Ngôn ngữ
Hội đồng đã nghe PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) trình bày những nét chính trong đổi mới hoạt động đào tạo tại Trường ĐHKHXH&NV. Thời gian qua, Nhà trường đã tập trung vào việc đổi mới quy trình đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm. Phòng Đào tạo đã phối hợp với các đơn vị rà soát và sắp xếp lại quy trình, lịch trình đào tạo theo hướng linh hoạt, hiệu quả, tránh thời gian “chết” trong đào tạo. Vai trò và trách nhiệm cao nhất về chuyên môn được giao hoàn toàn cho các đơn vị đào tạo, tăng cường vai trò của các giảng viên còn Phòng Đào tạo hỗ trợ về mặt kỹ thuật, quy trình.
Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh cũng có những cải tiến theo hướng coi hoạt động tuyển sinh là hoạt động thường xuyên và đa dạng hóa các hình thức hoạt động. Thủ tục liên quan đến đăng ký và nộp hồ sơ tuyển sinh cũng được cải tiến sao cho phục vụ người học tốt nhất, đặc biệt là khai thác các tiện ích online.
Về đào tạo sau đại học, Nhà trường cũng ban hành lịch trình đào tạo chuẩn để hỗ trợ các học viên hoàn thành chương trình học trong thời gian sớm nhất. Quy trình bảo vệ cũng được rút ngắn các thủ tục không cần thiết, theo hướng “một cửa” nhưng vẫn đảm bảo quy định chung của Bộ và ĐHQGHN.
Nhà trường cũng đã và đang điều chỉnh các CTĐT theo hướng đẩy mạnh liên thông giữa các ngành, chuyên ngành để tăng cơ hội học tập và tìm kiếm việc làm cho người học. Trường cũng xem xét khả năng triển khai các ngành học có nhu cầu xã hội cao trên cơ sở liên kết với các đơn vị thành viên trong ĐHQGHN. Các môn học tự chọn trong các CTĐT cũng được điều chỉnh lại để tăng tính hấp dẫn cho người học.
Một trong những nội dung chính khác được thảo luận tại cuộc họp là giải pháp thúc đẩy công bố quốc tế trong NCKH của Trường ĐHKHXH&NV. Trình bày tham luận về chủ đề này, PGS.TS Hoàng Văn Luân (Trưởng phòng Quản lý Nghiên cứu Khoa học) đánh giá: Trong những năm qua, công bố quốc tế của Trường ngày càng khởi sắc và tạo hiệu ứng lan tỏa trong tập thể cán bộ. Giai đoạn 2012 - 2016, số bài báo công bố quốc tế của Trường tăng từ 20 lên 42 bài. Tuy nhiên, công bố quốc tế hiện nay vẫn chỉ tập trung ở một số đơn vị như Lịch sử, Xã hội học, Nhân học, Tâm lý học, Đông phương học, Xã hội học. Các công bố này chủ yếu là của các cá nhân chứ không có sản phẩm của các nhóm nghiên cứu.
Công bố quốc tế trong khoa học hiện nay được coi là một trong những hướng đi giúp đẩy mạnh hội nhập quốc tế và nâng cao năng lực của đội ngũ nghiên cứu. Để làm được điều này, một số kiến nghị được đưa ra như: giao chỉ tiêu công bố quốc tế cho từng đơn vị, tiến tới cho từng chức danh giảng viên và nghiên cứu viên; gắn tiêu chí công bố quốc tế với ưu tiên về lương, thưởng; tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh để tạo tính bền vững trong công bố quốc tế; thí điểm tổ chức và giao cho các nhóm nghiên cứu các chương trình, đề án nghiên cứu chung hướng tới công bố quốc tế; đầu tư nâng cấp Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn tuy trở thành tạp chí khoa học ở tầm quốc tế…
Nội dung chính thứ ba được trao đổi tại phiên họp là các giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động của các trung tâm trong Trường. Theo báo cáo của PGS.TS Trần Thị Minh Hòa (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV), Trường hiện có 13 trung tâm, 01 công ty trực thuộc, trong đó có 8 trung tâm NC hỗ trợ đào tạo, 05 trung tâm cung cấp dịch vụ đào tạo và 01 công ty TNHH một thành viên. Hiện nay, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các trung tâm cũng tồn tại những hạn chế như: sự phối hợp liên thông giữa các trung tâm và các khoa còn chưa tốt nên hiệu quả hoạt động chưa cao; định hướng phát triển một số trung tâm chưa gắn với mô hình đại học nghiên cứu; số lượng các trung tâm cung cấp dịch vụ chưa nhiều và mới chỉ cung cấp dịch vụ đào tạo chứ chưa cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ.
Trong bối cảnh Nhà trường đang phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu, các ý kiến đề xuất cần nhìn nhận, đánh giá lại vị trí, vai trò của các trung tâm. Trước hết, Trường cần rà soát lại chức năng, nhiệm vụ cũng như đầu mối quản lý của từng trung tâm và tiến tới tái cấu trúc theo các cấp độ. Trung tâm nào hoạt động hiệu quả sẽ tiếp tục được Nhà trường đầu tư phát triển để mở rộng hoạt động, thậm chí trở thành những trung tâm nghiên cứu liên ngành. Với những trung tâm hoạt động ít hiệu quả thì có thể sáp nhập với các đơn vị khác. Bên cạnh đó, Nhà trường sẽ xây dựng các cơ chế hoạt động chặt chẽ hơn để các trung tâm không chỉ phát huy hết tiềm lực nghiên cứu mà còn có những ràng buộc trách nhiệm cụ thể với Nhà trường.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn