Về phía đối tác có TS. Yoochul Lee - Giám đốc Chương trình Bằng kép KIC-HSE, Đại học Kyung Hee và bà Kyungah Suh - Trưởng phòng Quản trị, Khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Kyung Hee.
Tại buổi làm việc, Phó Hiệu trưởng Đặng Thị Thu Hương chia sẻ: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là cơ sở đào tạo hàng đầu cả nước về các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Sự đa ngành, liên ngành của Nhà trường trong công tác đào tạo được thể hiện xuyên suốt từ cử nhân, thạc sĩ cho đến tiến sĩ. Trong đó, Bộ môn Hàn Quốc học thuộc khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức đào tạo và nghiên cứu ngành Hàn Quốc học. Nhấn mạnh về tầm quan trọng trong việc tăng cường hợp tác với các tổ chức giáo dục và nghiên cứu quốc tế, Phó Hiệu trưởng Đặng Thị Thu Hương hoan nghênh thiện chí trao đổi và đàm phán hợp tác của phía trường trường ĐH Quốc tế, Đại học Kyung hee, hướng đến xây dựng nền móng hợp tác hiệu quả và lâu bền.
TS. Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng Khoa Việt Nam học và tiếng Việt trao đổi về hợp tác giảng dạy và tổ chức thi tiếng Việt
Theo TS. Lê Thị Thanh Tâm, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt là nơi đào tạo lớn và chất lượng nhất Việt Nam cho người nước ngoài muốn học tiếng Việt và tìm hiểu về Văn hoá Việt Nam. Khoa là là đơn vị tiên phong trong việc thành lập khung giảng dạy về tiếng Việt cho người nước ngoài, là một trong những đơn vị hàng đầu trên cả nước được cấp quyền tổ chức thi chứng chỉ tiếng Việt theo 6 cấp độ. Theo đó, việc hỗ trợ giảng dạy theo cả 2 phương thức trực tiếp và trực tuyến qua mạng sẽ tạo điều kiện cho các sinh viên Hàn Quốc có nhu cầu học tập về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam mọi lúc và mọi nơi.
TS. Lưu Tuấn Anh – Trưởng bộ môn Hàn Quốc học trao đổi về đào tạo liên ngành giữa hai nhà trường.
Theo TS. Lưu Tuấn Anh, với tư cách là một cơ sở học thuật có bề dày kinh nghiệm về trao đổi sinh viên và giảng viên, USSH – VNU luôn sẵn sàng đón tiếp các bạn sinh viên Hàn Quốc đến học tập và nghiên cứu tại Việt Nam, tham gia các khóa học ngắn hạn, tạo điều kiện trao đổi văn hóa và giao lưu giữa sinh viên hai trường nói riêng và Việt Nam – Hàn Quốc nói chung. Thêm vào đó, hai bên nên hướng đến việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và đưa ra các khóa đào tạo ngắn hạn, tạo điều kiện cho sinh viên hai trường có cơ hội được giao lưu và trải nghiệm văn hóa tại hai quốc gia một cách trọn vẹn nhất.
PGS.TS. Bùi Thành Nam chia sẻ về những mô hình hợp tác như 1 +3, 2 +2 cho Trường ĐH KHXH&NV và Đại học Kyung Hee.
TS. Yoochul Lee chia sẻ sự đồng thuận trong các phương án hợp tác được đưa ra, đồng thời khẳng định: Trường ĐH Quốc tế, Đại học Kyung hee đang trong quá trình tìm hiểu và mong muốn được hợp tác với các trường Đại học có thế mạnh về nghiên cứu các nước trong khu vực châu Á. Trên cơ sở này, với tư cách là một cơ sở nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, quá trình hợp tác với USSH – VNU chắc chắn đem lại những giá trị bền vững cho cả đôi bên. Ngoài ra, trong tương lai, hai cơ sở đào tạo sẽ làm việc kĩ hơn để xây dựng chương trình song bằng giữa hai quốc gia, tạo điều kiện cho sinh viên hai Nhà trường có cơ hội được học tập với môi trường học tập đa dạng và phông kiến thức phong phú.