Văn nghệ khai mạc buổi hội thảo
Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu: Thượng tọa, TS. Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Đại đức Thích Giác Đạt – Trụ trì chùa Bách Môn; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đại diện huyện Tiên Du có ông Nguyễn Đương Bắc - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy và ông Nguyễn Đại Đồng - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND. Về phía Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội có GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường; TS. Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, cùng đại diện các phòng/ khoa/viện liên quan.
Đại đức Thích Giác Đạt – Trụ trì chùa Bách Môn, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Tiên Du, Bắc Ninh
Phát biểu tại Hội thảo, Đại đức Thích Giác Đạt – Trụ trì chùa Bách Môn chia sẻ về lịch sử và tầm quan trọng của chùa Bách Môn: Chùa Bách Môn, tên chữ là Linh Cảm tự, được xây dựng trên lưng chừng núi Long Khám, là ngôi cổ tự được xây dựng từ thời nhà Lý, là di sản văn hóa có bề dày lịch sử tín ngưỡng. Đây từng là nơi các thành viên hoàng tộc nhà Lý, vua Lê, chúa Trịnh tới vãng cảnh, tu tập cầu nguyện cho quốc thái dân an. Với cấu trúc độc đáo khó có thể tìm thấy tại ngôi chùa thứ hai, cùng việc sở hữu nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, chùa Bách Môn xứng đáng là một di tích quốc gia đặc biệt, đại diện của Bắc Ninh, Kinh Bắc – cái nôi, trung tâm Phật giáo tại Việt Nam.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại phiên khai mạc buổi hội thảo
Theo đó, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhấn mạnh: Phật giáo luôn đóng một vai trò quan trọng trong hai nghìn năm tồn tại và phát triển, gắn bó và đồng hành cùng dân tộc Việt Nam. Trong đó, Chùa Bách Môn - với bề dày lịch sử hình thành - phát triển và giá trị kiến trúc văn hóa của mình, góp phần không nhỏ tạo nên những giá trị lịch sử văn hóa Phật giáo của vùng Kinh Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trên cơ sở những nghiên cứu đã được thực hiện, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Ban trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tiên Du Bắc Ninh, Viện Trần Nhân Tông Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức Hội thảo Khoa học: “Kiến trúc và Văn hóa chùa Bách Môn trong dòng lịch sử Phật giáo Bắc Ninh - Kinh Bắc.” Với gần 30 báo cáo nghiên cứu theo hai phiên: Khảo cổ, văn bia và kiến trúc chùa Bách Môn; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Phật giáo chùa Bách Môn, hội thảo sẽ góp phần khẳng định những giá trị đã được tạo dựng, hướng đến tôn vinh những thành quả của tiền nhân để lại và phát huy vị thế của Phật giáo Việt Nam trong tương lai.
PGS.TS Đinh Khắc Thuân – Viện Nghiên cứu Hán Nôm trình bày Tham luận: “Văn bia Trùng tu chùa Linh Cảm và chúa Bách Môn”
PGS.TS. Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ về Tham luận: “Vài ý kiến về tên gọi ban đầu và nguồn gốc hình ảnh chùa Bách Môn”
PGS.TS. Đinh Hồng Hải giới thiệu về “Kiến trúc Mandala chùa Bách Môn từ góc nhìn đối sánh”
Kết thúc Hội thảo, PGS.TS Đinh Khắc Thuân - Viện nghiên cứu Hán Nôm đã thay mặt chủ tọa tổng kết Hội thảo và nêu bật một số định hướng phát triển chùa Bách Môn trong những năm tới với nội dung như sau:
- Phục dựng chùa Bách Môn theo kiến trúc thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX và thống nhất tên gọi chùa Bách Môn;
- Việc triển khai phục dựng chùa Bách Môn sẽ tiếp tục được trao đổi chuyên sâu tại các buổi tọa đàm, hội thảo trong thời gian tới;
- Kết quả của hội thảo sẽ được chọn lọc, xuất bản để phổ biến rộng rãi trong phật tử và nhân dân địa phương góp phần nêu cao các giá trị tốt đẹp của Phật giáo đối với địa phương nói riêng và đất nước nói chung trong giai đoạn hiện nay.
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo: