Tin tức

Công chiếu phim tài liệu về quan hệ Việt Nam - Liên Xô - Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

Thứ năm - 26/04/2018 00:02
Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh công chiếu bộ phim tài liệu "Chiến tranh Việt Nam: Lợi ích quốc gia dân tộc" trên kênh HTV9 lúc 21h trong các ngày 24,25 và 26/4/2018, đúng dịp kỷ niệm 43 năm ngày Việt Nam thống nhất. "Chiến tranh Việt Nam: Lợi ích quốc gia dân tộc" là phim tài liệu lịch sử gồm 3 tập do Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty CP truyền thông Media 21 phối hợp sản xuất. Bộ phim đề cập đến những vấn đề mới về chiến tranh Việt Nam, theo hướng tiếp cận mới và có sự góp mặt trực tiếp của các chuyên gia sử học và quan hệ quốc tế đến từ Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN.

Chiến tranh Việt Nam theo cách gọi của người Mỹ hay cuộc Kháng chiến chống đế quốc Mỹ theo cách gọi của người Việt Nam là chủ đề đã được rất nhiều nhà làm phim khai thác trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là phía Mỹ. Tuy nhiên, Chiến tranh Việt Nam: Lợi ích quốc gia dân tộc có lẽ là bộ phim tài liệu đầu tiên hướng đến việc làm rõ các quyết sách quan trọng của Việt Nam đối với cuộc chiến đặt trong tổng thể của Chiến tranh lạnh; đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ phức tạp giữa Việt Nam và hai nước được coi là đồng minh lớn: Liên Xô và Trung Quốc.

3 tập phim với tổng thời lượng 90 phút được đúc rút từ hàng nghìn giờ phỏng vấn các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ, các tướng lĩnh Hoa Kỳ, các nhà cách mạng Việt Nam trực tiếp tham gia cuộc chiến và nhiều học giả hàng đầu nghiên cứu về cuộc chiến đến từ Việt Nam, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Australia; từ hàng chục vạn trang tài liệu được giải mật của Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các kho lưu trữ của Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam có thể mang nhiều yếu tố khác nhau nhưng tính chất xuyên suốt của nó là một cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam không chỉ phải dám đánh và đánh thắng Mỹ mà còn phải vượt qua chính mình và những những trở lực không nhỏ của các nước được gọi là đồng minh.   

GS. Carl Thayer: “Việt Nam là một nạn nhân của thỏa hiệp chính trị tại Hội nghị Geneve. Khả năng mặc cả của Việt Nam rất hạn chế trước những lợi ích của Liên Xô và Trung Quốc”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Thế giới xuất hiện một cái bối cảnh mới,.. tư tưởng chung sống hòa bình nó hình thành, nhưng liệu ở Việt Nam tư tưởng sống hòa bình liệu có chấp nhận được không? Và rõ ràng nếu chúng ta thỏa hiệp lúc đó, theo cái dòng của thời đại lúc đó ấy thì chắc chắn mục tiêu giải phóng miền Nam sau này sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

TS. Lê Kiên Thành: “Ông (Lê Duẩn) có kể lại trong một cuộc họp bàn về cách mạng miền Nam thì sau khi nói những vấn đề chính ông đứng dậy phát biểu gần như kết luận, nói với Bác Hồ là: thưa Bác, 1 trong những lý do để chúng ta có thể thắng được Mỹ là chúng ta không được sợ Mỹ nhưng đồng thời chúng ta cũng không được sợ Liên Xô, Trung Quốc.”

Báo cáo Tối mật ngày 30/9/1968 của CIA về Tranh cãi Xô-Trung và việc viện trợ cho Bắc Việt: “Mục tiêu viện trợ của Liên Xô cho Bắc Việt là nhằm gây ảnh hưởng lên Hà Nội. Mục tiêu của Trung Quốc cũng tương tự. Tuy nhiên, cả Liên Xô và Trung Quốc đều giới hạn viện trợ cho Việt Nam nhằm  tránh xung đột trực tiếp với Mỹ. Moscow và Bắc Kinh thường xuyên đánh giá rủi ro nhằm đề ra mức viện trợ quân sự cho Bắc Việt …”

GS. Vũ Dương  Ninh: “Chúng ta không phủ nhận, thậm chí chúng ta rất biết ơn cái sự giúp đỡ của họ bởi vì một khối lượng vật chất như vậy không phải là nhỏ đâu và sự ủng hộ về tinh thần thì cái điều đó là ta khẳng định. Cho đến bây giờ trong lịch sử nên ghi lại cái đó nhưng mặt thứ hai là ta đừng mơ hồ.”

Bộ phim Chiến tranh Việt Nam: Lợi ích quốc gia dân tộc được đạo diễn bởi: Bùi Chí Trung, Đặng Bảo Trung, Phạm Trung Thành, Vũ Kim Thu và Nghiêm Sỹ Thanh. Do thực hiện phim tài liệu lịch sử nên các nhà làm phim không có ý định gắn lịch sử với hiện tại. Tuy nhiên, hiện tại luôn là sự phản chiếu của lịch sử.  Với vị trí nằm trên trục đường hàng hải nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Đương, Việt Nam thực sự vẫn luôn nằm trong tầm ngắm của các nước lớn. Bài học lớn nhất được rút ra từ lịch sử là trong quan hệ với các nước, tuyệt đối phải đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết như một nguyên tắc bất di, bất dịch. Lợi ích quốc gia – dân tộc chính là mục tiêu cơ bản và nhân tố quyết định cuối cùng trong việc hoạch định chính sách để bảo đảm những nhu cầu sống còn nhất của một quốc gia, đó là độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ và sự thịnh vượng kinh tế.

Tác giả: Ussh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây