Hội thảo khoa học với chủ đề “Đổi mới văn hoá lãnh đạo quản lí ở Việt Nam: Quan điểm – Mô hình - Giải pháp” tổ chức tại Trường ĐHKHXH&NV ngày 30/8/2010, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và hoạt động thực tiễn.
Đây là hội thảo thứ ba và cũng là cuối cùng trong khuôn khổ của đề tài cấp nhà nước “Đổi mới và quản lí lãnh đạo, quản lí ở Việt Nam hiện nay” (mã số KX03.21/06-10) do Trường ĐHKHXH&NV chủ trì thực hiện trong hai năm 2009 – 2010.
20 báo cáo gửi tới hội thảo lần này đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của chủ đề đổi mới văn hoá lãnh đạo, quản lí ở Việt Nam hiện nay, với những chủ đề chính như sau:
- Những quan điểm có tính chất phương pháp luận và phương pháp tiếp cận nghiên cứu thực tiễn văn hoá lãnh đạo, quản lí ở Việt Nam hiện nay.
- Những mô hình văn hoá lãnh đạo, quản lí trong các tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp.
- Những giải pháp chủ yếu cho việc đổi mới văn hoá lãnh đạo, quản lí trong các tổ chức
- Những kiến nghị cụ thể cho việc đổi mới văn hoá lãnh đạo quản lí
- Những vấn đề địa phương liên quan đến đổi mới văn hoá lãnh đạo, quản lí…
Báo cáo “Chiến lược của Đảng và Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lí trong giai đoạn mới (tầm nhìn đến năm 2020)” của GS.TS Nguyễn Hữu Khiển (Học viện Hành chính Quốc gia) đã nêu ra những chiến lược cụ thể như: chiến lược phát triển kinh tế, chiến lược về giáo dục, chiến lược về văn hoá để phát triển đội ngũ lãnh đạo quản lí của nước ta trong thời gian tới.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn (Trường ĐHKHXH&NV) với báo cáo “Xây dựng mô hình phong cách lãnh đạo, quản lí mới trong những điều kiện hiện nay ở nước ta” thì nhấn mạnh những yêu cầu đối với xây dựng phong cách lãnh đạo và quản lí mới ở Việt Nam hiện nay: Bên cạnh việc kế thừa những phẩm chất quý báu của dân tộc ta từ xa xưa đó là cần cù, yêu lao động, thông minh, sáng tạo phong cách lãnh đạo, quản lí mới còn phải có độ nhạy bén, mền dẻo cao để nắm bắt thời cơ, đưa ra quyết sách hợp lí mặt khác cần phải có tính thực tiễn, xác định chính xác hiệu quả kinh tế của mỗi quyết sách và đưa ra được các phương án cụ thể tối ưu để giải quyết những vấn đề quá trình hội nhập đặt ra.
PGS.TS Nguyễn Duy Bắc (Viện Văn hoá và Phát triển) thì lại đề cập đến một vấn đề cụ thể hơn, gần sát với “dân” nhiều hơn, đó là vấn đề “Tăng cường dân chủ cơ sở và phát triển văn hoá lãnh đạo quản lí ở cơ sở”.
Đề cập đến giải pháp cho việc đổi mới văn hoá lãnh đạo, quản lí, TS. Trần Văn Hải (Trường ĐHKHXH&NV) cho rằng: Đổi mới hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới văn hoá lãnh đạo, do đó cần phải tăng cường hệ thống pháp luật đáp ứng với yêu cầu hiện nay và giai đoạn sau.
Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước Đông Nam Á trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, TSKH Trần Hiệp khẳng định cần phải kế thừa truyền thống văn hoá lãnh đạo, quản lí của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá lãnh đạo của thế giới; cần thực thi dân chủ mở rộng dân chủ; cần minh bạch công khai, chống tham nhũng quan liêu, phát triển giáo dục, trọng dụng người tài…
Ngoài ra còn rất nhiều những báo cáo khác cũng đã nhận được những trao đổi, phân tích cụ thể như: “Kế thừa những di sản về quản lí và điều hành xã hội của người xưa” – GS.TS Đặng Cảnh Khanh (Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển), “Đổi mới văn hoá lãnh đạo, quản lí: Quan điểm – Giải pháp” – PGS.TS Nguyễn Ngọc Quân (Đại học Kinh tế Quốc dân), “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp trong hệ thống Vinavico” - Nguyễn Thanh Hoàn (Công ty Cổ phần công trình ngầm Vinavico)…
Hội thảo “Đổi mới văn hoá lãnh đạo, quản lí ở Việt Nam hiện nay: Quan điểm – Mô hình - Giải pháp” góp phần làm sáng tỏ những quan điểm, các mô hình văn hoá lãnh đạo, quản lí khác nhau trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, đánh giá các giải pháp đã thực hiện trong những năm đổi mới vừa qua ở nước ta, đề xuất những giải pháp mới cho việc tiếp tục đổi mới văn hoá lãnh đạo, quản lí trong giai đoạn tiếp theo.
Năm 2009, Hội thảo khoa học “Đổi mới văn hoá lãnh đạo, quản lí ở Việt Nam hiện nay: Những vấn đề lí luận và thực tiễn” được tổ chức lần đầu tiên ở Hà Nội đã tập trung làm sáng tỏ những vấn đề lí thuyết, cơ sở lí luận chung của đề tài, đồng thời phân tích những kinh nghiệm thế giới liên quan đến đề tài.
Hội thảo lần thứ hai (tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh) tập trung vào vấn đề thực trạng văn hoá lãnh đạo, quản lí ở Việt Nam hiện nay và triển vọng phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Đây là lần thứ ba Hội thảo được tổ chức. Dự kiến cuối năm 2010, đề tài “Đổi mới văn hoá lãnh đạo, quản lí ở Việt Nam hiện nay” sẽ được nghiệm thu.