Ngôn ngữ
Thông thường một bài báo khoa học thường phải được công bố trên các tạp chí khoa học, như tạp chí của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tạp chí Cộng sản, tạp chí Nghiên cứu lịch sử và các tạp chí, sách khác có chỉ số chuẩn quốc tế ISSN. Tuy nhiên, ngoài một số bài tạp chí đã đăng gần đây, đa phần tôi đã không làm vậy với các lý do sau:
Một vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước, cần trao đổi thông tin đến một nhóm nhà khoa học hay thông tin cho đảng viên, nhân dân? Tôi chọn cách thứ hai là cách thông tin đến rộng rãi nhân dân để cùng suy ngẫm về thực trạng đất nước, về sự đổi mới hiệu quả để xây dựng chế độ trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch trên nền dân chủ nhân dân.
Vì quan điểm chia sẻ suy nghĩ của mình nên tôi hay đăng trên báo Hà Nội mới – Cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội, tiếng nói của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô và báo Đại đoàn kết – Cơ quan ngôn luận UBTW MTTQVN.
Cơ sở tiếp cận vấn đề là nghị quyết của tổ chức đảng và thực tiễn mà thông tin truyền thông của nhà nước cung cấp hàng ngày cộng sự chiêm nghiệm của bản thân. Đó là những cơ sở quan trọng để nhận diện thực trạng xã hội ngày nay. Cái khác của tôi là đi đến tận cùng cái nguyên nhân làm cho tình trạng hiện thực cứ trì trệ và nghiêm trọng thêm. Về vấn đề này, những ý kiến thẳng thắn của tôi là tìm trong năng lực và sức chiến đấu của chủ thể lãnh đạo, quản lý, cũng như sự yếu kém của quyền lực pháp lý. Như thế là mang tính phản biện chính sách có trách nhiệm.
Cuốn sách "Lịch sử, sự thật và đôi điều suy ngẫm" của PGS.TS Phạm Xuân Hằng
Những điều tôi trăn trở không ít người trăn trở, trong đó có cả các vị lãnh đạo ở Trung ương. Lãnh đạo nêu ra hiện tượng, cảnh báo, đề ra các giải pháp, phổ biến, quán triệt bài bản. Nhưng hiện thực không đổi thay.
Còn tôi đi tìm câu trả lời vì sao đường lối hay, giải pháp đồng bộ mà hiện thực không xoay chuyển, thậm chí còn phức tạp thêm và nguyên nhân nào dẫn tới tình hình cán bộ cao cấp không chấp hành kỷ luật đảng, tha hóa, xa dân? Câu hỏi trả lời ấy tôi tìm trong chủ thể quyền lực chính trị và quyền lực pháp luật cấp vi mô. Các chủ thể dũng cảm nhận ra mình thì mới có cơ sở đổi mới được và lãnh đạo cấp cao không còn trăn trở: “Một bộ phận không nhỏ giờ không biết nằm ở đâu, dân hỏi mãi, chỗ này chúng ta còn lúng túng”. Lúc này cần sự dũng cảm theo tinh thần Đại hội VI (1986).
Cuốn sách này là tuyển tập các bài đã công bố của tôi tập trung bàn về những yếu tố vốn tác động đến chính trị - xã hội nước nhà, tức tác động đến lịch sử đương đại. Bổn phận của khoa học lịch sử, tức sử học, là phải tìm kiếm sự thật của các nhân tố là cội nguồn nguyên nhân tạo ra xu thế vận động tích cực hay tiêu cực. Tôi đã ngẫm suy về những cội nguồn đó qua bốn góc độ lịch sử :
1. Khoa học lịch sử và thực trạng cuộc sống
2. Chính sách và cuộc sống
3. Chủ quyền đất nước
4. Thủ độ ngàn năm yêu dấu
Những trăn trở của tôi là tiếng lòng trung thực, tâm huyết của tôi với Đảng, với chế độ mà cha anh tôi đã góp phần nhỏ vun đắp từ hơn 70 năm trước.
Đó cũng là những ngẫm suy sau một chặng đường tôi qua. Thực tiễn luôn biến đổi, nay có những vấn đề đã khác trước không cập nhật kịp, mong bạn bè, đồng điệp thông cảm. Tập sách này xin được xem như là một mảng ngẫm suy của cá nhân tác giả về một thời đã chứng kiến với nhận thức có hạn của mình.
Hà Nội, những ngày tháng 5 lịch sử
Tác giả: PGS.TS Phạm Xuân Hằng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn