Ngôn ngữ
Hội thảo diễn ra hai ngày (25 - 26/4) tại Bình Dương, thu hút hơn 300 bài nghiên cứu, bài viết của gần các nhà khoa học trong và ngoài nước trong đó có 18 bài nghiên cứu, bài viết của 18 tác giả đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ: Mỹ, Brazil, Đài Loan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Malaysia, và Úc. Trong đó, có các học giả quốc tế nổi tiếng, những người gắn phần lớn sự nghiệp khoa học của mình với Việt Nam như GS. Carl Thayer đến từ Học viện quốc phòng Úc, GS. Hugues Tertrais đến từ Đại học Paris I, TS. Piere Journoud đến từ Viện Lịch sử Quân sự (Bộ Quốc phòng Pháp), GS. Marc Gilbert đến từ Hội Sử học thế giới, GS. Pierre Asselin đến từ đại học Hawaii Pacific (Hoa Kỳ), GS. Yoshiharu Tsuboi đến từ đại học Waseda (Nhật Bản),…
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) khẳng định, 40 năm đã trôi qua kể từ khi kết thúc “Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam” mà thế giới gọi đó là cuộc “Chiến tranh Việt Nam”, nhưng dư âm của nó vẫn còn đang vang vọng đến hôm nay. Cho dù với tên gọi nào đi nữa, đó vẫn là một trong những trang sử hào hùng và chói lọi nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, là một trong những sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất đến thế giới trong thế kỷ XX. Thắng lợi của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại là kết quả của sự lãnh đạo đầy mưu lược, sáng tạo của Đảng và Bác Hồ, của sức mạnh đoàn kết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhưng trước hết và chủ yếu là thắng lợi của ý chí quyết chiến và quyết thắng của hàng triệu người con đất Việt đã không tiếc máu xương, anh dũng chiến đấu và hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Với thắng lợi đó, nhân dân Việt Nam đã hoàn thành được mục tiêu thống nhất đất nước, bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên hòa bình, độc lập, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
GS.TS Nguyễn Văn Khánh phát biểu tại hội thảo
Hội thảo xoay quanh 3 vấn đề lớn: Những vấn đề thống nhất đất nước (1954 – 1975); những vấn đề xây dựng và phát triển trong 40 năm (1975 – 2015); những vấn đề hội nhập quốc tế của Việt Nam trong 40 năm (1975 – 2015).
Ở chủ đề thứ nhất, các báo cáo, trao đổi đã góp phần làm rõ các câu hỏi do Ban chủ trì hội thảo đặt ra, đó là: Tính tất yếu thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và tính tất yếu thất bại của chiến tranh xâm lược thực dân mới trong những năm 1954-1975; chiến thắng ngày 30-4-1975 là kết quả của cả dân tộc trong 20 năm kháng chiến trường kỳ; hòa bình, thống nhất đất nước đã mở ra cho lịch sử dân tộc một thời kỳ mới.
Ở chủ đề thứ hai, hội thảo đã tập trung làm rõ những vấn đề: sự phát triển kinh tế, xã hội trong 40 năm qua (1975-2015) đã khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh của quốc gia thống nhất và phù hợp với quy luật vận động, phát triển hay chưa? Những thách thức trong đổi mới hệ thống chính trị và vấn đề phát triển ổn định, bền vững trong đổi mới; và vấn đề phát triển văn hóa, giáo dục nước nhà trong khi khoảng cách phát triển còn lớn, yêu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc có nhiều thách thức, quốc sách giáo dục và khoa học có nhiều bài toán khó.
Ở nội dung chủ đề lớn thứ ba, hội thảo đã bàn luận3 vấn đề: Một là, hội nhập quốc tế của Việt Nam thể hiện toàn diện hay có trọng tâm những đóng góp của Việt Nam đối với thế giới và khu vực; Hai là, những đóng góp của Việt Nam cần được nhìn nhận đánh giá đúng mức, khách quan và không phải chỉ có trong thời kỳ toàn cầu hóa; Thứ ba, là những bài học thiết thực rút ra cho Việt Nam cũng như nhiều quốc gia phát triển và hội nhập đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen nhau.
PGS.TS Phạm Quang Minh phát biểu tại hội thảo
Đa số các học giả cho rằng, để phát triển kinh tế - xã hội theo kịp các nước tiên tiến, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là hành chính công, tăng cường hợp tác quốc tế; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, phát triển trên các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn theo xu thế hội nhập quốc tế...Tại hội thảo, nhiều tư liệu quý về hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và vấn đề tình hình biển Đông cũng được công bố.
Phát biểu tại buổi lễ tổng kết, thay mặt Ban tổ chức, PGS-TS Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Huế, chia sẻ: “Hội thảo quốc tế “Việt Nam - 40 năm thống nhất, phát triển và hội nhập” đã khép lại, nhưng sức mạnh lan tỏa của hội thảo sẽ không dừng lại trong phạm vi của tỉnh Bình Dương năng động, hiếu khách bởi lẽ đây là kết quả của một quá trình chuẩn bị hết sức công phu, bài bản, khoa học của Ban tổ chức, Ban chủ trì và từng thành viên tham gia”.
GS. Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) phát biểu tại hội thảo
PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một cũng bày tỏ, sau hội thảo này các nhà khoa học sẽ có nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi thông tin, tư liệu về chủ đề của hội thảo để các nhà Việt Nam học, các học giả trong và ngoài nước tiếp tục có những phát hiện mới hơn, đi xa hơn trên con đường tiếp cận chân lý lịch sử. GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Tính chất quốc tế sâu rộng đã làm tăng chất lượng và giá trị khoa học của hội thảo. Hội thảo là điểm nhấn trí tuệ của chuỗi hoạt động tiến tới kỷ niệm 40 năm hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước”.
Hội thảo không chỉ là hoạt động hòa chung vào không khí kỷ niệm lịch sử của dân tộc Việt Nam, mà còn là một diễn đàn khoa học lịch sử và liên ngành với nhiều ý kiến, đóng góp khoa học nâng cao thêm nhận thức khoa học về 40 năm qua của lịch sử Việt Nam với những thành tựu to lớn trong thống nhất đất nước, đổi mới để phát triển và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện của Việt Nam.
Danh mục các bài tham luận của đoàn đại biểu các nhà khoa học trường ĐH KHXH và NV (ĐHQG Hà Nội) trình bày tại Hội thảo
|
Tác giả: ussh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn