Chu Hi với Nho học Đông Á
admin
2010-08-24T22:09:19-04:00
2010-08-24T22:09:19-04:00
https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/tin-hoat-dong/chu-hi-voi-nho-hoc-dong-a-6792.html
/themes/ussh_v2/images/no_image.gif
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN
https://ussh.vnu.edu.vn/uploads/ussh/logo.png
Thứ ba - 24/08/2010 22:09
Với mục đích tăng cường nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam theo hướng chuyên sâu, ngày 24/8 Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức Hội thảo khoa học “Chu Hi với Nho học Đông Á”.
Với mục đích tăng cường nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam theo hướng chuyên sâu, ngày 24/8 Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức Hội thảo khoa học “Chu Hi với Nho học Đông Á”.
10 tham luận là kết quả của các công trình nghiên cứu chuyên sâu về Chu Hi đã được các nhà nghiên cứu của hai trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) và ĐH Thành Công (Đài Loan) trình bày tại Hội thảo.
Các tham luận tập trung chủ yếu bàn về ảnh hưởng của Chu Hi - một nhà triết học, nhà giáo dục, nhà văn, nhà thơ của Trung Quốc đời Nam Tống - với khu vực Đông Á nói chung và Việt Nam nói riêng trên các lĩnh vực: văn học, sử học, kinh học, triết học, luân lí học…
PGS.TS Đinh Khắc Thuân trong tham luận “Các tác phẩm của Chu Hi được du nhập và lưu truyền ở Việt Nam” cho biết những tác phẩm về tư tưởng và chú giải kinh điển của Chu Hi được du nhập và ảnh hưởng sâu rộng ở Việt Nam thời Lê - Nguyễn (thế kỉ XV- đầu XX). Tham luận đã đưa ra số liệu chưa đầy đủ về khoảng 30 tên các tác phẩm và tài liệu về Chu Hi hiện còn ở Việt Nam, bao gồm cả các tác phẩm của Chu Hi được in ấn, sao chép tại Việt Nam, cùng các tác phẩm của người Việt sưu tập, trích dẫn tác phẩm của Chu Hi hoặc khảo cứu, bình chú, chú giải bằng chữ Nôm. PGS.TS Đinh Khắc Thuân đưa ra ý kiến: Cần sớm sưu tập đầy đủ các tác phẩm của Chu Hi ở Việt Nam đồng thời tiến hành phân loại đối chiếu các văn bản đồng loại của Chu Hi và của học giả Việt Nam, cũng như những ảnh hưởng tư tưởng và phương pháp biên soạn sách của Chu Hi ở Việt Nam thời Lê - Nguyễn.
ThS. Phạm Vân Dung trong tham luận “Từ Tử Chu tử tiểu học toàn thư tới Tử Chu tử tiểu học lược biên và ảnh hưởng của Chu Hi qua sự tiếp nhận của các nhà Nho Việt Nam thế kỉ XIX” thì lại phân tích chi tiết sự ảnh hưởng và tiếp nhận hệ thống sách chú giải kinh điển Nho gia của Chu Hi ở Việt Nam thông qua việc giới thiệu và khảo sát hai cuốn sách Tử Chu tử tiểu học toàn thư và Tử Chu tử tiểu học lược biên, một do Chu Hi biên soạn và một do các nhà Nho Việt Nam lược biên lại.
Ngoài ra, một số báo cáo khác cũng nêu bật được ảnh hưởng của Chu Hi trong nhiều lĩnh vực thông qua một số tác phẩm và tài liệu tiêu biểu, cụ thể như: “Nhân vật và sự kiện của quá trình tư tưởng Chu Hi, Tống Nho ảnh hưởng tới Việt Nam thế kỉ XIV - đầu thế kỉ XV - định vị và phân tích” – Nguyễn Kim Sơn; “Diên cách Chu Tử học tại Việt Nam: Từ Tứ thư chương cú tập chú đến Tứ thư ước giải” - Nguyễn Tuấn Cường, “Quan niệm về “tượng” và sự “suy diễn” Dịch đồ “tượng” của Chu Tử trong Hi Kinh lãi trắc” - Bùi Bá Quân, “Tìm hiểu sự bình giá về Chu Hi - Lục Cửu Uyên qua các tác phẩm thư khảo biện của Lê Quý Đôn” - Lê Phương Duy, “Văn Công gia lễ - Từ “Ngũ phục” khảo sát sự ảnh hưởng của Văn Công gia lễ đến Thọ Mai gia lễ” - Phạm Thị Hường, “Xu hướng kết hợp Dịch học Trình – Chu trong Kinh học Đông Á” - Nguyễn Phúc Anh. Đại biểu Lâm Triều Thành và Trần Ích Nguyên (Đại học Thành công, Đài Loan) trình bày tham luận về “Bàn về luân lí học trong bối cảnh quẻ và hào của chủ Dịch bản nghĩa Chu Hi” và “Danh Nho Việt Nam Lí Văn Phức và bài tựa “Triển yết Tử Dương Thư Viện Tính Tự”.
Khẳng định sự cần thiết phải nghiên cứu khách quan để chỉ ra diện mạo chân thực của các ảnh hưởng của Chu Hi tới Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Hiệu trưởng Nhà trường - đã nhấn mạnh: “Chu Hi là nhân vật lớn thứ hai sau Khổng tử về phương diện đóng góp cho sự phát triển của Nho học Trung Quốc và các nước khu vực. Chúng ta không thể hiểu sâu về Nho giáo Việt Nam nếu không hiểu thấu đáo về Khổng Mạnh, Trình Chu. Việc nghiên cứu Chu Hi trước hết là phục vụ cho nghiên cứu Nho giáo Việt Nam. Ở Việt Nam từ thế kỉ XIV tới cuối thế kỉ XIX, tư tưởng Chu Hi luôn thống trị học giới và có ảnh hưởng to lớn.”
Hội thảo Chu Hi và Nho học Đông Á với quy mô lớn hơn cùng sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước hơn dự định sẽ tiếp tục triển khai trong năm tới.