Đa dạng tôn giáo và văn hoá ở Việt Nam

Thứ hai - 17/03/2014 09:01
Ngày 15/3/2014, Trung tâm Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương và các vấn đề quốc tế phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại tổ chức toạ đàm “Đa dạng tôn giáo và văn hoá ở Việt Nam – lí luận và thực tiễn”.
Đa dạng tôn giáo và văn hoá ở Việt Nam
Đa dạng tôn giáo và văn hoá ở Việt Nam

GS.TS Đỗ Quang Hưng (phải) và PGS.TS Nguyễn Quang Hưng chủ trì toạ đàm. (Ảnh: Thành Long/USSH)

Toạ đàm có sự tham gia của các nhà quản lí nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo và văn hoá, các nhà nghiên cứu, các vị chức sắc đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Công giáo, các Hội thánh Tin lành, Thánh đường Hồi giáo, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Hà Nội… Đặc biệt, toạ đàm có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân – Phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ.

Đa dạng là một thuộc tính cơ bản của tất cả các nền văn hoá và các tôn giáo trên thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu ở tầm lí thuyết và phương pháp luận nhằm định hướng cho các tiếp cận học thuật và hoạt động thực tiễn. Trong khi đó, các thực hành quản lí nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo lại có xu hướng làm mất đi tính đa dạng của văn hoá và tôn giáo. Trong bối cảnh đó, toạ đàm đặt ra và thảo luận những vấn đề có tính lí luận trong nghiên cứu và quản lí đa dạng văn hoá và tôn giáo Việt Nam, chia sẻ kiến thức và tăng cường hợp tác để nâng cao chất lượng trong nghiên cứu và đào tạo về những lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi về những vấn đề quản lí nhà nước về tôn giáo và tín ngưỡng đang được quan tâm hiện nay, đồng thời lắng nghe những tiếng nói khác nhau của những người hoạt động thực tế trong các tôn giáo và tín ngưỡng.

Toạ đàm là hoạt động học thuật có ý nghĩa đặc biệt vì diễn ra trong bối cảnh các tổ chức nghiên cứu khoa học và các cơ quan làm chính sách văn hoá đang tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị ngày 2/7/1998 về công tác tôn giáo; Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành TƯ khoá VIII về Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyêt số 25 Hội nghị BCH TƯ lần thứ 7 khoá IX về vấn đề đề tôn giáo và công tác tôn giáo trong thời kì quá độ lên CNXH ở Việt Nam; Nghị định 2004 của CP về Tôn giáo và Tín ngưỡng.

Về phía Trường ĐHKHXH&NV, chủ đề hội thảo là một nội dung nghiên cứu quan trọng mà Trường đang triển khai thời gian qua. Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại đang thực hiện đề tài “Tôn giáo và văn hoá: nghiên cứu lí thuyết cơ bản và giải pháp khai thác các giá trị văn hoá – tôn giáo phục vụ phát triển xã hội hiện nay” do Quỹ Khoa học và Công nghệ quốc gia (Nafosted) tài trợ. Trung tâm Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương và các vấn đề quốc tế đang hợp tác với Tổ chức Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Đại học Yogyakarta (Indonesia) nghiên cứu đề tài “Tôn giáo, Chính sách và chuyển biến xã hội ở Đông Nam Á”.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây