Xây dựng một nền hoà bình cần sự hợp tác của các quốc gia là nội dung chính trong bài phát biểu của ngài Christian Schmidt (Quốc vụ khanh Nghị viện Bộ Quốc phòng CHLB Đức) trước sinh viên Trường ĐHKHXH&NV ngày 06/6/2012.
Ông Christian Schmidt cho rằng: các nguy cơ đe doạ an ninh ngày nay không còn là vấn đề của mỗi quốc gia, ví dụ như các nguy cơ khủng bố, tội phạm có tổ chức lan tràn ... Một quốc gia riêng lẻ không thể đối phó và vượt qua các vấn đề đó mà cần sự hợp tác chặt chẽ giữa nhiều nước và nhiều khu vực trên toàn thế giới. Xuất phát từ nhận thức là các vấn đề về an ninh có những nguyên nhân sâu xa từ chính các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hoá, môi trường, ông Christian Schmidt nói: cần theo đuổi chính sách an ninh đan xen, hoạt động vũ trang chỉ là một biện pháp bên cạnh nhiều biện pháp khác: ngoại giao, hợp tác kinh tế, hợp tác khu vực..., có như vậy mới giải quyết được tận gốc nạn khủng bố, tội phạm, xung đột... Chia sẻ kinh nghiệm của CHLB Đức và Liên minh châu Âu, diễn giả cũng nhấn mạnh: cần hoà bình, hợp tác và đa phương trong giải quyết các vấn đề an ninh khu vực và thế giới. Muốn giải quyết triệt để các nguy cơ gây bất ổn, thế giới cần “chăm chút” để xây dựng một nền hoà bình, bắt đầu bằng sự hợp tác trên cơ sở hài hoà lợi ích giữa các quốc gia.
Ngài Quốc vụ khanh cũng nhắc đến bản tuyên bố về thiết lập quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa được kí giữa thủ tướng hai nước Việt Nam và CHLB Đức vào năm 2011, với các nội dung hợp tác chiến lược về chính trị, thương mại và kinh tế, tư pháp và pháp luật, văn hoá giáo dục, truyền thông và bảo vệ môi trường. Trên cơ sở ấy, Bộ Quốc phòng hai nước có thể triển khai những hợp tác về lĩnh vực an ninh.
Bài thuyết trình của ông Christian Schmidt nhận được sự quan tâm của nhiều sinh viên và giảng viên Trường ĐHKHXH&NV. Xung quanh nội dung trao đổi, ông Christian Schmidt đã nhận được nhiều câu hỏi của sinh viên về những nguy cơ an ninh khu vực và quốc gia trong mối liên quan đến các vấn đề kinh tế, tài chính toàn cầu; có nên xây dựng chính phủ quốc tế để duy trì an ninh và hoà bình; kinh nghiệm duy trì an ninh và hợp tác trong Liên minh châu Âu; vai trò và thái độ của nước Đức trong việc giải quyết tranh chấp một số khu vực trên thế giới hiện nay...