Đào tạo Du lịch học trong trường ĐH nghiên cứu

Thứ hai - 27/04/2015 03:37
Ngày 17/4/2015, Khoa Du lịch học tổ chức hội thảo “Đào tạo Du lịch trong trường đại học nghiên cứu”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học và nhà quản lý đến từ các trường ĐH, viện nghiên cứu và các Bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực du lịch.
Đào tạo Du lịch học trong trường ĐH nghiên cứu
Đào tạo Du lịch học trong trường ĐH nghiên cứu

Các tham luận đã đề cập đến những cơ hội và thách thức của ngành Du lịch nói chung và đào tạo nguồn nhân lực Du lịch nói riêng, đồng thời thảo luận những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngành Du lịch phù hợp với nhu cầu xã hội và xu hướng phát triển trên thế giới.

Ngành Du lịch được xác định là một ngành kinh tế cơ bản, mũi nhọn của đất nước. Mục tiêu của ngành Du lịch Việt Nam là phát triển theo hướng chuyên nghiệp với sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với khu vực và thế giới. Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.

Các ý kiến chuyên gia nhận định: cơ hội việc làm trong lĩnh vực du lịch khách sạn ngày càng tăng do tốc độ tăng trưởng của khách du lịch trong nước và quốc tế vẫn ở mức cao. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các cơ sở đào tạo nhân lực Du lịch trong nước.

Theo “Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” do Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch công bố năm 2012 thì tới năm 2015 cần 2,2 triệu lao động trong lĩnh vực du lịch, năm 2020 cần trên 3 triệu lao động. Từ năm 2015 tới năm 2020 phải nâng tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên sâu về du lịch từ 60% lên tới 80%-100%. Từ 2015, phải có ít nhất 90.000 lao động du lịch có trình độ đại học trở lên. Trong khi đó, theo "Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam giai đoạn 2011-2020" thì hiện nay mới chỉ có khoảng 3,2% số lao động toàn ngành có trình độ đại học và trên đại học, tức là chưa đến 20.000 người, bằng 22% yêu cầu đặt ra. Trung bình mỗi năm cần đào tạo thêm hơn 8.000 cử nhân đào tạo đại học và trên 500 thạc sĩ. Như vậy với nhu cầu này, các trường đại học ở Việt Nam chưa thể đáp ứng được.

Bên cạnh đó, những văn bản pháp lý về chiến lược phát triển giáo dục, phát triển du lịch… của Nhà nước và Bộ, ban ngành các cấp đã tạo ra căn cứ quan trọng để các cơ sở đào tạo hoạch định chiến lược phát triển và quy mô đào tạo phù hợp.

Đào tạo Du lịch học cũng đang đối mặt với một số thách thức:

Một là sự xuất hiện và phát triển của nhiều cơ sở đào tạo đại học du lịch trong cả nước theo kiểu “trăm hoa đua nở” với các nội dung và hình thức đào tạo khác nhau. Cả nước hiện có 62 trường đại học, cung cấp trên 1.000 cử nhân đại học tốt nghiệp các ngành liên quan đến du lịch hàng năm.

Hai là Du lịch học chưa có mã ngành đào tạo chính thức. Mã ngành là khuôn khổ chuẩn mực để tổ chức triển khai và quản lý nội dung đào tạo. Theo sự phát triển của xã hội, hệ thống mã ngành cũng cần được mở rộng để hỗ trợ các trường đại học và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Hiện nay việc đưa chương trình đào tạo, hướng dẫn du lịch vào mã ngành Việt Nam học không chỉ làm chất lượng sản phẩm đầu ra không đáp ứng được yêu cầu của ngành Việt Nam học mà còn không đáp ứng được yêu cầu của ngành Du lịch. Tương tự, mã ngành “Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành” cũng chưa hợp lý. 

Ba là sự cạnh tranh trong ngành Du lịch đã và đang đặt ra yêu cầu khắt khe hơn với đào tạo nhân lực của ngành. Đào tạo thực hành nghề du lịch rất công phu, mất nhiều thời gian và công sức. Các trường thiếu hụt giáo viên giảng viên giỏi về chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn. Những xu hướng du lịch mới, du lịch ra nước ngoài và đầu tư du lịch ra nước ngoài tăng… buộc các cơ sở đào tạo phải không ngừng điều chỉnh CTĐT và nội dung đào tạo phù hợp với thực tiễn ngành nghề.

Hiện nay, Khoa Du lịch học Trường ĐHKHKHX&NV là một cơ sở đào tạo có uy tín và thương hiệu về Du lịch học trong cả nước. Khoa là cơ sở đầu tiên mở chương trình Thạc sĩ Du lịch năm 2003, là khoa đầu tiên trong Trường ĐHKHXH&NV mở thành công CTĐT bằng kép vào năm 2009. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ cơ hữu và đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm của Khoa có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm thực tiễn và có khả năng ngoại ngữ đạt chuẩn.

Trong xu hướng phát triển Trường ĐHKHXH&NV theo định hướng ĐH nghiên cứu, Khoa Du lịch học xác định cho mình hướng đi trở thành cơ sở đào tạo theo hướng nghiên cứu. Đóng góp cho định hướng phát triển này của Khoa, các đại biểu đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức về đại học nghiên cứu trong tập thể cán bộ, sinh viên và học viên của Khoa. ĐH nghiên cứu phải là môi trường đại học đặt trọng tâm vào hoạt động nghiên cứu và đào tạo sau đại học, là nơi quy tụ và đào tạo giới nghiên cứu chuyên nghiệp cũng như có kết quả nghiên cứu đóng góp cho việc phát triển tri thức nhân loại. ĐH nghiên cứu phải là đại học đi theo hướng trở thành đại học tinh hoa.

Thứ hai, Khoa cần có định hướng chiến lược phát triển cụ thể và phù hợp với từng giai đoạn. Căn cứ vào nhu cầu xã hội và thế mạnh của mình, Khoa cần tập trung phát triển đào tạo sau đại học cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Cụ thể là nhanh chóng điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo thạc sĩ nghiên cứu, mở thêm CTĐT thạc sĩ ứng dụng, hoàn thành đề án đào tạo tiến sĩ chuyên ngành du lịch.

Thứ ba, Khoa cần đẩy mạnh liên kết đào tạo trong và ngoài nước, đặc biệt là liên kết với các cơ sở đào tạo có chương trình đào tạo tiên tiến để giúp Khoa nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực quản lý tổ chức. Khoa cũng cần mở rộng các CTĐT liên kết quốc tế để thúc đẩy trao đổi chuyên môn, chuyển giao công nghệ đào tạo và nghiên cứu; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp du lịch để củng cố mối quan hệ giữa Nhà trường và thực tiễn.

Bên cạnh đó, Khoa cần triển khai ngay hoạt động chuẩn đối sánh, tức là hình thành quá trình đánh giá liên tục công tác giảng dạy nghiên cứu, nghiên cứu học tập và áp dụng những bài học hay từ các cơ sở đào tạo tiên tiến.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây