tập khảo cổ học tại Quốc Oai, Hà Nội
Đại diện thầy cô và các em sinh viên tham gia đoàn thực tập, thực tế, PGS.TS Đặng Hồng Sơn – Phó trưởng khoa Lịch sử đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến BGH, các thầy cô lãnh đạo, cán bộ phòng chức năng đã quan tâm sâu sát, luôn ủng hộ và đồng hành cùng với các hoạt động đào tạo của Khoa. Trân quý món quà và tình cảm ấm áp đó, các thầy cô và em sinh viên sẽ cố gắng hết sức hoàn thành công việc của mình, đồng thời góp phần lan toả hình ảnh thân thiện, nghiêm túc của Nhân văn Hà Nội đến người dân địa phương nơi Đoàn đến thực tập.
Đoàn công tác của Nhà trường, Khoa Lịch sử tặng quà động viên các em sinh viên đang tham gia đoàn thực tập khảo cổ học ở Thành phố Hạ Long và huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh
Thực tập thực tế - những trải nghiệm không thể nào quên
Khi được hỏi về những khó khăn và trải nghiệm đáng nhớ trong chuyến thực tập, sinh viên Lê Hoài Nam chia sẻ: Chuyến thực tập khảo cổ lần này thực sự là một trải nghiệm vô cùng thú vị mà trước đó em chưa hề hình dung được. Những ngày đầu cũng đôi chút khó khăn để làm quen với khung giờ làm việc từ sớm, nhất là trong ngày ngày đông giá rét; thao tác chuyên môn đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn trọng rất cao; chúng em phải tự đi chợ, nấu ăn,…
Nhưng đây cũng thực sự là một cơ hội quý báu để những sinh viên năm nhất như em được thực chứng, trải nghiệm và áp dụng những kiến thức trên giảng đường vào thực tế. Là môn khoa học cơ bản và đồng thời là môn khoa học xã hội, môn lịch sử nói chung và chuyên ngành khảo cổ nói riêng rất đề cao tính thực tiễn bởi những kiến thức trên giảng đường dù có học bao nhiêu mà không thể ứng dụng thì cũng không có hiệu quả. Với những sinh viên năm thứ nhất, những ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng với sự chỉ bảo rất tận tình, tỉ mỉ của các thầy cô; hướng dẫn "cầm tay chỉ việc" của các anh sinh viên khoá trên chuyên ngành Khảo cổ học, chúng em đã nhanh chóng làm quen với các thao tác kĩ thuật và bắt kịp tiến độ công việc.
Ngoài ra, thông qua chuyến đi thực tập mà chúng em - những sinh viên năm nhất được học cách sống tự lập, có lối sống tập thể, kỉ luật và cho chúng em rất nhiều kỉ niệm quý giá của thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ - thời sinh viên.
Đặc biệt, hơn 10 ngày qua đã cho chúng em cảm thấy rất thân thuộc vì được ăn, ở, làm việc, giao lưu với những người dân địa phương giống như một chuyến thăm quê dài ngày vậy. Các cô bác trong xóm vô cùng thân thiện, hỗ trợ, tạo điều kiện về nơi ăn, ở, đồ dùng sinh hoạt, đặc biệt trong những ngày đông rét. Những món quà quê như vài củ xu hào, bắp ngô, quả bưởi,… tuy rất giản dị và đời thường nhưng lại trao cho chúng em sự ấm áp, gần gũi và thân thương. Chúng em còn được tham gia vào hoạt động sinh hoạt văn hoá của người dân địa phương. 15 ngày thực tập tại đây, tuy không dài nhưng đã thực sự giúp chúng em đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị, kỷ niệm không thể nào quên và chắc chắn đây là “đặc sản” mà chỉ có những sinh viên Lịch sử mới có được.
Chúng em cũng thực sự xúc động khi được các thầy cô trong Đoàn công tác của Nhà trường đến tận đây thăm hỏi, động viên và tặng món quà ý nghĩa. Điều đó sẽ tiếp thêm động lực để chúng em cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình cũng như nhân lên trong chúng em tình yêu, sự gắn bó với trường, với ngành học mình đã lựa chọn.