Tin tức

Cánh cửa tôi chọn, con đường tôi đi

Thứ tư - 14/10/2015 20:59
Trên đường đời, những cánh cửa và những con đường luôn nối liền với nhau. Cánh cửa là điểm kết nối của những con đường bởi nó là điểm kết thúc và cũng là điểm mở đầu cho mỗi con đường. Cánh cửa có thể ngăn bước chân của bạn và cũng có thể đưa bạn đi tới một không gian mới. Khác với nhiều người, trong những năm tháng đầu đời sinh viên, tôi đã bước qua nhiều cánh cửa đại học, nhiều con đường – trường, khoa khác nhau nhưng rồi Khoa Báo chí và Truyền thông – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là cánh cửa tôi lựa chọn cuối cùng như một “duyên phận” đưa tôi đi trên con đường tới nghiệp làm báo.
Cánh cửa tôi chọn, con đường tôi đi
Cánh cửa tôi chọn, con đường tôi đi

Thầy trò Khoa Báo chí chụp ảnh lưu niệm tại giảng đường Lê Thánh Tông

Tôi còn nhớ như in cảm nhận đầu tiên khi bước vào khoa Báo chí, rất choáng ngợp, vì môi trường trong khoa rất năng động. Các bạn cùng lớp tuy đang là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường như tôi nhưng đã đi làm rất nhiều, người thì làm ở doanh nghiệp, người thì đã trở thành cây viết cứng của các báo, có người được làm biên tập của các báo,… Mới chập chững bước vào môi trường đó, bản thân tự thấy mình như “người đi sau thời đại” bởi chưa biết làm cái gì và cũng không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng có lẽ nghề báo là một trong những nghề mà tình đoàn kết, tình đồng nghiệp được thể hiện rõ nhất. Bằng sự giúp đỡ của các bạn cùng lớp và cùng sự tự tin, ham học hỏi của cá nhân, tôi đã nhận những đề tài và viết cùng các bạn. Và rồi những bài viết của tôi được đăng lên báo. Để có những bài viết đạt tiêu chuẩn như vậy, là bởi những kiến thức, kỹ năng tôi được tích luỹ từ bạn, từ thầy.

Tôi nhớ rằng ngày đó chương trình học trong hai năm đầu của sinh viên khoa Báo khá nặng và khó, không chỉ có những môn đại cương mà còn học khá nhiều văn. Bản thân tôi khi đó khá giống như nhiều bạn sinh viên bây giờ, do chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của những môn học đó nhất nên cứ mãi băn khoăn đặt câu hỏi rằng “Tại sao phải học…?”. Nhưng khi đi vào công việc, tôi nhận ra một điều sâu sắc rằng những gì mình được học trong khung chương trình không hề thừa mà rất quan trọng bởi đó là nền tảng để bạn có thể làm tốt mọi công việc chuyên môn. Chương trình học của tôi ngày đó không chỉ toàn kiến thức đại cương, kiến thức chuyên ngành mà còn được “học đi đôi với hành”. Khoa đã đầu tư những trang thiết bị hiện đại nhất có thể để sinh viên thực hành. Tôi nhớ rất rõ cảm giác đầu tiên khi được cầm chiếc máy ảnh, chiếc máy quay của khoa, tự tay chụp, quay những bức hình đầu tiên, cảm thấy như đang nắm được “báu vật của thời đại” trong tay bởi ngày đó những thiết bị thực hành trong khoa rất hiện đại so với môi trường xung quanh. Sau nhiều năm, có lẽ chương trình học trong khoa sẽ có những thay đổi nhưng tôi tin rằng đó sẽ luôn là chương trình học hoàn thiện nhất, tiến bộ nhất, bám sát với xu hướng phát triển của thời đại và ắt hẳn sau khi hoàn thành khung chương trình đó, những cử nhân tương lai sẽ rất tự tin với năng lực của mình. Điều mà tôi luôn tự hào nhất khi nói về khoa Báo là bản thân được học tập dưới sự giảng dạy của những giáo sư, tiến sĩ – những giảng viên rất uyên thâm và sâu sắc về các chuyên ngành của mình và hơn cả đó là những nhà giáo tâm huyết với nghề. Những bài giảng của các thầy cô không chỉ là những lý thuyết, kiến thức chuyên ngành mà còn đọng trong lòng tôi là cách đối nhân xử thế ở đời.

Nhiệm vụ của một trường đại học tiến bộ không phải là cung cấp những câu trả lời thích hợp, mà phải là đặt ra các câu hỏi thích hợp[1]. Môi trường trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói chung và môi trường trong Khoa Báo chí và Truyền thông nói riêng là môi trường tiến bộ, mang tính học thuật rất cao, điều này đòi hỏi ở mỗi người học không chỉ là chiều rộng mà còn cả về độ sâu, độ khó về kiến thức bởi vậy sự tự học, tự nghiên cứu để đáp ứng những yêu cầu của các giảng viên là rất quan trọng. Tôi rất đồng ý với Bill Gates rằng: “Khi ngồi trên ghế nhà trường, lúc gặp khó khăn trong học tập thì có giáo viên giúp đỡ bạn. Tuy nhiên, nếu lúc đó bạn lại cảm thấy mọi khó khăn đều do những yêu cầu quá nghiêm khắc từ phía giáo viên thì bạn đừng nên đi làm sau khi tốt nghiệp. Đơn giản nếu như không có những yêu cầu nghiêm khắc từ phía công ty thì chắc chắn bạn sẽ không làm được gì và sẽ nhanh chóng thất nghiệp, hơn nữa lúc này sẽ không có ai giúp đỡ bạn cả.” Trải qua môi trường học thuật khoa học, nghiêm túc, nghiêm khắc và chất lượng tại khoa mà tôi đã thích nghi nhanh hơn với áp lực công việc của các toà soạn dù mới ra trường. Cũng nhờ môi trường đó mà có một đặc điểm thể hiện rất rõ ở sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông là có kiến thức nền tảng vững chắc, khả năng nghiên cứu độc lập và khả năng sáng tạo trong công việc. Điều này đã được chứng minh qua những lớp cử nhân được đào tạo bởi Khoa Báo chí và Truyền thông. Quan sát các lứa sinh viên tới thực tập và làm việc tại Vietnamnet, tôi khá hài lòng bởi các bạn sinh viên nắm bắt tiến độ và tiến bộ rất nhanh trong kỹ năng làm việc mặc dù vẫn còn phải uốn nắn nhưng so với thế hệ của tôi khoảng cách của sinh viên mới ra trường và phóng viên tác nghiệp đã được rút ngắn đáng kể.

Năm 2015, kỷ niệm 25 thành lập Khoa Báo chí và Truyền thông, một năm để nhìn lại lịch sử đáng tự hào và cũng là để đón nhận những thử thách mới khi cuối năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được thành lập và cộng đồng ASEAN hoàn thiện. Khi Việt Nam ngày càng hội nhập với thế giới, một xu thế tất yếu của thời đại mở ra, một cánh cửa mới đang đứng trước con đường đi lên của khoa khi mà sự cạnh tranh sẽ ngày càng lớn và áp lực hơn bao giờ hết từ những nguồn nhân lực của các nước láng giềng. Nhưng tôi có một niềm tin rằng đó sẽ là động lực cho con đường phát triển vượt bậc của Khoa Báo chí và Truyền thông bởi nghề làm báo theo phương châm của Vietnamnet là “đồng hành cùng dân tộc”, phục vụ vì lợi ích dân tộc thì những nhà báo Việt Nam hơn ai hết, họ dễ nắm bắt được chức năng của báo chí Việt Nam, văn hoá dân tộc Việt. Tuy vậy, mỗi cá nhân vẫn rất cần sự học hỏi có chọn lọc từ những tiến bộ từ nền báo chí của các nước khác bởi thế nên sự tự trau dồi cho bản thân khả năng ngoại ngữ, ngôn ngữ lập trình, tiếp cận các công nghệ truyền thông hiện đại, tác phong công việc,… là điều cần thiết đối với nhà báo hiện đại.

Với tư cách là cựu sinh viên của khoa, là “đàn anh” đi trước, tôi cùng những đồng môn làm việc tại Vietnamnet luôn sẵn lòng chào đón và chỉ dẫn những sinh viên của Khoa Báo chí và Truyền thông tới thực tập và làm việc tại Vietnamnet. Vietnamnet luôn mong đợi, luôn lắng nghe những nhận xét, góp ý hay những ý tưởng của các em sinh viên – đồng nghiệp tương lai của chúng tôi. Đây không đơn thuần chỉ là tình nghĩa là còn là sự sẻ chia công việc với những giảng viên trong khoa – những người thầy, người cô đáng kính mà tôi luôn nhớ ơn.

Mới ngày nào, tôi cũng như bao bạn sinh viên bây giờ, chung tay kỷ niệm 10 năm thành lập cho khoa. Nay đã 15 năm kể từ ngày tôi ra trường, khoa cũng đã trải qua 25 năm tuổi. Tự hào khi là sinh viên trưởng thành từ Khoa Báo chí và Truyền thông, tự hào khi bước ra từ mái trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - điểm gốc nhân văn - nhân sinh của đất nước, tôi tự hào với cánh cửa đại học mình chọn, tự hào với con đường tôi đi. Chúc mừng Khoa Báo chí và Truyền thông 25 tuổi!

Phạm Anh Tuấn

Cựu sinh viên K41

Tổng biên tập báo điện tử Vietnamnet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây