Tin tức

Khoa Báo chí và Truyền thông - Một phần tư thế kỷ xây dựng và trưởng thành

Thứ ba - 20/10/2015 23:29
Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn được thành lập ngày 29-6-1990, tiền thân là Khoa Báo chí, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tính đến nay đã trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành. Trong khoảng thời gian đó tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên toàn Khoa đã kiên trì xây dựng và phát triển Khoa thành một đơn vị lớn trong Trường và trở thành một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu báo chí hàng đầu của cả nước
Khoa Báo chí và Truyền thông - Một phần tư thế kỷ xây dựng và trưởng thành
Khoa Báo chí và Truyền thông - Một phần tư thế kỷ xây dựng và trưởng thành

Các thầy cô giáo và sinh viên lớp K36 (khóa đầu tiên của Khoa) trong một chuyến thực tế

Để có được thành công ấy, từ bước đi đầu tiên trong những ngày đầu thành lập Khoa may mắn nhận được sự tham gia đóng góp tâm huyết của các cán bộ giảng viên dày dặn kinh nghiệm, trong đó có nhiều thầy cô là những nhà khoa học lớn, có tên tuổi, uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo Khoa học Xã hội và Nhân văn như: GS. Hà Minh Đức - vị Chủ nhiệm Khoa đầu tiên, PGS.TS Dương Xuân Sơn, PGS.TSKH Đỗ Xuân Hà, nữ Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn Đoàn Hương. Tiếp đó là GS.TS Đỗ Quang Hưng, GS.TS Nguyễn Thiện Giáp, PGS.TS Đinh Văn Hường, TS. Trịnh Hồ Khoa, PGS.TS Vũ Quang Hào, PGS.TS Thành Hưng rồi PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái,… cũng đều tụ hợp về đây, chung tay xây dựng Khoa, vì sự nghiệp đào tạo ngành báo chí nước nhà.

Thực hiện sứ mệnh tiên phong và cao cả của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đối với đất nước là " … đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, nghiên cứu sáng tạo và truyền bá tri thức về khoa học xã hội và nhân văn, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước", Đảng uỷ , Ban Giám hiệu Nhà trường luôn luôn coi trọng công tác xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao và coi đó là điều kiện cốt lõi, chiến lược để xây dựng và phát triển Nhà trường đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Đội ngũ giảng viên của Khoa Báo chí và Truyền thông hiện nay phần lớn là những người trẻ tuổi, năng động, sáng tạo, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, có trình độ chuyên môn vững vàng, say mê nghiên cứu khoa học. 100% cán bộ giảng dạy của Khoa đạt học vị Thạc sỹ trở lên, 29% cán bộ giảng dạy của Khoa là PGS, 43% đạt học vị Tiến sỹ. Bên cạnh đội ngũ cán bộ cơ hữu, khoa Báo chí và Truyền thông còn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ to lớn, quý báu của đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm, thỉnh giảng là những chuyên gia hàng đầu về báo chí và quản lý báo chí, những nhà báo giỏi, giàu kinh nghiệm ở Việt Nam hiện nay.

Đoàn thực tế lớp K57 giao lưu với lãnh đạo và phóng viên báo Tuổi Trẻ tại trụ sở tòa soạn 60A Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh

 Trong bối cảnh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế đang diễn ra một cách nhanh chóng, vấn đề nâng cao chất lượng và đa dạng hóa ngành nghề đào tạo đã được Nhà trường đặt ra và thực hiện một cách kiên quyết. Sau các lần xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo một cách đồng bộ, toàn diện, hiện tại, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có 22 ngành đào tạo đại học.  Các ngành đào tạo của trường được phát triển theo 3 nhóm: 1) Các ngành khoa học cơ bản; 2) Các ngành khoa học ứng dụng; 3) Các ngành khoa học liên ngành. Định hướng trong phát triển các ngành đào tạo của Trường là vừa tập trung phát triển các ngành khoa học cơ bản, khoa học liên ngành để thực thi sứ mệnh đầu của giáo dục đại học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam; vừa phát triển các ngành khoa học ứng dụng để có thể đáp ứng kịp thời các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế mà tiềm năng học thuật và nhân lực của nhà trường có khả năng đáp ứng tốt nhất.

Khoa Báo chí và Truyền thông là một trong số không nhiều khoa đào tạo của Nhà trường hiện đảm nhiệm việc đào tạo song song 2 ngành học. Nhờ có đội ngũ cán bộ giỏi, đầy trách nhiệm, năng động và sáng tạo, khoa Báo chí và Truyền thông không những hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo hai ngành: Báo chí và Quan hệ Công chúng, mà còn đạt nhiều thành tích vượt bậc cả về chiều rộng và chiều sâu trong nghiên cứu khoa học. Chỉ tính trong 5 năm qua có hơn 200 bài báo khoa học của cán bộ giảng viên được đăng tải trên các tạp chí khoa học, lý luận, chuyên ngành, hoặc được báo cáo tại các hội thảo trong và ngoài nước. Ngoài các đề tài cấp ĐHQG, và cấp trường, cán bộ giảng viên của khoa Báo chí và Truyền thông đang chủ trì thực hiện một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, và một đề tài trong Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước ‘Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”, cùng nhiều đề tài của các Quỹ tài trợ. Các đề tài nghiên cứu của Khoa đã hòa cùng thành tích nghiên cứu khoa học của Nhà trường, thể hiện tri thức và lý luận về xây dựng con người, văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và toàn cầu hóa, góp phần cung cấp các luận cứ, cơ sở khoa học cho việc xây dựng, hoạch định các đường lối chính sách của Đảng, phát triển đất nước.

Hội thảo khoa học "Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số" do Khoa Báo chí phối hợp với Viện KAS (Đức) tổ chức

Hợp tác quốc tế sâu rộng là con đường tiếp cận nhanh và hiệu quả tri thức và phương pháp nghiên cứu tiên tiến, nhất là khi muốn trở thành đại học nghiên cứu. Khoa Báo chí và Truyền thông là một trong những đơn vị năng động, tích cực của Nhà trường, luôn chú trọng mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí truyền thông, trong đó có thể kể đến các chương trình liên kết đào tạo cử nhân với Đại học Quảng Tây (Trung Quốc); đào tạo thạc sỹ Quản trị truyền thông với Đại học Stirling (Anh), dự án “Trợ giúp phát triển trường đào tạo báo chí ở Việt Nam” (quỹ Hòa Bình SASAKAWA, Nhật Bản tài trợ); dự án Nghiên cứu lịch sử Việt Nam (Quỹ Toyota tài trợ); dự án MediaPro - Xây dựng khung chương trình đào tạo báo chí theo chuẩn quốc tế (Hội đồng Anh tài trợ); dự án nâng cao năng lực nhà báo trẻ (Đại sứ quán Mỹ tài trợ)… Thành công của các dự án, các chương trình hợp tác đào tạo, liên kết, các hội thảo khoa học quốc tế không chỉ khẳng định uy tín, vị trí của khoa Báo chí và Truyền thông mà còn góp phần nâng cao và làm phong phú thêm hoạt động hợp tác quốc tế của Nhà trường, tạo nên lợi thế so sánh, khẳng định vị thế của một trường đại học đứng đầu đất nước.

 Nhằm góp phần thực hiện hiệu quả đường lối phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, trước hết là đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Khoa Báo chí và Truyền thông cần phát huy hơn nữa những thành tích trong 25 năm qua, không ngừng phấn đấu xây dựng Khoa phát triển về chiều sâu, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ cán bộ trình độ cao, hoàn thiện hệ thống giáo trình, chương trình đào tạo, tạo nên những thành công mới to lớn và ấn tượng hơn trong thời gian tới. Đó cũng là việc làm thiết thực của Khoa cùng với các đơn vị trong toàn Trường thực hiện thắng lợi mục tiêu, phương hướng mà Đại hội Đảng bộ Nhà trường nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra là xây dựng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu tiêu biểu đứng đầu cả nước về Khoa học Xã hội và Nhân văn, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

GS.TS. NGND Nguyễn Văn Khánh

Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Đại học Quốc gia Hà Nội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây