Tin tức

“Phê bình sinh thái trong Văn học Đông Nam Á: Lịch sử, Huyền thoại và Xã hội”

Thứ ba - 30/01/2018 04:48
Trong hai ngày 26-27/1/2018, Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Phê bình sinh thái trong Văn học Đông Nam Á: Lịch sử, Huyền thoại và Xã hội”. Đây là hội thảo thường niên lần thứ hai của Hiệp hội nghiên cứu Văn học và môi trường Đông Nam Á (ASLE- ASEAN). Hội thảo đã thu hút sự tham gia của 57 học giả trong và ngoài nước.

Sau những bước phát triển ở Mỹ và phương Tây, sinh thái học và nghiên cứu văn học sinh thái đang mở rộng đến nhiều khu vực của châu Á, trong đó có Đông Nam Á. Ở Việt Nam hiện nay, sinh thái học nói chung và phê bình văn học sinh thái đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Một số công trình nghiên cứu, các bài báo, hội thảo bắt đầu tập trung vào phê bình sinh thái học song sự phức tạp, đa dạng và những bước chuyển của phê bình sinh thái vẫn cần được khám phá và đi sâu nghiên cứu, khai mở ở nhiều nhánh khác nữa. Bởi lẽ, việc nhìn nhận văn học dưới lăng kính sinh thái sẽ đem lại những phát hiện mới mẻ và hữu ích, góp phần giải quyết những vấn nạn môi trường hiện nay do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gây nên. Hơn nữa, khu vực Đông Nam Á nói chung, văn học Đông Nam Á nói riêng đang là đối tượng được phê bình sinh thái học và các nhà sinh thái học trên thế giới hướng đến bởi ở đó những vấn đề về sinh thái-môi trường, sinh thái–văn hóa, sinh thái–tinh thần được thể hiện rõ.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo quốc tế “Phê bình sinh thái trong Văn học Đông Nam Á: Lịch sử, Huyền thoại và Xã hội” được tổ chức nhằm kết nối các diễn ngôn văn học với các cuộc thảo luận về môi trường, môi sinh; qua đó thúc đẩy xu hướng nghiên cứu liên ngành trong văn học nói riêng và KHXH&NV nói chung, gia tăng tương tác giữa nghiên cứu hàn lâm với các vấn đề thực tiễn trong xã hội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Phạm Quang Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thảo, nhất là khi chủ đề hội thảo chưa được quan tâm thấu đáo trong giới nghiên cứu.Hiệu trưởng tin rằng hội thảo sẽ đóng góp vào xu hướng hội nhập quốc tế của Trường ĐHKHXH&NV. Hiệu trưởng hy vọng các tham luận có thể được xuất bản và công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới, trong đó có các tạp chí thuộc danh mục ISI. Thay mặt Trường ĐHKHXH&NV, GS. TS Phạm Quang Minh khẳng định, Nhà trường luôn là một địa chỉ, diễn đàn đáng tin cậy để trao đổi và giao lưu học thuật, kiến tạo các giải pháp cần thiết chocác vấn đề thực tiễn.

GS. TS Phạm Quang Minh phát biểu khai mạc hội thảo

Sau phần khai mạc, hội thảo bước vào phiên toàn thể với tham luận chính của hai chuyên gia hàng đầu về phê bình sinh thái trên thế giới: GS. Hellen Tiffin (Đại học Wollongong, Australia) với tham luận “Các chiến lược tự sự và Sự sinh tồn của các loài”; và GS. Graham Huggan (Đại học Leeds, Vương quốc Anh) với tham luận “Những căng thẳng giữa con người-động vật và Hình tượng chú cá voi sầu muộn”.

GS. Hellen Tiffin trình bày tham luận tại hội thảo

Ngoài 2 phiên chung, hội thảo có 10 tiểu ban tập trung vào các vấn đề: hình dung về xã hội Đông Nam Á qua sinh thái học; sinh thái học về dân tộc và sự đa dạng của tộc người; phụ nữ và tự nhiên trong văn học Đông Nam Á; ý thức sinh thái học; văn hóa cổ xưa, nước, rừng và con người; sự kiến tạo huyền thoại về những dự vãng địa chất; huyền thoại và Sinh thái học; những ngụ ngôn môi trường về quá trình đô thị hóa; những bất công xã hội và môi trường; những khủng hoảng sinh thái do con người tạo ra và những diễn ngôn chấn thương.

Tác giả: Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây