Tin tức

Thành tích của Trường ĐHKHXH&NV trong 70 năm truyền thống - 20 năm xây dựng và phát triển: Công tác nghiên cứu khoa học

Thứ hai - 12/10/2015 00:42
Thành tích của Trường ĐHKHXH&NV trong 70 năm truyền thống - 20 năm xây dựng và phát triển: Công tác nghiên cứu khoa học
Thành tích của Trường ĐHKHXH&NV trong 70 năm truyền thống - 20 năm xây dựng và phát triển: Công tác nghiên cứu khoa học

Kế thừa và phát huy thế mạnh trong nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu cơ bản, trong 20 năm qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu đất nước và có uy tín trong khu vực và quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Quá trình phát triển khoa học 20 năm qua của Trường có thể được nhìn nhận, đánh giá qua 3 giai đoạn cơ bản:

- Giai đoạn 1995 – 2000: Với mục tiêu hoàn thiện bộ máy tổ chức, đổi mới, phát triển cơ cấu ngành nghề đào tạo, Nghiên cứu khoa học của Nhà trường tập trung vào 3 mục tiêu cơ bản:

+ Nghiên cứu phục vụ hoàn thiện phương thức quản lý hoạt động của Nhà trường. Thông qua hệ thống đề tài cấp sơ sở, Ban giám hiệu, các phòng/ban nhanh chóng xác định đường hướng, cơ chế quản lý các lĩnh vực cơ bản như đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế, v.v.. theo hướng quản trị của một đại học tiên tiến.

+ Nghiên cứu phát triển cơ cấu ngành đào tạo: Nhà trường thu hút và tập trung các nguồn lực triển khai các hướng nghiên cứu mới, mang tính liên ngành. Các kết quả nghiên cứu đã nhanh chóng được chuyển giao thành các chương trình đào tạo mới. Nhờ đó, Trường đã trở thành đơn vị tiên phong mở các ngành đào tạo mới ở Việt Nam như Đông phương học, Báo chí học, Du lịch học, Quốc tế học, Cvhinhs trị học, v.v.. và nhanh chóng phát triển Trường thành trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.

+ Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu tổng kết lý luận và thực tiễn: Để phát triển vững chắc và có chất lượng các ngành đào tạo mới, Trường thu hút các nguồn lực tập trung nghiên cứu cơ bản nhằm tạo ra những bộ sách công cụ, giáo trình, chuyên khảo phục vụ đào tạo. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ của Trường tham gia mạnh vào các chương trình nghiên cứu tổng kết lý luận và thực tiễn, tạo luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường lối, mô hình phát triển của Việt Nam. Một số nghiên cứu đã đáp ứng kịp thời những yêu cầu cấp bách của thực tiễn như đề tài Nghiên cứu hệ thống chính trị Việt Nam, Nghiên cứu xác lập chứng cứ lịch sử, văn hóa và cơ sở pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàn Sa và Trường Sa; Nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, v.v..

- Giai đoạn 2001 – 2010: Trên cơ sở những kết quả ban đầu của giai đoạn 1995 – 2000, Nhà trường đã xây dựng Định hướng nghiên cứu khoa học của Trường 10 năm (2001 – 2010). Có thể nói, Định hướng này tạo đường hướng mang tính nền tảng cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học của Trường với 2 hướng song hành: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm từng bước phát triển khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam hội nhập với khu vực và quốc tế.

Với định hướng nghiên cứu cơ bản, đội ngũ cán bộ của Trường đã tham gia mạnh vào hệ thống đề tài nghiên cứu cơ bản cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và đặc biệt là 02 đề tài độc lập cấp Nhà nước (Lịch sử Việt Nam Nghiên cứu bảo tồn và khai thác di sản Hán- Nôm Huế). Kết quả của những nghiên cứu cơ bản này tạo thành bộ tư liệu, tài liệu, sách công cụ quan trọng phục công tác xây dựng và phát triển các ngành đào tạo của Nhà trường.

Với định hướng nghiên cứu tổng kết lí luận và thực tiễn, Nhà trường tăng cường công tác thông tin khoa học và công nghệ, tạo lập mối quan hệ thường xuyên với Bộ Khoa học và Công nghệ, văn phòng các chương trình khoa học trọng điểm cấp Nhà nước, xây dựng chính sách hỗ trợ các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu xây dựng thuyết minh đề tài lớn, liên ngành. Do đó, cuối giai đoạn 2001 – 2010, nhà trường đã đấu thầu thành công 9 đề tài cấp Nhà nước.

Giai đoạn 2001 – 2010 cũng là giai đoạn Nhà trường chỉ đạo tổ chức các hội thảo khoa học, nhất là các hội thảo khoa học quốc tế nhằm tạo cơ hội để các nhà khoa học công bố, trao đổi kết quả nghiên cứu với các nhà khoa học quốc tế nhằm phát triển khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam nói chung và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói riêng từng bước hội nhập khu vực và quốc tế.

Hướng đi và phương thức hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường giai đoạn này đã đạt được những kết quả quan trọng: 8 giải thưởng khoa học tiêu biểu cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, 4 giải thưởng Khoa học và công nghệ cấp Nhà nước, 2 giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ. Tinh thần và không khí nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ giảng dạy dã tạo môi trường tốt thúc đẩy nghiên cứu khoa học của sinh viên. Và kết quả là, 11 công trình khoa học của sinh viên đạt giải sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia, 25 công trình của sinh viên đạt giải thưởng tài năng khoa học trẻ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì 10 năm có thành tích xuất sắc trong phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên.

- Giai đoạn 2011 đến nay:

Trên cơ sở tổng kết định hướng nghiên cứu khoa học 10 năm 2001 – 2010, Nhà trường xây dựng định hướng nghiên cứu khoa học 10 năm giai đoạn 2011 – 2020. Bên cạnh việc duy trì phát triển nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu tổng kết lý luận và thực tiễn như là hai thế mạnh đã được khẳng định, định hướng nghiên cứu khoa học giai đoạn 2011 – 2010 đưa thêm nhiệm vụ nghiên cứu liên ngành (biển đảo, biến đổi khí hậu, vấn đề nông nghiệp - nông thôn - nông dân), nghiên cứu phát triển vùng miền và đặc biệt đẩy mạnh xây dựng, phát triển Trường theo định hướng đại học nghiên cứu. Để thực hiện định hướng này, Nhà trường đã xây dựng Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của Trường đến năm 2020; Chương trình phát triển các sản phẩm khoa học chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chính sách khuyến khích công bố quốc tế, v.v..

Điểm nổi bật trong hoạt động nghiên cứu khoa học giai đoạn này là Nhà trường đã tham gia tích cực vào các chương trình khoa học trọng điểm Nhà nước. Số lượng đề tài cấp Nhà nước 2011 – 2015 là 17 đề tài chưa kể 8 đề tài thuộc đề án biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam, 01 đề tài về Lịch sử chính phủ  và 02 đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ Tây Bắc đang hoàn thiện thuyết minh và ký hợp đồng nghiên cứu trong năm 2015.

Phát huy thế mạnh về nghiên cứu cơ bản, Ban Giám hiệu tập trung chỉ đạo các nguồn lực tập trung đề xuất và thực hiện các đề tài thuộc Quỹ Nafosted. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 – 2015, Nhà trường chủ trì và tổ chức thực hiện 22 đề tài thuộc Quỹ này.

Hướng nghiên cứu phục vụ phát triển địa phương cũng được Nhà trường chú trọng. Hiện nay, nhà trường đã hợp tác với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, hà Nam chủ trì và tổ chức thực hiện 5 đề tài cấp Tỉnh.

Như vậy, cùng với các đề tài cấp ĐQHQG HN, hệ thống các đề tài cấp Nhà nước, đề tài thuộc Quỹ Nafosted và đề tài địa phương là cơ sở tạo ra nhiều công bố khoa học trên các tạp chí và hoặc trong các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, nâng cao uy tín khoa học của Nhà trường.

Về tổ chức hội thảo/tọa đàm khoa học: Với mục tiêu trao đổi, thảo luận và công bố những kết quả nghiên cứu mới nhất của đội ngũ cán bộ, Nhà trường đã tích cực và chủ động phối kết hợp với các cơ quan trong nước, các trường đại học và các tổ chức quốc tế tổ chức các hội thảo/tọa đàm khoa học.

Từ 2011 – nay, Nhà trường đã tổ chức tốt các hội thảo/tọa đàm khoa học trong khuôn khổ các dự án quốc tế mang tính thường xuyên như chuỗi hội thảo/tọa đàm về chính sách khoa học và nghiên cứu chính sách với Quỹ Rosa Lucxemburg; chuỗi hội thảo tọa đàm về biển đảo; gìn giữ hòa bình; phát triển kinh tế và chính sách trong hội nhập với Quỹ FES, KAS, v.v..

Đặc biệt, Nhà trường đã tổ chức thành công một số hội thảo quốc tế lớn như: Sử học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa: Những vấn đề lý luận và phương pháp tiếp cận; Việt Nam trong lịch sử thế giới; Hợp tác Biển Đông: Tiềm năng và triển vọng; Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho VN; Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Kinh nghiệp quốc tế và bài học kinh nghiệm cho VN; Đối thoại chính sách: Trao đổi kinh nghiệm về nghiên cứu và đào tạo về phân tích và hoạch định chính sách giữa VN và CHLB Đức, 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Nhìn từ góc độ quốc tế...

Một số đơn vị trong trường đã tổ chức có hiệu quả các hội nghị/tọa đàm khoa học và được đối tác quốc tế tin cậy như Viện Chính sách và Quản lý, khoa Quốc tế học, Lịch sử, Đông phương học, v.v..

Về các công trình công bố: Hoạt động nghiên cứu khoa học tích cực và sôi nổi của nhà trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ công bố kết quả nghiên cứu của mình. Bình quân hằng năm, đội ngũ cán bộ của trường đã công bố trên 500 công trình dưới dạng các giáo trình, chuyên khảo, sách tham khảo, các bài báo trên các tạp chí chuyên ngành hoặc kỉ yếu hội thảo khoa học ở trong và ngoài nước.

Điểm vượt trội trong công bố khoa học thời kì này là công bố quốc tế. Công bố quốc tế đã tăng gần gấp đôi vào những năm 2011, 2012, 2013, 2014, 2015. Các công trình công bố trong nước, đặc biệt là các giáo trình/chuyên khảo ngày càng có chất lượng khoa học: 05 công trình được giải thưởng Sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam, 01 công trình được dịch và xuất bản ở nước ngoài (Chuyên khảo: Việt Nam Quốc dân Đảng trong lịch sử cách mạng Việt Nam của GS.TS. Nguyễn Văn Khánh).

Với nhu cầu công bố khoa học của cán bộ, Nhà trường đã xây dựng thành công Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn và sẽ ra số 1 vào tháng 10 năm 2015.

Về nghiên cứu khoa học của sinh viên: Có thể nói, phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên giai đoạn này đã trở thành hoạt động mang tính truyền thống và thực sự tạo môi trường khoa học trong công tác đào tạo của Nhà trường. Hàng năm, các công trình khoa học của sinh viên Trường đều đạt các giải cao của Bộ Giáo dục - Đào tạo và ĐHQG HN. Cụ thể, từ 2011 – 2015, 15 công trình của sinh viên đạt gải thưởng khoa học cấp Đại học Quốc gia, 7 công trình đạt giải thưởng Tài năng khoa học trẻ của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Đây cũng là giai đoạn Nhà trường đi tiên phong trong tổ chức nghiên cứu kho ahocj cho cán bộ trẻ và học viên sau đại học. Với sức hấp dẫn sau 2 lần tổ chức, Nhà trường có hướng phát triển thành hội nghị khoa học cán bộ trẻ và học viên sau đại học toàn quốc trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và sẽ tổ chức thường niên.

Tác giả: ussh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây