Hội nghị Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học lưu vực sông Hồng lần thứ 5: Bước chuyển mình trong hợp tác đào tạo Việt Nam - Trung Quốc lưu vực sông Hồng

Thứ ba - 26/12/2023 02:55
Ngày 15/12/2023, PGS.TS. Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng nhà trường đã thay mặt Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (VNU-USSH) tham dự Hội nghị “Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học lưu vực sông Hồng” lần thứ 5 tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc do Đại học Vân Nam chủ trì luân phiên. Sự thành công từ chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong hai ngày 12-13/12/2023 cũng đã tiếp thêm cảm hứng và động lực cho Hội nghị lần thứ 5 này.
PGS. TS. Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV nhận cờ chủ trì luân phiên lần thứ 6 Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học lưu vực sông Hồng từ GS. Hồ Kim Minh - Phó Hiệu trưởng ĐH Vân Nam
 GS. Hồ Kim Minh - Phó Hiệu trưởng Đại học Vân Nam, Trung Quốc phát biểu khai mạc
Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học lưu vực sông Hồng là tổ chức hợp tác giáo dục do Trường ĐH KHXH&NV và Học viện Hồng Hà, Trung Quốc đồng sáng lập năm 2014. Trải qua 4 kỳ họp, Diễn đàn đã hoạt động rất có hiệu quả, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các trường trong Diễn đàn, huy động đội ngũ chuyên gia của các trường tham gia giải quyết những vấn đề khoa học mà hai bên cùng quan tâm, hỗ trợ đào tạo nhân tài, chia sẻ thông tin khoa học, thúc đẩy công bố các kết quả nghiên cứu, v.v.. Từ số lượng thành viên lúc đầu còn hạn chế, Diễn đàn đã mở rộng, kết nạp thêm nhiều thành viên mới, làm cho quy mô của Diễn đàn ngày càng lớn mạnh. Từ 2019 đến 2022, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cho các hoạt động hợp tác trực tiếp bị gián đoạn, nhưng tổ chức Diễn đàn hiệu trưởng các trường đại học lưu vực sông Hồng vẫn đứng vững, vẫn không ngừng quan tâm, hỗ trợ nhau từ xa và quyết tâm trở lại mạnh mẽ bằng việc tổ chức Hội nghị lần thứ 5 tại Đại học Vân Nam, Trung Quốc.
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS Lại Quốc Khánh nhấn mạnh: "Sông Hồng không chỉ là dòng sông tự nhiên chảy qua nhiều tỉnh thành của hai nước Trung Quốc - Việt Nam, mà còn là dòng sông lịch sử - văn hóa kết nối hai dân tộc với bao tình cảm anh em, đồng chí gắn bó, thủy chung son sắt. Lưu vực sông Hồng ngày nay đang là khu vực kinh tế sôi động của hành lang kinh tế “Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh” nằm trong sáng kiến “Hai lành lang, một vành đai kinh tế” được hai nước đưa ra năm 2004. Chính vì thế, sự hình thành Diễn đàn các hiệu trưởng lưu vực sông Hồng thật là có ý nghĩa!
Đó là sân chơi, là cơ hội để các trường đại học hai nước Việt Nam và Trung Quốc trên lưu vực sông Hồng có thể trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học đỉnh cao, giáo dục - đào tạo chất lượng cao, cùng kiến tạo tài nguyên trí tuệ, đào tạo nhân tài nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển của hai nước, đồng thời, còn có thể chung tay, góp sức vun bồi cho dòng sông Hồng lịch sử - văn hóa - kinh tế mãi cuộn chảy về tương lai, mang lại sự thịnh vượng cho hai nước chúng ta".
 GS. Hồng Ba - Bí thư Đảng ủy Học viện Hồng Hà, Trung Quốc phát biểu khai mạc
Hội nghị lần thứ 5 thu hút đông đảo đại diện các trường thành viên của cả hai nước, gồm có 24 trường và 53 đại biểu. Đại diện các trường đã có nhiều bài tham luận cũng như phát biểu nhằm chia sẻ những kinh nghiệm hợp tác đào tạo và nghiên cứu trong những năm qua và một số ý tưởng khả thi trong những năm tiếp theo. Tất cả các ý kiến đều đồng thuận nguyên tắc hợp tác: chất lượng hàng đầu; đào tạo nhân tài chất lượng cao; trao đổi sinh viên, cán bộ định kỳ, thường xuyên; gắn với phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng lưu vực sông Hồng.
PGS. TS. Ngạc An Bang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tham luận
Hội nghị cũng đã chứng kiến lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giữa trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Vân Nam; Đại học Thương mại và Học viện Hồng Hà.
Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận giữa Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Vân Nam
Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận giữa Đại học Thương mại và Học viện Hồng Hà
Trên cơ sở trao đổi và thống nhất, Hội nghị nhất trí đề cử chủ trì luân phiên tiếp theo là trường ĐH KHXH&NV và thời gian tổ chức là năm 2025. GS. Hồ Kim Minh, Phó Hiệu trưởng ĐHVN đã trao cờ luân phiên của Diễn đàn cho PGS. TS. Lại Quốc Khánh, đại diện chủ trì luân phiên lần thứ 6.
PGS. TS. Lại Quốc Khánh công bố Kế hoạch hành động cho nhiệm kỳ 2024 - 2025
Nhân dịp này, PGS. TS. Lại Quốc Khánh đã công bố Kế hoạch hành động cho nhiệm kỳ 2024 -2025. Trong đó, những hoạt động chính của nhiệm kỳ 2024 – 2025 như sau:
Năm 2024: Tổ chức Hội nghị các Trưởng phòng Đào tạo, Hợp tác quốc tế và Quản lý khoa học các trường đại học lưu vực sông Hồng. Dự kiến Đại học Thái Nguyên, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị các Trưởng phòng. Các nhiệm vụ của Hội nghị này có thể kể đến như: chuẩn bị cho Hội nghị Diễn đàn lần thứ 6 năm 2025 tại Việt Nam và đề xuất trường chủ trì luân phiên Hội nghị lần thứ 7 năm 2027 tại Trung Quốc; xây dựng cơ chế Trại hè sinh viên và lập kế hoạch xây dựng Quỹ học bổng sông Hồng; xây dựng cơ chế công nhận tín chỉ; xây dựng đề án nâng cao trình độ Tiếng Việt học thuật và Tiếng Trung học thuật; xây dựng cơ chế Nghiên cứu – Hội thảo – Xuất bản; Xây dựng cơ chế Giải thưởng nghiên cứu khoa học…
Năm 2025: Tổ chức Hội nghị Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học lưu vực sông Hồng lần thứ 6 năm 2025 tại ĐH KHXH&NV, Hà Nội. Các nhiệm vụ của Hội nghị Diễn đàn lần thứ 6 này gồm có: Kết nạp thành viên mới; tổng kết và triển lãm thành tựu nhiệm kỳ 2024-2025; trao giải thưởng nghiên cứu khoa học; dự kiến tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Hợp tác Việt Nam - Trung Quốc 1/4 đầu thế kỷ 21: Hiện trạng và triển vọng”…
TS. Đặng Thị Thanh Hương - Phó Hiệu trưởng trường Ngoại ngữ, Đại học Thái Nguyên
 Bế mạc Hội nghị Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học lưu vực sông Hồng lần thứ 5

Tác giả: USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây