Ngôn ngữ
GS.TS Nguyễn Văn Khánh (trái, Hiệu trưởng) trao Kỷ niệm chương và tặng hoa chúc mừng GS Kikuchi Seiichi. (Ảnh: Thành Long/USSH)
Buổi lễ trao Kỷ niệm chương cho GS. Kikuchi Seiichi có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học Việt Nam vốn là những đồng nghiệp, bạn bè thân thiết của GS trong nhiều năm qua. PGS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) đã điểm lại chặng đường gắn bó hơn 20 năm qua của GS. Kikuchi Seiichi với ngành Khảo cổ học Việt Nam.
GS. Kikuchi Seiichi sinh năm 1954 tại tỉnh Gunma (Nhật Bản). Ông sớm có tình yêu với đất nước và văn hoá Việt Nam khi còn trẻ và đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1979. Chuyến đi để lại cho ông nhiều kỷ niệm sâu sắc và cơ duyên khiến ông tìm đọc được cuốn “Cơ sở Khảo cổ học” do cố GS. Trần Quốc Vượng và GS. Hà Văn Tấn biên soạn. Trở về Nhật Bản, GS. Kikuchi đã quyết tâm tự học tiếng Việt và kiên trì dùng từ điển tiếng Việt để dịch cuốn sách ra tiếng Nhật trong nhiều năm trời. Đây chính là một trong những cuốn sách đầu tiên về khảo cổ học Việt Nam xuất bản tại Nhật.
Năm 1993, giảng viên đại học trẻ Kikuchi Seiichi đã quyết định sang Việt Nam nhằm học tiếng Việt và trực tiếp tham gia khảo sát, phối hợp khai quật khảo cổ tại nhiều di tích di chỉ ở Việt Nam. Nhà khoa học đã nhanh chóng hội nhập với giới nghiên cứu lịch sử và khảo cổ Việt Nam, chủ động học hỏi và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều nhà khoa học nổi tiếng như GS. Phan Huy Lê, GS. Hà Văn Tấn, GS. Lương Ninh, GS. Diệp Đình Hoa…
Sau hội thảo quốc tế năm 1990 về đô thị cổ Hội An, được sự ủng hộ và hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhật Bản, Hội An trở thành một biểu tượng cho quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa giới nghiên cứu hai nước nói chung và giới khảo cổ học nói riêng. Cùng với các đồng nghiệp, GS. Kikuchi Seiichi bắt đầu nghiên cứu về đô thị cổ Hội An một cách cơ bản, toàn diện, đặt Hội An trong bối cảnh lịch sử thương cảng miền Trung khu vực Đàng Trong cũng như bối cảnh khu vực. Sự phối hợp song hành giữa lịch sử khảo cổ học và kiến trúc đã đem lại kết quả rất tốt đẹp: Hội An trở thành di sản văn hoá thế giới và một trong hai di sản của tỉnh Quảng Nam.
Từ năm 1993 đến nay, GS. Kikuchi Seiichi đã công bố nhiều công trình khoa học liên quan đến đô thị cổ Hội An tại nhiều hội thảo khoa học, và tập hợp các nghiên cứu ấy trong cuốn chuyên khảo “Lịch sử đô thị cổ Hội An” xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Nhật. Say mê nghiên cứu trong nhiều năm trời, GS. Kikuchi Seiichi đã xây dựng được mối quan hệ mật thiết và tình cảm gắn bó với cộng đồng cư dân khu đô thị cổ. Trên thực tế, khá nhiều người dân khu đô thị Hội An biết và quen thuộc với hình ảnh nhà khảo cổ học người Nhật Bản trong những chuyến đi thực tế dài ngày của ông tại đây.
Cùng đô thị cổ Hội An, GS Kikuchi Seiichi dành sự quan tâm đặc biệt đến mối liên hệ của đô thị cổ Hội An với các thương cảng miền Trung, do đó dành nhiều thời gian để khảo sát các thương cảng từ Bắc Trung Bộ đến Nam Trung Bộ. GS cũng quan tâm đến mối quan hệ giao lưu giữa các trung tâm thương mại ở vùng biển, cửa sông. Lần theo các vết tích của các con đường giao thương của Nhật Bản và châu Á, GS có những khảo cứu sâu sắc về gốm sứ Hizen của Nhật Bản ở vùng Bảo Lập (Lâm Đồng), đồng thời có những quan điểm gây chú ý về lịch sử hình thành và phát triển của gốm sứ Hizen cũng như lịch sử xuất khẩu gốm sứ Hizen ra nước ngoài của người Nhật vào thế kỷ 17.
Đánh giá về những cống hiến và sự gắn bó của nhà khoa học Nhật Bản với Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Kim nói: “Bằng tình yêu với văn hoá lịch sử Việt Nam và sự say mê, trăn trở với nghiệp nghiên cứu, GS. Kikuchi Seiichi đã dấn thân, gắn bó rồi có những cống hiến lớn cho khảo cổ học Việt Nam. Những nghiên cứu của GS. Kikuchi về đô thị cổ, làng cổ ở nhiều địa phương của Việt Nam như đô thị cổ Hội An, thành nhà Hồ, làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), làng cổ Phước Tích (Huế)… đã đóng góp quan trọng trong việc đề nghị công nhận các di sản văn hóa quốc gia và di sản văn hoá thế giới”.
Ngoài ra, ông đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam với các nhà khoa học Nhật Bản; có nhiều sáng kiến trong tổ chức giao lưu văn hóa, hội thảo, diễn đàn khoa học Việt Nam – Nhật Bản và quốc tế. Những đóng góp của Giáo sư gắn liền với sự phát triển của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, mà cụ thể ngành Khảo cổ học của Nhà trường.
Vui mừng và xúc động trước tình cảm mà đồng nghiệp và bạn bè Việt Nam dành tặng, GS. Kikuchi phát biểu: “Tôi đã bị thu hút bởi đất nước Việt Nam từ khi còn nhỏ, và khi có cơ hội đi ra nước ngoài để công tác và mở mang kiến thức, Việt Nam là điểm đến đầu tiên. Tôi muốn nhờ Khảo cổ học để hiểu Việt Nam hơn”.
Ông cũng chia sẻ nhiều kỷ niệm về việc tự học tiếng Việt qua từ điển và trải qua nhiều khó khăn trong nhiều năm để có thể xuất bản được cuốn sách đầu tiên về khảo cổ học Việt Nam tại Nhật Bản. Đó là cơ duyên đầu tiên dẫn đến việc gắn bó phần lớn cuộc đời và sự nghiệp của ông với những nghiên cứu khảo cổ học tại Việt Nam.
Ở tuổi 60, GS. Kikichi Seiichi làm người nghe phải ngạc nhiên về sự sung sức và lòng nhiệt tình mà ông đặt vào những dự án nghiên cứu và thúc đẩy giao lưu học thuật tại Việt Nam trong những năm tới. Đầu tiên là dự định xây dựng quan hệ trao đổi sinh viên, giảng viên giữa Trường ĐH Nữ Chiêu Hoà với Trường ĐHKHXH&NV. Tiếp đó là ý tưởng tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tập đoàn, quỹ giao lưu Nhật Bản để xây dựng một trung tâm về hợp tác giao lưu lịch sử Việt Nam - Nhật Bản đặt tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Đây sẽ là địa chỉ cụ thể để triẻn khai những hoạt động hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong nghiên cứu giữa các nhà khoa học Việt Nam, Nhật Bản, hướng tới xây dựng ngành Khảo cổ học hiện đại và hội nhập quốc tế tại Việt Nam. Một trong những mối quan tâm lớn khác của GS. Kikuchi Seiichi là đẩy mạnh việc công bố và xuất bản các tư liệu quý liên quan đến quan hệ giao lưu hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong suốt chiều dài nhiều thế kỷ. Cuối cùng, GS. Kikuchi Seiichi chia sẻ, muốn bắt tay biên soạn cuốn từ điển khảo cổ học Việt Nam bằng 3 thứ tiếng Anh - Việt - Nhật như một công cụ nền tảng cho các nghiên cứu khảo cổ tại Việt Nam.
Nhà khoa học Nhật Bản phát biểu: “Bằng công việc chuyên môn, tôi muốn đóng góp sức lực của mình cho việc phát triển quan hệ giao lưu nghiên cứu giữa hai nước. Đặc biệt, tôi muốn giới trẻ hai nước có cơ hội tìm hiểu về nhau, tìm thấy vẻ đẹp và những giá trị đáng quý trong nền văn hoá lịch sử hai quốc gia, để trân trọng hơn những gì đã có và cùng nhau góp phần phát triển mối quan hệ hai nước Việt Nam - Nhật Bản trong tương lai”.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn