Ngôn ngữ
Tham dự hội thảo có PGS.TS Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam), GS.TSKH Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo, ĐHQGHN, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia), đồng chí Trần Tiến Dũng (Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Ninh), đồng chí Hà Hải Dương (Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều), GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về khảo cổ và lịch sử, lãnh đạo các ban ngành tại thị xã Đông Triều.
GS.TS Phạm Quang Minh phát biểu tại hội thảo
Đồng chí Hà Hải Dương (Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều) phát biểu tại hội thảo
Đền An Sinh là một di tích trọng yếu, tuy nhiên tư liệu hiện nay khá ít ỏi, nhất là các ghi chép về điện An Sinh dưới thời Trần. Cuộc khai quật đã giúp khám phá một quần thể di tích thời Trần với nhiều lớp kiến trúc, phản ánh quá trình phát triển của điện An Sinh dưới thời Trần, từ đó xác định được trục thần đạo, hướng của kiến trúc thời Trần; đồng thời hoạch định được phạm vi phân bố, quy mô cấu trúc của một tổ hợp công trình kiến trúc tương đối phức tạp qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.
PGS.TS. Đặng Hồng Sơn (Phó Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV) giới thiệu một số kết quả khảo cổ tại đền An Sinh
Việc phát hiện các đồ gốm hoa nâu, đặc biệt là chậu gốm hoa nâu cho thấy tính chất hoàng gia của kiến trúc điện An Sinh thời Trần, đồng thời cũng hé lộ những thông tin về niên đại khởi dựng của An Sinh dưới thời Trần. Theo các tư liệu hiện có, kiến trúc thời Trần ở An Sinh được khởi dựng vào đầu thế kỷ XIII. Đây là chìa khóa quan trọng nhằm xem xét tính chất của quần thể kiến trúc điện An Sinh. Kết quả khai quật cũng thu được một số di vật đặc biệt quý giá như tượng phượng bằng đồng, chậu gốm hoa nâu lớn trang trí hoa sen và rồng.
Đoàn đại biểu hội thảo dâng hương tại Thái Miếu và đền An Sinh trước khi tham dự hội thảo
Mộ táng Trại lốc có hai ngôi mộ được phát hiện gần nhau. Trong quá trình thi công đường, dù đã bị máy xúc phá hủy nghiêm trọng, nhưng qua khảo sát, đoàn khai quật cho rằng, cấu trúc quách mộ giống với mộ Nghĩa Hưng (từng xuất hiện tại Đông Triều năm 2010), Phần Cựu (Tam Đường, Thái Bình) và mộ Hải Triều (Hưng Hà, Thái Bình). Tất cả đều là những ngôi mộ của quý tộc nhà Trần tại các vùng đất tổ.
Am Ngoạ Vân - nơi tu hành và hóa Phật của đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm - là một quần thể chùa tháp với 15 điểm di tích chia thành 4 cụm, trong đó am Ngọa Vân là điểm di tích quan trọng nhất. Quần thể chùa tháp này được xây dựng và không ngừng được mở rộng cho đến thời Nguyễn thế kỷ XIX.
Toàn cảnh hội thảo
Đoàn đã tiến hành khai quật tại vị trí đỉnh núi - bàn cờ tiên, khu vực am - tháp phía dưới. Theo đánh giá sơ bộ của đoàn, dưới thời Trần, mặt bằng của khu vực Am Ngọa Vân chỉ có một cấp nền với quy mô tương đương với khu vực tòa Tam Bảo hiện nay. Tại đây, các công trình kiến trúc thời Trần có kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói mũi sen; quy mô của các kiến trúc này không lớn, thể hiện đúng tinh thần của Thiền tông là hòa đồng chứ không cùng thiên nhiên.
Về cơ bản, cấu trúc mặt bằng hiện nay với hai cấp nền được hình thành dưới thời Lê Trung hưng và được duy trì đến nay. Thời Nguyễn về cơ bản cấu trúc mặt bằng không thay đổi, các hoạt động xây dựng dường như chỉ diễn ra tại cấp nền phía trên. Sau khi được trùng tu hay dựng mới, các kiến trúc thời Nguyễn dường như vẫn duy trì cấu trúc và quy cách thời Lê Trung hưng trước đó. Đến thế kỷ XX, hầu hết các di tích tại Ngọa Vân bị sập đổ, do vậy tất cả nội dung thờ tự đã có hoặc chưa có ở Ngọa Vân đều được dồn về khu vực am Ngọa Vân.
Di tích Đá Chồng là khu vực có địa hình bằng phẳng, rộng rãi, có đầy đủ những yếu tố có thuận lợi cho quá trình sinh sống của con người. Các cuộc điều tra khảo cổ học tại đây cho thấy, Đá Chồng 1 đã thấy dấu vết của các công trình: Tịnh thất, khu trung tâm, khu vườn tháp, vườn chùa, hồ nước; Đá Chồng 2 có dấu vết của các công trình kiến trúc và lò nung vật liệu kiến trúc. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học năm 2017 cho thấy, dường như dưới thời Trần, tại khu vực vườn tháp đã có những am nhỏ được xây dựng tại đây. Dưới thời Lê Trung hưng, khi Ngọa Vân được trùng tu, tôn tạo, Đá Chồng đã được xây dựng và phát triển thành một quần thể chùa tháp lớn và hoàn thiện nhất trong các cụm kiến trúc chùa tháp tại Ngọa Vân.
Dựa trên các kết quả khai quật khảo cổ di tích, đoàn đưa ra các kiến nghị cụ thể với các di tích: quy hoạch chi tiết tổng đền An Sinh cần được điều chỉnh phù hợp với kết quả nghiên cứu của khảo cổ học, đồng thời kết nối với di tích lăng Tư Phúc, khai thác tối đa tính đa dạng địa hình và cảnh quan tự nhiên, biến đây thành khu công viên lịch sử văn hóa. Đối với di tích mộ táng Trại Lốc, cần hoàn lại mặt bằng của mộ; điều chỉnh tuyến đường khi đi qua di tích, khoanh vùng, đồng thời có phương án bảo vệ và phát huy lâu dài các giá trị của di tích. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cần tiến hành điều tra tổng quát khu vực xung quanh Thái lăng để tìm kiếm dấu vết của các di tích tương tự và lập quy hoạch bảo vệ các di tích nếu có.
Các đại biểu đang nghe giới thiệu về một số di vật được phát hiện
Quy hoạch di tích Am Ngọa Vân cần bảo tồn cấu trúc mặt bằng và cảnh quan hiện tồn; kết nối tổng thể với chùa Ngọa Vân và Tịnh am tạo thành một tổng thể: Chùa, am - tháp và tịnh thất. Cần có kế hoạch kịp thời bảo tồn Đoan Nghiêm và Phật Hoàng tháp, hai công trình kiến trúc quan trọng hiện còn tại di tích.
Đối với di tích Đá Chồng, đoàn kiến nghị việc phục dựng, tôn tạo lại quần thể kiến trúc này theo cấu trúc và quy mô mặt bằng thời Lê Trung Hưng đã phát hiện, qua đó đáp ứng được các yêu cầu về công năng, cảnh quan kiến trúc và tính khả thi cao. Đồng thời định hướng quy hoạch thành hai phân khu với vùng lõi là kiến trúc văn hóa tâm linh và vùng khai thác cảnh quan, phát triển dịch vụ, xây dựng Đá Chồng trở thành một trung tâm tín ngưỡng, tôn giáo và du lịch tâm linh. Hồ nước cần được cải tạo lại để vừa tạo cảnh quan vừa là nơi dự trữ nước sạch phục vụ sinh hoạt cho toàn bộ quần thể di tích Ngọa Vân...
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến về quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích, phương án bảo tồn, tôn tạo di tích... Để triển khai và thực hiện công tác quy hoạch, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích nhà Trần thì việc nghiên cứu cấu trúc, quy mô, xác định giá trị là quan trọng. Kết quả khai quật khảo cổ đã khẳng định giá trị của các di tích nhà Trần, qua đó sẽ cung cấp các luận cứ khoa để quy hoạch, đề xuất phương án bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích.
Tác giả: Hoài An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn